Home » » Mối quan hệ giữa văn học dân gian và văn học viết trong lịch sử văn học dân tộc

Mối quan hệ giữa văn học dân gian và văn học viết trong lịch sử văn học dân tộc

Written By kinhtehoc on Thứ Sáu, 10 tháng 2, 2012 | 23:03

Mối quan hệ giữa văn học dân gian và văn học viết trong lịch sử văn học dân tộc

Nguyễn Đình Chú
Đây là một trong những vấn đề cơ bản của lịch sử văn học dân tộc mà khoa nghiên cứu văn học có nhiệm vụ phải làm sáng tỏ. Bởi lẽ lịch sử văn học dân tộc bao gồm hai bộ phận chính dựa theo hai phương thức sáng tác khác nhau, truyền miệng và thành văn, nhưng lại còn liên quan đến hai loại hình tác giả có vị trí xã hội, hoàn cảnh sinh sống, quan niệm nhân sinh, tư tưởng, tình cảm, kể cả hoàn cảnh sáng tác, tâm thế sáng tác, động cơ sáng tác có mặt khác nhau. Hai bộ phận văn học đó có quan hệ với nhau. Nhưng việc nhận thức về mối quan hệ này trong thực tiễn nghiên cứu lại có sự khác nhau và cũng có quá trình vận động tiến lên. Phần viết sau đây là muốn đưa ra một cách nhận thức tối ưu trên cơ sở quan sát, tổng kết, rút kinh nghiệm từ những gì đã có ở những người đi trước.
♦ ♦ ♦
Đúng là chưa bao giờ văn học dân gian cổ truyền của dân tộc lại sống dậy huy hoàng và được nhận thức sâu sắc về giá trị và vai trò của nó như trong thời đại ngày nay.Trong những thành tựu hiện đại về việc nghiên cứu văn học dân gian cổ truyền của dân tộc, có một luận điểm khoa học cực kỳ quan trọng được nhiều người thừa nhận là: chính văn học dân gian là nền tảng của sự phát triển, kết tinh của nền văn học dân tộc. Luận điểm này vừa là sự khẳng định vai trò của văn học dân gian, vừa là điều cốt lọi nhất khi nói về mối quan hệ giữa văn học dân gian và văn học viết,vừa là phương pháp luận đối với việc nghiên cứu lịch sử văn học dân tộc nói chung. Luận điểm này xét đến cùng là dựa trên qui luật cơ bản về vai trò của nhân dân Việt Nam trong lịch sử Việt Nam mà cũng đến thời đại cách mạng đã thành công, quan điểm nhân dân làm chủ đất nước đã trổi dậy với tính chất chính thống, đặc biệt là trong giai đoạn chống Mỹ cứu nước vừa qua mới như được phát hiện lại, nhận thức lại một cách đầy đủ hơn. Dĩ nhiên nó còn phải được tiếp tục nhận thức sâu sắc hơn trong tương lai. Trước thời đại cách mạng thành công, một số vị thức giả như Võ Liêm Sơn(1), Nguyễn Hữu Tiến và Nguyễn Trọng Thuật(2)... đã nêu cao vai trò “tảng móng, tinh tuý của văn học dân gian đối với nền quốc học của ta”. Nhưng những ý kiến quí báu đó lại đang ở trạng thái trực cảm, chưa được nâng lên trình độ phân tích lý luận và do đó chính các tác giả của nó cũng chưa hình dung được thật rõ những điều mình nói. Còn với chúng ta hôm nay, muốn vượt qua giai đoạn nhận thức trực cảm để tiến vào giai đoạn nhận thức lý tính, phải có lý luận khoa học hỗ trợ, mặc dù công việc nhận thức lý tính này tự nó cũng lại phải có một quá trinh từ thấp lên cao. Nói vậy để thấy công tác lý luận ở phương diện này là đang cần được quan tâm nhiều hơn nữa. Có như thế, luận điểm khoa học nói trên mới có khả năng được quán triệt trong công việc nghiên cứu văn học dân tộc một cách sâu sắc và cụ thể. Ví như với Truyện Kiều chẳng hạn. Từ lâu, các nhà nghiên cứu đã nói đến mối quan hệ giữa Truyện Kiều với văn học dân gian. Nhưng từ chỗ chỉ giới hạn mối quan hệ đó trong phạm vi một số yếu tố nghệ thuật là thể tài lục bát và thành ngữ tục ngữ... như lâu nay vẫn thấy đến chỗ kết luận rằng: Truyện Kiều đã kết tinh trên cơ sở văn học dân gian(3) quả là một điều hoàn toàn không đơn giản bởi nó đã thay đổi chất lượng của sự nhận thức, có thể nói là thay đổi qui mô của vấn đề. Chúng ta sẽ cố gắng góp phần vào việc giải quyết yêu cầu trên bằng cách làm sáng rõ hơn mối quan hệ giữa văn học dân gian và văn học viết để từ đó xác định rõ hơn vai trò làm nền của văn học dân gian trong lịch sử văn học dân tộc.
Khi nói đến vai trò làm nền của văn học dân gian trong lịch sử văn học dân tộc, chúng ta dễ nghĩ ngay đến bộ phận văn học dân gian ra đời có thể nói là cùng với sự ra đời của lịch sử dân tộc và tồn tại, phát triển trong một thời gian dài trước khi có văn học viết. Bộ phận văn học dân gian nguyên thuỷ này bao gồm chủ yếu là các thể loại thần thoại, thần thoại pha truyền thuyết, truyền thuyết, truyền thuyết pha thần thoại ,truyện cổ, dân ca cổ, ca dao tục ngữ cổ.. .chắc đã bị mai một đi không ít trong thời gian, nhưng gần đây với sự hỗ trợ tích cực của những thành tựu khoa học lịch sử như dân tộc học lịch sử, ngôn ngữ học lịch sử, đặc biệt là khảo cổ học, nó đang được sưu tầm lại ngày một phong phú, bề thế. Từ đó vấn đề cần kết luận là: chính kho tàng văn học dân gian sơ khai, nguyên thuỷ đó đã là nền tảng vững chãi, đã là ngọn nguồn trong mát đầu tiên của lịch sử văn học dân tộc. Vấn đề tiếp theo ở đây là làm sao miêu tả, chứng minh, khôi phục lại được dấu vết cụ thể của văn học dân gian nguyên thuỷ từng tồn tại và chi phối, từng làm cơ sở kết tinh tư tưởng thẩm mỹ trong nền văn học viết ra đời và phát triển về sau. Chắc chắn là có trạng thái đơn giản, trực tiếp dễ thấy, có trạng thái tinh vi, phức tạp, gián tiếp khó thấy hơn nhưng chưa hẳn đã kém quan trọng hơn. Thật ra ở đây cũng không thể hiểu vấn đề vai trò của văn học dân gian nguyên thuỷ đối vơí nền văn học viết về sau một cách hẹp hòi theo hướng hạn chế nội hàm của khái niệm văn học dân gian chỉ còn lại là những văn bản được ghi chép lại như là cái bóng của một hình thức vốn tồn tại như một cơ thể sống và có quan hệ chằng chịt,gắn bó với nhiều hình thái của văn hoá sơ khai như trò chơi,lễ hội,kể cả phong tục.
Sự xuất hiện của nền văn học dân gian trước khi có nền văn học viết và tính chất ngọn nguồn, làm nền của nó đối với nền văn học viết ra đời sau nó, thật ra là qui luật phổ biến trong lịch sử văn học của mọi nước trên thế giới.Lịch sử văn học Việt Nam ở phương diện này không có gì là đặc thù. Nhưng lịch sử văn học Việt Nam sẽ có qui luật đặc thù ở chỗ: sau khi có văn học viết rồi thì văn học dân gian đã không teo đi, ngược lại vẫn tồn tại như một giòng riêng và phát triển, do đó vẫn tiếp tục và tăng cường vai trò làm nền cho sự kết tinh của văn học viết. Tại sao có hiện tuợng đó? Có lý do xã hội nhưng trực tiếp là thuộc lý do văn tự. Nền văn học viết Việt Nam bắt đầu bằng văn học chữ Hán(4). Chữ Hán vốn là chữ viết của Trung Hoa, được bọn xâm lược nhà Hán du nhập vào nước ta từ đầu công nguyên nhằm làm công cụ văn hoá nô dịch. Từ lâu chúng ta vẫn chưa biết gì đáng kể về tình hình người Việt Nam tiếp nhận thứ chữ Hán đó trong suốt thời kỳ bị Bắc thuộc, ngoài một số sự kiện từng được sử sách ghi chép gồm: việc một số quan lại Trung Hoa trên đất Việt như Nhâm Diên, Sĩ Nhiếp, Tích Quang truyền bá Hán học,việc một số người Việt sang học hành và làm quan ở Trung Hoa như Lý Tiến, Lý Cầm..., việc xuất hiện một số tác phẩm Phật giáo được viết bằng chữ Hán. Do đó, đến nay khoa văn học sử vẫn đang tạm phải ghi nhận sự xuất hiện của nền văn học viết bằng chữ Hán ở nước ta là từ thế kỷ 10(5). Nhưng ai là người Việt Nam có thể sáng tác văn học chữ Hán trong thời đại phong kiến xưa? Dĩ nhiên, về cơ bản, không phải là đông đảo quần chúng nhân dân lao động. Đến khi có chữ Nôm và văn học chữ Nôm ra đời từng được tính từ cuối thế kỷ 13 trở đi, tình hình có khác nhưng vẫn không đơn giản. Bởi chữ Nôm đúng là một sáng tạo độc đáo của dân tộc ta trên quá trình phát triển tinh thần tự cường tự chủ trong đó phải ly khai dần hiện tượng Hán hoá. Nhưng trong điều kiện ngặt nghèo của hoàn cảnh lịch sử dân tộc, chữ Nôm vẫn chưa phải là một sản phẩm thuần tuý dân tộc. Nó được cấu tạo từ những yếu tố của chữ Hán. Và như thế thì với chữ Nôm, đông đảo quần chúng nhân dân cũng chỉ mới chiếm lĩnh được âm và nghĩa chứ không thể chiếm lĩnh được tự. Trong xã hội xưa, muốn biết chữ Nôm, trước hết phải biết chữ Hán. Sau này từ cuối thế kỷ 17 bắt đầu có chữ quốc ngữ do các cố đạo phương Tây trong đó đặc biệt có vai trò của cố đạo người Pháp Alêchdăng Đơ Rôt sáng chế ra bằng cách dùng mẫu tự la tinh phiên âm tiếng Việt để có công cụ truyền giáo và ít nhiều có liên quan tới kế hoạch bành trướng của chủ nghĩa tư bản phương Tây trong đó có tư bản Pháp. Đối với chữ quốc ngữ, buổi đầu bị một sồ sĩ phu yêu nước từ chối (Nguyễn Đình Chiểu không cho con học chữ quốc ngữ, Nguyễn Trường Tộ đề nghị xây dựng chữ quốc ngữ bằng cách dùng chữ Hán nhưng đọc theo âm Việt), nhưng sau đó thì dần dần sử dụng, đặc biệt với các chí sĩ Đông kinh nghĩa thục(6) thì còn có chủ trương phổ biến trong toàn dân, tạo điều kiện nâng cao dân trí nhưng bị thực dân Pháp ngăn chặn. Riêng đối với thực dân Pháp thì trước sau vẫn dùng chính sách nhỏ giọt, cho phổ biến chữ quốc ngữ trong chừng mực cần cho công cuộc đô hộ của chúng mà thôi. Cho nên chữ quốc ngữ, dù là thứ văn tự quần chúng đông đảo có thể chiếm lĩnh, nhưng trong điều kiện như vậy, về cơ bản cũng chưa thể chiếm lĩnh để sáng tác văn học.
Tóm lại, tình hình văn tự như trên vừa nói chính là nguyên nhân trực tiếp làm phát sinh qui luật: trong lịch sử văn học Việt Nam, sau khi đã có văn học viết ra đời, văn học dân gian vẫn tiếp tục tồn tại, phát triển và do đó vẫn tiếp tục đóng vai trò làm nền cho sự phát triển và kết tinh của văn học viết. Tuy nhiên để cho quan điểm “làm nền” này được triển khai thực sự, lại còn phải làm sáng tỏ một loạt vấn đề sau đây:
1) Vấn đề định nghĩa về văn học dân gian.
Định nghĩa về văn học dân gian có lịch sử riêng của nó. Từ một cách gọi, một cách duy danh nhưng chưa định nghĩa như Nguyễn Du là “thôn ca”, là “tang ma ngữ” (thôn ca sơ học tang ma ngữ - Thanh minh ngẫu hứng) đến một chương “Dẫn luận” gồm phần “Giới thuyết - Những đặc trưng của văn học dân gian” trong giáo trình Văn học dân gian của Đinh Gia Khánh và Chu Xuân Diên thuộc tủ sách Đại học Tổng hợp Hà nội (nay là Đại học khoa học xã hội và nhân văn, Đại học quốc gia Hà nội), xuất bản năm 1972, rõ ràng công việc định nghĩa về văn học dân gian đã trải qua hai giai đoạn của nhận thức: cảm tính và lý tính, phản ánh hai giai đoạn phát triển khoa học ở nước ta nói chung: trực cảm hỗn hợp và duy lý phân tích. Riêng về giai đoạn nhận thức lý tính đối với văn học dân gian, tự nó cũng có một quá trình từ đơn giản đến phong phú, từ phiến diện đến hoàn chỉnh. Thông thường các định nghĩa được triển khai trên hai bình diện chính: những thuộc tính nội tại (tính truyền miệng, tính tập thể...) những thuộc tính liên quan tới đời sống văn hoá xã hội đã góp phần sản sinh ra văn học dân gian. Gần đây, khái niệm văn học dân gian đã được giới thuyết với một nội hàm có tính tổng hợp, nguyên hợp. Văn học dân gian không chỉ có phần lời mà còn có sự gắn bó giữa lời với nhạc và vũ, với văn hoá dân gian nói chung. Do việc giới thuyết văn học dân gian với một nội hàm được mở rộng và có tính tổng hợp, nguyên hợp như vậy mà dường như có sự khập khiễng giữa thuật ngữ “văn học dân gian” với nội hàm mà nó phải chứa. Phải chăng, để tránh sự khập khiễng đó mà nhiều người lại chuyển sang dùng thuật ngữ “văn hoá dân gian”, “ phôncơlo”.
Luận điểm về vai trò làm nền của văn học dân gian đang cần làm sáng tỏ ở đây quả là có liên quan mật thiết tới định nghĩa về văn học dân gian như trên. Nếu định nghĩa văn học dân gian chỉ là một số thể tài quen thuộc và chỉ là ở lời mà không thấy tính chất toàn diện, tính tổng hợp, nguyên hợp, trạng thái tồn tại của nó như một cơ thể sống thì làm sao nhìn rõ được mối quan hệ giữa nó với nền văn học viết để từ đó mà phát hiện tiếp về vai trò làm nền của nó. Ví như với vấn đề đã đặt ra ở Truyện Kiều chẳng hạn, nếu quan niệm hẹp như vậy, một câu hỏi đơn giản thế này đặt ra: liệu Nguyễn Du đã biết những tác phẩm văn học dân gian gì mà bảo Truyện Kiềuđã kết tinh trên cơ sở văn học dân gian? Thì câu trả lời chắc chắn gặp lúng túng. Còn theo quan niệm mở rộng, tổng hợp tương ứng với thuật ngữ “văn hoá dân gian”, “phơncơlo” thì dễ có khả năng nhìn được mối quan hệ bề thế, đa diện giữa Truyện Kiều với văn học dân gian và từ đó cũng dễ có khả năng nhìn ra vai trò làm nền của văn học dân gian trong sự kết tinh giá trị Truyện Kiều trên cả hai phương diện nội dung và hình thức. Trên phương diện nội dung,một trong những điều lớn lao nhất của Truyện Kiều là tình thương bao la bát ngát cho những kiếp người đau khổ, đặc biệt là phụ nữ: “Đau đớn thay phận đàn bà”.Vậy thử hỏi, cái tình cảm lớn lao đó, một khi đã không phải trên trời rơi xuống cho Nguyễn Du, thì từ đâu đến là chính? Từ cuộc sống và tâm lý trưởng giả hay từ cuộc sống và tâm lý dân gian? Từ nền văn học bác học đã có trước Nguyễn Du hay từ nền văn học dân gian truyền thống? Không cần nói ra thì kết luận thế nào chúng ta đã biết, nhất là với ai đã quen với phương pháp hệ thống trong khoa học. Có thể dẫn ra đây thêm một trường hợp để tham khảo. Đó là trường hợp nhà nghiên cứu văn học của Liên Xô cũ là giáo sư tiến sĩ Niculin. Trong bài giới thiệu cho bản dịch thơ Hồ Xuân Hương ra tiếng Nga, ông cũng đã triển khai quan điểm thơ Hồ Xuân Hương kết tinh từ văn học dân gian thông qua việc phân tích một số bài thơ cụ thể như bài Đánh đu. Tác giả đã gắn bài thơ với tục chơi đu trong đời sống văn hoá dân gian ở các lễ hội, đặc biệt vào dịp đầu xuân với ý nghĩ rằng: không có hiện tượng văn hoá dân gian đó thì không có bài thơ Đánh đu như đã có với Hồ Xuân Hương. Nếu chiều hướng như thế được chấp thuận thì rõ ràng quan điểm làm nền của văn học dân gian đối với nền văn học viết sẽ có cơ sở để triển khai thực sự trong nhiều trường hợp khác của lịch sử văn học dân tộc.
2) Vấn đề tác giả văn học dân gian.
Vấn đề tác giả của văn học dân gian cũng liên quan mật thiết tới việc triển khai luận điểm khoa học về vai trò làm nền của văn học dân gian. Chung quanh vấn đề tác giả văn học dân gian tưởng là đơn giản nhưng thực ra vẫn có vấn đề. Có tình trạng chỉ chú ý đến vai trò của tập thể trong sáng tác văn học dân gian theo quan điểm trừu tượng phi giai cấp về con người. Có tình trạng xác định tác giả theo quan điểm đẳng cấp, giai tầng mà ở đấy lại có sự tranh chấp trong nội dung kết luận cụ thể. Trước 1975, trong khi phần đông các nhà nghiên cứu theo quan điểm mác-xit ở miền Bắc gần như đã thống nhất với nhau trong kết luận tác giả văn học dân gian là nhân dân, là bình dân, là quần chúng, là dân chúng lao động thì đó đây ở miền Nam lại có kết luận cho rằng tác giả văn học dân gian chỉ là các nhà nho, các sĩ phu. Vậy bên nào đúng, bên nào sai? Hay bên nào cũng vừa có cái đúng vừa có cái chưa đúng? Ở đây, quả lại có một số còn điều phải làm rõ thêm:
  • Nội hàm có tính lịch sử cụ thể của khái niệm bình dân (hoặc dân chúng, hoặc quần chúng, hoặc nhân dân lao động) là gì?
  • Vai trò của trí thức bình dân có hay không trong việc sáng tác văn học dân gian? Có ở mức độ nào trong tương quan với vai trò của quần chúng lao động?
  • Những trí thức khác không thuộc trí thức bình dân liệu có vai trò gì trong việc sáng tác văn học dân gian?
 
Share this article :
 
Support : Creating Website | phuctriethoc | NGUYỄN VĂN PHÚC
Copyright © 2013. NGUYỄN VĂN PHÚC - All Rights Reserved
By Creating Website Published by KINH TẾ HỌC
Proudly powered by NGUYỄN VĂN PHÚC
NGUYỄN VĂN PHÚC : Website | Liên hệ | phuctriethoc@gmail.com
Proudly powered by Triết học kinh tế
Copyright © 2013. NGUYỄN VĂN PHÚC - All Rights Reserved