Home » » Ý KIẾN NHẬN ĐỊNH VỀ TÁC PHẨM “ĐẤT” CỦA ANH ĐỨC

Ý KIẾN NHẬN ĐỊNH VỀ TÁC PHẨM “ĐẤT” CỦA ANH ĐỨC

Written By kinhtehoc on Thứ Năm, 1 tháng 12, 2011 | 23:51

Ý KIẾN NHẬN ĐỊNH VỀ TÁC PHẨM “ĐẤT” CỦA ANH ĐỨC

“[…] Còn nhớ khi viết truyện Đất là giữa lúc địch dồn dân vô ấp chiến lược gắt gao, sự vận dụng chi tiết tình tiết cho một truyện như thế không thể chỉ miêu tả hiện tại bề nổi mà phải từ quá khứ sâu xa của thời khai mở gian truân thì mới truyền tới truyền tới người đọc ý nghĩa sống còn của đất. Còn việc khấn vái trước bàn thờ tổ tiên của ông Tám Xẻo Đước và sau đó ông tuẫn tiết là một chuyện có thật, đã xảy ra ở một ấp chiến lược thuộc Sóc Trăng. Chính từ sự thật này đã hé mở cánh cửa để tôi viết truyện Đất. Nhưng để viết nên truyện Đất thì không thể chỉ dựa vào bấy nhiêu đó, mà phải huy động những gì bản thân tôi được sống, được biết về vùng đất này vào thuở hoang khai và nhiều ông già cố cựu nơi đây để đúc thành một “Ông Tám Xẻo Đước […]”.
(Anh Đức, ‘Từ những trang viết’, in trong Nhà văn nói về tác phẩm, Hà Minh Đức biên soạn, tài liệu đã dẫn)
ANH ĐỨC
(trích)
[…]
Loại nhân vật thứ hai mà Anh Đức đã bỏ nhiều công phu xây dựng và cũng đã có những thành công quan trọng, đó là hình ảnh người nông dân Nam Bộ. Có lẽ còn nổi hơn tính cách Sứ về mặt tạo hình, đó là tính cách ông Tám trong truyện ngắn Đất. Một ông già 70 tuổi, gân guốc, còn để búi tóc. Một ông già quen thuộc rừng U Minh đến nỗi chỉ cần ngửi nước rạch buổi sáng cũng biết ngay là có heo rừng hay chồn đến đấy uống nước hồi đêm. Một ông già đã gắn bó với đất bằng sức khai phá của bản thân và bằng cả sự nhớ ơn ông bà, nhớ ơn các liệt sĩ cách mạng đã đem đất lại cho mình. Ông già ấy giờ đây phải đương đầu với một kẻ thù mới, hết sức nguy hiểm. Mỹ – Diệm đưa bọn ác ôn đến bắt ông dời nhà vào ấp chiến lược. Ông đã đứng thẳng, không nao núng. Ông đã đi tới trước kẻ thù với lưỡi mác trong tay và làm thằng đồn trưởng ác ôn hoảng hốt rú lên. Nó đã bắn ông ngã xuống. Ông Tám sẵn sàng hi sinh, nhận cái chết nhẹ nhõm như một người làm xong phận sự là đi ngủ vậy. Nhưng phải chăng tâm sự ông Tám hoàn toàn giản đơn? Không hẳn như vậy. Từ việc ông tám thương yêu săn sóc cán bộ (cho cán bộ mượn chiếc xuồng trong đó ông để sẵn bánh tét và chè ngon) từ câu ông nói “nhà mình ở đầu xóm mà núng thế thì không làm gương được”, từ cách ông vận mấy người lính nguỵ “nhà tôi cũng như nhà mấy chú, đừng có nghe lời người ta tới đây đòi dọn, đòi dời”, cho đến ngôn ngữ cử chỉ của ông khi tên đồn trưởng đến bắt ông bỏ nhà , khi ông mặc áo dài, xoã tóc, khấn ông bà, rồi khi ông cầm mác đi tới trước kẻ thù…, tất cả những cái đó cho thấy tinh thần xả thân của ông Tám đã được Anh Đức mô tả như là cái kết cục lôgic của một quá trình giác ngô sâu sắc về nghĩa vụ cách mạng của ông lão nông dân.
[…]
Anh Đức là là nhà văn người Nam Bộ. Anh đi sâu vào đời sống của lớp người còn mang truyền thống nhân nghĩa của Nguyễn Đình Chiểu, Nguyễn Trung Trực, anh khai thác và thể hiện những mặt tích cực của truyền thống đó. Nhất là khi nó được kết hợp với những phẩm chất của người cách mạng. Nhờ vậy, con người nhân nghĩa được miêu tả như chân dung có sức sống kì diệu, kết tinh được phẩm chất cách mạng và phẩm chất đạo đức truyền thống. Tính cách ông Tám mở đầu cho một loạt tính cách Nam Bộ tương tự như ông Tư vườn chim…
Tính cách ông Tám của Anh Đức là một thành công quan trọng chẳng những vì tính khái quát của nó, mà còn vì tính gợi cảm của nó: hình ảnh ông Tám còn là một hình ảnh có tính tạo hình. Tinh thần nhân nghĩa và khí phách anh hùng của ông Tám được chạm bằng những nét nổi về chân dung, về hành động, về cử chỉ ngôn ngữ vừa chân thực, vừa gợi cảm đối với người đọc…
(trích trong Văn học giải phóng miền Nam, Phạm Văn Sĩ, NXB Đại học và Trung học chuyên nghiệp, HN, 1976)
Share this article :
 
Support : Creating Website | phuctriethoc | NGUYỄN VĂN PHÚC
Copyright © 2013. NGUYỄN VĂN PHÚC - All Rights Reserved
By Creating Website Published by KINH TẾ HỌC
Proudly powered by NGUYỄN VĂN PHÚC
NGUYỄN VĂN PHÚC : Website | Liên hệ | phuctriethoc@gmail.com
Proudly powered by Triết học kinh tế
Copyright © 2013. NGUYỄN VĂN PHÚC - All Rights Reserved