Home » » MARX - TRIẾT GIA NGOÀI Ý MUỐN

MARX - TRIẾT GIA NGOÀI Ý MUỐN

Written By kinhtehoc on Thứ Hai, 14 tháng 5, 2012 | 03:00




Jean-François Dortier


Sự nghiệp của Marx khởi đầu bằng một sự phê phán nghiêm khắc về triết học. Nhưng sự nỗ lực xây dựng một lý thuyết về lịch sử, về chủ nghĩa tư bản và những cuộc khủng hoảng của nó ở Marx vẫn còn bị chi phối mạnh mẽ bởi hai yêu sách triết học: tinh thần hệ thống và tinh thần phê phán.

Trước khi là nhà cách mạng, Karl Marx đã là một triết gia. Năm 1841, vào độ tuổi 24, người thanh niên này đã có bằng Tiến sĩ Triết học. Luận án của anh, được soạn thảo bằng tiếng Hy Lạp cổ, có nhan đề làSự dị biệt của triết học tự nhiên ở Démocrite và Épicure. Sau cuộc tranh luận đầy uyên bác, đã có hai quan niệm về sự tự do và một cuộc chạm trán với các luận đề của Georg Hegel, mà tư tưởng vạch thời đại của chúng thay thế cho “nền triết học của Nhà nước quân chủ Phổ”(Friedrich Engels). Vì thế anh thanh niên Marx tham gia vào một nhóm “các nhà Hegel trẻ”. Nhóm này (David Strauss, Bruno Bauer, Arnold Ruge, Ludwig Feuerbach) tập hợp những môn sinh “chọc trời quấy nước” của Hegel. Họ theo một số tư tưởng nào đó của vị tôn sư: thuyết duy tâm (lịch sử là sự trở thành (le devenir) theo hướng quy tiến của lý tính), phép biện chứng (sự trở thành được thực hiện bởi những xung đột giữa các lực lượng đối lập), nhưng lại bác bỏ bài giảng mang tinh thần bảo thủ của Hegel: Nhà nước Phổ không phải là sự hiện thực hóa của lý tính, Kitô giáo không phải là sự hiện thân của đức hạnh: nó là “thuốc phiện của nhân dân” và là kẻ đồng lõa của trật tự xã hội. Cần phải quay trở lại với “những vũ khí của sự phê phán”, chống lại nền triết học của Nhà nước và tôn giáo. Chúng ta là người của những năm 1840, thời đại đầy biến động cách mạng trong một châu Âu già cỗi.

Trong những năm 1841-1847, Marx tự tách mình ra khỏi môi trường này. Anh dấn thân vào phong trào công nhân đang nảy sinh, đến Paris, rồi Bỉ, đấu tranh tư tưởng trên báo chí, gặp gỡ với các nhà cách mạng Paris, kết bạn với Engels. Tư tưởng của anh được triệt để hóa, và trong vài năm, anh ngưng các cuộc công kích triết học và xây dựng một viễn quan mới về thế giới.

Các nhà Hegel là những kẻ vô thần? Anh đi xa hơn, anh lên án thuyết duy tâm nói chung và tuyên bố mình là nhà duy vật. Họ tin rằng những tư tưởng có thể làm thay đổi thế giới? Càng ngày anh càng nghĩ rằng thế giới thay đổi từ bên dưới: nền kinh tế, lao động, các xung đột giai cấp.

Thuyết duy vật lịch sử

Tất cả đều xoay quanh ý niệm về sự tha hóa. Con người làm nên lịch sử của mình nhưng lại không biết cái lịch sử mà mình làm ra. Con người có một “ý thức sai lầm” về chính mình và về xã hội. Đối với các nhà Hégel trẻ, vai trò của sự phê phán là bóc tấm màn ảo tưởng ra để thế giới xuất hiện ra như là chính nó. Từ đó trở đi, Marx đã làm đảo ngược viễn tượng này. Đối với anh, sự tha hóa có những nguồn gốc của nó trong sự bóc lột. Và sự chấm dứt tình trạng tha hóa trước hết trải qua việc xóa bỏ cái xã hội đã sản sinh ra nó. Trong những năm này, anh viết nhiều, viết hăng say (1), chống lại nền triết học Đức và chủ nghĩa duy tâm của nó. Phần lớn các bản thảo này vẫn còn chưa xuất bản. Nhưng nào có hề gì, anh đã để chúng cho “sự phê phán gậm nhấm của những con chuột” như sau này Engels đã viết.

Bắt đầu từ đó, quỹ đạo của Marx dường như đã thay đổi triệt để. Marx đã thành nhà cách mạng chuyên nghiệp, chuyên tâm vào việc nghiên cứu thế giới hiện thực. Anh vùi đầu vào đọc các nhà kinh tế học Anh (Adam Smith, Thomas Malthus, và David Ricardo, vốn là người mà anh mượn lý thuyết về giá trị lao động), các nhà sử học Pháp (Augustin Thierry mà anh đã mượn ý niệm về sự đấu tranh giữa các giai cấp); sau này anh đọc Charles Darwin và bị lôi cuốn bởi lý thuyết của ông về sự tiến hóa của các loài. Sự phê phán của Marx về chủ nghĩa tư bản cần vạch rõ những mâu thuẫn nội tại đang ngầm phá nó. Và điều này diễn ra bằng một sự phê phán về kinh tế chính trị học của thời đại anh. Mục tiêu vì vậy có hai mặt : phê phán và khoa học. Mặt phê phán là vì những nhược điểm của một phương thức sản xuất được bộc lộ ra, mặt khoa học là do anh tiến hành khảo sát các quy luật phát triển và những mâu thuẫn của phương thức sản xuất ấy.

Vào năm 1848, lúc cuộc cách mạng diễn ra, anh soạn bản Tuyên ngôn của đảng Cộng sản trong thời gian bốn ngày. Những nét lớn trong viễn quan của anh về lịch sử đã được vạch ra trong bản ấy : sự đấu tranh giai cấp là động lực của lịch sử, các phương thức sản xuất nối tiếp nhau – chủ nghĩa cộng sản nguyên thủy, cổ đại, phong kiến, tư bản chủ nghĩa và tiếp theo sẽ là phương thức sản xuất cộng sản chủ nghĩa. Lịch sử tiến triển qua những bước nhảy vọt; các mâu thuẫn của một thời đại gây nên cuộc đấu tranh giữa các giai cấp. Giai cấp tư sản đã soán ngôi giai cấp quý tộc. Và rồi giai cấp vô sản sẽ lật đổ giai cấp tư sản và dựng lên một thế giới mới.

Cuộc cách mạng năm 1848 là một sự thất bại, nhưng là một sự thất bại tạm thời. Các mâu thuẫn vẫn còn chưa chín muồi. Marx có quá ít thời gian để bắt tay vào công trình vĩ đại của mình: Tư bản. Với Marx, chìa khóa của chủ nghĩa tư bản, của sự năng động và những khủng hoảng luôn tái diễn của nó nằm trong một cách thức (dispositif) bị che giấu: cơ chế của sự bóc lột. Sự đánh cắp một phần lao động của người vô sản là nguồn gốc của lợi nhuận, của sự đầu tư nhưng cũng của sự khủng hoảng. Kết cục là, có sự xung đột giữa sự sản xuất thặng dư của hàng hóa và sự bất lực đối với các nền kinh tế tiêu thụ chúng. Sự bóc lột, trên bình diện kinh tế, là cái đi đôi với những gì mà sự “tha hóa” ở thuyết Hégel diễn ra trên bình diện của ý thức.

Trong bốn mươi năm, ông vùi mình viết các bản thảo. Mọi sự hiện lên trên từng trang giấy : lịch sử của các phương thức sản xuất, các nền tảng của Nhà nước, các giai cấp xã hội, ý hệ. Nhưng tất cả vẫn còn ở dạng phác thảo, ghi chép và chú thích không ngừng được xây dựng. Marx không bao giờ hoàn tất được bộ Tư bản. Bị Engels hối thúc phải công bố bản thảo, Marx cho in quyển thứ nhất vào năm 1867, vốn được viết từ hai mươi năm trước đó. Nhưng những quyển sau, bàn về sự khủng hoảng, vẫn không hoàn tất.

Trên bình diện các cuộc công kích, rõ ràng là Marx đã đoạn tuyệt ngay từ năm 1845 với cái quá khứ triết học của mình, như cái nhan đề minh nhiên của tác phẩm mang tinh thần chống-triết học cuối cùng của ông: Sự khốn cùng của triết học là một minh chứng.

Về cơ bản, dù sao Marx cũng vẫn bảo lưu hai ý niệm then chốt (deux idées-clés) của thuyết Hegel. Ý niệm về “lý tính” trong lịch sử, lý tính đang trở thành này tán thành các quy luật bị che giấu và không thể xoa dịu của tư bản. Và ý niệm về phép biện chứng và về sự đấu tranh của các mặt đối lập. Ngay cả khi được đảo ngược thành thuyết duy vật thì cái cơ sở Hégel vẫn còn đó.

Về triết học, Marx lưỡng lự giữa hai xu hướng trái ngược nhau: tinh thần hệ thống và tinh thần phê phán. Tinh thần hệ thống đã dẫn ông tới việc viết một công trình vĩ đại trong đó ông vạch ra cái trật tự bị che giấu của thế giới; tinh thần phê phán đẩy ông tới chỗ luôn phải xử lý lại những gì mà ông đã tin là mình hiểu được sự che đậy này. Cho đến cùng, Marx vẫn là triết gia. Một triết gia dù ông có muốn hay không.

Đinh Hồng Phúc dịch

NOTE :
(1) Phê phán triết học pháp quyền của Hegel (1843), Vấn đề Do thái (1843), Phê phán triết học pháp quyền của Hégel – Lời nói đầu(1843), Các bản thảo (1844), Luận cương Feuerbach (1845), Gia đình thần thánh (viết chung với Engels, 1845), Hệ tư tưởng Đức (1845) và cuối cùng Sự khốn cùng của triết học (1847)là công trình kết thúc cái vòng này bằng một nhan đề minh nhiên.
Share this article :
 
Support : Creating Website | phuctriethoc | NGUYỄN VĂN PHÚC
Copyright © 2013. NGUYỄN VĂN PHÚC - All Rights Reserved
By Creating Website Published by KINH TẾ HỌC
Proudly powered by NGUYỄN VĂN PHÚC
NGUYỄN VĂN PHÚC : Website | Liên hệ | phuctriethoc@gmail.com
Proudly powered by Triết học kinh tế
Copyright © 2013. NGUYỄN VĂN PHÚC - All Rights Reserved