Home » » Con đường trở thành kẻ sĩ hiện đại

Con đường trở thành kẻ sĩ hiện đại

Written By kinhtehoc on Chủ Nhật, 13 tháng 5, 2012 | 06:21


Một hướng tiếp cận bài
Con đường trở thành kẻ sĩ hiện đại
của tác giả Nguyễn Khắc Viện
 
 
 
Trong thờTác phẩm của Nguyễn Khắc Việni đại ngày nay, việc tự mỗi người phải xây dựng được một nguyên tắc ứng xử thích hợp để tu dưỡng, hoàn thiện mình và để đóng góp nhiều cho đất nước, cho xã hội là một việc làm cần thiết.
Là nhà văn hóa nổi tiếng, một người đã hoạt động hết mình trong việc làm cho thế giới hiểu đúng về đất nước và con người Việt Nam văn minh, dân chủ, tác giả Nguyễn Khắc Viện đã đưa ra chủ kiến rõ ràng, một cách lập luận khúc chiết, vừa có lí vừa có tình trong bài Con đường trở thành kẻ sĩ hiện đại trích từ "Noi theo đạo nhà" trong cuốnBàn về đạo Nho của ông. Bài văn đã đặt ra vấn đề về con đường tu dưỡng và những yếu tố cơ bản làm nên phẩm chất của một trí thức chân chính trong thời đại ngày nay.
Hệ tư tưởng Nho giáo là một hệ tư tưởng phong phú, phức tạp, được tiếp cận từ nhiều góc nhìn khác nhau. Bài văn của tác giả Nguyễn Khắc Viện trình bày xoay quanh vấn đề đạo lí, việc tu dưỡng đạo đức cá nhân. Vì thế, góc nhìn Nho giáo của tác giả mang một ý nghĩa  mới. Có thể coi bài văn "Con đường trở thành kẻ sĩ hiện đại" là một áng văn nghị luận sắc sảo, có kèm theo những mảnh hồi ức, nhưng không phải là hồi kí văn học, được viết ra với mục đích chính luận khá rõ ràng. Như vậy, dưới góc tiếp cận một áng văn nghị luận mang mục đích chính luận rõ ràng, chúng tôi định hướng tiếp cận bài văn theo các ý cơ bản sau:
- Bố cục.
- Cách thức lập luận.
- Văn phong, ngôn ngữ diễn đạt.
 
Về bố cục, mạch lạc:
Bài văn có thể chia thành hai phần lớn:
Phần 1: từ đầu đến "con người trưởng thành"
Phần 2: phần còn lại.
Phần 1 nói về những ưu điểm của Nho giáo, phần 2 chủ yếu đề cập đến sự tu dưỡng của bản thân cũng như các bài học cụ thể được rút ra. Từ đây, mỗi vấn đề được nêu ra trong từng phần tiếp tục được tác giả làm sáng tỏ.
 
Về cách thức lập luận:
Lập luận là việc tổ chức trình bày ý kiến, luận điểm sao cho sáng rõ, nổi bật và thuyết phục. Cách lập luận trong bài văn nghị luận thể hiện ở nhiều cấp độ. Lập luận chặt chẽ, sắc sảo, thuyết phục thường biểu hiện qua cách sắp xếp, phối hợp các luận cứ (các lí lẽ, dẫn chứng) nhằm thuyết minh cho luận điểm.
Trong bài văn, tác giả đã thể hiện rõ sự linh hoạt, đa dạng trong cách lập luận. Tác giả thường kết hợp nhiều cách lập luận như so sánh, tăng cấp, đối thoại, đối lập, liên tưởng... để chỉ rõ những ưu thế nổi bật của Nho giáo về đạo lí và những chủ kiến của riêng tác giả về con đường của "kẻ sĩ hiện đại".
- So sánh, đối lập:
"Phân tích xã hội, để hiểu rõ lịch sử, xác định đường lối thì chủ nghĩa     Mác hơn hẳn, nhưng Mác trong đạo lí không được nổi bật và cụ thể như trong Nho giáo".
"Khi học về các nhà văn Pháp, như Raxin, Huygô chỉ chú ý đến tác phẩm và lời văn. Nhưng khi học về Chu Văn An, Nguyễn Trãi, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Cao Bá Quát, Nguyễn Công Trứ, Ngô Thì Nhậm, Phan Đình Phùng, Phan Bội Châu,... chủ yếu là nhớ đến những con người, những thân phận, những con người mà xã hội xưa gọi là nho sĩ".
- Đối thoại, đối lập:
"Nhân việc Viện Hàn lâm Pháp tặng giải thưởng năm 1992, có người chê trách tôi đã từng thay đổi ý kiến nhiều lần. Đúng, thời thế biến chuyển, tôi có thể thay đổi chính kiến, nhưng không thể thay đổi đạo lí. Đã gọi là đạo lí, không thể xa rời dù là chốc lát. Không vì giàu sang mà sa đọa, không vì nghèo khó mà xa rời, không khuất phục trước uy quyền, thời buổi nào cũng giữ được đường đi".
"Nhờ tư liệu phong phú, phương pháp phân tích xác đáng, họ đi sâu vào nhiều điểm còn hơn Nho sĩ của ta. Nhưng đọc sách vở của họ, vẫn thấy thiếu một cái gì, họ vẫn đứng ngoài mà nhìn vào, hiểu được học thuyết triết lí mà không nắm, không thấm được đạo lí. Họ thiếu cả một chiều dày truyền thống.
- Đối thoại, so sánh, tăng cấp:
"Tôi thích câu chuyện của Hứa Do nghe phái viên của nhà vua lần thứ hai đến mời ra làm quan, liền bỏ đi rửa tai, bảo là rửa sạch những điều dơ bẩn. Nhưng thích hơn cả là chuyện một nhà nho được vua gọi lên, bảo: "Nhà vua nên đến thăm tôi hơn là tôi đến thăm nhà vua". Vua hỏi vì sao - "Vì nếu tôi đến thì tôi mang tiếng là nịnh vua, còn vua đến tôi thì vua được tiếng là tôn trọng người hiền, quí kẻ sĩ (tức trí thức)". 
Như vậy, hệ thống lập luận của tác giả rất chặt chẽ và giàu sức tác động thuyết phục, tập trung làm nổi bật chủ đề, thể hiện một tinh thần đối thoại bình đẳng, thẳng thắn. Tác giả đưa ra các chủ kiến riêng, độc lập trên cơ sở phân tích các lí lẽ, dẫn chứng một cách duy lí, khoa học. Qua đó, cốt cách của "kẻ sĩ hiện đại" Nguyễn Khắc Viện đã biểu lộ rõ:
+ Một con người thấm nhuần truyền thống đạo lí Nho gia, nên biết rút tỉa tinh hoa của nó kết hợp với tinh hoa của nhiều học thuyết khác để xác định tư thế, cách thức dấn thân, hành xử của mình.
+ Một con người thẳng thắn, tự tin bày tỏ chủ kiến một cách chặt chẽ, khoa học.
+ Một con người luôn đề cao bản lĩnh ứng xử khẳng khái, tự tin của các nhà Nho với vua chúa và với hoàn cảnh, thời thế.
 
Về văn phong, ngôn ngữ:
Trong bài văn, tác giả Nguyễn Khắc Viện đã thể hiện tài năng của một cây bút báo chí lão luyện với lối viết giản dị, trong sáng mà cứng cỏi, mạnh mẽ. Ngôn ngữ khúc chiết, hàm súc, giàu sức biểu cảm. Câu văn được sử dụng rất linh hoạt, có nhiều câu văn rút gọn chủ ngữ. Chẳng hạn:
"Không nhìn lên trời, không nghĩ đến những gì xảy ra khi chết, không thấy cần thiết biết có thần linh hay không có, không tìm tuyệt đối, không mong      trở về với Chúa, thoát khỏi vòng luân hồi, chỉ mong làm con người cho ra      con người".
"Phải thông qua phong cách và thân phận của một ông bố mới hiểu thấu sách của Khổng Mạnh".
"Khi học về các nhà văn Pháp, như Raxin, Huygô chỉ chú ý đến tác phẩm và lời văn. Nhưng khi học về Chu Văn An, Nguyễn Trãi, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Cao Bá Quát, Nguyễn Công Trứ, Ngô Thì Nhậm, Phan Đình Phùng, Phan Bội Châu,... chủ yếu là nhớ đến những con người, những thân phận, những con người mà xã hội xưa gọi là nho sĩ".
Cách diễn đạt này ít nhiều đã thể hiện tính khách quan trong lập luận, tránh việc phô diễn, tô vẽ cái "tôi" một cách thái quá. Kể chuyện riêng của mình, nêu chủ kiến của mình nhưng không có ý áp đặt mà muốn khẳng định sự cần thiết của việc nêu ví dụ về con đường phấn đấu. Khi tước bỏ đại từ "tôi" làm chủ ngữ chỉ chủ thể của câu nói, tác giả muốn hướng thẳng tới đối tượng, phá bỏ khoảng cách giữa người viết với người tiếp nhận. Bằng cách này, độc giả có thể thâm nhập ngay vào cốt lõi của vấn đề nghị luận.
Cũng có khi tác giả sử dụng các câu hàm ý khẳng định, nhấn mạnh:
"Có tự kiềm chế, khắc kỉ, khép mình vào lễ  nghĩa mới nên người. Có mở rộng tầm nhìn, lấy văn mà tô đẹp mới thành người. Có gắn bó với người khác thì mới thật là người. Có thấu hiểu bản thân, tri thiên mệnh mới là con người trưởng thành".
"Có thể liên minh chính trị với quỷ, chỉ kết bạn với người có "đạo", dù là "đạo" khác. Liên minh chỉ nhất thời, nghĩa bạn là lâu dài.
Nhìn chung, tác giả đã có một cách nhìn duy lí, thấu suốt về vấn đề, có tinh thần tự chủ cao độ, hiểu và nêu rõ những việc mình cần làm và phải làm. Tác giả chọn cách viết thẳng thắn, không hề né tránh đối thoại với những chê trách mình, thậm chí trái ngược với những quan điểm của mình. Thậm chí, tác giả cũng thừa nhận chính mình cũng thay đổi chính kiến. Từ đó, chân dung của một kẻ sĩ thấm nhuần đạo lí Nho gia, tiếp thu tinh thần duy lí của phương Tây và dấu ấn một cái tôi rất cá tính của một "ông đồ Nghệ" thể hiện rất đậm nét. Nguyễn Khắc Viện là người có đầy đủ thẩm quyền để luận về con đường trở thành "kẻ sĩ   hiện đại".
 
N.T.B.H
 
Nguồn tin: TCNV 02-2012
Share this article :
 
Support : Creating Website | phuctriethoc | NGUYỄN VĂN PHÚC
Copyright © 2013. NGUYỄN VĂN PHÚC - All Rights Reserved
By Creating Website Published by KINH TẾ HỌC
Proudly powered by NGUYỄN VĂN PHÚC
NGUYỄN VĂN PHÚC : Website | Liên hệ | phuctriethoc@gmail.com
Proudly powered by Triết học kinh tế
Copyright © 2013. NGUYỄN VĂN PHÚC - All Rights Reserved