Home » » Chương trinhfVostok Phần 3

Chương trinhfVostok Phần 3

Written By kinhtehoc on Chủ Nhật, 5 tháng 2, 2012 | 02:01

Đội phi hành gia số 1
Danh sách các ứng viên được chọn cho chuyến bay đầu tiên theo nghị định đặc biệt của Chính phủ được đưa ra ngày 05/01 và 22/05 năm 1959. Dựa trên nghị định đặc biệt bí mật này, các phi công nhiều triển vọng được chọn lựa từ các đơn vị không quân, sau đó tham gia huấn luyện chuyến bay vũ trụ. Bắt đầu từ tháng 10 năm 1959, từng nhóm phi công tới Trung tâm nghiên cứu khoa học - y học Hàng không quân sự, để trải qua các kỳ kiểm tra sinh lý tổng thể. Giám đốc viện - bác sỹ Nikolay Gurovsky được bổ nhiệm vị trí mới cho việc kiểm tra các hoạt động sinh lý. Sau đó, chúng tôi nhờ sự quan tâm của Gurovsky không chỉ đến các phi hành gia mà còn đến cả công nghệ không gian.
Một ủy ban y học lựa chọn các phi hành gia, sau đó các bài kiểm tra được tiến hành để kiểm chứng sức khỏe các ứng viên, vô số các bài kiểm tra được thực hiện suốt thời gian huấn luyện: ngồi trong ghế quay tròn và đu đưa, ngồi trong máy ly tâm, 10 ngày trong buồng cô lập… Uỷ ban tiến hành kiểm tra trí nhớ, sự lanh lợi tinh thần, sự xoay sở trong tình huống căng thẳng, khả năng quan sát, khả năng chịu đựng trong môi trường thiếu Oxy và nhiều thứ khác. Ngoài ra ủy ban hướng dẫn luyện tập thân thể và nhảy dù. Trên 250 ứng viên ban đầu chỉ có 20 người đáp ứng được các yêu cầu, Bộ tư lệnh Không quân ban hành quyết định về thành lập biệt đội phi hành gia đầu tiên
Korolev và vợ Nina Ivanovna Koroleva cùng với nhóm phi hành gia số 1, bức ảnh nổi tiếng này chụp ở Khu nghỉ dưỡng Sochi, tháng 05/1961. Từ trái qua phải, hàng ngồi: Các phi hành gia Pavel Popovich, Viktor Gorbatko, Yevgeniy Khrunov, Yuriy Gagarin; Sergey Korolev và vợ Nina Koroleva (đang bế con gái của Popovich), giám đốc Trung tâm huấn luyện phi hành gia Yergeniy Karpov, huấn luyện viên dù Nikolay Nikitin và nhà vật lý Yevgeniy Fedorov. Hàng thứ 2: Các phi hành gia Aleksey Leonov, Adrian Nikolayev, Mar Rafikov, Dmitriy Zaykin, Boris Volynov, German Titov, Grigoriy Nelyubov, Valeriy Bykovsky và Georgiy Shoni. Hàng cuối cùng: Các phi hành gia Valentin Filatyev (người bị che khuất), Ivan Anikeyev và Pavel Belyayev.
Có 4 phi hành gia không có mặt trong tấm ảnh này: 2 người bị thương trong khi tập luyện, Valentin Bondarenko đã bị tử nạn và Vladimir Komarov đang bị ốm.
Trong số 20 người đó, cuối cùng chỉ có 12 phi công rất trẻ được chọn để thực hiện cho nhiệm vụ Vostok-1. Các lớp đào tạo lý thuyết và huấn luyện dù được bắt đầu vào tháng 3 năm 1960. 6 ứng viên tiềm năng nhất được chọn để tham gia các lớp huấn luyện đặc biệt, gồm: Pavel Popovich, Andrian Nikolayev, Yuriy Gagarin, German Titov, Grigoriy Nelyubov và Valeriy Bykovsky; các phi công còn lại trải qua chương trình huấn luyện với cường độ ít khắt khe hơn.
Tôi phải thừa nhận rằng khi gặp gỡ đội phi hành gia này lần đầu tiên, tôi có cảm giác hơi thất vọng. Tôi nhớ họ là những trung úy còn trẻ, họ trông giống nhau và không xuất hiện như một điều thật trang trọng. Từ những năm tháng chiến tranh, trong tâm trí tôi đã có một hình ảnh khác hoàn toàn về các “phi công chiến đấu” này. Nếu ai đó nói với chúng tôi rằng, nhiều năm sau, những thanh niên này liệu sẽ có trở thành Anh hùng Liên bang Xô viết cùng với những sự kiện trọng đại được hay không, tôi sẽ trả lời rằng điều đó chỉ có thể nếu họ trải qua chiến tranh. Nhưng Chiến tranh thế giới thứ III không cần thiết cho điều này và có một mặt trận Khoa học – kỹ thuật đang diễn ra trong lòng Chiến tranh lạnh. Còn hơn các người lính trận, đó là các công nhân, các nhà khoa học, các kỹ sư, các tổng công trình sư – những người quyết định kết quả của mỗi trận đánh, và sắp tới đây mặt trận đón nhận những “chiến sỹ mới” – các phi hành gia.
Những cuộc thử nghiệm cuối cùng
Yuri Gagarin
Bộ đôi phi hành gia đầu tiên đã được chọn cho chuyến bay của Vostok 1 là Gagarin và Titov. Hai phi hành gia đã dành nhiều thời gian để tập luyện tại sân bay với sự trợ giúp của Semyon Alekseyev – Tổng công trình sư hệ thống áo phi hành gia và ghế ngồi trong khoang tàu, tập luyện từng bộ phận độc lập để hoàn thiện hệ thống dây an toàn. Fedor Tkachev, tổng công trình sư hệ thống dù thì cho rằng hệ thống dù rất đơn giản, nhưng với tôi để hình dung ra hàng tá dây dù, đai giữ, các khóa dây,…thì còn khó hơn là một mạch điện! Nhưng tôi phải đặt nó sang một bên vì hệ thống dù không thể hoạt động nếu thiếu các tín hiệu điều khiển điện.

Nếu có ai đó mang những tiêu chuẩn ngày nay về độ an toàn của một cuộc phóng tàu vũ trụ vào những lần phóng của chúng tôi hồi tháng 04 năm 1961, thì chúng tôi không có cơ sở cho sự lạc quan đó. Ngay cả những lần phóng vệ tinh thương mại hay tàu vũ trụ không người lái, đặc biệt là các vệ tinh truyền thông, theo tiêu chuẩn quốc tế vào thập kỷ 80 thì yêu cầu phương tiện phóng phải có ít nhất 8 lần thành công liên tục trước đó! Vậy mà trong 5 lần phóng tàu Korabl - Sputnik để thử nghiệm cho Vostok, thì 4 lần tàu rời khỏi mặt đất, trong 4 lần này thì chỉ có 3 lần tàu đạt tới quỹ đạo và 2 lần hạ cánh. Nhưng trong 2 lần hạ cánh thì chỉ có duy nhất 1 lần thành công! Có nghĩa là trong toàn bộ 5 lần thử nghiệm Korabl – Sputnik trước Vostok, chỉ có 1 lần thành công! Chúng tôi cần phải đảm bảo trước chuyến bay mang người có khoảng từ hai đến ba lần thử nghiệm thành công!

Trong 2 lần phóng tàu vũ trụ tới sao Kim (thuộc chương trình Venera) vào ngày 04 và 12 tháng 02 năm 1961, tầng thứ nhất trong 3 tầng tên lửa hoạt động bình thường. Ngày 09/03, tàu không người lái Korabl – Sputnik 3KA số 1 mang hình nộm phi hành gia và chó Chernushka được phóng để cung cấp thêm thông tin chuyến bay. Sau 1 vòng trên quỹ đạo, tàu đã hạ cánh xuống một địa điểm cách Kuybyshev 260 km và được phát hiện bởi những người nông dân địa phương. Thành công của Korabl – Sputnik 3KA cho chúng tôi thêm hy vọng về chuyến bay mang người sắp tới.
Vostok 1 với tên lửa đẩy R7 phiên bản 8K72K
Những chuyến bay thử nghiệm trước đó cũng chỉ ra rằng khi động cơ hãm (TDU) tách ra trong quá trình con tàu trở lại khí quyển, thì hệ thống dây cáp dùng để kết nối giữa module thu hồi và module thiết gặp trục trặc để tách ra. Tất cả các bộ phận đều được tách cơ học theo một nhóm cấu trúc chính, nhưng được kết nối bởi hệ thống dây cáp dày đặc. Giai đoạn tách cuối cùng xảy ra khi các sợi cáp bị đốt cháy trong khí quyển. Trong sự gấp rút để chuẩn bị cho lần phóng tiếp theo, không có ai đưa ra được ý kiến nào thay đổi thiết kế này, bởi vì lệnh điều khiển tách động cơ hãm (nằm trong module thiết bị) được thông qua các cảm biến nhiệt độ gắn trên module thu hồi, khi module ma sát với khí quyển và tăng nhiệt độ, các cảm biến điều khiển lệnh tách các module.

Vào ngày 25/03/1961, một tàu vũ trụ 3KA khác được phóng nhằm thử nghiệm hệ thống radio của Yuriy Bykov, chuyến bay đã thành công. Các phi hành gia ở khu tập luyện sẽ kiểm tra độ tin cậy về liên lạc cho chính họ trong suốt chuyến bay vào quỹ đạo, trong khi con tàu là vùng phủ sóng của trạm theo dõi. Con tàu hạ cánh thành công cách 45 km vùng Đông Nam của Votkinsk. Đây là chuyến bay thứ 5 của các tàu Korabl – Sputnik. Hình nộm phi hành gia “Ivan Ivanovich” và chó Zvezdochka (do Gagarin đặt tên) đã đáp xuống mặt đất. Những con chó đã chứng minh chúng là những người bạn tốt nhất của con người trong lĩnh vực hàng không vũ trụ, chúng đã mở đường cho con người bay vào không gian…

Thất bại tương tự trong giai đoạn tách các module với hệ thống dây cáp lại xảy ra trong lần phóng tàu 3KA số 2. Nó đã rơi lệch khỏi địa điểm dự tính 660 km. Tôi cũng không thấy bất cứ ai trong số những chuyên gia vẫn còn sống, những người đã từng tham gia vào các lần phóng lịch sử này, nhắc tới những sự cố nghiêm trọng trong hai lần thử nghiệm cuối cùng này trong bản báo cáo gửi tới cấp trên, cũng không có thảo luận nào với Korolev.

Buổi sáng ngày 09/03/1961, Hội đồng Nhà nước với người đứng đầu là Konstantin Rudnev đã nghe bản báo cáo của Korolev về kế hoạch phóng tàu vũ trụ Vostok với một người trong khoang tàu. Korolev đã không báo cáo về việc trục trặc khi tách bỏ hệ thống các dây cáp trên.

Buổi tối cùng ngày, sau khi nghe báo cáo của Korolev, một cuộc họp của Ủy ban công nghiệp Quốc phòng diễn ra ở Kremlin dưới sự điều hành của chủ tịch Ustinov. Ustinov đã nhận thấy ý nghĩa lịch sử của quyết định sắp xảy ra và có lẽ đã đề nghị các tổng công trình sư trình bày ý kiến của mình. Sau khi nhận được sự tin tưởng từ mỗi người và được sự ủng hộ của Hội đồng nhà nước, Ustinov đã ký xác nhận nghị quyết “Đồng ý với đề nghị của các Tổng công trình sư…”. Ustinov được xem như là nhân vật cấp cao đầu tiên của chính phủ “bật đèn xanh” cho chuyến bay có người vào vũ trụ.

Sau đó, Uỷ ban Công nghiệp Quốc phòng đã chỉnh sửa và ký gửi bản báo cáo lên Uỷ ban Trung ương thông báo về kế hoạch chuyến bay vũ trụ có người đầu tiên trên thế giới, có một số bổ sung sau:

- Chuyến bay thành công (thông báo ngay khi tàu vào quỹ đạo)
- Hạ cánh thành công (thông báo ngay sau khi tàu hạ cánh)
- Hạ cánh nguy hiểm trên đại dương hay thuộc lãnh thổ nước ngoài: Đề nghị sự giúp đỡ của các nước đối với tính mạng phi hành gia.


Dự tính chuyến bay sẽ diễn ra vào trong khoảng ngày 10 – 20/04/1961 sau khi công tác chuẩn bị hoàn tất. Ngày 03/04, Tổng bí thư Khrushchev điều hành cuộc họp của Đoàn chủ tịch Hội đồng Liên bang Xô Viết và đồng ý với nghị quyết trên.
Uỷ ban nhà nước và Uỷ ban Trung ương đã có một quyết định lịch sử, mặc dù những cuộc thử nghiệm mặt đất với hệ thống tiếp đất và ghế phóng phi hành gia từ con tàu đã gặp trục trặc. Những thử nghiệm này tiếp tục được tiến hành ở LII. Hệ thống phóng ghế mang phi hành gia được thử nghiệm trên máy bay Il-28, thử nghiệm module thu hồi trên mặt đất, giai đoạn tách module thu hồi thực hiện ở độ cao 5m, các cuộc thử nghiệm sau đó đã thành công tốt đẹp.

Suốt ngày 04/04, cục OKB-1 bàn đến các vấn đề hóc búa về việc đưa máy bay và phi công, vận chuyển các tài liệu và hành lý tới bãi phóng. Hội đồng Liên bang Xô Viết đã trực tiếp đến chứng kiến, đây không là điều ngạc nhiên. Mặt khác, mỗi Tổng công trình sư hay cấp phó của họ đều có lý do ở lại Matxcova thêm một đến hai ngày để gấp rút chuẩn bị một vài thứ, kết thúc công việc và thêm vào một vài danh mục cho bảng liệt kê công việc chuyến bay. Trong bảng liệt kê bổ sung đó, có một phần rất cần thiết là thiếu mất dòng chữ: “chuyến bay có thể bị thất bại” - nó không xuất hiện trong bất kỳ danh sách nào. Tôi phản ứng lại và nhận được lời đề nghị: “Tới gặp riêng Korolev!”. Được biết về thái độ của Korolev với người nào mắc tính hay quên và “phá hoại tổ chức”, nên sẽ là “mạo hiểm” nếu ai đó tới gặp Korolev và hỏi những câu như vậy!

Ngày 04/04, tôi được đề nghị khởi hành từ Vnukovo với Mishin và Keldysh. Keldysh bị trễ và chuyến khởi hành của chúng tôi bị dời lại đến tận 11h tối. Vnukovo đang gặp bão tuyết, máy bay bị bao phủ bởi lớp tuyết dày và chúng tôi lại mất thêm một giờ đồng hồ để các nhân viên sân bay dùng nước nóng rửa tuyết, máy bay cất cánh lúc nửa đêm và chúng tôi ngủ ngay trên đường bay tới Aktyubinsk…

Korolev thấy cần thiết phải đến bãi phóng vài giờ trước các phi hành gia. Phi công lái máy bay thử nghiệm kỳ cựu Mark Gallay đã đưa tất cả các Tổng công trình sư bay cùng chuyến bay với Korolev tới bãi phóng. Vào ngày 05/04, toàn bộ các phi hành gia có mặt tại bãi phóng cùng với các nhà vật lý, các nhà làm phim, và các nhà báo, dưới sự quản lý của Kamanin. Ngày 06/04, Konstantin Rudnev, người đứng đầu Uỷ ban Công nghiệp Quốc phòng đến trung tâm, Rudnev là người thay thế Nedelin (sau tai nạn tên lửa R16 – thảm họa Nedelin). Vào những ngày này, Korolev, Keldysh và Kamanin đã thống nhất nhiệm vụ của các phi hành gia trong chuyến bay 1 vòng quỹ đạo. Họ chỉ ra nhiệm vụ của chuyến bay cũng như hoạt động của phi công trong cả điều kiện bình thường lẫn nguy hiểm. Họ quyết định thông báo kết luận này tới cuộc họp của Uỷ ban Nhà nước.
Vào ngày 08/04, tại cuộc họp Uỷ ban Nhà nước, một nhiệm vụ lịch sử đã được thống nhất: "Thực hiện chuyến bay một vòng quanh quỹ đạo Trái Đất ở độ cao 180 x 230 km trong vòng 1h30’ với địa điểm hạ cánh được xác định trước. Mục đích của chuyến bay là kiểm tra khả năng tồn tại của con người trong một con tàu vũ trụ, kiểm tra hoạt động các thiết bị của con tàu, kiểm tra sự liên lạc giữa tàu với mặt đất, và kiểm tra khả năng hạ cánh của tàu với phi hành gia”. Gagarin được chọn là phi hành gia số 1 cho chuyến bay, Titov là dự bị. Tất cả các thông tin về địa điểm và phương tiện phóng yêu cầu tuyệt đối giữ bí mật, do vậy năm 1961 sau chuyến bay của Gagarin, không ai trên thế giới biết rằng từ đâu và bằng tên lửa, con tàu vũ trụ nào đã đưa Gagarin đã bay vào không gian?
Dường như mọi thứ, kể cả thời tiết đều ảnh hưởng tới quá trình chuẩn bị cho chuyến bay, nhưng chúng tôi đã gắng sức xoay sở để vượt qua những khó khăn đó. Ba ngày trước chuyến bay của Gagarin, ngày 09/04, chúng tôi quyết định phóng thử nghiệm tên lửa đạn đạo R9, ký hiệu 8K75, đây là lần thử nghiệm đầu tiên của loại tên lửa mới này. Sự việc này chen ngang vào việc chuẩn bị cho chuyến bay Vostok-1 và khiến nhiều người trong số chúng tôi phải hủy bỏ lễ kỷ niệm. Cuộc phóng tên lửa R9 đã được chuẩn bị trước 05:00' ngày 09/04 nhưng thực sự nó đã diễn ra tới 12:12'. Tên lửa đã được nạp đầy Oxy lỏng trong 7 giờ, khi đó các kỹ sư tìm kiếm các lỗi trong sơ đồ điều khiển tự động dưới mặt đất để điều khiển quá trình nạp nhiên liệu. Sau những nỗ lực khắc phục đó, R9 đã được phóng và nó bay với tốc độ mà không như quan sát theo thường lệ.

Mặc dù bản báo cáo chỉ ra rằng tầng thứ hai của R9 tách sớm hơn so với dự kiến, nhưng lần phóng đầu tiên của tên lửa đạn đạo mới này đã gây một ấn tượng mạnh tới tất cả các nhân viên quân sự lẫn dân sự có mặt ở bãi phóng. Tư lệnh lực lượng tên lửa chiến lược, tướng Marshal Kirill Moskalenko đã có bài phát biểu chúc mừng thành công to lớn ấy đồng thời nhắn Rudnev và Korolev cho gửi lời chúc mừng tới các nhân viên điều hành cuộc thử nghiệm. Anh ấy cũng là người duy nhất nghĩ rằng tên lửa đã hoạt động hoàn hảo, sự thật thì R9 đã bị lỗi trong khâu tiếp cận mục tiêu và chúng tôi đã phải mất nhiều thời gian để làm việc với điều này!

Ngay sau lời phát biểu của mình ở bãi phóng, Korolev đã nói với Rudnev và Moskalenko lời đề nghị chỉ định tôi cùng với Mishin ngay lập tức khảo sát toàn bộ các vấn đề xảy ra trong thời gian chuẩn bị phóng R9 đồng thời thông báo với tất cả chúng tôi về một cuộc họp quan trọng vài ngày sau tại Syr Darya River.

Ngày 10/04/1961, trong cuộc họp toàn thể các nhân vật quan trọng với các phi hành gia trước chuyến bay, bao gồm các trung úy không quân Gagarin và Titov, tư lệnh lực lượng tên lửa chiến lược - tướng Moskalenko, Chủ tịch Uỷ ban Nhà nước Rudnev, Tổng công trình sư Korolev, Chủ tịch viện hàn lâm khoa học Keldysh. Tôi nhớ lại rằng khuôn mặt của các phi công khi ấy không tỏ vẻ lo lắng, bởi trải qua tất cả các cuộc tập luyện trước đó, họ đã ở tư thế sẵn sàng. Những kỷ luật quân sự vốn có đã làm giảm bớt bầu không khí thân mật của cuộc họp. Korolev phát biểu rất đơn giản: “Chúng ta có tổng cộng 6 phi công, tất cả đã sẵn sàng cho chuyến bay. Gagarin sẽ là người bay đầu tiên, những người còn lại sẽ bay sau anh ấy… Chúng tôi chúc anh thành công, Yuriy Alekseyevich!”

Y.Gagarin và G.Titov

Lần đầu tiên tôi chăm chú nghe và đánh giá Gagarin khi anh ấy nói về nhiệm vụ mà anh ấy đã được chọn lựa. Anh ấy không dùng nhiều từ hoa mỹ. Anh ấy là người giản dị, thông minh và khá điển trai. “Một sự lựa chọn chính xác!” - Tôi thầm nghĩ và cho rằng mất một thời gian dài vừa qua đã lựa chọn được đúng ứng viên cho chuyến bay đầu tiên.

Trước khi cuộc họp diễn ra, chúng tôi có băn khoăn: Gagarin hay Titov? Tôi nhớ rằng Ryazanskiy đề nghị Titov. Voskresenskiy nói rằng ẩn đằng sau Gagarin là một sự táo bạo mà chúng tôi không nhận thấy. Rauschenbach, người kiểm tra các phi hành gia thì đồng thuận cả hai. Feoktistov tuy đã rất nỗ lực, nhưng cũng không thể dấu được mong muốn của anh ấy là thay thế vị trí của họ! Cả Gagarin và Titov còn rất trẻ để chuẩn bị cho một sự kiện trọng đại sắp xảy ra (khi ấy Gagarin 27 tuổi và Titov mới có 26 tuổi).

“Nhưng như các anh biết đó” – Isayev nói “Tôi nhớ Bakhchi. Chúng ta với cách này hay cách khác đổ lỗi cho điều gì đã xảy ra với anh ấy. Tôi không có bất cứ nghi ngờ nào về con người. Độ nguy hiểm của chuyến bay Vostok xét về mọi mặt đều cao hơn chuyến bay trên BI nhưng linh tính tôi cho rằng khả năng sống sót của phi công với chuyến bay Vostok dễ dàng hơn so với chuyến bay vượt qua dãy Urals trên BI”. Ở sân bay vũ trụ vào thời gian đó, chỉ có tôi và Isayev nhớ về Bakhchivandzhi, người đã gặp tai nạn và thiệt mạng trong chuyến bay thử nghiệm với BI-1 (máy bay dùng động cơ tên lửa) ngày 27/03/1943, nó như một luồng gió mạnh thổi qua tâm trí chúng tôi…

Từ trái qua phải: Phụ trách trung tâm huấn luyện phi hành gia Kamanin, phi hành gia Titov, chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước Rudnev, tổng công trình sư Korolev, phi hành gia Gagarin, phi hành gia Nelyubov (ảnh chụp tại Syr Darya River 10/04/1961)

Rudnev, Moskakenko, Kamanin và Karpov phát biểu những lời đơn giản và không nhắc về những trách nhiệm lớn lao của họ. Các phi công Gagarin, Titov và Nelyubov cũng đã gửi lời cảm ơn tới sự tin tưởng của chúng tôi với họ. Những lời của Korolev “những người còn lại sẽ bay sau anh ấy…” như nhắn gửi tới các ứng viên đang ngồi tại đây. Cho đến giờ nghĩ lại thì câu nói đó như một lời tiên tri, nhưng không trọn vẹn! Tất cả những ứng viên có mặt tại cuộc họp đó về sau đều đã được bay, trừ duy nhất Nelyubov – người đã gặp tai nạn và mất vài năm sau đó…

Vào những ngày đó, Kamanin giữ cuốn nhật ký của mình và nó chỉ được công bố sau khi Kamanin mất. Vào ngày 05 tháng 04/1961, anh ấy đã viết “…vì vậy, ai sẽ được lựa chọn: Gagarin hay Titov? Tôi vẫn còn một vài ngày để đưa ra quyết định cuối cùng cho câu hỏi này. Thật khó khăn để có thể quyết định sẽ đưa ai vào cõi chết, và cũng thật khó khăn để chọn ai xứng đáng trong số hai hay ba người để rồi họ sẽ nổi tiếng trên toàn thế giới, tên tuổi họ sẽ được ghi danh mãi mãi trong lịch sử loài người…”
Share this article :
 
Support : Creating Website | phuctriethoc | NGUYỄN VĂN PHÚC
Copyright © 2013. NGUYỄN VĂN PHÚC - All Rights Reserved
By Creating Website Published by KINH TẾ HỌC
Proudly powered by NGUYỄN VĂN PHÚC
NGUYỄN VĂN PHÚC : Website | Liên hệ | phuctriethoc@gmail.com
Proudly powered by Triết học kinh tế
Copyright © 2013. NGUYỄN VĂN PHÚC - All Rights Reserved