Sinh viên và học viên cao học chính là những nhà khoa học trẻ. Họ là hiện thân của đội ngũ trí thức trong tương lai, là những người được đào tạo chuyên sâu về những lĩnh vực nhất định để đảm nhận, gánh vác những trọng trách của xã hội nói chung và của nền khoa học nước nhà nói riêng. Do vậy, có thể khẳng định, việc trang bị, bồi dưỡng tri thức triết học cho đội ngũ sinh viên, học viên cao học là một yêu cầu cực kỳ quan trọng, có tính chất sống còn đối với việc nâng cao chất lượng giáo dục - đào tạo.
Nếu triết học muốn thực hiện được mục đích là trang bị phương pháp luận cho sinh viên để tiến sâu vào khoa học cơ bản thì không có lý gì chúng ta lại không dạy nó trong mối quan hệ chặt chẽ với các khoa học đó. Mỗi sinh viên vào trường đều để tiếp thu một khoa học chuyên ngành của mình. Nhìn từ một góc độ nào đó, có thể nói, triết học như là một phương tiện để đạt tới mục đích đó. Đối với sinh viên và học viên cao học, học triết học là học lấy một cách nhìn, cách tiếp cận thế giới để nghiên cứu và nắm bắt nó. Nhưng ở mỗi khoa học, người học cần phải đạt đến chỗ soi sáng nguyên lý chung đến tận các lĩnh vực riêng thì mới có ý nghĩa.
Với cách hiểu ấy, chắc chắn dạy triết học ở khoa văn nên phân biệt với dạy triết học ở khoa vật lý, dạy triết học ở khoa sử phải khác với dạy triết học ở khoa hoá, khoa sinh... Nhưng khác ở chỗ nào? Có người cho rằng, triết học là triết học, nó là một hệ thống lý luận về thế giới, dạy ở đâu cũng giống nhau. Chính vì coi triết học là “hệ thống lý luận chung chung” nên cũng dạy chung chung, trừu tượng, không đạt tới một điều gì thấu đáo, khiến cho người học rất mệt mỏi, buồn tẻ... Vấn đề chúng ta đang bàn là làm sao để dạy triết học có hứng thú và có tác dụng?
Học viên theo học ở mỗi khoa có một lĩnh vực chuyên sâu của họ. Dạy triết học cần vươn tới chỗ gắn kết nó với chuyên môn riêng, với những ví dụ cụ thể để tạo nhiều hứng thú. Cách dạy này nếu chỉ nhìn qua khó thấy được tính ưu việt của nó. Thậm chí, có người còn cho là xa đề, làm loãng những nội dung của triết học. Nhưng thực ra, đây chính là cách tạo môi trường để những nguyên lý nằm trong sách vở bước ra, sống động. Trở lại vấn đề đã được đặt ra, muốn khẳng định vị trí môn triết học trong nhà trường phải gắn bó nó với các môn khoa học chuyên ngành. Sự gắn kết này có tác dụng tránh cho triết học khỏi xa rời cuộc sống mà ở đây là hoạt động học tập, nghiên cứu của sinh viên, không để triết học dừng lại ở những nguyên lý trừu tượng, chung chung.
Thứ tư, gắn triết học với thực tiễn sinh động của thời đại và xã hội. Bảo đảm sự thống nhất giữa lý luận và thực tiễn là một nguyên tắc có tầm quan trọng đặc biệt được đặt ra trong bản thân triết học mácxít. Đó cũng là yêu cầu cần thiết đối với việc tiếp cận nội dung tri thức triết học. Nguyên tắc ấy được thể hiện rất đậm nét trong nguyên lý, phương châm giáo dục của Đảng ta là lý luận gắn liền với thực tiễn. Thực tiễn mà chúng ta đề cập ở đây mang một nội dung hết sức phong phú, nhưng có thể hiểu đó là thực tiễn của đời sống xã hội đang diễn ra trong xu thế vận động của thời đại trong bối cảnh toàn cầu hoá, trong trạng thái cạnh tranh và hội nhập đang diễn ra trên thế giới một cách mạnh mẽ và đầy tính phức tạp. Đó là thực tiễn của đất nước đang diễn ra trong công cuộc lao động sáng tạo để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, trong không khí đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước nhằm thực hiện mục tiêu đã được xác định trong đường lối chiến lược và nhiệm vụ kinh tế - xã hội.
Trong giảng dạy triết học, nếu người dạy chỉ đơn thuần mổ xẻ, phân tích các khái niệm, phạm trù cần truyền đạt cho người học mà không gắn hệ thống lý luận đó với thực tiễn thì nội dung tri thức sẽ trở nên khô cứng, thiếu nhựa sống. Sinh viên tiếp nhận lượng thông tin, tri thức triết học cũng sẽ rất khiên cưỡng, gò ép, thiếu sự hấp dẫn. Tuy nhiên, không phải ở bất cứ nội dung nào trong các bài giảng cũng phải pha trộn một chút chất liệu của thực tiễn hoặc dính kết với thực tiễn bằng những sự kiện, những ví dụ mang tính gượng ép, thiếu chuẩn xác và sinh động. Vấn đề là ở chỗ, người dạy phải luôn ý thức được rằng, cần làm nổi bật sợi dây liên hệ tất yếu giữa tri thức triết học với đời sống thực tiễn.
Triết học phải luôn được soi rọi và sáng tỏ bằng sức mạnh thực tiễn, phải luôn được bổ sung, bồi đắp bằng sự phong phú của thực tiễn mới, bằng những thành tựu rực rỡ của khoa học hiện đại. Người dạy phải luôn gắn chặt nội dung tri thức của khoa học triết học với bản chất, xu hướng vận động của lịch sử hiện đại, gợi mở, định hướng cho sinh viên một phương pháp luận đúng đắn trong cách xem xét, đánh giá những gì đang diễn ra trong đời sống hiện thực, tránh được cách tiếp nhận triết học một cách giáo điều.
Đã nhiều năm nay, trong việc chỉ đạo, tổ chức dạy và học triết học dường như vấn đề đưa sinh viên xâm nhập vào thực tiễn thông qua các đợt tham quan, thực tế đã không được đặt ra, bởi không có quỹ thời gian và kinh phí cho vấn đề này. Điều này cần phải được quan tâm. Trong giảng dạy, một mặt, phải tổ chức cho được các buổi xêmina theo quy định một cách hiệu quả; mặt khác, giảm bớt giờ lý thuyết, dành một số thời gian để tổ chức cho sinh viên tham quan, thực tế trong các lĩnh vực công, nông nghiệp, văn hoá... trên địa bàn gần trường dưới sự hướng dẫn của giảng viên bộ môn và học viên phải có bài thu hoạch sau mỗi lần thực tế. Trường cần hỗ trợ kinh phí, phương tiện giúp bộ môn tổ chức tốt hoạt động này. Nếu làm được như vậy, sinh viên chắc chắn sẽ gặt hái được nhiều điều lý thú, bổ ích và chắc việc tiếp nhận môn triết học sẽ có kết quả hơn.
Thứ năm, cần tiếp tục khẩn trương bồi dưỡng, đào tạo, nâng cao trình độ đội ngũ giảng viên và tăng cường cơ sở vật chất cho việc dạy và học môn triết học. Đội ngũ giảng viên và các điều kiện, cơ sở vật chất kèm theo có vai trò vô cùng trọng yếu trong sự nghiệp đào tạo. Muốn nâng cao chất lượng đào tạo thì một trong những yếu tố có tính quyết định là đội ngũ giảng viên phải có đủ phẩm chất, trình độ, năng lực và phương pháp giảng dạy. Do vậy, đội ngũ đó cần được đào tạo, bồi dưỡng, tiếp tục nâng cao trình độ để có đủ khả năng đáp ứng với yêu cầu, nhiệm vụ giảng dạy.
Hiện nay và trong vòng năm bảy năm tới, số lượng các giáo sư, phó giáo sư, giảng viên cao cấp, giảng viên chính và giảng viên đã có quá trình giảng dạy lâu năm, có kinh nghiệm, năng lực và phương pháp giảng dạy, nghiên cứu sẽ đến độ tuổi nghỉ hưu. Số giảng viên trẻ tuy phần lớn đã có trình độ sau đại học, nhiệt tình, năng động, sáng tạo, nhưng kinh nghiệm còn mỏng, phương pháp giảng dạy còn bộc lộ sự non yếu nhất định. Vì thế, đây cũng là một vấn đề cần được đặc biệt quan tâm.
Trong quá trình đào tạo, xây dựng đội ngũ các nhà khoa học, các cán bộ nghiên cứu, giảng dạy thuộc lĩnh vực triết học cần có những cơ chế, chính sách thích hợp để có thể thu hút được các tài năng trẻ. Đã và đang có một thực trạng đáng buồn là hiện nay, phần lớn những học sinh giỏi ở hầu hết các trường trung học phổ thông đều ít có nguyện vọng dấn thân vào con đường học tập, nghiên cứu và giảng dạy triết học nói riêng và các môn khoa học xã hội nói chung. Trước đây, khi triết học chưa được học tập, nghiên cứu, đào tạo một cách bài bản thì các nhà khoa học thuộc lĩnh vực triết học thường được trưởng thành từ những khoa học cơ bản khác, như toán học, vật lý học, sinh học… Ngày nay, khi triết học đã có được những cơ sở đào tạo chuyên sâu thì lại rất khó thu hút được những sinh viên có năng lực xuất sắc. Nếu tình trạng này cứ tiếp tục diễn ra thì chắc chắn trong tương lai sẽ thiếu hụt một cách trầm trọng nguồn nhân lực có chất lượng cao trong lĩnh vực triết học. Tại nhiều cơ sở nghiên cứu và giảng dạy triết học đã và đang có tình trạng thừa nhân lực, thừa đội ngũ, nhưng rất thiếu tài năng và khủng hoảng khá trầm trọng về chất lượng.
Bên cạnh đó, trong tình hình mở rộng, phát triển về quy mô và đa dạng hoá các loại hình đào tạo của các trường đại học như hiện nay thì giảng viên triết học phải đảm nhận một khối lượng giảng dạy khá nặng, thời gian đứng lớp quá nhiều. Đó là chưa nói đến việc phải đi dạy thêm ngoài khối lượng quy định để cải thiện và nâng cao đời sống của bản thân và gia đình, việc giảng dạy hàng ngày hầu như đã cuốn hết tâm lực của họ, vì thế rất khó có thời gian, điều kiện tự nghiên cứu, tự bồi dưỡng nâng cao trình độ, đúc rút phương pháp, cập nhật kiến thức, thông tin khoa học một cách có hệ thống.
Ngoài ra, có thể nói, điều kiện, cơ sở vật chất hiện nay nhằm phục vụ cho công tác giảng dạy, nghiên cứu triết học vẫn còn quá thiếu thốn và chưa đáp ứng được các yêu cầu đặt ra. Trong những năm qua, hệ thống giáo trình, tài liệu tham khảo phục vụ cho công tác nghiên cứu, giảng dạy, học tập triết học đã được chú trọng đầu tư và được xuất bản khá nhiều, tương đối phong phú về số lượng, đa dạng về chủng loại. Tuy nhiên, đó mới chỉ là về mặt số lượng, còn về mặt chất lượng thì rõ ràng là còn rất nhiều vấn đề đặt ra và cần phải được xem xét một cách kỹ lưỡng. Nhiều tài liệu nghiên cứu có giá trị khoa học cao, được sử dụng rộng rãi trên thế giới, nhiều tác phẩm triết học lớn, nổi tiếng, chứa đựng tinh hoa tư tưởng của nhân loại vẫn còn vắng bóng tại nước ta trong giai đoạn hiện nay. Cũng tương tự như vậy, nhiều triết gia xuất sắc của nhiều trường phái triết học khác nhau cũng chưa có được tiếng nói và chỗ đứng xứng đáng trong tâm thức của sinh viên và học viên cao học. Bên cạnh đó, rất nhiều thành quả của các trào lưu, các trường phái triết học, như chủ nghĩa hiện sinh, chủ nghĩa thực chứng… vẫn chưa được giới thiệu một cách rộng rãi. Như phần trên đã nói, hiện nay chúng ta đang quá thiên về một nền triết học cụ thể. Chủ nghĩa Mác - Lênin và triết học Mác - Lênin là một ngôi sao sáng, nếu như không nói là sáng nhất, nhưng một ngôi sao không thể làm nên cả bầu trời sao. Chính vì thế, việc giới thiệu một cách đầy đủ và truyền bá một cách rộng rãi những trào lưu tư tưởng triết học phong phú, đa dạng của nhân loại sẽ tạo ra những động lực mạnh mẽ thúc đẩy tư duy triết học và khoa học triết học phát triển mạnh mẽ tại Việt Nam, góp phần đưa triết học nước ta bắt kịp bước tiến chung của nhân loại. Có như vậy, chúng ta mới có thể thực sự đưa lại một sức sống mới cho nền triết học nước nhà, mới thực sự nâng cao được hiệu quả của công tác giảng dạy, đào tạo triết học trong bối cảnh hiện nay, bối cảnh của quá trình toàn cầu hoá, quốc tế hoá đang diễn ra một cách mạnh mẽ. Không chỉ vấn đề tài liệu, giáo trình…, mà cả những vấn đề khác, như chế độ đãi ngộ, chính sách tiền lương, nguồn thu nhập đối với các cán bộ, giảng viên, các nhà khoa học thuộc lĩnh vực triết học nói riêng và khoa học nói chung cũng đặt ra rất nhiều vấn đề đáng phải bàn bạc, xem xét.
Bên cạnh sự thiếu thốn còn diễn ra sự thiếu đồng bộ và không bình đẳng về cơ sở vật chất giữa các cơ sở đào tạo. Có một số nơi được trang bị khá đầy đủ về nhiều phương diện, từ nguồn kinh phí, sách vở, tài liệu, điều kiện nghiên cứu, học tập đến các vấn đề về nguồn lực và đội ngũ cán bộ. Đối lập với tình trạng đó, tại một số trường đại học, bộ môn triết học vẫn chưa có phòng họp riêng, chưa có nơi chấm bài, nơi tổ chức xêmina, sinh hoạt chuyên môn vẫn còn chung chạ. Theo chúng tôi, những gì là tối thiểu về cơ sở vật chất thì có lẽ là cũng nên có và cần phải có. Như vậy mới có thể bàn về vấn đề chất lượng và hiệu quả.
Trên đây là một số ý kiến bước đầu về việc nâng cao chất lượng đào tạo, giảng dạy triết học trong các trường đại học ở nước ta hiện nay. Những gì chúng tôi trình bày mới chỉ là những nét phác thảo. Rất mong nhận được sự quan tâm và ý kiến đóng góp, chia sẻ của tất cả những ai quan tâm đến vấn đề này.