Tấm gương sáng của người cha
09/09/2010 02:20Hồi đầu năm 1950 ở chiến khu Việt Bắc, nhà văn Nguyễn Huy Tưởng có gửi tặng tôi một cuốn sổ tay giấy dó khá dày khi biết tôi đã được vào học ở trường Sư phạm. Bác Tưởng rất quý cha tôi, đã cùng cha tôi đi theo pháo binh hồi cuối năm 1948(1). Đầu cuốn sổ tặng tôi, bác Tưởng có viết mấy dòng khuyên tôi học thật tốt và một câu mà không bao giờ tôi quên được: “Cháu có một người cha rất tốt. Cha cháu là một tấm gương sáng, cháu cần noi theo”.
Hồi đầu năm 1950 ở chiến khu Việt Bắc, nhà văn Nguyễn Huy Tưởng có gửi tặng tôi một cuốn sổ tay giấy dó khá dày khi biết tôi đã được vào học ở trường Sư phạm. Bác Tưởng rất quý cha tôi, đã cùng cha tôi đi theo pháo binh hồi cuối năm 1948(1). Đầu cuốn sổ tặng tôi, bác Tưởng có viết mấy dòng khuyên tôi học thật tốt và một câu mà không bao giờ tôi quên được: “Cháu có một người cha rất tốt. Cha cháu là một tấm gương sáng, cháu cần noi theo”.
Hoài Thanh, thân phụ của tôi, vốn là con một nhà nho nghèo và đông con. Trong một lá thư gửi cho tôi đề ngày 5-12-1977, cha tôi có viết: “Con người cha là một cỗ máy, ngót 65 năm nay từ khi cha lên bốn, còn nhỏ tuổi hơn Liên(2) bây giờ - đã làm việc rất căng, căng trong lúc đi học vì học chăm, vì có khi vừa học vừa phải lo kiếm sống, lại căng trong lúc đi làm; cha từng có những năm dạy đến 40 giờ một tuần chưa kể giờ soạn bài và chấm bài mà chấm luận tiếng Pháp là một việc làm rất mệt và mất thời giờ. Từ hai năm nay vào trong này(3) tuy đã về hưu nhưng cha vẫn viết liên tục(4).
Cha tôi đúng là một “cỗ máy” hoạt động không ngừng nghỉ. Từ thuở bắt đầu biết quan sát, suy nghĩ cho đến bây giờ vào tuổi sáu mươi, ký ức tôi chẳng bao giờ nhạt phai hình ảnh người cha thân yêu của mình ngày đêm cặm cụi làm việc: dạy học, đọc sách, viết văn, viết báo, chữa bài vở, tự học, đôn đáo lo việc “thượng vàng hạ cám” của người quản lý, phụ trách cơ quan... Chưa bao giờ tôi nghe cha tôi than phiền là phải làm việc quá nhiều.
Từ nhỏ, cha tôi đã là một cậu bé rất thông minh nhưng để có được một sự nghiệp văn chương đầy tài hoa để lại cho đời trước hết là nhờ cha tôi học tập và lao động cật lực. Học và học một cách chăm chỉ, mê say. Vừa làm, vừa học. Vừa đi học, vừa đi làm kiếm sống cho bản thân và gia đình: “Như thế Hoài Thanh, một anh chàng con trai suốt đời ăn mặc lúi xùi, một ông thầy dạy toán cho học sinh thì bao giờ cũng không quên dùng tấm giẻ lau bảng đen để lau tay. Lau giày và cả chấm những giọt mồ hôi trên trán; nhưng chính ông thầy giáo không bằng sắc ấy, khi còn là một chú học sinh loắt choắt với chiếc quần cháo lòng đã được các gia đình tranh nhau đặt cọc trước để đến mùa nghỉ hè thì mời về dạy toán cho con mình”(5).
Cha tôi kể rằng, hôm ông vào phòng thi vấn đáp để thi tốt nghiệp cao đẳng tiểu học (năm 1928), ông bị viên giám thị người Pháp lầm tưởng là cậu bé nhà quê nào đó hiếu kỳ xem thi nên đã đuổi “đi chơi chỗ khác”. Xuất trình giấy tờ xong, cha tôi được vào thi môn vấn đáp bằng tiếng Pháp. Sự trả lời trôi chảy, xuất sắc của ông cùng với kết quả các môn thi viết đã khiến cậu học sinh Nguyễn Đức Nguyên (tức Hoài Thanh) chiếm vị trí thủ khoa xứ Trung kỳ thời bấy giờ. Đó là kết quả của một quá trình học tập hết sức chăm chỉ trong những điều kiện cực nhọc của một cậu học sinh nghèo. Về sau, tiếp tục học lên đến tú tài, cha tôi vẫn luôn luôn giữ vị trí đầu bảng trong học tập.
*
Đọc văn của Hoài Thanh ta thường thấy thanh thoát, nhẹ nhàng, tươi tắn mà không kém phần sâu lắng, gợi mở nhiều điều đáng suy nghĩ về lẽ sống, về cái huyền diệu của cuộc đời. Có được nét riêng ấy tôi biết cha tôi đã lao động cật lực trong suy nghĩ, tìm tòi, nghiên cứu... để tìm cách tiếp cận đến tận cùng vẻ đẹp của văn chương và cuộc sống.
Tôi còn nhớ, lần đầu tiên viết bài nghiên cứu về cảnh sắc thiên nhiên trong Truyện Kiều, tôi đã đưa cho cha tôi xem. Bài viết không dài (chừng 10 trang) vậy mà cha tôi đã đọc đi đọc lại nhiều lần trong cả tuần (lúc ông có chút thời gian rảnh) rồi mới ngồi lại gợi ý cho tôi. Tôi tưởng cha tôi gạch, xóa, chữa nhiều lắm nên rất hồi hộp lắng nghe. Khi lật từng trang viết của tôi, tôi thấy cha tôi không gạch xóa gì mà chỉ đánh dấu những chấm nhỏ ngoài lề, những câu, chữ, ý cần góp. Hôm ấy, tôi còn nhớ, ông không bao giờ nói “con phải thế này”, “cần thế này” hoặc “phải bỏ chỗ này”, v.v... mà chỉ nói “theo cha, con nên...” hoặc “ý cha là thế, ý con thì sao?”, v.v... Từ buổi ấy, tôi hiểu ra một điều: phải thực sự lao động viết văn mới có tấm lòng trân trọng với lao động viết của người khác, dù là con mình.
Một lần đáng nhớ khác là trong phòng cấp cứu bệnh viện hồi đầu 1982. Đêm ấy, tôi thấy cha tôi đã nằm yên, thở đều, tôi liền rón rén tắt đèn phòng ngủ đi vào khu vệ sinh, lợi dụng ánh đèn ở đây để viết một bài điểm thơ kịp nộp cho tòa soạn sáng hôm sau. Mấy ngày sau, khi đọc ở báo có đăng bài tôi viết vội tối hôm đó, tôi không thấy cha chê khen gì cả mà chỉ nói: “Cha đã đọc”.
Một vài tuần sau, khi thấy trong người hơi dễ chịu, cha gọi tôi lại gần giường bệnh của ông rồi nhỏ nhẹ nói: “Làm báo nhiều khi phải viết vội, viết theo yêu cầu của tòa soạn. Cha biết hôm trước con đã phải tranh thủ hoàn thành bài điểm thơ ấy ở đâu và vội vã như thế nào. Viết như vậy con cũng khổ mà người đọc cũng khổ”. Tôi ngồi im lắng nghe như một bị cáo trước tòa. Cha tôi nói tiếp: “Viết văn, dù là một bài điểm thơ, trước hết phải bắt nguồn từ cảm xúc say mê rồi phải nghiền ngẫm, suy nghĩ nhiều, viết đi, viết lại, sửa kỹ và tốt nhất là nên đọc cho nhiều người nghe và góp ý thì mới có được bài viết ưng ý. Con chắc đã thấy cha thường làm như thế mà chưa bao giờ thật ưng ý với các bài viết của mình. Con nên tránh lối viết theo kiểu “sản xuất hàng loạt”, “nhanh, nhiều, tốt, rẻ” như kiểu hàng hóa mậu dịch phân phối...”.
Mấy năm gần đây, tôi miệt mài đọc các tác phẩm và rất nhiều bản thảo, sổ tay ghi chép của cha tôi mà gia đình còn lưu giữ được để biên soạn bộ Hoài Thanh toàn tập. Qua công việc này, tôi khâm phục sức làm việc cần cù, thái độ lao động nghiêm túc và đầy say mê của cha. Tôi đã bỏ ra gần trọn 2 năm để đọc hàng vài chục ngàn trang tác phẩm đã in sách và các bản thảo để lại mà không tìm thấy bất kỳ một sự cẩu thả kiểu “nhanh, nhiều, tốt, rẻ” nào đọng lại trên các trang viết của ông.
Trên một số vấn đề học thuật khác, tôi thừa nhận là đôi khi tôi có những nhận định “trái” với cha tôi. Bạn đọc dễ dàng nhận thấy điều này ở việc đánh giá Thi nhân Việt Nam, ở việc nhìn lại cuộc tranh luận xoay quanh vấn đề “nghệ thuật vị...” trong các bài viết của tôi về Thi nhân Việt Nam về cuộc tranh luận và đặc biệt là trong công việc sưu tầm và biên soạn Hoài Thanh toàn tập của tôi.
Tôi thường nghĩ: Trong công tác nghiên cứu, phê bình văn học nếu chỉ có chuyện sắp hàng ngang và đi đều bước thì khó lòng đưa người ta đến chân lý học thuật. Trong đời sống cũng như trong học thuật làm gì có mãi sự yên lặng của mặt nước hồ thu - cho dù cảnh thu ấy là không thể thiếu, nhưng mãi như thế lại hóa ra tẻ nhạt. Nước tinh khiết dù có vô trùng, vô hại nhưng thử hỏi mấy ai chỉ muốn uống một loại nước như thế? Vấn đề đặt ra ở đây chính là trong nghiên cứu, phê bình cần phải có một cách ứng xử có văn hóa. Đó là sự tôn trọng, lắng nghe, tìm hiểu ý kiến, nhận định, sự khen chê của đồng nghiệp, của công chúng với tinh thần thực sự cầu thị, với sự thẳng thắn, trung thực. Những ai cầm bút muốn dành tất cả tâm huyết của mình cho sự tìm tòi, phát hiện ra chân lý của cuộc sống, của thời đại đều cần có cách ứng xử ấy1
____________
(1) Xem bút ký Một tháng đi theo pháo binh in trong Hoài Thanh toàn tập, tập 3, tr.698.
(2) Cháu nội của Hoài Thanh.
(3) Từ cuối năm 1975 đến giữa năm 1981. Hoài Thanh nghỉ hưu ở thành phố Hồ Chí Minh.
(4) Xem “Thư gửi con” in trong Hoài Thanh toàn tập, tập 4, tr.953.
(5) Xem bài Như thế Hoài Thanh của Nguyễn Đức Bính in trong Hoài Thanh toàn tập, tập 4, tr.1032.