Home » » THỂ PHÁCH CỦA CON NGƯỜI-P2

THỂ PHÁCH CỦA CON NGƯỜI-P2

Written By kinhtehoc on Thứ Tư, 25 tháng 1, 2012 | 21:33

CHUYỆN CÁI PHÁCH CỦA MỘT NGƯỜI BỊ CƯA TAY
Trong cuốn Thực-dụng Pháp-môn (Magie pratique) in lần thứ nhứt, trương 202, ông J. Lermina có kể chuyện “một người bị cưa tay” do một quan Thầy chuyên môn về bịnh mổ xẻ ở nước Mỷ thuật lại với ông như vầy:
“Tôi đi viếng một trại cưa máy với nhiều người bạn thân thiết. Có một vị, ông X, rủi trợt té, bị một cây cưa tròn chặt gần đứt tiện cánh tay”. Phải cắt đi mới được, mà chổ đó rất xa thành thị. Khi cắt xong người ta bỏ cánh tay của ông vô một cái hộp đựng đầy mạt cưa, rồi đem chôn đi. Cách ít lâu vít thương (vết thương) gần lành thì ông X lại than rằng: Ông biết bàn tay bị cắt của ỗng dính đầy mạt cưa và có một cây đinh đâm qua một món tay, nhứt nhối lắm. Ỗng đau đớn rên siết, ngày đêm ngủ không yên giấc. Người nhà sợ ổng mất trí. Tôi mới nãy sanh ý-kiến đi tới chổ chôn cánh tay coi thể nào; dẫu rằng sự đó dị kỳ thật. Tôi đào cái hộp lên dở ra lấy cánh tay bị cắt đem rữa thì thấy quả thật có 1 cây đinh của cái nắp đâm lủng 1 ngón tay rồi dính luôn ở đó. Tôi rút cây đinh ra thì ông X…ở xa đó mấy dậm Anh, nói với mấy anh em bạn rằng: “Người ta xối nước trên tay tôi, người ta rút đinh ra rồi, bây giờ tôi bớt nhức.
Chuyện nầy mới nghe qua thiệt là dị-đoan hết sức, song hiểu được tính liên-lạc của mấy thể con người thì không có chi là lạ.
Cũng có nhiều người cụt chơn, lúc mới thức dậy, quên mình tàn tật, bước xuống giường đi như thường song đi được vài bước sực nhớ lại mình mất hết một chơn bèn té quị xuống.
Hai mươi lăm năm trước đây tôi cũng có nghe bà con thuật lại chuyện 1 ông kia mắc chứng bịnh đau bụng, lâu lâu đau 1 lần rất dữ dội, chạy đủ hết thuốc nam, thuốc bắc, thuốc tây mà không lành.
Một bữa gặp một ông Thầy bói, coi quẻ diệc, nói rằng tại cái cây mọc trên mộ ông bà làm cho vị chủ nhà đau bụng mãi. Hễ chặt cây đó thì hết bịnh. Người con không tin, song xuống thăm ngôi mộ ông nội ở tinh khác thì quả thấy có một cây lớn mọc gần bên mả, rể nó đâm ngang qua giữa hòm.
Chặt rể nó thì lần lần ông than người lành mạnh như củ. Có người bảo: đó là tại đức tin?
Tôi cũng biết đức tin trị bịnh mạnh được, song ở vào trường hợp khác, chớ ở trường hợp nầy tôi lại tưởng như vầy: xương cốt của mình với xương cốt cũa ông bà vốn có tính liên lạc với nhau. Sự liên lạc của xác thịt cha và con, còn mật thiết hơn nữa. Có nhiều đứa trẻ sanh ra thì tóc quăn như ông cố nó, còn mấy anh em nó không có; cũng có đứa mắc một chứng bịnh in chứng bịnh của ông bà nó đã mang thuở xưa. Duy có một đều nầy lạ, là riêng có một mình nó bị đau, còn mấy anh em chị em nó mạnh giỏi như thường. Cũng có người da trắng mà đẻ con ra mặt mày đen thui; chẳng phải vợ ngoại tình mà chính là trong tổ tiên có người da đen. Sự bất thường nầy không phải có dể mà cắt nghỉa. Có vật-chất mà lại có tinh-thần, nghĩa là có luật Quả-Báo xen vào. Hễ không có nhân thì không bao giờ có quả. Theo mấy trường-hộp nầy không có thế nào gọi là tình-cờ được.
PHÉP THÔI-MIÊN VỚI CÁI-PHÁCH
Người ta dùng phép thôi-miên làm cho cái Phách xuất ra được không?
Được, nhưng phải là tay lảo-luyện mới khỏi sợ những sự hiểm-nghèo xảy ra.
Trong lúc cái Phách xuất ra thì xác-thịt nằm trơ trơ, con mắt mất thần, trái tim nhảy yếu, cái phổi cũng yếu, nhiệt-lực trong mình hạ xuống. Trong phòng thí-nghiệm lúc nầy phải lặng lẻ như tờ, nếu thình lình có một tiếng động mạnh hay là ai vụt chạy vô, cái Phách bị dội lại nhập vô xác tức tốc thì trái tim nhảy dữ dội, có khi người đồng-tử tắc hơi chết luôn.
Cái Phách xuất ra thấy được không?
Nếu biết làm cho chất tinh-khí đặt lại thì thấy cái Phách, chớ chất tinh-khí còn mảnh mai hơn gió nữa, mình không thấy gió thì không thể nào thấy cái Phách được.
SỰ LIÊN-LẠC CỦA CÁI PHÁCH VỚI XÁC-THỊT.
CÁI PHÁCH BỊNH CHỖ NÀO THÌ XÁC-THỊT BỊ BỊNH CHỖ NẤY
Cái Phách hiện hình ra rồi mình rờ rẫm được không? Được, nhưng mà không nên ngắt véo chi hết, bỡi vì nếu cái Phách bị bịnh chỗ nào thì xác-thịt bị bịnh chỗ nấy.
Nhưng có khi cái Phách hiện ra thì rờ đụng mà không thấy nó, có khi thấy nó mà rờ không đụng chạm chi cả.
Gặp hai trường-hợp nầy, đánh cái Phách cũng như đánh gió, cái xác không có bịnh. Mới nghe qua thì lạ thiệt, song phải thí-nghiệm trước mắt mới tin được.
CÁCH CHỤP HÌNH SỰ CẢM-ĐỘNG, TƯ-TƯỞNG VÀ TỪ-ĐIỄN CỦA CON NGƯỜI
người đã chụp đặng hiệu-quả của sự cảm-động và tư-tưởng cùng là từ-điễn ở trong mình con người giọi ra.
Chụp hình cách nào?
Muốn chụp hình từ-điễn hay hiệu-quả của sự cảm-xúc thì để tấm kiến chụp hình hoặc trên trán, trên ngực, gần trái tim hay là gần bàn tay, nhưng phải ở trong phòng tối thui từ nửa giờ sấp lên mới được.
Xin nghe mấy chuyện sau đây:
KẾT QUẢ NHỮNG SỰ THÍ NGHIỆM CỦA ÔNG ĐỐC-TƠ (DOCTEUR) BARADUC
1. Một đứa con gái nhỏ ngồi khóc con chim của nó chết. Cái hiệu quả của sự cảm động đó là khi rửa hình thì thấy, những lằn trắng phủ đứa con gái và con chim giống như một tấm lưới vậy.
2. Hai đứa nhỏ mới sợ sệt, trong hình thấy có một đám mây có những đốm và hơi rung rung.
3. Bị chưởi mắng, nổi giận dử, thấy trong kiến có những hình giống như những đốm hay những vòng tròn nhỏ.
4. Con mèo vui nó kêu ngao thì trong kiến có những lùm mây màu rất đẹp.
5. Một viên quan vỏ định trí vào con phụng-hoàng, trong tấm kiến có hình con chim ấy liền.
6. Một người mẹ nhớ tới đứa con đã thác, rửa kiến ra thấy hình nó rỏ ràng.
7. Song chuyện sau chót nầy lạ lùng hơn hết:
Ông Đốc-tơ (Docteur) Hasdeu ở tại thành Bucaresst và ông Đốc-tơ (Docteur) Istrati, ở cách đó vài trăm cây số, vốn là anh em bạn thiết với nhau và đồng khảo cứu về những hiện tượng thần-giao cách cảm. Hai ông nhứt định thí nghiệm coi có thể nào sai cái vía tới in hìnnh vào trong tấm kiến để sẳn không.
Tới bữa kỳ hẹn, trước khi đi ngủ, ông Đốc-tơ Hasdeu để máy chụp hình dưới chơn giường. Còn ông Istrati cũng tập-trung tư-tưởng đặng sai cái vía tới phòng ông Hasdeu. Sáng ra khi thức dậy, ông Istrali chắc ý thành công, vì ông nằm chiêm bao thấy ông có tới viếng ông Hasdeu. Ông liền viết thơ cho một người bạn biểu tới thăm ông Hasdeu đặng coi có quả như vậy không. Người bạn y lời lại nhà ông Đốc-tơ Hasdeu thì thấy ông nầy đương rửa hình. Trong tấm kiến có ba cái hình rỏ lắm; trong đó có hình ông Đốc-tơ Istrati, đứng ngó châm chỉ cái máy.
Chừng Ông Đốc-tơ Istrati trở về Bucarest xem hình ông thì thấy nó giống tạc ông hơn là mấy cách chụp hình ở ngoài nữa.
Còn hai hình khác trong kiến là hình nào? Ấy là hình của hai hồn ma, họ thấy máy chụp hình để sẳn, họ đứng lại xem và muốn có hình họ trong kiến, cho nên khi rửa kiến mới có hình họ.
CHƯƠNG THỨ NHÌ
LOÀI KIM THẠCH CŨNG SỐNG NHƯ MÌNH
Người ta lầm tưởng rằng sắt đá là vật vô-tri vô-giác, chớ nào dè nó cũng thay hình đổi dạng và cũng biết cảm-xúc như mình vậy.
Trong cuốn sách Pháp-môn và Khoa-học. (L’occultisme et la Science) của ông Charles Lancelin nơi chương đầu có chụp hình một cục đá tấn hóa.
Cục đá nầy chia ra 3 phần:
Lớp dưới: Đá cục ( couche rocheuse).
Lớp giữa: Cẩm-thạch (couche de marbre).
Lớp trên: Thủy-ngọc (cristaux de roche).
Chính là tôi cũng có thấy một cục đá như thế tại núi Sam
VÀI CÁCH THÍ-NGHIỆM CỦA MẤY ÔNG THÔNG THÁI CHỨNG CHẮC RẰNG LOÀI KIM-KHÍ CŨNG SỐNG VÀ CŨNG CÓ CÁI PHÁCH VẬY
1. Cách thí-nghiệm của ông Becquerel
Ông Becquerel có tìm học một lằn sáng gọi là lằn sáng N. (1) [ (1) Lằn sáng N de Blondlot. Trong tháng Mars 1903, ông Blondlot tìm thấy những nguồn cội chiếu ra ánh sáng như mặt trời, bóng Crookes (Ampoules de Crookes bec Auer) còn dọi ra những lằn sáng khác hơn Tử ngoại tuyến (ultra-violet). Ngài tìm được những lằn nầy trong phòng hóa học của Ngài tại Nancy cho nên Ngài đặt tên là Rayon N. Chữ Nancy khởi đầu bằng chữ N ]. Ngài thấy trong mình thú vật, bông hoa, cây cỏ, kim-khí đều chiếu ra những lằn sáng. Khi cho loại nầy hút thuốc mê thì không còn chiếu sáng nữa. Xem qua thây ma thì không thấy mấy lằn sáng nầy. Như vậy rõ ràng loài nào cũng có cái Phách và cũng sống.
2. Sự thí nghiệm của ông giáo-sư J. Chandra-Bose.
Ba mươi chín năm trước, ông giáo-sư Jagadish Chandra-Bose, nguyên Tấn-sĩ khoa-học tại Calcutta bên Thiên-Trước có bày ra một cái máy để đo sức chọc phá loài kim-khí và cách trả lời của chúng nó, đặng coi chúng nó biết động dạn không. Mỗi lần mấy loài nầy động dạn thì có 1 đường cong ghi trên ống quây tròn, hễ trả lời mạnh đường cong ghi cao, trả lời yếu đường cong ghi thấp.
Thử loài kim rồi Ngài thử loài thảo mộc thì cũng thấy nó in như loài kim-khí vậy.
Khi thí nghiệm xong xả, Ngài có diễn thuyết cho thiên-hạ nghe và gởi bài diễn thuyết qua Hoàng-Hội (Institution Royale) ngày 10 Mai 1901.
Cách 24 năm nay, nhằm ngày 15 Mars 1924, ông Bose qua chơi thành Paris có diễn thuyết tại Đại-học-đường Sọt-bon (Sorbonne). Ngài nói rằng: Loài thảo mộc cũng có bộ thần-kinh (Systèm nerveux) có trái tim, bộ mạch cũng nhảy như mình. Ngài dùng cách chớp bóng cho các thính-giả thấy sự học hỏi của Ngài.
Ngài mới từ trần trong thượng tuần tháng Février 1938.
(Xin xem mấy tấm hình dưới đây)


hình VIII và hình số IX
CUNG-ĐA-LI-NI HAY LÀ LUỒNG HỎA ĐI NHƯ CON RẮN LỬA (HỎA-XÀ)
(KOUNDALINI OU FEU SERPENT)
Trong mỗi thể con người, từ xác thịt cho đến vía, trí, kim thân, tiên thể đều có một luồng hỏa sức mạnh phi thường. Nó không giống như lửa của ánh sáng mặt trời mà nó in như sắt đốt chảy ra nước vậy.
Luồng hỏa ở trong thân mình con người con mắt phàm không thấy được vì nó là một cái lực. Nó nằm ở trong một cái ổ làm bằng bảy cái quả tròn trống rổng, quả nầy chồng vô quả kia. Mấy cái quả nầy làm bằng chất tinh khí (matière éthérique) và chất thanh-khí (matière astrale) và ở tại trung tâm lực chổ xương mông. Nó chia ra làm 7 thứ. Luồng hỏa nằm trong quả tròn ở ngoài hết, hay là quả thứ bảy, thì yếu. Chính là nó hiệp với khí Nguyên-dương (Force primaire), ngày đêm chạy theo mấy đường gân làm cho nhiệt lực trong mình con người đầy đủ. Nó thuộc về âm, còn khí Nguyên-dương thuộc về dương, sự kết cấu của 2 lực nầy người ta gọi là từ-điễn của con người. (Magnétisme personnel). Nó bắt từ xương mông đi lên theo ba con đường trong cốt tủy. Ba con đường gân nầy hình như số tám viết nằm (không đánh số tám nằm được) . Đường bên mặt tiếng Thiên-Trước gọi là Banh-ga-la (Pingala), đường bên trái gọi là Y-da (yda), còn đường chính giữa gọi là Sút-hum-na (Soushoumna).
KHÍ NGUYÊN-DƯƠNG LÀ CÁI CHI ?
Muốn biết khí Nguyên-dương là cái chi thì phải nói trách nhậm (trách nhiệm) ba ngôi của Đức Thượng-Đế. Như tôi đã nói, Đức Thượng-Đế chia ra làm 3 ngôi:
Ngôi thứ nhứt.
Ngôi thứ nhì.
Ngôi thứ ba.
Trong khi sanh hóa Thái-dương hệ nầy thì ngôi thứ ba lãnh phần hiệp các Nguyên-tử lại đặng làm ra ngũ-hành.
Ngôi thứ nhì lấy ngũ-hành làm ra những hình dạng các loài và cho tinh thần Ngài vô đó. Nhờ tinh thần nầy các loài mới sống. Tinh thần đó gọi là :
Khí Nguyên-dương (Force primaire ou courant vital envoyé par le deuxième aspect du Logos dans la matière déjà vitalisée par l’action du Troisième aspect du Logos).
Còn ngôi thứ nhứt sanh các linh hồn.
TẠI LÀM SAO KHÔNG NÊN KHƯƠI LUỒNGG HỎA SỚM ?
Sách Tàu vẽ lò chảo ở xương mông là nói bóng dáng về luồng hỏa nầy. Có nhiều nghe nói chuyện luyện luồng hỏa thì đắc đạo thành Tiên, thành Phật, nên ham, chớ kỳ thật chưa biết rõ sự hại và sự lợi của nó ra thể nào.
Luồng hỏa làm ra từ-điễn thì yếu chớ mấy lớp ở trong thì dữ tợn lắm. Đừng động tới nó mà mang hại có ngày.
SỰ HẠI CỦA NÓ
Nó đi tới đâu thì đốt các tánh xấu tới đó. Nếu trong lòng còn mến sự nguyệt hoa, còn hung dữ, còn giận hờn thì nó sẽ làm cho xác thịt bị cháy từng khúc, phải bỏ mạng, và có khi nó đốt luôn mấy thể khác như vía, trí, tới mấy kiếp sau con người cũng còn mang hại.
Có khi nó không đi lên mà lại đi xuống, vô mở trung-tâm-lực tại bộ sinh dục thì chừng đó lòng dâm con người nổi lên cực điểm, dầu có cả trăm vợ cũng không thỏa thích được. Mấy người như thế thì có chút đỉnh phép-tắc nhỏ mọn, song họ sẽ bị loài tinh quái thấp thõi hơn nhơn loại ám ảnh họ, trong hai ba kiếp họ mới mong thoát khỏi tay của chúng nó. Dầu mà luồng hỏa không có hại được đi nữa, nó cũng mở rộng những tánh xấu của con người. Nó làm cho con người trở nên kiêu căng tự phụ quá lẽ và tham lam tột bực. Trong cuốn kinh Hathayogapradipika có câu nầy “Luồng hỏa giải thoát cho những đạo sĩ, mà nó bắt mấy kẻ khờ dại làm tôi mọi (Elle apporte aux yoguis la libération et aux sots l’esclavage).
MUỐN MỞ LUỒNGG HỎA PHẢI ĐỦ NHỮNG ĐIỀU KIỆN SAU NẦY:
Một là: Tánh hạnh thật tốt.
Hai là: Nghị lực cứng cỏi.
Ba là: Thân thể tráng kiện.
Bốn là: Có một vị Chơn-Sư hay là một vị La-Hán coi chừng.
Còn tuổi tác không cần lắm. Dầu 5, 6 chục tuổi mà sức lực mạnh mẽ cũng mở luồng hỏa được vậy.
Tại làm sao phải có Chơn-Sư coi chừng ?
Bỡi vì Chơn-Sư có huệ-nhãn, ngài chỉ cho mình cách dẫn luồng hỏa vô trung-tâm-lực nào trước, hạp với cung mạng cũa mình. Ngài coi chừng mình luôn luôn; nếu mình làm sái cách, Ngài biểu mình sửa lại lập tức không có hại chi cả.
LUỒNG HỎA VỤT ĐI MỘT MÌNH
Có khi luồng hỏa vụt đi lên một mình. Lẽ thì nó phải đi như con rắn bò, song không ai dẫn nó, nên nó đi thẳng một đường lên óc, rồi tuốt ra ngoài. Trong lúc đó con người bị đau đớn quá vì ba đường gân trong cốt tủy chưa mở ra. Con người ngã xuống nằm mê mang. Chừng tỉnh dậy thì không có hề chi cả. Nhưng ít có mấy trường hợp nầy lắm.
CÁCH KHƯƠI NÓ
Có nhiều cách khơi nó : hoặc hô hấp, hoặc ngồi và tập luyện như thể tháo, hoặc tham thiền. Song tham thiền tốt hơn hết.
SỰ ÍCH LỢI CỦA NÓ
Sự hại của nó rất nhiều mà sự lợi của nó cũng chẳng ít. Luồng hỏa vô mấy trung-tâm-lực thì làm cho chúng nó nở ra lớn và chói sáng rở.
Khi Trung-tâm-lực của lá lách mở ra thì nó giúp cho con người lúc thức dậy nhớ lại những điềm chiêm bao, nhưng có khi không rành-rẽ lắm bởi vì phải đợi trung-tâm-lực chiếu đối với cái vía mở ra mới không quên đầu đuôi.
Trung-tâm-lực của rún mở ra thì con người cảm biết xung quanh mình chổ nào hạp, chổ nào không hạp, chổ nầy ảnh hưởng tốt chổ kia ảnh hưởng xấu.
Trung-tâm-lực cũa trái tim mở ra thì con người biết được sự vui, sự buồn của kẻ khác và có khi sự đau khổ của thiên hạ thấu vào lòng nữa.
Những người mà Trung-tâm-lực tại yết hầu mở rồi thì nghe những tiếng xúi biểu làm việc nầy việc nọ đủ hết. Vậy phải đề phòng mấy linh hồn ở Trung giới còn thấp thỏi, dục mình làm những điều quấy quá. Cũng nghe được âm nhạc hay là những tiếng ít tao nhả hơn.
Trung-tâm-lực chính giữa chân mày mở ra rồi, thì con người trông suốt qua mọi vật và thấy cảnh nầy cảnh kia, người nầy, người nọ. Lúc mở ra thì người ta thấy phong cảnh và những đám mây có màu sắc. Chính là nhờ Trung-tâm-lực nầy mà người ta có thể làm cho những vật mình đương xem lớn ra bao nhiêu cũng được hay là nhỏ lại bao nhiêu cũng được.
Khi Trung-tâm-lực trên đỉnh đầu hoàn toàn mở ra thì khi con người xuất vía ra khỏi xác, làm cái chi, thấy cái chi, chừng thức dậy đều nhớ rành rẽ không quên chút nào, cũng như hồi còn thức ở cõi trần vậy.
MÁY ĐỂ THÍ-NGHIỆM TỪ-ĐIỄN TRONG MÌNH CON NGƯỜI
Người ta có bày ra những máy để thí-nghiệm từ điễn trong mình con người.
Trong số đó thì có máy của ông Fayol khéo léo hơn cả (1) [ (1) Ông Fayol có trình cái máy ông cho hội Tâm-lý-học thật nghiệm nhóm kỳ nhì tại Paris năm 1913. (2* congrès de Psychologie expérimentale)].
Máy của ông Fayol làm rất giản dị, ở ngoài có cái chụp bằng pha-ly để che cái máy khỏi bị sét và bụi bậm, chính giữa có ống tròn bằng thép. (Xin xem hình rõ hơn).
Hể để tay gần cái ống thì từ-điễn làm cho cái ống xây tròn.
NHỮNG SỰ THÍ-NGIỆM CỦA ÔNG FAYOL
Có nhiều ông Bác-sĩ nói rằng tại hơi nóng ở trong mình con người làm cho cái ống xây tròn, chớ không có cái lực nào ở trong mình con người gọi là từ-điễn cả.
Ông Fayol bèn thí-nghiện như vầy : Ông làm những bức ngăn để giữa bàn tay và cái ống, những bức ngăn nầy làm bằng : sắt mạ thiết (Fer étamé) đồng, kẻm, ni (Flanelle) rơm, giấy cứng (carton). Nếu quả thật hơi nóng của bàn tay làm cho cái ống quay tròn thì có hai lẽ, hoặc là hơi nóng bị những bức ngăn cản như : nỉ, rơm, giấy cứng không làm cái ống quây được, hoặc là hơi nóng gặp chất đồng rút lẹ thì cái ống sẽ quay mau.
Nhưng trong lúc thí-nghiệm với bức ngăn bằng sắt thì cái ống quay như thường.
Thí-nghiệm với miếng đồng, lẽ thì cái ống phải quây mau, nhưng trái lại nó quây chậm hơn một chút. Khi giở cái tay ra thì cái ống quây chậm chớ không ngừng ngang, dường như chất đồng rút từ-điễn rồi phóng từ-điễn ra một cách chẫm rãi. Còn nỉ thì để từ-điễn đi qua chớ không rút từ-điễn vô mình.
Với bông gòn thì lạ lắm. Hể rút bàn tay ra thì cái ống tức thì ngưng liền. Với rơm thì cái ống quây mau lắm, mau hơn khi không có bức ngăn và khi rút tay ra thì nó quây chậm chậm chớ không có ngừng ngang. Song sự thí nghiệm sau chót nầy mới chứng chắc rằng không phải là tại hơi nóng làm cho cái ống quây.
Ông Fayol lấy một cái bình sắt mạ thiết lớn bằng bàn tay; ông để nó gần cái ống, mà chuyến nầy không để bàn tay vô, ông đổ nước nóng 60 độ (60 degrés) vô trong bình và lấy hàn-thử-biểu coi thì không-khí ở gần cái bình 45 độ, còn không-khí ở trong phòng thí-nghiệm thì 21 độ. Sức nóng ở gần bình như vậy mà trong một tiếng rưởi cái ống không nhúc nhích. Nước nóng trong bình sụt xuống còn có 21 độ.
Người ta mới thay nước trong bình cho nó nóng tới 50 độ. Cái ống cũng ở một chổ. Nhưng khi ông Fayol mới vừa để bàn tay vô thì cái ống quây hết sức mau, còn ông rút bàn tay ra thì một phút sau nó ngừng lại lập tức.
ẢNH HƯỞNG CỦA NƯỚC ĐÁ
Bây giờ người ta mới để nước đá vô trong bình thì cái ống không quay, vì nước đá cản từ-điễn. Nếu mà cái bình đựng nước lạnh hơn không-khí ở trong phòng thì cái ống cũng không quây. Khi nước đá trong bình bằng nhiệt độ trong phòng thì cái ống quây.
Ý KIẾN CỦA ÔNG RAOUL MONTANDON
Ông Raoul Montandon nói : “ Tôi có đến xem ông Fayol thí-nghiệm hai lần. Lần đầu tiên, tôi đã chắc chắn không phải nhiệt-độ làm cho cái máy quây. Tôi thấy ảnh-hưởng tay mặt với ảnh-hưởng tay trái khác nhau rất xa. Lần thứ nhì, ông Fayol cho tôi hay rằng ông X làm cho cái máy quây ngược hơn thường lệ thì tôi tưởng vấn đề nhiệt độ làm cho cái máy quây đã giải quyết rồi. Vài ngày sau tôi thấy tận mắt ông X, rất khỏe mạnh, lâu lâu mới làm cho cái máy quây ngược một lần mà thôi. Quả đích thật không phải tại sự thay đổi nhiệt độ trong máu hay là trong da làm cho cái máy thay đổi chiều hướng. Tôi cũng thấy bà X., dầu cố gắng và bền chí cũng không làm cho máy quây được chút nào. Một chập sau ông Fayol để tay lên vai bà X…, tức thì cái máy quây liền. Tôi lấy làm lạ hết sức.”
SỬA ĐỔI CÁI MÁY LẠI
Người ta nói với ông Fayol : cái máy ông làm toàn bằng kim khí. Trong mình con người có điễn-khí, vì vậy cho nên điễn-khí làm cho cái ống quây tròn. Lý lẽ nầy cứng cát lắm song ông Fayol không chịu thua. Ông chế lại cái máy toàn bằng cây. Cái ống chính giửa bằng bố nhúng dầu paraffine. Người ta đem lại gần cái ống những cục đá nam-châm rất lớn và những miếng sắt có tánh từ-thạch rồi người ta cho một luồng điện thật mạnh vô trong đó, cái ống đó không động địa chút nào.
Trái lại, để tay gần thì cái ống quây tròn cũng như cái ống làm bằng kim-khí. Bây giờ người ta mới hết nói rằng tại điễn-khí nên cái ống quây.
CÁI ỐNG XÂY TRÒN CÁCH NÀO?
Nếu để tay trái thì cái ống quây tròn từ Tây sang Đông như kim đồng hồ, còn để tay mặt thì nó quây ngược lại từ Đông sang Tây.
Khi đau ốm hay tinh thần dã dượi thì cái ống không xây. Còn lúc nào mà trong mình không được khoẻ thì cái ống xây ngược.
THỨC ĂN CŨNG CÓ ẢNH-HƯỞNG ĐẾN SỰ QUÂY MAU CHẬM
Những người ăn rau trái thì thần-lực mạnh lắm. Những người dể thọ cảm, những người đồng-tử, thì không có ảnh hưởng hay là ảnh-hưởng rất ít với cái ống nghĩa là : Cái ống quây chậm rì hay là không quây. Như bà Y hồi nảy. Có một điều nầy rất lạ. Ông Fayol, đưa tay mặt sau cái máy thì cái ống quây hai chục vòng trong một phút đồng hồ.
Bà Y để bàn tay trên vai ông Fayol, trong ba phút sau, cái máy liền đứng sựng. Bà Y bỏ đi ra xa thì cái ống khởi sự quây lại như củ.
VÀI ĐIỀU LẠ
Thí dụ một người kia để tay vô máy, cái ống quây ba chục vòng trong một phút. Nếu có một người khác đi chậm chậm lại cái máy không làm cho nổi gió, rồi đứng phía bên kia, nghịch với bàn tay và cách từ hai tấc tới hai thước tây thì trong một vài phút cái ống ngừng lại hay là quây chậm rì : cái đó tùy theo hạng người. Khi nào người đó đi nơi khác cái ống mới quây mau lại.
Trái lại nếu người thí-nghiệm không làm cho cái ống nhúc nhích được, mà có một người khác lại đứng như vậy, tức thì cái ống khởi sự quây tròn, chừng bỏ ra đi thì cái ống ngừng lại.
LÚC NÀO CÁI ỐNG QUÂY NGƯỢC?
Ông J. đau bao tử, ông để tay vô thì cái ống quây ngược. Lần sau, ông còn đau cái ống cũng quây ngược…tới lần thứ ba ông lành mạnh rồi, cái ống quây xuôi như thường.
ẢNH-HƯỞNG CỦA NHIỀU NGƯỜI NẮM TAY
Người ta còn thí-nghiệm cách nầy nữa. Ông X làm cho cái ống quây 20 vòng trong một phút. Nhiều người nắm tay nhau, người nầy nắm tay người kia, làm một cái vòng tròn rồi người đứng đầu nắm tay ông X. Trong ba phút sau cái ống quây chậm, tới phút thứ năm thì nó ngừng lại.
Họ buông tay ông X ra. Cái ống khởi sự quây mau như trước. Thí-nghiệm trọn năm lần như vậy thì cái kết quả vẩn in nhau.
Tại sao lạ vậy ?
Có hai lẽ. Hoặc là trong mấy người nắm tay có một người hút từ-điễn của mấy người kia cũng như bông đá hút nước. Hoặc là tại từ-điễn của mấy người đó hòa lẩn với nhau nên vô hiệu quả.
Kết luận :
Cái máy của ông Fayol chứng chắc rằng trong mình con người có từ-điễn.
ĐỘNG-CƠ CỦA ÔNG TROMELIN
Động-cơ của ông gồm một cái ống tròn bằng giấy bề kinh-tâm chừng năm hay sáu phân tây, hai đáy trống lổng ; bề mặt phía trên có một cộng rơm đâm ngang ; chính giữa cộng rơm có xỏ một cây kim, mủi kim đụng cái đáy của một cái hủ bằng kiểu hay là một cái ve nhỏ úp miệng xuống. Cái ống dựng đứng còn cây kim là cái cốt của nó, đụng tới cái ống thì nó xây tròn liền. Cũng có thể làm một cái bánh xe bằng giấy có răng cưa thế cho cái ống tròn.
( Xin xem hình rỏ hơn )


Khi để cái động-cơ trước mắt và trên một cái bàn rồi sè bàn tay mặt đàng sau nó tức thhì nó xây tròn nhưng ngược với cái vòng tròn của cây kim đồng hồ (nghĩa là từ Đông sang Tây). Nếu sè bàn tay trái thì động-cơ xây vòng theo cây kim đồng hồ. Theo ý ông Tromelin thì đó là dấu chứng rằng thân thể con người giọi ra những từ-điễn
CHƯƠNG THỨ BA
DÙNG TỰ-ĐIỄN ĐỂ TRỊ BỊNH
Bây giờ đã có người dùng từ-điễn để trị bịnh.
Nhưng mà chánh-phủ Âu Tây chưa công nhận cách đó hợp với pháp luật.
Sự luyện tập có khó khăn không?
Không khó mà khó. Bỡi vì con người phải dứt các tánh xấu, sửa cách ăn uống, tập định trí và tập thở dài hơi, học rành khoa giải-phẩu (Anatomie), sinh-lý học và những luật về từ-điễn-học, ý-chí phải cứng cỏi. Không bền chí thì không khi nào thành công.
Nhưng mà phải thông khoa Pháp-môn mới biết sự dùng từ-điễn có lợi mà cũng có hại.
SỰ ÍCH LỢI CỦA TỪ-ĐIỄN
Như tôi nói khi nảy, những người nào khoẻ mạnh thì sanh-lực dư dùng, và có thế san bớt sanh-lực đó cho những người nào yếu đuối hơn. Bỡi vì những người đau ốm, lá lách không vận động mạnh mẽ, sanh-lực vô mình ít lắm nên mất sự thăng bằng.
Nhờ sanh-lực vô bồi số thiếu thì bịnh nhân lần lần mạnh lại. Có hai cách đem sanh-lực ;
Một là dùng thuốc men (loài thảo-mộc sanh-lực nhiều hơn chất hoá-học).
Hai là : dùng từ-điễn
Những bịnh thuộc về thần-kinh hệ, như tánh nóng nảy, quạo quọ, sanh ra là tại cái Phách yếu đuối rút sanh-lực không đủ nuôi mình, bộ thần-kinh thường căng thẳng, hể đụng tới một chút thì sân si liền (bịnh nầy khác hẳn với tánh nóng nảy của người ta đã tập quen).
Bịnh mất ngủ, ăn không tiêu, nhức đầu cũng tại thiếu sanh-lực. Hễ sanh-lực đầy đủ thì mấy chứng đó tiêu mất.
CÁCH CHỮA MỘT CƠ-THỂ TRONG MÌNH
Tỷ như lá gan đau thì chữa cách nào?
Hễ lá gan đau thì chất tinh-khí bao lá gan cũng hư xấu vậy. Thế thì trước hết phải lấy tay vuốt chổ lá gan từ trên xuống dưới, trong trí phải tưởng đem chất tinh-khí xấu đó theo bàn tay mình mà ra ngoài. Mỗi lần vuốt rồi thì phải rảy mấy ngón tay xuống đất đặng chất tinh-khí xấu bay mất; nếu không giữ kỹ đều nầy, chất tinh-khí dính vô mình, sau mình phải đau gan. Làm như vậy trong năm mười phút tùy theo người bịnh chịu được bao lâu. Xong rồi phải rửa tay với xà-bông sạch sẽ.
Rồi trong trí phải tưởng-tượng lá gan trong lúc lành mạnh, tươi tắn. Nhờ tư-tưởng mạnh dạn vâng theo lịnh mình sai khiến nên nó rút chất tinh-khí tốt lại làm ra một lá gan như ý mình muốn. Sự rung-động của tư-tưởng sẽ giúp cho các sớ thịt cũ cũa lá gan đau mau lành và sanh ra những sớ thịt mới khác (Trong cuốn Cái Trí, tôi có nói sự rung động sanh ra hình dạng). Còn một cách khác là khi đuổi chất tinh-khí xấu ra ngoài rồi và sau khi rửa tay sạch sẽ thì cũng lấy tay vuốt trên mình chổ lá gan đau trong trí tưởng đem từ-điễn tốt của mình sang sớt cho người bịnh.
Trong hai cách thì cách sau có hại nhiều hơn là lợi. Bỡi vì ông Thầy mà có tánh xấu hay là bịnh hoạn chi, đều có thể truyền sang tánh tình và chứng bịnh của ổng cho người mà ổng đang chữa. Té ra người bịnh khỏi mắc bịnh nầy mà lại vướng chứng nọ.
Đó là đều cần nhứt nên nhớ kỹ trước khi tìm ông Thầy chữa bịnh từ-điễn. Mà cũng nên biết đồ nỉ và hàng lụa ngăn cản từ-điễn, vậy trong khi chịu cho chữa thì người bịnh phải mặt đồ vải.
DÙNG TỪ-ĐIỄN TRONG VIỆC MỔ XẺ
Có thế nào dùng từ-điễn làm thuốc tê thế cho thuốc mê trong cơn mổ xẻ không?
Không phải lấy từ-điễn làm thuốc tê được, nhưng có thể dùng ý-chí không cho sanh-lực vô chỗ đau nữa thì khi mổ chỗ đó, bịnh nhơn không còn biết cảm-động.
Tại sao vậy?
Sự đau đớn và cảm-xúc của con người không phải ở trong xác thịt mà vẫn ở trong cái Vía. Nhờ sanh-lực theo chất tinh-khí của cái Phách làm môi-giới đem sự cảm-động từ xác thịt qua cái Vía và từ cái Vía qua cái Xác.
Nói rõ hơn nữa là mỗi đường gân trong mình đều có 1 lớp tinh-khí của cái Phách bao phủ, nên vậy người ta mới gọi là cái Phách có cái óc và bộ thần-kinh như xác thịt. Nếu không cho sanh-lực chạy theo đường gân nào thì đường gân đó như bị tê liệt không còn giao thông với cái óc nữa. Như vậy đâu có sự cảm-động. Tỷ như cái tay đau phải mổ. Nếu dùng ý-chí đuổi sanh-lực ở cánh tay ra ngoài rồi mổ thì người bịnh không biết đau chi cả. Trong lúc đó máu huyết chỗ cánh tay cũng lưu thông như thường không có ngưng trệ.
Cách nầy còn tốt hơn dùng thôi-miên làm cho người bịnh ngủ mê đặng mổ.
Vì sao thôi-miên không tốt?
Người nào bị thôi-miên một lần thì đã mất nghị-lực, từ đó về sao ai thôi-miên cũng được. Người ta có thể, dùng tư-tưởng xuối biểu va làm việc quấy, va sẽ tuân theo mà không ngờ, và cứ tưởng là tại ý va muốn làm đó thôi. Vì vậy không nên để cho ai thôi-miên và cũng đừng thôi-miên ai cả nếu không phải vì mụch đích cứu bịnh.
Những người thiện nghệ không cần dùng bàn tay, chỉ dùng cặp mắt và tư-tưởng mà thôi. Cái kết-quả lại rất chắc chắn.
Tôi xin thuật chuyện nầy cho ngài nghe :
Ông Đại-tá (Colonel) Olcott khi xưa vốn lão luyện về phép từ-điễn. Một lần kia Ngài ở Miến-Điện (Birmanie), có mướn một tên bồi không biết nói tiếng Anh. Ngài dùng từ-điễn thâu thần nó, song cách nầy không có làm cho nó mê mang; nó cũng đi đứng và làm công việc như thường. Ngài mới hỏi mấy anh em trong hội, có ông Leadbeater tại đó nữa, coi ai muốn Ngài thí nghiệm cách nào. Có người biểu Ngài làm ra trong góc phòng một lằn lửa đỏ. Ngài liền sè tay đưa ngang qua chỗ chỉ tức thì tư-tưởng Ngài đã hoá ra lửa đỏ rồi. Người ta mới kêu tên bồi lại rồi biểu nó đi dạo trong phòng. Nó đi chẫm rãi nhưng tới chỗ ông Olcott làm phép, nó bèn sợ hãi, thụt lại, nói rằng có một lằn lửa đỏ, nó đi qua không được. Một lần khác nó đi vắng, Ngài liền lấy tay vẻ không dưới đất một đường và nhứt định nó không bước qua chổ đó được. Rồi Ngài sai kêu nó về. Nó đi tới chỗ Ngài vẻ thì dội ngược gần ngã xuống đất. Chừng nó tỉnh lại, nó nói nó bị thư, vì cái cẳng nó dính cứng, nó không động địa được. Nhiều lần nó dợm bước qua chỗ đó mà bước không nổi, nó lấy làm lạ lắm, và sợ hãi vì không biết sao gặp chuyện khó hiểu như thế.
Bao nhiêu đây, các bạn cũng đủ rõ những phép tắc ở trong tay những kẻ vô liêm sỉ thì sự hại người không biết sao mà nói được.
DÙNG TỪ-ĐIỄN CHỮA BAO LÂU MỚI HẾT BỊNH
Đều đó không nhứt định được. Phải tùy theo bịnh nặng hay nhẹ, người bịnh dễ hay khó thọ cảm, và hạng nhứt là các tánh tình và công phu luyện tập của ông Thầy. Cũng có người trị không hết bịnh vậy.
Những vị nào vì thương đời mà chữa bịnh, chớ không lấy phép đó làm kế sanh nhai, không cố ý dục lợi thì trị mau lành lắm.
Đức tin lấp biển dời non, người mà đức tin mạnh chừng nào thì càng làm được nhiều việc phi thường chừng nấy.
MỘT PHÉP LẠ LÙNG TRỊ BỊNH NÀO CŨNG MẠNH
Ngoài phép từ-điễn, thôi-miên, phù chú, còn một phép nữa ít ai biết được.
Phép đó vốn của các Đại-Thiên-Thần (Grands Dévas), nhưng nó không ở lâu với con người, chỉ trong một thời gian ngắn ngủi mà thôi. Khi con người có phép ấy thì rờ tay tới đâu bịnh mạnh tới đó, không có bịnh nào không mạnh.
Xưa nay đã có nhiều người được phép đó. Mấy người đó toàn là những người đã dứt lòng trần tục.
Trong lịch-sử đạo Thiên-Chúa có kể những phép lạ của đấng Christ đã làm : như một người đàn bà mất máu đã mười hai năm, một người bại xuội nằm trên giường, mười người cùi phung, 1 người có bàn tay khô khan, một người đàn bà bị quỉ phá đau trọn 18 năm, một người xuội bại đã 38 năm, một người đui từ trong bụng mẹ, một người đui và câm bị quỉ ám, nhiều bịnh khác và có ba người chết rồi Chúa cứu sống lại. Nghe chuyện sau nầy có người hỏi :
“ Tại sao chết rồi mà sống lại. Có lẽ họ chết giả sao chớ ?”
Xin đáp: “Đức Chưởng-Giáo có quyền cải tử hườn sanh, song người ta thường gọi ba trường hợp nầy là chết giả (léthargie). Tôi cũng biết rằng: Mấy anh Bàn-môn tả đạo có thể làm cho mấy thây ma chết sình sống lại đặng phá người nữa (1), [(1) Xin xem chuyện thiếu-phụ thành Corinthe bên Hy-Lạp trong quyển con người thác rồi về đâu.] huống chi là đức Chưởng-Giáo.”
Tôi biết thì phải nói, độc-giả có quyền tin hay không cũng được.
Phương-ngôn Langa có câu : “Biết thì làm đặng” “Savoir, c ést pouvoir”.
CHUYỆN ÔNG CỐ-ĐẠO CURÉ D’ARS
Cũng có người viện lẽ rằng : Những chuyện của đức Chưởng-Giáo làm đã gần hai ngàn năm không biết sao mà nói được. Vậy tôi xin thuật vài chuyện lạ lùng của ông Cố-Đạo Curé d’Ars (Curé d’Ars) sanh đẻ tại Dardilly, một thôn trong địa phận Rhône, ngày 8 Mai 1786, hồi 12 giờ khuya. Hồi thuở nhỏ, Ngài đã ưa cầu nguyện rồi, Ngài nhập đạo năm 1815, rồi ba năm sau được phong linh-mục tại thôn Ars thuộc về quận Ain. Từ đó tới năm 1860, trọn 42 năm như vậy, Ngài làm nhiều điều mà người ta gọi là phi thường. Danh thơm của Ngài bay khắp cõi Âu. Ngày nào như ngày nấy, bốn phương thiên hạ nườm nượp tới cầu nguyện tại nhà thờ d’Ars, chật đường chật xá, chen chơn không lọt. Có một đứa nhỏ lối 12 tuổi gầy còm và bại xuội đợi trong hai ngày ở ngoài nấc thang trước thềm mới lết vô được ở bàn chót trong nhà thờ đặng cho Ngài thấy nó. Khi Ngài bước vô cữa, nó mới làm gan nắm áo Ngài, cầu xin Ngài ban ân huệ cho nó lành mạnh. Ngài bèn nói với nó. “Con muốn lành mạnh thì hãy cầu nguyện đức Thánh Philomène trong 9 bữa đi.”
Đứa nhỏ vâng lời. Ngày thứ mười, nó mới xin thiên hạ cho nó chen vô giữa rồi thưa Ngài: “Thưa cha con cầu nguyện đã 9 ngày rồi mà bịnh tật không thuyên giảm. Ngài bèn hỏi nó : “Con muốn mạnh lắm sao?”
---Thưa cha con muốn lắm.
---Vậy thì con hãy đứng dậy mà đi đi. Ngài vừa phán dứt lời thì đứa nhỏ đứng dậy đi như thường, các tật bịnh đều tiêu mất hết.
Ngài không tiền, nhưng mà chẳng biết vàng bạc ở đâu tự nhiên đem tới cho Ngài không biết bao nhiêu mà kể. Lần kia, Ngài nói với cô quản-gia Catherine Lassagne như vầy : Bữa nay có một chuyện dị-kỳ làm cho tôi bắt tức cười một mình. Không biết sao cái túi đựng tiền của tôi thình lình nó lớn lên mải. Tôi giở ra coi thì thấy một nắm đồng vàng. Mà không phải lần nầy là lần thứ nhứt đâu.
Có một ngày nọ, Ngày than với ông linh-mục Tailhades rằng : “Tôi buồn quá, tôi mắc nợ hết ba ngàn quan. Ông Tailhades mới khuyên lơn Ngài : “Ông chớ lo, đức Thượng-Đế sẽ sắp đặt xong xuôi việc ấy.” Qua ngày sau Ngài bèn nói với ông Tailhades : “Tôi kiếm được tiền rồi, nhiều lắm. Sớm mai nầy mình tôi thếp vàng. Tôi đi không muốn nổi, hai túi tôi nặng cho đến đổi tôi phải lấy tay bợ lên kẻo nó rách đi.”
Ngày nọ cô quản-gia Catherine Lassagne lại cho Ngài hay lúa trong bồ đã tận đáy rồi. Ngài làm thinh, nhưng trong lòng tin chắc đức Thượng-Đế lòng từ ái vô biên không bỏ Ngài bao giờ.
Ngài bèn lấy miếng xương của Thánh Francois Regis đem dấu dưới đống lúa còn lại, rồi Ngài đi nhà thờ đọc kinh.
Bổng chút cô quản-gia với nhiều người khác hớn hở chạy lại cho Ngài hay: “Thưa cha, hồi nãy cái vựa gần trống trơn, bây giờ đã đầy tràng những lúa, khép cữa không muốn được.”
Có một bữa, cô quản-gia Catherine Lassagne tới cho Ngài hay : còn một chút bột không đủ làm một ổ bánh mì. Ngài trả lời : “Cứ thêm men vô.” Quả thiệt càng nhồi bột càng nổi có đủ làm 8 ổ bánh mì và nướng rồi còn ngon hơn bánh mọi lần nữa.
Quí Ngài muốn rõ nữa xin xem cuốn “Le Curé d’Ars” par Henri Chéon, Editeur Camille Flammarion và “Vie du Saint Curé d’Ars” Bureau des Annales de la Sainteté.
Không phải tôi giữ đạo Thiên-Chúa nên làm quảng cáo cho mấy ông Linh-mục. Tôi là người học Đạo, tôi kính trọng hết các vị thánh nhơn, hiền triết, dầu ở Đông-Á hay là Tây-Âu cũng vậy, nếu có dịp, tức thì tôi xưng tụng công đức liền.
Ông Olcott, Hội-trưởng Thông-Thiên-Học khi xưa cũng có phép lạ lùng đó một ít lâu. Trong một tháng Ngài trị lành mấy ngàn người mắc đủ chứng bịnh.
Như tôi đã nói khi nãy, những vị xả thân cứu đời không còn một mảy háo danh, tư lợi thì trên Thiên-Đình mới ban phép ấy cho. Nếu tu hành mà còn tánh ích-kỷ, không lo cứu vớt quần sanh thì chẳng hề có phép đó bao giờ, ước ao vô ích.
TỪ-ĐIỄN LÀM CHO CÂY MAU LỚN
VÀ THÂY MA KHÔ ROM KHÔNG HÔI THÚI
Từ-điễn còn làm cho cây mau lớn và thây ma khô rom không hôi thúi chi cả
Sự thí-nghiệm của ông Đốc-tơ Edouard Bertholet
Ông Đốc-tơ Bertholet thí nghiệm với những hột bí rợ, trồng trong hai cái hủ, đất phân in nhau. Một thứ thì Ngài truyền từ-điễn qua, mỗi ngày từ 20 tới 30 phút. Còn hủ kia thì để tự nhiên. Mười hai ngày sau những hột có truyền từ-điễn đâm ra rễ mau hơn mấy hột trong hủ kia.
Xin xem hình dưới đây:
A: Những hột để làm chứng
B: Những hột truyền từ-điễn trong 12 ngày.
Cách thí-nghiệm của Đốc-tơ Durville
Năm 1913, một ngày kia ông Đốc-tơ De Socquel xin bạn đồng nghiệp của Ngài là ông Đốc-tơ Durvill truyền từ-điễn cho một bộ phận trong thân thể người chết thử coi.
Ông Đốc-tơ Durville chịu. Vài bữa sau, ông Đốc-tơ Socquel đem lại một cánh tay của một người tự-tử bằng hơi độc, mà ông để-dành trong máy làm nước đá đã 3 tuần lễ rồi. Khi thấy trạng-thái của cánh tay đó thì ông Đốc-tơ Durville dụ dự, song ông muốn khỏi thất hứa, ông bèn chịu.
Người ta mới lập một Ủy-ban gồm những ông Đốc-tơ Allendy, Đốc-tơ Vergnes, Đốc-tơ Flach, Đốc-tơ Bas, Đốc-tơ Cabanès và quí ông Girod, Magnin, Herbet, Haudricour và Jagot, để xem xét trạng-huống của sự thí-nghiệm mỗi ngày. Các báo mỗi bữa cũng có gởi người tới lấy tin. Nhờ hai người phụ tá, bà Raynaud và ông Picot, ông Đốc-tơ Durville truyền từ-điễn qua cánh tay đó luôn luôn gần 2 tháng. Cánh tay nầy để trên dĩa ở trong hầm rượu gần lò sưởi. Trước hết thì thấy ngón tay khô rồi kế đó trọn bàn tay không có bay mùi hôi hám chi cả.
14 năm sau, nhằm năm 1927, cánh tay đó giống như mấy cái thây ướp của người Ai-cập (momie égyptienne) khô rom và để dằn giấy trên bàn viết.
Người ta đem óc, gan và tim thú vật tới cho ông Đốt-tơ Durville truyền từ-điễn qua; cái kết quả cũng in như ở trên, nghĩa là mấy cơ-thể ấy khô rom không hề hôi thúi
Nhưng không phải một mình ông Đốc-tơ Durville có cái biệt tài như thế mà thôi, bà X. ở tại Bordeaux và bà D. ở Toulouse cũng có cái mảnh lực ấy.
Sự thí-nghiệm của hai ông, Đốc-tơ L. Clarac và Đốc-tơ B. Llaguet.
Ông Đốc-tơ L. Clarac là một vị lương-y rất có danh giá tại Bordeaux và ông Đốc-tơ B. Llaguet, một nhà hóa-học đại tài và giáo-sư tại Khoa-học Đại-học-hiệu (Faculté des Sciences) ở Bordeaux có phòng thí-nghiệm nhiều lần với bà X. Những vật của hai ông trao cho bà X. truyền từ-điễn đều khóa chặt trong phòng hóa-học, không hề đem ra ngoài, trừ ra khi thí-nghiệm mà thôi. Mỗi lần thì bà X truyền từ-điễn từ 15 tới 20 phút và truyền từ-điễn và đồng thời nói chuyện với hai ông Đốc-tơ.
Dưới đây là tờ kiết chứng của hai ông:
1.) Cây cối và bông hoa.---Một bông hường và một nhánh kim ngủ thảo (muflier) khô mau lắm, trong 10 ngày , màu bông và màu cây y nguyên, lá dính trên nhành.
2.) Rượu chát.---Khô lần lần. Trong 11 ngày không hôi hám chi cả. Còn thứ để làm chứng trong 3 ngày đã chua và nổi meo đầy trên mặt.
3..) Loài sò hến.---Những con hào gọi là con hào Bồ-đào-nha (huitres portugaises) và những con hào thường. Khô lần lần tới 13 ngày thì khô rom không hôi thúi. Còn mấy con để làm chứng tới ngày thứ 9 rã ra nước, hôi hám hết sức. Mấy con có dòi đưa cho bà X truyền từ-điễn vào thì chúng nó bò ra ngoài vỏ rồi chết ráo. Trong 3, 4 ngày không có con dòi nào sống cả và thịt con hào lần lần khô, hết thúi nữa.
4.) Cá.---Hai con cá chép (Cyprins) chết, không mổ ruột. Khô mau lắm, 3 ngày sau không có mùi hôi. Màu sắc còn y nguyên, hai con mắt cũng sáng rỡ.
5..) Chim.---Một con chim hoàng-oanh (Chardonnet) chết ở trong lồng không mổ ruột. Khô mau lắm, 3 ngày sau cứng đơ, màu vàng ở cánh và màu đỏ ở đầu đã không phai lại còn trở nên sậm nữa.
Một con chim hít cô (Serin) chết trong lồng, không mổ ruột: bỏ 2 ngày đã sình rồi mới đưa cho bà X truyền từ-điễn. Tức thì ngưng bớt sự hôi thúi lần lần, rồi khô rom, trong vòng 5 ngày. Màu sắc của lông cánh còn nguyên, màu vàng dợt trở thành màu vàng sậm. Lông của hai con chim dính cứng vô mình.
6..) Những con thú.---Con thỏ cắt lấy máu; gan và lá lách. 2 ngày đầu thì khởi sự khô, song trở lại mềm hình như muốn thúi. Qua ngày thứ 3 thì khô mau, tới bữa thứ năm thì khô rom hết.
Trái tim và cật khô mau, không có trở lại mềm. Trong bốn ngày khô rom.
Mấy cơ-thể nầy để xem xét trong một tháng không hôi thúi chi cả. Chúng nó giống như da thuộc cũ mà đánh si-ra đen (cirage noir) sơ sài.
Máu con thỏ hồi mới thí-nghiệm thì đặc, 10 cà-ram máu đựng trong cái bình bằng chai, trong 3 ngày trở nên lỏng, đỏ ao. Nước máu nầy trọn 20 ngày thì lỏng, qua ngày 21 thì khởi sự đặc lần lần. Tới ngày thứ 28 thì nó khô.
Mỗi 3 ngày thì lấy kiến hiển-vi xem coi nhiều lần, mấy hột máu vẩn còn y nguyên.
Tới ngày thứ 28 trước khi thình lình máu đặc lại, nếu lấy nó trải ra trên một miếng giấy hay là một miếng chai và đem kiến hiển-vi xem coi thì thấy hột máu đỏ cũng không hư hoại.
Hiện giờ máu khô rom và cũng còn giữ màu đỏ lòm, không có mùi hôi. Duy mới hôm qua đây người ta thấy nó nức trên mặt.
Đó là những việc có rõ ràng, chúng tôi nói trắng ra đây, chỉ lo có một đều là cho đúng với sự thật mà thôi.
Ký tên: Đốc-tơ L. Clarac và B. Llaguet,
Sự thí nghiệm của ông Stellet
Bà D… ở Toulouse sè bàn tay để vài lần trên mình mẩy con thú nhỏ như : chuột, cá, chim và những cục thịt lớn, thì chúng nó đều khô rom. Những trái cây một phen khô rồi thì để đời đời.
Tròng trắng và tròng đỏ trứng già đặc cứng không hôi hám chi, bông hoa thì còn y nguyên màu sắc.
Báo Psychica ngày 15 Févier 1926, có đăng bài của ông Stellet thuật về sự thí-nghiệm của ông như vầy :
“Tôi đem lại nhà bà D…con cá của tôi câu. Bà truyền từ-điễn trong 10 phút rồi trả lại cho tôi đem về nhà.
Ngày mai tôi đem con cá đó lại cho bà truyền từ-điễn nữa.
Qua ngày thứ ba con cá khô rom, không nói ra các Ngài cũng biết con cá đó để ruột gan y nguyên. Tôi đem cho bà những cục thịt bò, một con lương, một con ếch, sữa loảng, bà truyền từ-điễn qua mấy vật đó chúng nó hoá ra khô rom, còn sữa thì cứng đơ như cục đá cẫm thạch.

Hình XIII (trương 511) là những hình sau khi truyền từ-điễn khô rom, đăng trong báo Psychica, 15 Mars 1926:
Trái cam (Avril 1924). Gan bò (Avril 1924). Bông hường (Juin 1925). Con lương (Juillet 1925). Hai con cá (Octobre 1925).
Ve chai không ngăn cản từ-điễn được. Một cái ve đựng nước tiểu, sau khi truyền từ-điễn, để mấy tháng cũng không có mùi hôi.
Tôi cũng thấy một mụt ghẽ lở, đầy mủ máu và hôi quá.
Bà D… để tay lên trên lối 10 lần thì mục ghẽ đó lành, khô rồi kéo da non.
Tôi có thuật chuyện nầy cho một người bạn tôi Y-khoa tấn-sĩ và một ông Giáo-sư tại Y-khoa đại-học-hiệu ở Toulouse. Hai ông nầy tới nhà bà D…thăm và xem coi, những con thú nhỏ của bà để trong tủ sách, hai Ngài lấy lạ lùng hết sức…
Mấy vị khác như ông A. Pauchard, hai vợ chồng ông P. Burnet cũng có tài làm cho những cá, những bông và trái tim con bò con, con dê con khô rom vậy.
Đó là những sự công dụng sơ lược của từ-điễn, ngày sau con người tấn hoá cao rồi, sẽ thấy nhiều sự lạ lùng nữa.
PHÉP TỪ-ĐIỄN KHÁC VỚI PHÉP THÔI-MIÊN.
Phép từ-điễn khác với phép thôi-miên thế nào?
Thôi-miên vốn dịch chữ hypnotisme mà hypnotisme do chữ Hy-lạp hypnos mà ra, Hypnos nghĩa là giấc ngủ, nghĩa rộng ra là thuật làm cho ngủ mê. Học thôi-miên đặng trị bịnh thì là tốt hơn hết, còn dùng nó đặng làm việc quấy toại lòng dục thì mắc quả báo chẳng sai, chạy trốn đường nào cũng không khỏi.
Tại làm sao nhiều người học thôi-miên lại bị cận thị?
Đó là tại luyện sái cách. Mấy vị đó vẽ chấm đen dòm mãi nên phải hư con mắt. Phải tập cho có mực thước. Dòm trong mặt kiến ít hại hơn là chấm đen. Song tôi tưởng sửa tâm tánh cho tốt là điều cần ích hơn hết vì người có đức hạnh vẹn toàn mở miệng ra thiên hạ đều bái phục và không có ai thôi-miên được cả.
NHÃN-QUAN (VUE ÉTHÉRIQUE)
Xin nhắc lại cõi Trần chia ra làm bảy cảnh, ba cảnh thấp là : nước, đất và khí. Còn bốn cảnh cao làm bằng chất tinh-khí (substance éthérique). Con mắt mình chỉ thấy nước, đất và khí đặc lại. Nếu mà khí không đặc lại mình cũng không thấy. Chừng mở được nhãn quan của cái phách thì thấy được 4 thứ tinh-khí và trông suốt qua hết các vật ở cõi trần. Vách gạch, vách đá, tủ sắt ngăn sự thấy của hai con mắt phàm chớ người có nhãn-quan thấy rõ những đồ để bên kia vách, hay là trong tủ hoặc trong bao niêm phong kín ; người cũng đọc được những đoạn trong một cuốn sách xếp lại; dòm xuống đất cái thấy rõ những vật gì ở cách xa mặt đất chừng một, hai trăm thước. Đối với người có nhãn-quan thì xác-thịt kẻ khác trong ngần thấy rõ tim, phổi, ruôt, gan, cách máu huyết lưu thông, và cơ thể nào mạnh yếu.
Cũng biết được thứ cây nào trị bịnh chi.
Tục truyền rằng : “Thuở xưa cái vị tổ khoa y-học bên Trung-Nguyên, mình mẩy trong ngần ; khi nếm thuốc thấy rõ chúng nó chạy vào tạng phủ nào, nên mới làm ra bản-thảo để lại đời sau”. Tôi tưởng mấy vị ấy chẳng cần tới nếm thuốc chỉ dòm các chứng bịnh và các vị thuốc thì đủ biết, thứ nào hạp với chứng bịnh nào rồi.
Bởi có nhãn-quan nên thuốc của cái vị Chơn-nhơn hay hơn thuốc của người thường bào-chế cả trăm lần
BẠCH-LIÊN
VẠN VẬT THÁI-BÌNH
MỤC-LỤC
CHƯƠNG THỨ NHỨT
Hình-dạng cái Phách. Màu sắc ……………………………………………………………..3
Phận-sự của cái Phách ………………………………………………………………………3
Những trung-tâm-lực của cái Phách ………………………………………………………...4
Phận-sự của những Luân-xa ………………………………………………………………...4
Ba thần-lực của ngôi mặt trời ……………………………………………………………….5
Fo-ha ………………………………………………………………………………………...5
Sự thí-nghiệm về những cách rung-động …………………………………………………...6
Sanh-lực ……………………………………………………………………………………..8
Sanh-khí-cầu ………………………………………………………………………………...9
Sanh-lực có 7 thứ và 7 màu ………………………………………………………………..10
Sanh-lực vô mình cách nào ………………………………………………………………...10
Phận-sự của các thứ sanh-lực ………………………………………………………………12
Mấy hột sanh-khí-cầu nuôi mình rồi đi đâu ? ……………………………………………...15
Sự tiêu-hóa sanh-lực hay là sự hữu-ích của giấc ngủ ………………………………………15
Sự ích-lợi của hào-quang cái Phách ………………………………………………………..17
Những điều có ảnh-hưởng tới cái Phách …………………………………………………...17
Chuyện cái Phách của một người bị cưa tay ……………………………………………….20
Phép thôi-miên với cái Phách ………………………………………………………………22
Sự liên-lạc của cái Phách với xác-thịt ……………………………………………………...22
Cách chụp hình sự cảm-động, tư-tưởng và từ-điễn của con người ………………………...23
CHƯƠNG THỨ NHÌ
Loài kim-thạch cũng sống như mình …………………………………………………………25
Cung-đa-li-ni hay là hỏa-xà …………………………………………………………………..27
Khí nguyên-dương là cái chi ? ………………………………………………………………..28
Tại làm sao không nên khươi luồng hỏa sớm ………………………………………………….28
Muốn mở luồng hỏa phải đủ những điều-kiện nào …………………………………………….29
Sự ích-lợi của nó ……………………………………………………………………………...30
Máy để thí-nghiệm từ-điễn trong mình con người ……………………………………………31
Những sự thí-nghiệm của ông Fayol ………………………………………………………….32
Động-cơ của ông Tromelin …………………………………………………………………...36
CHƯƠNG THỨ BA
Dùng từ-điễn để trị bịnh ……………………………………………………………………..38
Sự ích-lợi của từ-điễn ………………………………………………………………………..38
Cách chữa một cơ-thể trong mình …………………………………………………………...39
Dùng từ-điễn trong việc mổ xẻ ………………………………………………………………40
Vì sao thôi-miên không tốt …………………………………………………………………..41
Dùng từ-điễn chữa bao lâu mới hết bịnh …………………………………………………….42
Một phép lạ-lùng trị bịnh nào cũng mạnh ……………………………………………………42
Chuyện ông cố-đạo (Curé) d’Ars …………………………………………………………….43
Từ-điễn làm cho cây mau lớn ………………………………………………………………..46
Phép từ-điễn khác với phép thôi-miên ……………………………………………………….51
Nhãn-quan ……………………………………………………………………………………52
Hình I - Nguyên-tử rút 6 nguyên-tử khác…………………………………………………...9
Hình II - Sanh-khí-cầu……………………………………………………………………….9
Hình III - Phân phát sanh-lực………………………………………………………………..11
Hình IV - Mấy lằn sanh-lực và các chổ bí yếu ..……………………………………………14
Hình V - Cơ-quan bài-tiết sanh-lực…………………………………………………………16
Hình VI - Hào-quang cái phách khi khỏe mạnh……………………………………………..17
Hình VII – Hào-quang cái Phách khi mệt nhọc, thương tích, bịnh hoạn …………………….17
Hình VIII- Cách trả lời của miếng thiếc, miếng thịt ………………………………………….26
Hình IX - Cách trả lời của loài kim-khí ……………………………………………………..27
Hình X - Máy để thí-nghiệm từ-điễn của ông Fayol ……………………………………….32
Hình XI - Động-cơ của ông Tromelin ………………………………………………………36
Hình XII - Từ-điễn làm cho cây mau lớn ……………………………………………………46
Hình XIII- Trái, bông, lươn, cá có truyền từ-điễn làm cho khô rom ………………………...50
(hình ba ngôi của con người)
BA NGÔI CỦA CON NGƯỜI
Hình tam-giác lớn tượng-trương Chơn-thần (Monade Esprit)
Hình tam-giác kế đó tượng-trương Chơn-nhơn (Individualité, Soi supérieur, Ego)
Hình tam-giác nhỏ hơn hết tượng-trương Phàm-nhơn (Personnalité, Soi intérieur)
GIẤY PHÉP SỐ 614/PR
NGÀY 9 AVRIL 1949
Share this article :
 
Support : Creating Website | phuctriethoc | NGUYỄN VĂN PHÚC
Copyright © 2013. NGUYỄN VĂN PHÚC - All Rights Reserved
By Creating Website Published by KINH TẾ HỌC
Proudly powered by NGUYỄN VĂN PHÚC
NGUYỄN VĂN PHÚC : Website | Liên hệ | phuctriethoc@gmail.com
Proudly powered by Triết học kinh tế
Copyright © 2013. NGUYỄN VĂN PHÚC - All Rights Reserved