Home » » Sầu Đông

Sầu Đông

Written By kinhtehoc on Thứ Hai, 18 tháng 6, 2012 | 07:05


Quê tôi miền Bắc, cây sầu đông được trồng khắp các nẻo đường, mỗi nhà đều có một vài cây để dành cho khi xây cất nhà mới mai này. Người miền Bắc hay lo xa, thường tính chuyện đến cả đời con cháu, những nghĩ suy, tính toán trở thành thói quen, một thói quen cẩn thận và nhức đầu. Tôi thích quả xoan hơn là hoa của nó, mùa hè là lúc tôi không phải đến trường cắm đầu vào những bài tập, cũng là lúc những trái xoan xanh, vàng lủng lẳng trên cành. Chúng tôi hò nhau ném cho xoan rụng. Từng chùm, từng chùm rơi xuống mặt đất, cả đám lao vào tranh cướp, cãi nhau chí chóe rồi bắt đầu chơi. Bọn con gái chơi bán hàng, chơi ô ăn quan, còn lũ con trai chúng tôi đem ra làm đạn bắn nhau, tiếng hò hét và tiếng cười đùa vang vọng khắp làng. Cuối cuộc chơi, những nhánh xoan xơ xác, quả xoan nằm lăn lóc khắp nơi, người lớn lại càu nhàu lũ trẻ phá phách, không biết dọn dẹp, nhưng chẳng bao giờ cấm chúng tôi nghịch ngợm, để rồi ngày hôm sau lại vừa càu nhàu vừa quét dọn những đống ngổn ngang.
Ảnh minh họa, nguồn: Internet 

Chị, con gái Huế thướt tha, nghiêng nghiêng vành nón lá mỏng tang. Lần đầu tiên cầm chiếc nón Huế, mẹ tôi đã chặc lưỡi, nón thế này thì làm gì được, rồi vội đem nilông, kim chỉ ra khâu thêm một lớp bao bên ngoài, cái nón trở nên thô kệch, nhưng lại rất bền chắc. Tôi cười, mẹ đúng là bà già Bắc Bộ, ăn chắc mặc bền. Mẹ lườm tôi một cái, không thế thì anh chị có gạo mà sống à. Tôi gặp chị ngay ngày đầu tiên đến đất Huế mơ mộng, chiếc áo tím trên cầu Tràng Tiền vào buổi chiều nhạt nắng khiến tôi dừng bước. Chị nghiêng nón, đổ xuống dòng Hương những cánh hoa xoan tía, bắt gặp cơn gió nhẹ, những bông hoa lặng lẽ xoay tròn, xoay tròn,… chị cười mơ màng như trời đất Huế nên thơ. Tôi ngỡ ngàng trước cảnh đẹp như câu chuyện cổ có nàng tiên thướt tha đi rải hoa hạnh phúc xuống nhân gian.

Thật tình cờ, ngôi nhà mà mẹ tôi thuê lại là nhà của chị. Chúng tôi quen nhau từ đó, chị coi tôi như một thằng em trai đáng yêu và tôi cũng xem chị như một người chị cả. Trong nhà, tôi là con đầu lòng. Đứa sinh trước thường ít được chiều chuộng hơn đứa sinh sau, nên nói gì thì nói, đôi khi tôi cũng thèm có được một người chị dịu dàng, xinh đẹp, chứ đứa em gái ngỗ nghịch của tôi, chiều theo nó thôi đã làm tôi mệt mỏi lắm rồi, quát mắng thì sợ nó khóc, nhún nhường thì nó đè đầu cưỡi cổ. Đành chịu thôi, ai bảo tôi làm anh nó làm gì. Sinh trước hay sinh sau đâu phải do tôi lựa chọn.
Chị yêu những cánh hoa sầu đông tim tím, mỗi độ Xuân về, hoa nở thành từng chùm san sát, chi chít, chen lấn hết cả màu xanh của lá. Mỗi đợt gió Xuân về, những cánh hoa theo gió bay trắng cả không gian. Mùi hương thơm nồng nàn, da diết. Mỗi bông hoa có năm cánh trắng, giữa cánh hoa là một đường gân màu tím, sắc nhạt, buồn hiu. Màu tím với tôi dường như luôn là một cái gì đó nhạt nhòa, không chắc chắn. Khi chị mặc chiếc áo tím, tôi cảm thấy chị như đang nhòa đi trong nắng chiều. Khi chị ôm những chùm xoan tím, tôi ngỡ chị hòa lẫn vào hoa. Chị cho tôi cái cảm giác mong manh, yếu đuối mà rất mực dịu dàng. Một vẻ đẹp khiến người ta liên tưởng tới sự tan loãng. Chị như sương khói xứ Huế mênh mông, tím biếc, buồn tênh.
Rồi chị lấy chồng. Mẹ tôi lại chặc lưỡi, “Tội nghiệp, con bé đẹp như thế mà số đời bạc phận”. Tôi nhìn mẹ khó hiểu, có gì mà bạc phận, chị lấy một người giàu sang, anh ta lại rất xứng đôi, nhìn họ hầu như không thấy có khuyết điểm nào để chê trách. Mẹ xoa đầu tôi thở dài, “Khi nào con lớn hơn, hiểu được lẽ đời con sẽ rõ, cái mà con đạt được không phải bằng sự cố gắng và niềm đam mê của mình, nó không cho con niềm hạnh phúc. Nếu con vươn tới mục tiêu bằng cách nhờ vào người khác thì dù có thành công, cái mà con có được sau sự thành đạt ấy cũng chỉ là sự trống rỗng. Con người phải tự đi trên đôi chân của mình. Hạnh phúc do bản thân tạo ra chứ không may mắn được người ta ban tặng đâu. Mọi thứ trên đời đều có giá của nó. Cố gắng là cách con người giảm bớt cái giá phải trả cho ham muốn của mình.” Tôi mơ hồ hiểu được những gì mẹ nói. Chị lấy chồng không phải vì chị yêu người ấy. Anh ta giàu và có thể đưa chị ra nước ngoài sống như chị vẫn mong ước. Tôi không hiểu tại sao con người mơ mộng như chị cuối cùng lại lựa chọn một cuộc sống nặng về vật chất đến vậy. Người chồng Đài Loan sang trọng, mối tình duyên chóng vánh, chị vội vã theo chồng sau ngày cưới rộn ràng, ồn ào cả một khúc sông Hương.  
Chị đi rồi căn nhà vắng hơn trước rất nhiều. Tôi cũng chênh chao, hụt hẫng. Tôi không yêu chị bằng tình yêu nam nữ, nhưng tôi yêu chị bằng tình thương của những người trong một gia đình. Thiếu bóng chị, ngày mưa đất Huế càng thêm lạnh lẽo, hoa sầu đông rụng tơi tả khắp sân nhà, mẹ tôi giúp bà chủ thu gom vào một góc. Nhìn những cánh hoa dập nát, tôi thấy thương cho thân hoa tội nghiệp. 
Rồi đi qua mùa Hạ, rồi lướt thướt Thu buồn cũng trả về với vòng xoay của thời gian, rồi mùa Đông đến, sầu đông rụng lá, trơ cành trên nền trời ảm đạm. Và lại Xuân sang, ngày cứ nối ngày, tháng lại nối tháng, năm nối năm, bốn mùa xoay tròn như sầu đông trước gió, chị thưa tin dần rồi bặt tăm. Mẹ chị ngày nào cũng ngồi trước hiên trông ngóng, mỗi lần người đưa thư đi qua lại thắc thỏm mừng thầm để rồi hụt hẫng. Tôi nhìn mà muốn rơi nước mắt. Ôi mẹ một con, những tưởng gả con vào giếng ngọc, ai ngờ… Bà càng lúc càng ít nói hơn, mỗi độ Xuân về lại lặng lẽ đi gom hoa sầu đông vào một góc, đôi tay già nua run rẩy như thể sợ làm đau những cánh hoa buồn. 
Bất ngờ chị về, tả tơi, xơ xác như sầu đông qua cơn mưa bão, nhìn chị khô gầy như thể gió thổi cũng bay được. Người mẹ già run lập cập ôm chị vào lòng. Nước mắt rơi đầy cho vơi đi niềm tủi hận. Tôi quay mặt đi, cố giấu trong tim nỗi nghẹn ngào. Mẹ tôi ôm lấy chị, đôi tay bà vỗ nhẹ lên tấm lưng mỏng manh, “Về là tốt rồi.” Chị khóc. Đó là lần đầu tiên tôi thấy chị khóc, những giọt nước trong veo như mưa đầu mùa. “Chị đừng đau lòng”. Tôi ôm chị trong vòng tay của thằng con trai hai mươi lăm tuổi, mới thấy chị còn nhỏ nhắn hơn cả trong tâm tưởng của mình. 
Có chị về, sầu đông như tươi hơn một chút, chị lại nhặt những cánh hoa tim tím thả đầy vào chiếc nón Huế mỏng tang, tiếng chị trầm lắng hơn trong cảm xúc nghẹn ngào, “Cái giá chị phải trả quá đắt.” Chị cười buồn như trời chiều đất Huế. Tôi im lặng nhặt giúp chị những cánh tím mỏng manh, cố gắng để không làm đau những cánh hoa tội nghiệp. Tôi vốn không giỏi ăn nói, lại không phải là kẻ biết dịu dàng, tôi sợ lời nói của mình sẽ làm chị tan vỡ mất. 
Chiều trên cầu Tràng Tiền uốn cong như mảnh trăng lưỡi liềm, chị thả từng nắm hoa sầu đông xuống dòng nước xanh mát, lặng lờ. Giá như chị có thể thả trôi cả những tháng ngày trên đất khách. “Mai này chị sẽ làm gì?” Tôi rụt rè hỏi, chị nhìn tôi, cái nhìn có chút ngỡ ngàng rồi bật cười, “Em dường như chẳng thay đổi chút nào. Nếu yếu đuối, nhu nhược, chị đã chẳng thể trở về, cậu ngốc ạ!” Tôi ngơ ngác, rồi chợt hiểu. Nắng chiều nhạt dần, dòng Hương bảng lảng sương khói, những con thuyền trở về nằm trên bến, khói lam chiều vương nhẹ qua những ngọn cây. Màu tím nhạt dần, sự sống tạm nghỉ ngơi sau một ngày mệt nhọc, chị nghiêng nón, những cánh hoa còn lại nhẹ rơi xuống sông như những giọt nước mắt, xoay tròn, xoay tròn…
Vũ Thị Huệ (VNQĐ
Share this article :
 
Support : Creating Website | phuctriethoc | NGUYỄN VĂN PHÚC
Copyright © 2013. NGUYỄN VĂN PHÚC - All Rights Reserved
By Creating Website Published by KINH TẾ HỌC
Proudly powered by NGUYỄN VĂN PHÚC
NGUYỄN VĂN PHÚC : Website | Liên hệ | phuctriethoc@gmail.com
Proudly powered by Triết học kinh tế
Copyright © 2013. NGUYỄN VĂN PHÚC - All Rights Reserved