Home » » NGÔ THÌ NHẬM - HẢI LƯỢNG ĐẠI THIỀN SƯ (Tiếp theo)

NGÔ THÌ NHẬM - HẢI LƯỢNG ĐẠI THIỀN SƯ (Tiếp theo)

Written By kinhtehoc on Thứ Sáu, 4 tháng 11, 2011 | 23:15


DOÃN CHÍNH (*)
NGUYỄN THỊ HỒNG PHƯƠNG (**)

Giáo dục học hỏi cũng là một trong những phương pháp quan trọng trong triết học Ngô Thì Nhậm. Ông coi giáo dục là điều kiện cần thiết để con người lĩnh hội những giá trị đích thực của cuộc sống và sống xứng đáng hơn. Bằng cách giáo dục sẽ giúp con người không tham lam, xa lìa được hư vọng. Tuy nhiên, giáo dục không thì vẫn chưa ổn mà cần phải có sự tiếp thu, học hỏi sự giáo dục ấy để mài dũa chí hướng, giữ được tấm lòng trong sạch. 
Là một người thấm nhuần triết lý Thiền tông, đồng thời luôn có khuynh hướng dung hoà “tam giáo”, nên các vấn đề trong nhận thức luận của Ngô Thì Nhậm luôn chứa đựng những yếu tố mới mẻ. Tư tưởng của ông thể hiện khá rõ nét về đối tượng nhận thức, mục đích nhận thức, đặc điểm và phương pháp nhận thức. Ông đã hướng con người vào nhận thức để có thể đi sâu, hiểu cả hình lẫn ý của sự vật, tức là không chỉ nhìn thấy cái mặt bên ngoài, mà còn phải thấu đáo cái bản chất ẩn giấu bên trong của sự vật. Chính việc nhận thức đã quy định nên mục đích nhận thức là tịch diệt và đặc điểm nhận thức là trực giác, nhận thức đuợcchung quy là để con người hiểu được sự vật mà không sai lầm, đạt đến cái tâm tĩnh lặng, không chứa dục vọng, vô minh. Ngô Thì Nhậm cố gắng đưa con người đến tịch diệt bằng nhiều phương pháp khác nhau, từ chỗ mong muốn con người thực hiện được sự phát tưởng, ông hướng họ đến việc thực hiện hành tàng, thiện, tinh tiến, tinh nhất, khắc kỷ, sát hại,… đồng thời không bỏ qua phương pháp giáo dục và học hỏi. Ông đã kế thừa tư tưởng của cả Nho, Phật và Lão trong cách giải quyết vấn đề của mình. Do vậy, nhận thức luận trong tư tưởng triết học của ông mang phong cách độc đáo riêng. Ông đã tiếp thu tư tưởng của các bậc thiền sư đời trước, nhưng không phải là sự sao chép, rập khuôn, mà trong đó có sự chọn lọc, phát huy theo một tinh thần mới, phù hợp với tư tưởng của thời đại lúc bấy giờ.(8)
Về triết lý nhân sinh, Ngô Thì Nhậm đã dành nhiều tâm huyết cho việc tìm kiếm con đường giải thoát con người ra khỏi “bể khổ” của cuộc đời, đồng thời hướng họ tới một cuộc sống tốt đẹp hơn theo mong muốn của mình. Ông coi bản thân con người vốn không bao giờ được bình lặng và yên ổn do vô minh che lấp, họ luôn phải đối mặt với khó khăn và khổ ải trong cuộc sống của mình. Theo ông, bản chất con người khi sinh ra là mang tính thiện, nhưng do hoàn cảnh sống mà tâm tính con người bị thay đổi, họ trở nên bạc ác.
Ngô Thì Nhậm luôn nhấn mạnh vai trò của con người trong cách gìn giữ bản thân. Mọi nỗi khổ mà con người đang phải hứng chịu là do họ gây nên. Cho nên con người cần phải hiểu được đạo lý của trời mà vận dụng vào cuộc sống thường ngày mới mong không gặp phải tai họa.
Ngô Thì Nhậm còn cho rằng, khổ là do trong lòng con người luôn chứa đầy dục vọng. Ở con người, dục là tính (tự nhiên); nó ở trong nhật dụng thường hành, như khi đói thì muốn ăn, khát thì muốn uống, không có không được. Như vậy, ngay từ lúc sinh ra, con người cũng đã có dục trong lòng, mà dục lại là tính tự nhiên nên con người luôn phải đáp ứng những nhu cầu để thoả mãn chính bản thân. Nhân dục càng lớn thì con người càng bị nhấn chìm vào vô minh, làm cho họ không phân biệt được phải trái, đúng sai, đạo lý bị đảo lộn. Vì coi dục là tính tự nhiên, nên việc xoá bỏ dục không phải là một điều dễ dàng. Theo ông, con người muốn từ bỏ được dục thì trước hết, phải dứt bỏ được tham, sân, si để đi đến với đạo. Đến với đạo là một yêu cầu quan trọng trong cách giải thoát của con người. Người ngộ đạo bao giờ cũng sáng suốt, dứt bỏ được dục vọng, thoát khỏi đau khổ.
Danh lợi cũng là một dục vọng thường hành trong con người, chính sự quyến rũ của danh lợi làm cho con người không giữ được đúng đạo của mình, việc con người ham mê danh lợi là con đường gần nhất dẫn họ đến vô minh. Ngoài việc ham mê danh lợi, việc không biết phân biệt lợi, hại cũng dễ làm cho con người lầm đường, lạc lối trong hành động của mình. Vì vậy, không nên chỉ thấy cái lợi trước mắt mà quên mất rằng, cái lợi luôn đi đôi với cái hại, không nên lấy lợi làm lợi, mà phải lấy nghĩa làm lợi. Có như vậy mới giữ mình tránh khỏi tai hoạ.
Ngoài ra, con người thường đem họa đến cho mình cũng bởi không tuân theo đạo lý của trời đất. Theo Ngô Thì Nhậm, một người thông minh phải biết tuân theo đạo, biết giữ đúng đạo trời thì mới mong không vướng vào mê loạn. Do vậy, ông rất coi trọng việc con người biết tôn trọng và giữ đúng đạo, giữ đúng đạo, một mặt, để làm tốt bản thân, xa lìa được danh lợi; mặt khác, còn giúp ích cho kẻ khác. Xa lìa danh lợi là một trong những cách tốt nhất để con người trở về với cái tâm trong sáng của mình và học là một bước rất quan trọng để con người biết đạo, ngộ đạo.
Nhìn chung, Ngô Thì Nhậm coi trọng việc giữ đạo, nhất là đạo trung hiếu. Tuy nhiên, việc vận dụng đạo không phải là tuỳ tiện, mà cần có phép tắc của nó. Phép tắc, theo ông, chính là “cái để làm khuôn khổ cho sự vận dụng của tâm”. Biết dừng lại đúng giới hạn cho phép trong hành động là phép tắc quan trọng cần có của mỗi người.
Trong tư tưởng của mình, Ngô Thì Nhậm cũng coi liêm sỉ là một trong những đức tính không thể thiếu được ở con người; thiếu đi sự liêm sỉ, con người sẽ trở nên mù quáng trước những hành động của mình, từ đó mà dễ rơi vào vòng mê muội trong cách đánh giá sự việc. Ông khuyên con người luôn phải giữ được sự liêm sỉ để sáng suốt trong quá trình nhận thức, không làm trái quy luật khách quan.
Con người khổ không chỉ do họ đắm chìm vào danh lợi, mù quáng với cái lợi trước mắt, mà còn do họ luôn bị trói chặt trong cái vòng tròn sinh - lão - bệnh - tử. Sự sống chết luôn làm họ phân tâm, lo sợ và không giữ được mình. Ngô Thì Nhậm đã đem đến một cách nhìn mới trong vấn đề sinh tử. Với ông, sinh tử ở con người là điều tất yếu phải diễn ra trong vòng sống của một đời người, đã được sinh ra ở trên đời thì tất có lúc phải diệt. Con người không thể thoát khỏi cái vòng sinh tử luân hồi, nên tốt nhất là phải biết tu dưỡng bản thân để tránh gây ra tai vạ, còn bằng không thì sẽ tự đưa mình vào khổ ải. Việc con người sống hay chết đều phụ thuộc phần lớn vào cách sống của họ, sống chết sớm hay muộn là thuộc ở con người, biết tu dưỡng, chăm lo cho bản thân thì sống chết không là mối lo. Ông khuyên con người không nên vướng bận trước vấn đề sinh tử, mà quan trọng là phải biết giữ mình để tạo sự tin tưởng với mọi người. Thái độ thờ ơ trước vấn đề sinh tử đã cho chúng ta thấy một Ngô Thì Nhậm điềm nhiên, tự tại, không vì danh lợi mà tham sống, sợ chết.
Ngô Thì Nhậm luôn trăn trở truớc thực tại và mong muốn tìm ra con đường giải thoát con người ra khỏi khổ ải. Kế thừa tư tưởng của Nho gia, ông coi trọng lễ trong cách giáo dục, giúp con người bỏ được danh lợi, xa lìa tham sân. Ông coi việc con người tuân theo lễ chính là con đường ngăn ngừa những thói hư, tật xấu, giữ được lẽ phải. Nhờ có lễ, con người kìm chế được dục vọng, không bất chấp quy tắc mà vượt đạo. Có lễ, con người sẽ giữ đúng đạo. Vì vậy mà lễ như là khuôn phép và cũng là phép tắc để con người nhìn vào đó mà không dám làm điều xằng bậy. Ông coi lễ là tiêu chuẩn cao nhất của đạo đức. Với ông, không có lễ thì nhân tâm, dù ở bất cứ dạng thức nào, cũng không phù hợp với tiêu cuẩn đạo đức. Không chỉ thế, ông còn đề cao cương thường lễ nghĩa trong việc giúp con người giữ mình.
Ngô Thì Nhậm cũng luôn tin vào sự chi phối của mệnh trời đối với con người và cuộc sống con người, kể cả sự hưng thịnh hay suy vong của một thời đại. Ngô Thì Nhậm đã gắn kết mệnh trời với lòng người, đặt lòng người trước “ý trời” trong cách thuyết phục con người trước những chủ trương, quyết sách chính trị. Việc thuận theo ý trời sẽ đem lai lợi ích tốt lành cho muôn người. Ông  luôn thông cảm với nỗi khổ của con người, những gì con người phải nếm trải, một mặt, là do cách sống của họ, song mặt khác, là do trời định. Vì vậy, trong hành động của mình, Ngô Thì Nhậm khuyên con người cần phải khéo léo và tỉnh táo.
Những điều nói trên cho thấy, tư tưởng nhân sinh xã hội ở Ngô Thì Nhậm không xa rời lý tưởng nhân sinh của Phật giáo và Nho giáo. Con người khổ phần lớn và chủ yếu là do chính hoàn cảnh sống đã dẫn dắt họ vào con đường lợi dục. Với quan niệm này, ông luôn kêu gọi con người xa lìa danh lợi, hoặc đạo để sáng suốt trong từng hành động, suy nghĩ. Ông còn tin vào quan điểm của Nho gia, khi coi số phận con người là do mệnh trời quyết định. Ông khuyên con người cần phải biết “đợi mệnh” và tuân theo mệnh. Là một người đã từng nếm trải những khổ ải trong cuộc sống, nên ông càng hiểu rõ hơn những số phận ngặt nghèo. Ông cố gắng tìm mọi cách để hướng con người tới một chân lý cao đẹp hơn. Tư tưởng nhân sinh xã hội của ông thắm đượm màu sắc của Phật giáo và Nho giáo. Đây chính là tư tưởng điển hình cho xu hướng dung hoà Nho - Phật của ông.
Do khuynh hướng hỗn dung đa nguyên, nên trong những quan điểm triết học của mình, có chỗ, có lúc Ngô Thì Nhậm vẫn rơi vào chủ nghĩa duy tâm. Cũng như một số nhà tư tưởng trước đó, ông chủ yếu hướng vào giải thoát con người về tâm linh, tinh thần, chứ chưa phải là sự giải phóng con người cả về tinh thần lẫn thể xác. Ông kêu gọi con người sống đúng đạo, đặc biệt là đạo trung hiếu, đạo cương thường, cần thiết thì nên tìm đến cuộc sống ẩn dật để giữ đúng đạo của mình. Ngoài ra, ông còn tin vào sự chi phối của mệnh trời đối với con người. Điều đó cho thấy tư tưởng triết học Ngô Thì Nhậm đã thể hiện rõ sự linh hoạt và sáng tạo trong cách kế thừa, chọn lọc những tinh hoa của nhân loại để lại, đặc biệt là sự kế thừa tư tưởng của các bậc tiền bối. Với tư tưởng triết học này, ông đã có đóng góp lớn, tạo tiền đề lý luận mới cho việc khôi phục Thiền phái Trúc Lâm lúc bấy giờ. Là một người sống và tham gia vào chính sự, nên những tư tưởng của Ngô Thì Nhậm không nằm ngoài mục đích vì dân, vì nước. Tư tưởng của ông mang tinh thần hành động và nhập thế tích cực, đáp ứng được đòi hỏi của xã hội đương thời. Có thể nói, Ngô Thì Nhậm đã xây dựng nên những quan điểm triết học mà về cơ bản, mang khuynh hướng duy vật và những quan điểm duy vật ấy, mặc dù còn mang tính chất thô sơ, chất phác, nhưng trong đó đã có những yếu tố biện chứng.q

(*) Phó giáo sư, tiến sĩ, Trưởng Khoa Triết học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia TP.Hồ Chí Minh.
(**) Thạc sĩ, Trường Đại học Đà Lạt.
(1) Cao Xuân Huy - Thạch Can (chủ biên). Tuyển tập thơ văn Ngô Thì Nhậm, quyển 2, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 1978, tr.170.
(2) Cao Xuân Huy - Thạch Can (chủ biên). Sđd., tr.171.
(3) Cao Xuân Huy - Thạch Can (chủ biên).  Sđd., 171-172.
(4) Cao Xuân Huy - Thạch Can (chủ biên). Sđd., tr.177.
(5) Mai Quốc Liên (chủ biên và khảo luận). Ngô Thì Nhậm tác phẩm, t.3, Nxb Văn học, Trung tâm nghiên cứu Quốc học, Hà Nội, 2001, tr.144.
(6) Mai Quốc Liên (chủ biên và khảo luận). Sđd., tr.155.
(7) Mai Quốc Liên (chủ biên và khảo luận). Sđd., tr.144.
(8) Cao Xuân Huy - Thạch Can (chủ biên). Tuyển tập thơ văn Ngô Thì Nhậm, quyển 2, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 1978, tr.324.
Share this article :
 
Support : Creating Website | phuctriethoc | NGUYỄN VĂN PHÚC
Copyright © 2013. NGUYỄN VĂN PHÚC - All Rights Reserved
By Creating Website Published by KINH TẾ HỌC
Proudly powered by NGUYỄN VĂN PHÚC
NGUYỄN VĂN PHÚC : Website | Liên hệ | phuctriethoc@gmail.com
Proudly powered by Triết học kinh tế
Copyright © 2013. NGUYỄN VĂN PHÚC - All Rights Reserved