Home » » Lý luận chung về mối quan hệ giữa dân sinh và xã hội hài hoà

Lý luận chung về mối quan hệ giữa dân sinh và xã hội hài hoà

Written By kinhtehoc on Thứ Ba, 15 tháng 11, 2011 | 23:51

Tập thể tác giả:      PGS.TS. Phạm Văn Đức, PGS.TS. Đặng Hữu Toàn, TS. Nguyễn Đình Hòa (Đồng chủ biên).
                                    Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 2010, 298 tr.

Cuốn sách Vấn đề dân sinh và xã hội hài hoà là kết quả của Hội thảo khoa học Việt – Trung lần thứ 6 với chủ đề “Vấn đề dân sinh và xã hội hài hòa” diễn ra vào tháng 11 năm 2008 tại thành phố Vinh, Nghệ An, do Viện Triết học thuộc Viện Khoa học xã hội Việt Nam, Viện Triết học thuộc Viện Khoa học xã hội Trung Quốc và Trường Đại học Vinh đồng tổ chức. Tập hợp các bài nghiên cứu liên quan đến vấn đề dân sinh, xã hội hài hoà và mối quan hệ biện chứng giữa dân sinh và xã hội hài hoà của các nhà khoa học Việt Nam và Trung Quốc, cuốn sách được chia thành 3 phần.
Phần thứ nhất là Lý luận chung về mối quan hệ giữa dân sinh và xã hội hài hoà. Theo các tác giả, dân sinh chính là những vấn đề thiết yếu và trực tiếp nhất của cuộc sống con người, gắn liền với lịch sử phát triển xã hội. Dân sinh không chỉ là các vấn đề về ăn, mặc, ở, đi lại của con người, mà còn liên quan đến nhiều phương diện khác nữa, như giáo dục, việc làm, phân phối thu nhập, vệ sinh y tế, an toàn thực phẩm, trị an xã hội, đoàn kết và ổn định xã hội, đất đai, môi trường, xây dựng và phát triển đất nước,… Nói cách khác, dân sinh đề cập đến mọi mặt của cuộc sống con người, từ nhu cầu vật chất tối thiểu đến nhu cầu tinh thần, văn hóa. Trên cơ sở đó, các tác giả chỉ ra rằng, dân sinh có mối quan hệ mật thiết với việc xây dựng xã hội hài hòa; cụ thể, dân sinh đóng vai trò là nền tảng, là hạt nhân của quá trình xây dựng xã hội hài hòa. Các tác giả cũng đưa ra một số giải pháp cho vấn đề dân sinh nhằm hướng tới xã hội hài hòa, như phát triển giáo dục, thực hiện công bằng giáo dục, mở rộng và phát triển việc làm trong xã hội, thực hiện phân phối thu nhập công bằng và hợp lý, xây dựng mạng lưới bảo hiểm xã hội, cứu trợ xã hội, duy trì sự đoàn kết và ổn định xã hội, tăng trưởng kinh tế để không ngừng cải thiện đời sống của người dân,... Bên cạnh đó, các tác giả còn phân tích khá sâu sắc mối quan hệ biện chứng giữa dân sinh và xã hội hài hòa. Một xã hội chỉ được coi là phát triển hài hòa, công bằng và ổn định khi các điều kiện sống cơ bản của mọi tầng lớp nhân dân đều được đảm bảo một cách tốt nhất và không ngừng được cải thiện. Và ngược lại, chỉ khi nào chính phủ đảm bảo cho nhân dân một cuộc sống ổn định, ấm no, hạnh phúc và không ngừng cải thiện chất lượng cuộc sống ấy, thì xã hội sẽ đạt tới sự hài hòa. 
Phần thứ hai có tiêu đề là Vấn đề dân sinh. Ở phần này, các tác giả chủ yếu tập trung phân tích và luận giải quan niệm dân sinh của hai nhà tư tưởng lỗi lạc, Tôn Trung Sơn và Hồ Chí Minh. Theo các tác giả, Tôn Trung Sơn và Hồ Chí Minh đều đề cập trực tiếp đến dân sinh, đó là những nhu cầu sống cơ bản của con người trong xã hội, như ăn, mặc, ở, đi lại, học hành. Không chỉ có vậy, hai ông còn đề xuất một số giải pháp cho vấn đề dân sinh. Theo Tôn Trung Sơn, đó là phát triển nền kinh tế tư bản chủ nghĩa nhằm mục đích nuôi dân thay vì lợi nhuận, thực hiện công bằng trong phân phối hoa lợi ruộng đất, sử dụng sản phẩm nông, công nghiệp, đảm bảo công bằng trong các lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, công nghiệp và thương nghiệp, giảm bớt sự bất công trong xã hội và tiến tới xóa bỏ hoàn toàn sự bất công đó,… Theo Hồ Chí Minh, đó là thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, tích cực tăng gia sản xuất để toàn dân đều được ăn no, mặc ấm, học hành, phát triển kinh tế để không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, thực hiện đời sống mới: tiết kiệm, vệ sinh, văn hóa,… Nói tóm lại, dân sinh trong tư tưởng của hai ông chính là một hệ thống quan niệm về đời sống của nhân dân và các biện pháp nâng cao đời sống đó nhằm thúc đẩy sự tiến hóa của xã hội. Trên cơ sở đó, các tác giả đều khẳng định rằng, “tư tưởng dân sinh” hay “chủ nghĩa dân sinh” của Tôn Trung Sơn và “tư tưởng dân sinh” của Hồ Chí Minh không chỉ có ý nghĩa đối với xã hội đương thời, mà cho đến bây giờ, nó vẫn còn những giá trị hợp lý, cần được trân trọng và khai thác.
Cũng trong phần thứ hai này, các tác giả đã trình bày một cách khái quát về việc giải quyết vấn đề dân sinh trong giai đoạn hiện nay ở Việt Nam và Trung Quốc. Đối với Trung Quốc, việc đảm bảo và cải thiện dân sinh chính là nội dung cốt lõi, là “mắt xích trọng yếu” trong chiến lược xây dựng và phát triển xã hội hài hòa. Đảng Cộng sản Trung Quốc đã không ngừng tìm tòi và từng bước thực hiện các giải pháp cụ thể nhằm giải quyết vấn đề này trên thực tế: trước hết, làm cho nhân dân có một đời sống no đủ; tiếp nữa, làm cho nhân dân trở nên giàu có; và cuối cùng, làm cho toàn thể nhân dân đều trở nên giàu có, thúc đẩy sự phát triển toàn diện con người. Đối với Việt Nam, việc chăm lo và giải quyết các vấn đề dân sinh luôn gắn liền với việc thực hiện mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”. Để đạt được mục tiêu này, theo các tác giả, Việt Nam cần phải có các giải pháp hữu hiệu, như phát triển kinh tế thị trường kết hợp với thực hiện công bằng xã hội và bảo vệ môi trường, thúc đẩy quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, phát triển kinh tế tri thức,…
Phần thứ ba của cuốn sách nói về Vấn đề xã hội hài hòa. Trong đó, các tác giả đã khảo cứu sơ lược lịch sử phát triển của khái niệm “hài hòa” từ thời cổ đại cho đến nay. Các tác giả cho rằng, thực chất, “hài hòa” là chỉ sự vật tồn tại có trật tự và cân đối; đó là trạng thái lý tưởng và hoàn mỹ của thế giới vạn vật. Trong đời sống của con người, “hài hòa” biểu hiện ở nhiều phương diện và lĩnh vực khác nhau: giữa thể xác và tâm hồn, giữa con người với con người, giữa con người với xã hội, giữa con người với vũ trụ và thế giới vạn vật,… Theo đó, các tác giả nhấn mạnh rằng, “hài hòa” chính là cơ sở để xây dựng và phát triển một “thế giới tốt đẹp”. Dựa vào những luận giải về “hài hòa”, các tác giả còn tập trung bàn luận về ý nghĩa của nó đối với việc xây dựng xã hội hài hòa và bền vững trong điều kiện hiện nay ở Việt Nam và Trung Quốc. Trong bối cảnh hiện nay, Trung Quốc chủ trương lấy tư tưởng “hài hòa” làm sách lược để phát triển đất nước và giải quyết các vấn nạn xã hội. Đảng Cộng sản Trung Quốc đã xây dựng một hệ thống lý luận về xã hội hài hòa, trong đó đề cao tinh thần “dân chủ pháp trị”, “công bằng chính nghĩa”, “thành tín hữu ái”, trật tự ổn định, điều hòa mối quan hệ giữa các mặt của đời sống xã hội, giữa các cộng đồng dân cư, giữa con người với tự nhiên,… Tương tự, trong những năm qua, Đảng và Nhà nước Việt Nam cũng đã áp dụng lý thuyết “hài hòa” vào việc ổn định chính trị, xã hội, đoàn kết, hòa hợp các bộ phận, tầng lớp dân cư và dân tộc trên cùng lãnh thổ, coi đó là cơ sở để đổi mới nhằm hướng tới một xã hội thịnh vượng và phát triển bền vững. 
Với những nội dung cơ bản trên, cuốn sách đã cung cấp cho chúng ta một cái nhìn tổng quát về vấn đề dân sinh và xã hội hài hòa không chỉ trên phương diện lý thuyết, mà còn trên phương diện thực tiễn đời sống xã hội. Có thể nói, xung quanh vấn đề dân sinh và xã hội hài hòa còn có nhiều cách tiếp cận, luận giải khác nhau của các học giả trong và ngoài nước, song cuốn sách này là một tài liệu tham khảo bổ ích dành cho những ai thực sự quan tâm. /.
NGUYỄN THỊ MAI HOA
(Viện Triết học, Viện Khoa học xã hội Việt Nam)

Share this article :
 
Support : Creating Website | phuctriethoc | NGUYỄN VĂN PHÚC
Copyright © 2013. NGUYỄN VĂN PHÚC - All Rights Reserved
By Creating Website Published by KINH TẾ HỌC
Proudly powered by NGUYỄN VĂN PHÚC
NGUYỄN VĂN PHÚC : Website | Liên hệ | phuctriethoc@gmail.com
Proudly powered by Triết học kinh tế
Copyright © 2013. NGUYỄN VĂN PHÚC - All Rights Reserved