Home » » Sân quê

Sân quê

Written By kinhtehoc on Thứ Hai, 18 tháng 6, 2012 | 07:06


Trong những ngày thu đầy mưa bão, ngồi trong căn phòng chốn thị thành lại thấy phấp phỏng nhớ quê đến thế. Phía dưới cửa sổ tầng một có bà lão đi ngang qua đưa tay quết nước trầu càng làm cho nỗi nhớ thắp bùng lên. Đấy là cái sân gạch cũ rêu đã phủ mờ dọc lối đi. Sát chân tường, đám cây dương xỉ con đua nhau mọc. Bà ngồi trên cái ghế con bỏm bẻm nhai trầu và chọn giống đỗ cho mùa gieo hạt mai kia.

Vụ lúa vừa qua đi, mùn thóc và những vụn rơm còn vương đầy trong kẽ gạch. Qua vài trận mưa rào, có hạt thóc đã nhú mầm thàmh cây mạ chui lên từ khe hở của những hòn gạch cũ. Cái chổi nan quét nhiều mùa đã mòn vẹt nằm phơi bên lối đi. Đám cỏ gà cũng được thể mọc lan ra, giăng mắc lên nhau vấn vít không hề bận tâm có bao nhiêu bàn chân đi qua mình. Lũ trẻ con đùa nghịch đi nhổ từng cây mạ lên, hì hục cấy vào đám đất nhão nhoét bên cái mương nước nhỏ sau nhà. Bà tủm tỉm : “Cha bố các anh chị, làm thế mà được thóc ăn thì bà đã chả khổ…”. Thế mà bọn trẻ cũng vẫn còn nhớ cảm giác tay mình cấy xuống bùn đất một mầm xanh cho mãi đến sau này và vui sướng biết bao…

Mấy đứa trong làng đi mót lạc ngoài đồng về qua ném ào vào sân nắm mầm lạc trắng nõn. Nhấm nháp mấy cái mầm ấy thấy ngọt kỳ lạ. Mùi nó hăng hăng, ngai ngái. Có lẽ chẳng món ăn nào ở phố phường có cái mùi như thế.  Dù có đi tận trời Âu, trời Mỹ cũng không thể tìm thấy món ăn nào như vậy. Và đâu đấy, trong những đêm mưa bão, đám trẻ quê ngày ấy lại thấy xa tít trong tiềm thức những mùa nước tràn về, lạc nhổ vội đứt rễ nổi đầy đồng mà thầm lo mùa no đói của người quê.
Lũ trẻ đắp cho tuổi thơ của mình cao lên, cao lên mãi bởi những trò chơi vặt quanh khu vườn, cái sân và từ sự tìm kiếm. Nhiều cây bé xíu được phát hiện và biết tên. Từng đám kiến, con sên hay chú giun đất đều bị thăm dò nơi ở… Thế giới tự nhiên ùa vào tâm hồn chúng hồn nhiên của lũ trẻ tìm cách sống chung hài hoà với thế giới ấy. Vì thế mà dù một vườn bưởi đầy gai nhưng chúng trèo hái quả không bao giờ bị gai cào. Càng đi, mới lại càng ngẫm ra, chuyện tránh mấy cái gai cũng không phải là chuyện nhỏ. Đâu đấy trong chặng đường dài của đời mình, ngộ ra chuyện trèo cây hái bưởi thủa nào mà thấm thía. Hay chuyện trên cây nhãn có tổ ong to tướng mà lũ trẻ vặt quả cũng ít khi bị đốt. Chính từ góc vườn cũ kỹ mà đám trẻ học được cách sống với những xô bồ, ồn ã của đời người.  Nghĩ thế mà thương cho tuổi thơ của con mình. Vào kỳ  nghỉ hè, bố mẹ đi làm, chúng bị nhốt trong căn nhà chật chội.  Xem ti vi chán, chúng bèn đem giấy ra vẽ vời, hay bỏ đám ô tô, siêu nhân ra chơi trận giả. Và có bữa chúng khóc thét lên khi bỗng dưng trong chậu cây cảnh xuất hiện chú giun đất dài ngoằng. Hoặc chúng ngồi vô cảm trước cái chết của một cậu bé siêu nhân đánh nhau trên truyền hình…
Đôi lúc có thời gian, tập cho con ngắm trăng trên sân thượng cũng chẳng thể giúp chúng hình dung ra cái ông trăng to tròn vành vạnh trên cao kia ngự trị khắp cánh đồng vi vút  gió…Đồng quê có sức ám ảnh riêng và kỳ lạ. Thảo nào, đứa con nhỏ hằng bảo thích nhất là nằm mơ thấy mình chạy nhảy khắp các luống cày. Và nhìn thấy mầm xanh từ đó bật lên. Giấc mơ của con mình hoá ra cũng nảy mầm từ gốc gác bờ tre, giếng nước. Cánh cò trong lời ru xưa đã biết bay về phía mặt trời…
Bà vẫn ngồi ở đấy, bên góc sân đượm nắng. Mái tóc bà nghiêng nghiêng về phía thời gian đang trôi trên đám hoa nhài khe khẽ khép cánh. Đám trẻ xâu những chiếc hoa núc nác thành xâu dài và khoác lên cổ mình. Cánh hoa loe ra như chiếc kèn đồng màu tím lúc lắc, cùng nhảy nhót với âm điệu đồng dao ngộ nghĩnh. Mảnh sân đầy lá và tiếng chim. Chúng tôi lớn lên lúc nào không biết trong vũ điệu chung của thiên nhiên. Nhưng mấy ai sống mãi cùng tuổi thơ. Bà cũng đã đi xa. Mảnh sân ấy còn với nắng mưa nhưng tẻ nhạt. Thời gian đã bồi lên nó bao xa vắng bởi lẽ cuộc sống ngày một kéo những đứa trẻ như chúng ta đi thật xa chốn cũ. Về thắp cho bà nén hương mà thấy lòng nghẹn ngào. Làng đã dần dần hoá phố, đâu đó cũng quán xa bày bán đủ thứ như thành phố. Đám trẻ không còn mặn mà với mấy trò chơi xưa cũ, chúng mải mê chơi điện tử hay chát chít. Cái sân nằm đấy buồn hiu hiu với đám cỏ phất phơ. Đồng làng ngày càng hẹp lại nhường chỗ cho Khu công nghiệp nhả khói ngày đêm. Hạt lúa buồn nảy mầm ở góc sân. Chỉ có đám chim sẻ nhảy nhót và cơ man lá rụng, đâu tiếng cười nào xa lắc lơ… Hết vụ, trai tráng trong làng rủ nhau đi làm thuê, làm mướn vãn người. Cái sân cũng ngủ quên trong chờ đợi mùa lúa, mùa rơm…
Mai Phương
(Tạp chí Sông Thương

Share this article :
 
Support : Creating Website | phuctriethoc | NGUYỄN VĂN PHÚC
Copyright © 2013. NGUYỄN VĂN PHÚC - All Rights Reserved
By Creating Website Published by KINH TẾ HỌC
Proudly powered by NGUYỄN VĂN PHÚC
NGUYỄN VĂN PHÚC : Website | Liên hệ | phuctriethoc@gmail.com
Proudly powered by Triết học kinh tế
Copyright © 2013. NGUYỄN VĂN PHÚC - All Rights Reserved