Luận Đề về Feuerbach
11 Luận Đề này được Marx viết khoảng chừng năm 1845, sau đó được Engels hiệu đính năm 1888 và đính kèm như một phụ lục trong quyển sách mỏng “Ludwig Feuerbach và Kết Thúc của Triết Học Cổ Điển Đức.” Churl Firebeck dịch theo nguyên bản năm 1845 bởi Marx.
Luận Đề về Feuerbach
I
Khiếm khuyết chủ yếu của toàn bộ chủ nghĩa duy vật từ trước tới nay – bao gồm cả của Feuerbach – rằng sự vật, hiện thực, và tri giác chỉ được cảm nhận ở dạng khách thể hay tư duy, chứ không phải hoạt động cảm quan con người, không phải chủ thể. Vì vậy, tương phản với chủ nghĩa duy vật, phía chủ động lại được phát triển một cách trừu tượng bởi chủ nghĩa duy tâm – lẽ dĩ nhiên, chủ nghĩa duy tâm thì lại không hề nhận biết được những hoạt động tri giác thực tế đến thế.
Feuerbach đòi hỏi vật thể cảm quan, hoàn toàn biệt lập với vật thể tư duy, nhưng ông không công nhận hoạt động con người như là khách quan. Vì vậy, trong “Bản Chất của Cơ Đốc Giáo,” ông xem hoạt động lý thuyết là hoạt động thuần túy con người, còn thực tiễn thì chỉ được hình thành và cố định trong hình dạng cụ thể Do Thái trần tục. Vì vậy ông không thể nào nắm bắt được tầm quan trọng của hoạt động cách mạng, phê bình-thực tiễn.
II
Vấn đề rằng hiện thực khách quan có thể được quy kết là do tư duy con người hay chăng không phải là một vấn đề lý thuyết mà là một vấn đề thực tiễn. Con người phải chứng minh hiện thực – nghĩa là, hiện thực và năng lực, phía chủ quan của tư tưởng trong thực tiễn. Tranh luận về tính hiện thực hay không hiện thực của tư tưởng mà lại tách biệt khỏi thực tiễn thì chỉ thuần túy là một vấn đề kinh viện.
III
Học thuyết duy vật cho rằng con người là sản phẩm của hoàn cảnh và giáo dục và rằng, do đó, con người thay đổi là sản phẩm của hoàn cảnh thay đổi và giáo dục đã biến chuyển, quên mất rằng con người thay đổi hoàn cảnh và tất yếu phải giáo dục chính người làm công tác giáo dục. Vì thế, học thuyết này nhất thiết dẫn đến việc chia xã hội ra làm hai, một phần thậm chí còn vượt trội hơn xã hội.
Sự trùng hợp trong thay đổi hoàn cảnh và hoạt động con người chỉ có thể được công nhận và hiểu biết xác đáng như là hoạt động cách mạng.
IV
Feuerbach bắt đầu từ sự tách biệt chủ quan tôn giáo, về việc nhân đôi thế giới thành một thế giới tôn giáo và một thế giới trần tục. Tác phẩm của ông tập trung vào việc giải hoặc đưa thế giới tôn giáo trở lại nền móng thế tục.
Nhưng việc nền móng thế tục lại tự tách biệt khỏi chính mình và tự thiết lập chính mình như một lãnh địa độc lập trên mây chỉ có thể được giải thích bởi sự chia tách và tự mâu thuẫn trong chính nền móng thế tục. Thế giới trần tục, vì vậy, phải được nhận thức qua mâu thuẫn và thay đổi qua thực tiễn. Vì vậy, thí dụ, sau khi khám phá được rằng gia đình trần thế chính là bí mật của gia đình thần thánh, phải phê bình gia đình trần thế trong lý thuyết và cách mạng trong thực tiễn.
V
Feuerbach, không thỏa mãn với suy nghĩ trừu tượng, đòi hỏi tư duy, nhưng ông không công nhận tri giác như hoạt động cảm quan con người thực tiễn.
VI
Feuerbach giải hoặc đưa bản chất tôn giáo trở lại bản chất con người. Tuy nhiên bản chất con người không phải là vật thể trừu tượng vốn có trong mỗi con người.
Trong thực tế thì đó là toàn thể các quan hệ xã hội.
Feuerbach, chưa hề đi vào phê bình bản chất thật sự này, vì vậy ông bắt buộc:
1) Phải trừu tượng hóa ra khỏi quá trình lịch sử và cố định thế giới quan tôn giáo như riêng một mình và phải phỏng đoán một cá nhân trừu tượng – biệt lập.
2) Phải công nhận bản chất con người như là “giống nòi,” một đặc tính tổng quát nội tại, lặng thinh thống nhất vô số cá nhân một cách tự nhiên.
VII
Feuerbach, vì vậy, không nhận ra rằng “cảm quan tôn giáo” chính là một sản phẩm xã hội, và rằng cá nhân trừu tượng ông phân tích thuộc về một hình thái xã hội riêng biệt.
VIII
Toàn thể đời sống xã hội tất yếu đều thiết thực. Tất cả những gì bí hiểm dẫn lý thuyết đến mức huyễn hoặc đều tìm thấy lời giải hợp lý trong thực tiễn con người và trong chính hiểu biết về thực tiễn này.
IX
Điểm cao nhất đạt đến được của chủ nghĩa duy vật tư duy, nghĩa là, chủ nghĩa duy vật không nhận thức được tri giác như là hoạt động thực tiễn, chính là tư duy của cá nhân độc lập và xã hội thị dân.
X
Chỗ đứng của chủ nghĩa duy vật cũ là xã hội thị dân, chỗ đứng của chủ nghĩa duy vật mới là xã hội loài người, hay nhân loại xã hội.
XI
Các nhà triết học chỉ mới diễn giải thế giới theo nhiều cách khác nhau; vấn đề là phải thay đổi thế giới.
(Die Philosphen haben die Welt nur verschieden interpretirt, es kommt darauf an sie zu veraendern.)