|
Cát Hoàng
Có một làng quê nghèo mà đẹp nằm bên bờ Sông
Cửa Đại (còn quen gọi là sông Tiền); làng mang tên Bến Cát. Bến Cát lắm cát, đã
có thời người qua đường đi chân trần khi trưa hè thường phải cắm đầu cắm cổ chạy
một đoạn để trú chân vào bóng cây mà thấy chân còn bỏng rát. Làng cũng lắm vườn
cây cho bọn học trò con nít tha hồ leo trèo nhẳn nha mãng cầu, mít, xoài, khế,
ổi,…Nhưng khoái nhất có lẽ là món duối - thứ trái ngòn ngọt, thơm thơm vừa có dư
vị đăng đắng, chua chua, chát chát ăn từ trưa tới chiều còn đa đã cái miệng; cây
duối thì bự chảng ông cả, nhánh dai dẻo, leo lên cao nằm vắt võng ngắm tư bề nhà
cảnh lại càng ngon càng sướng.
Làng
mênh mông đồng ruộng và sông rạch, học xong về là mặc tình bơi lội và chia phe
đánh giặc giả bằng vũ khí từ đất bùn, trái dại nhiều vô thiên lủng. Có một lần
tôi suýt bị chết chìm vì chơi trò ma da rút người; thằng Trí rút chân tôi trôi
ra tuốt ngoài búng (xoáy nước) rồi sợ quá bỏ chạy mất; may nhờ có chị Lâu cứu
kịp - Lớn lên mỗi lần gặp lại chị Lâu nói lời cảm ơn, chị chỉ cười cười không
nói (hay chị đang nói trong bụng phải chi hồi đó để cho mầy chết, đồ thấy
ghét!). Đêm nào trốn nhà được để đi cắm câu thì càng sướng, dù biết trước có đem
về lắm cá thì cũng bị đòn tơi tả.
Đêm lang
thang trên đồng ruộng thỏa thích ngắm trăng sao cây cỏ, trông chờ tiếng cá quẫy
mà giật mình sợ ma thiệt đã; đêm nào về được chị Gấm ôm ngủ âm ấm nao nao càng
mê mẩn. Có những đêm đốt rơm nướng cá lóc chín vàng thơm ơi là thơm; bác Ba gái
thỉnh thoảng còn cho rượu nếp gốc để tụi nhỏ uống xong nhảy điệu khỉ ăn gừng
trông vui quá cỡ.
Việc học
của tôi cũng ly kỳ không kém. Mới học lên lớp tư (Nay gọi là lớp hai) là phải vô
bót mà học. Không biết ai đó có sáng kiến lấy trẻ thơ bảo vệ tính mạng cho lính
tráng? Trường học có sẵn, họ đào hào, đấp thành và rào dây kẻm gai kín mít mấy
lớp xung quanh.
Một lần
vừa đến giờ ra chơi, trống trường điểm, bọn trẻ chạy túa ra mồm mép trí
trố:
- Xem
lính bảo an ra kìa tụi bây ơi!
Song, liền đó tụi tôi trố mắt kinh ngạc khi nhìn thấy "thằng lính
bảo an” đi đầu chỉa thẳng mũi súng vào thằng lính gác; thằng lính gác đưa hai
tay đầu hàng vừa đi giật lùi vào bót rồi bất chợt lao mình vào lô cốt;
liền theo đó là tiếng lựu đạn nổ xen lẫn tiếng súng nổ, không gian bất ngờ như
bị xé toạt trong ngập ngụa khói lửa và tiếng động hoảng
loạn.
Tựa lũ
gà con táo tác dưới vuốt diều hung ác, bọn trẻ con chúng tôi rúc vào chân tường
trong lớp học, chỉ mỗi con bé Rê nhô ra lẩn vào cánh cửa lớp học, miệng liên tục
đếm tiếng nổ và có lúc còn liếng thoắng hô: "Tụi bây ơi, coi ông Trân (tên thằng
lính gác) ném lựu đạn hay ác!" Tôi nghe tiếng miểng trái nổ phang, đạn réo, sợ
són đái lo cho con nhỏ. Sao không chịu núp yên mà ham hố ló thụt-chắc mầy chết
bỏ tao ở góa. (Rê là con của bà già-cái nấp vung của tía tôi. Do sự gán ghép cáp
đôi của người lớn nên tôi và nó đã làm vợ chồng hồi cứt mũi hỉ chưa
sạch).
Độ chừng
con Rê đếm chưa quá mười tiếng nổ thì đã thấy thằng Tường ôm mặt máu, thằng Hư
ôm bụng máu. Vừa kịp lúc thầy Luận có mặt, thầy gom lũ học trò chúng tôi dồn vào
một góc lớp học và dặn dò các con ở yên, xong thầy quay sang vác thằng Tường
thằng Hư lên vai vừa chạy vừa la lớn dõng dạc:
-
Tôi là thầy giáo, yêu cầu hai bên ngừng bắn để tôi cứu học trò bị thương!
Thầy
Luận miệng la chân chạy ra khỏi đồn. Hình như chiến trận có yên ắng một
lúc.
Tàn chiến cuộc trên đường chạy về nhà, tôi còn vô tư dừng lại tìm
viên đạn lửa mà máy bay vừa bắn xuống. Trận nầy tôi bị đạn bắn cháy xém tóc,
chắc thần chiến tranh muốn nhắc nhở chớ có đùa với lửa
đạn.
Về sau
nghe nhắc lại, Đài phát thanh Sài Gòn có bản tin tuyên dương gương lính Trân quả
cảm được tặng thưởng Anh dũng bội tinh. Bà con cũng phiền lính Ruộng của Việt
cộng quá dở, đã giả lính bảo an vô đến đó mà không lấy được đồn. Song, như vậy
là may. Trời phật còn xui khiến, không khéo mấy đứa con nít chết hết! Bà con
cũng khen thầy Luận coi có vẻ lừng chừng, khi đến chuyện cũng oai ra
phết.
Bà
con nói thầy giáo Luận lừng chừng vì thầy ở xóm Giồng Nần-cái xóm toàn người
theo Quốc gia. Đối nghịch với xóm Giồng Nần là xóm Bến, toàn
người theo Việt cộng. Lạ đến độ là chúng chơi đánh trận giả từ lúc còn để chỏm,
lớn lên chúng đánh nhau chết sống thật. Hằn thù nhau đến thế, nhưng mỗi năm
chúng chừa ra ba ngày Tết Nguyên đán, ngày rằm tháng bảy âl, ngày lễ Noel là tự
do đi lại, không bắn giết nhau, mà còn có thể gặp nhau uống trà tranh luận sai
đúng về lý tưởng của mỗi bên đang theo đuổi-Nó trở thành một thứ luật bất thành
văn được hai bên tự giác chấp hành mà đến nay hỏi ra cũng không ai nhớ nổi nó
được hình thành tự lúc nào.
Khoảng năm 1965-1966 thì trường cũ được giải toả khỏi vòng thành
rào bót. Phía Quốc gia dời đồn sang hướng đối diện trường cách ngang một con
đường. Sau đó tôi học lên cấp trung học và xa quê biền biệt. Bạn bè hồi tiểu học
mỗi người đi mỗi ngã; có kẻ đã ra người thiên cổ. Chúng tôi được nhốt chung
trong một trường học xã hội lớn rộng hơn, thương tích nhiều hơn, thỉnh
thoảng gặp lại nhau một vài người, chào hỏi đôi câu, chia sẻ vài kỷ niệm tuổi
thơ. Chỉ khát thèm nghe lại lời của Thầy Luận:
-
Tôi là thầy giáo, yêu cầu hai bên ngừng bắn để tôi cứu học trò bị thương!
Cát Hoàng