Home » » GIÁO DỤC ĐẠI HỌC Ở VIỆT NAM HIỆN NAY: THỰC TRẠNG VÀ GIẢI PHÁP NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG

GIÁO DỤC ĐẠI HỌC Ở VIỆT NAM HIỆN NAY: THỰC TRẠNG VÀ GIẢI PHÁP NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG

Written By kinhtehoc on Thứ Ba, 15 tháng 11, 2011 | 23:59

LÊ HỮU ÁI (*)
LÂM BÁ HÒA (**)

Trong bài viết này, các tác giả đã tập trung phân tích những bất cập, yếu kém của giáo dục đại học ở nước ta hiện nay, đặc biệt là khía cạnh chất lượng giáo dục và đào tạo. Trên cơ sở đó, bài viết luận chứng một số giải pháp nhằm nâng cao vai trò của giáo dục đại học trong phát triển kinh tế ở nước ta hiện nay.
 
1. Mục tiêu phát triển của Việt Nam đến năm 2020 là, về cơ bản, trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại. Để đạt được mục tiêu này, cần huy động và sử dụng một cách có hiệu quả mọi nguồn lực trong và ngoài nước. Theo đó, một trong những yếu tố có ý nghĩa then chốt là chất lượng giáo dục đại học. Bởi trong bất kỳ điều kiện lịch sử nào, trường đại học luôn là môi trường bồi dưỡng, sáng tạo và chuyển giao những thành tựu khoa học – công nghệ mới nhất, là đầu tàu trong việc tạo ra nguồn lao động chất lượng cao phục vụ sự nghiệp phát triển đất nước.
Báo cáo của Ngân hàng Thế giới (WB) năm 2003 đã khẳng định: “Thu nhập bình quân của 20 nước giàu nhất cao gấp 37 lần so với 20 nước nghèo nhất. Tỷ lệ này đã tăng nhanh gấp hai lần trong vòng 40 năm qua. Lý do chủ yếu là do không có sự tăng trưởng kinh tế đáng kể tại các nước nghèo do thiếu vốn, thiếu các nguồn lực phát triển cần thiết, đặc biệt là tri thức khoa học và công nghệ”(1). Điều này cho thấy, với một nền giáo dục yếu kém, chắc chắn sẽ mất lợi thế cạnh tranh. Thực tế cho thấy, giáo dục - đào tạo là nhân tố quyết định để phát huy tiềm năng trí tuệ, năng lực sáng tạo của con người. Về điều này, GS.Malcom Gilles, Hiệu trưởng Trường Đại học Rice đã từng nói: “Ngày nay, hơn bao giờ hết trong lịch sử nhân loại, sự giàu mạnh hoặc đói nghèo của một quốc gia phụ thuộc vào chất lượng của giáo dục đại học”.
2. Trong thời đại của kinh tế tri thức, bất kỳ một quốc gia nào, để có thể đi tắt, đón đầu nhằm thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước thì nguồn nhân lực chất lượng cao luôn giữ vai trò quyết định. Trên thực tế, dễ nhận thấy rằng, chất lượng đào tạo của các trường đại học ảnh hưởng trực tiếp tới sự tăng trưởng kinh tế và các chính sách xã hội. Và, đương nhiên, các trường đại học cũng luôn chịu sự tác động mạnh mẽ của môi trường kinh tế - xã hội và các thành tựu khoa học - công nghệ của nhân loại.(1)
Trong nhiều thập kỷ qua, hệ thống giáo dục nước ta đang chứa đựng nhiều yếu tố bất cập, chất lượng giáo dục đại học còn thấp, chưa đáp ứng được kỳ vọng “giáo dục là quốc sách hàng đầu”. Vẫn biết “nhân tài là nguyên khí quốc gia”, nhưng những điều kiện vật chất nghèo nàn, cơ chế quản lý lạc hậu, đội ngũ giảng viên vừa thiếu, vừa yếu,… không tương ứng với tốc độ phát triển của quy mô đào tạo chính là những nguyên nhân căn bản dẫn tới sự yếu kém của giáo dục đại học. Theo Báo cáo mới nhất của Bộ Giáo dục và Đào tạo (Số: 760 /BC-BGDĐT) ngày 29 tháng 10 năm 2009, năm 1987 cả nước có 101 trường đại học và cao đẳng (63 trường đại học, chiếm 62%; 38 trường cao đẳng, chiếm 38%), nhưng đến tháng 9 năm 2009 đã có 376 trường đại học và cao đẳng, tăng gấp 3,7 lần (150 trường đại học, chiếm 40%, gấp 2,4 lần và 226 trường cao đẳng chiếm 60%, gấp 6 lần). Việc mở rộng quy mô không chỉ bó hẹp trong các trường công lập mà cả loại hình dân lập. Với 101 trường đại học và cao đẳng năm 1987 chúng ta chưa có trường ngoài công lập, đến năm 1997 cả nước đã có 15 trường đại học ngoài công lập và đến tháng 9 năm 2009 có 81 trường đại học, cao đẳng ngoài công lập, chiếm 21,5% (44 trường đại học và 37 trường cao đẳng). Đến nay, đã có 40/63 tỉnh, thành phố có trường đại học (đạt tỷ lệ 63%); có 60/63 tỉnh, thành có trường cao đẳng (đạt tỷ lệ 95%) và có 62/63 tỉnh, thành có ít nhất 1 trường cao đẳng hoặc đại học (đạt tỷ lệ 98%, trừ tỉnh Đắk Nông chưa có trường đại học, cao đẳng nào). Và, 35/63 tỉnh có thêm trường đại học mới, trong đó: 23 tỉnh có thêm 1 trường; 10 tỉnh có thêm 2 - 3 trường; riêng Thành phố Hồ Chí Minh có thêm 18 trường đại học và Hà Nội (mở rộng) có thêm 23 trường, chiếm tỷ lệ 43% số trường đại học thành lập mới và nâng cấp(2).
Từ quy mô như trên chúng ta có thể khẳng định, công tác xã hội hoá giáo dục ngày càng được đẩy mạnh, nguồn lực trong xã hội đầu tư cho giáo dục được huy động ngày càng nhiều. Sự phân bố các cơ sở giáo dục đại học đã dần rộng khắp trên phạm vi cả nước. Điều này là hết sức quan trọng trong việc đào tạo nguồn nhân lực tại chỗ có chất lượng nhằm đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa của từng địa phương và cả nước. Tuy nhiên, sự phát triển như trên đang chứa đựng nhiều bất ổn:
Thứ nhất, sự phân bố như thế sẽ khó để có điều kiện xây dựng một trường đại học đạt đẳng cấp khu vực và quốc tế. Hiện nay, ở nước ta các đại học lớn vẫn chưa được đứng trong bảng xếp hạng 200 trường đại học tốp đầu châu Á, trong khi nhiều trường đại học của các nước láng giềng như Philippin, Inđônêsia đã có mặt. Đặc biệt, Trường Đại học Chulalongkorn của Thái Lan còn được xếp trong danh sách 200 đại học hàng đầu thế giới. Chính điều này đặt ra những câu hỏi lớn cho chiến lược giáo dục đại học Việt Nam hiện nay. Sự tụt hậu của chúng ta trong lĩnh vực này là một thực tế đáng buồn. Song, không phải vì thế mà chúng ta nôn nóng đặt ra những mục tiêu không tưởng. Trên thực tế, để đạt đến đỉnh cao trong học thuật cần có một quá trình lâu dài. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: vì lợi ích trăm năm phải trồng người. Nên chăng, chúng ta phải đặt ra mục tiêu trong tương lai gần là xây dựng được mô hình đại học nghiên cứu với yêu cầu cao về nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao công nghệ, cùng với nó là đội ngũ giảng viên phải đạt chuẩn. Theo Giáo sư Hoàng Tụy, trên Tuổi trẻ Online (ngày 25/10/2007): “… Có lẽ chỉ 15 - 20% số tiến sĩ có trình độ thật sự tương xứng với bằng cấp đó trên quốc tế. Tương tự, cũng chỉ 15 - 20% số giáo sư, phó giáo sư có trình độ thật sự tương xứng. Còn lại không chỉ thấp, mà có đến hơn một phần ba thấp đến tệ hại, nhiều người không đứng nổi trong phạm trù “dạy đại học”, dù ở mức thấp. Rất nhiều tiến sĩ của ta trình độ không hơn gì cử nhân ở các nước, rất đông phó giáo sư của ta không so sánh nổi với trợ giảng mới ra trường của họ”.
Thứ hai, sự phân bố chưa hợp lý đội ngũ giảng viên có trình độ chuyên môn cao. Hiện nay, trong số 25 – 30% giáo sư và phó giáo sư trên tổng số đang trực tiếp giảng dạy tại các trường đại học và cao đẳng, thì tập trung chủ yếu vẫn ở một số trường đại học lớn tại Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh. Trong tổng số 376 trường đại học và cao đẳng của cả nước, có rất nhiều trường đại học chưa có giáo sư, thậm chí là phó giáo sư cơ hữu, trong khi đó có khoa của một trường đại học ở Hà Nội có tới hơn 10 giáo sư. Đối với tiến sĩ và tiến sĩ khoa học, sự tập trung ở hai vùng Đồng bằng sông Hồng (chủ yếu là Hà Nội) và Đông Nam Bộ (chủ yếu là thành phố Hồ Chí Minh) gần như là tuyệt đối (khoảng 88,7%), trong đó Đồng bằng sông Hồng là 68,1% và Đông Nam Bộ là 20,6%. Chính sự mất cân đối này đã gây nên sự chênh lệch về trình độ đào tạo, sự cục bộ địa phương làm ảnh hưởng không nhỏ đến công tác nghiên cứu khoa học giữa các trường đại học và đội ngũ cán bộ khoa học trong cả nước. Không chỉ có sự bất cập trong phân bố đội ngũ các nhà khoa học có trình độ cao, mà ngay ở sự phát triển đội ngũ giảng viên so với tốc độ gia tăng sinh viên cũng có sự mất cân đối. Chẳng hạn, năm 1987, một giảng viên đại học, cao đẳng đào tạo bình quân 6,6 sinh viên, đến năm 2009 một giảng viên đại học, cao đẳng đào tạo bình quân 28 sinh viên. Sau 22 năm, số sinh viên tăng 13 lần, số trường đại học, cao đẳng tăng 3,7 lần, nhưng số giảng viên chỉ tăng 3 lần. Năm 1987 tỷ lệ giảng viên có trình độ tiến sĩ là 10,09%, năm 2009 là 10,16%. Trong những năm vừa qua, số lượng giảng viên tại các trường đại học và cao đẳng trong cả nước đã tăng lên đáng kể, nhưng vẫn chưa thể tương ứng với sự phát triển về quy mô đào tạo. Số giảng viên đại học, cao đẳng đã tăng từ 20.112 người năm 1997 lên 61.190 người năm 2009 (gấp 3 lần), số giảng viên có trình độ tiến sĩ tăng từ 2.041 người lên 6.217 người (gấp 3 lần), số giảng viên có trình độ thạc sĩ tăng từ 3.802 người lên 24.831 người (gấp 6 lần), số giảng viên là giáo sư, phó giáo sư tăng từ 526 người lên 2.286 người (gấp 4,5 lần)(3).
Thứ ba, chính sự phân bố nêu trên dẫn đến việc quản lý hành chính nhà nước đối với các trường đại học, cao đẳng phân tán, lỏng lẻo, kém hiệu quả. Trong tổng số 376 trường đại học, cao đẳng cả nước hiện nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ quản lý 54 trường (14,4%); còn lại các Bộ, ngành và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố quản lý 241 trường (64,1%); và có 81 trường dân lập, tư thục (21,5%)(4).
Từ sự bất cập của việc gia tăng quy mô như đã nêu, có một thực tế buộc chúng ta phải thừa nhận là, số lượng sinh viên hàng năm ở nước ta tăng nhưng chất lượng lại có xu hướng giảm, chưa thực sự đáp ứng được yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Năm 2005, tỷ lệ sinh viên vào đại học ở nước ta là 16%, trong khi con số này ở Trung Quốc là 17%, Inđônêsia 19%, Thái Lan 43%. Hiện nay, quy mô đào tạo đại học, cao đẳng tăng dần qua các năm, tỷ lệ sinh viên/1 vạn dân cũng tăng, năm 1997 là 80 sinh viên/1 vạn dân, năm 2006 là 166,5 sinh viên/1 vạn dân, năm 2009 là 195 sinh viên/1 vạn dân, đến năm 2010 có thể đạt 200 sinh viên/1 vạn dân theo đúng định hướng Nghị quyết số 14 của Chính phủ và Quyết định số 121 của Thủ tướng Chính phủ. Nếu so với các nước, thì tỷ lệ sinh viên/1 vạn dân của Việt Nam còn rất thấp: năm 2005 Thái Lan có 374 sinh viên/1vạn dân; Chi Lê có 407 sinh viên/1 vạn dân, Nhật Bản có 316 sinh viên/1 vạn dân, Pháp có 359 sinh viên/1 vạn dân, Anh có 380 sinh viên/1 vạn dân, Úc có 504 sinh viên/1 vạn dân, Mỹ có 576 sinh viên/1 vạn dân và Hàn Quốc có 674 sinh viên/1 vạn dân(5). Căn cứ vào các số liệu hiện có của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) thì vấn đề cơ bản trong tốc độ phát triển của giáo dục Việt Nam là sự trì trệ của tỷ lệ theo học đại học. Theo Global Education Digest năm 2006 thì sự kỳ vọng đời sống học đường đại học, tức là số năm học trung bình mà một thanh niên tuổi 17 có thể hy vọng theo học trong trường đại học trước khi bước vào lao động trong giai đoạn từ 1999 đến 2004, trên thế giới đã tăng từ 0,9 năm lên 1,1 năm; Đông Á từ 0,7 năm lên 1,0 năm; Trung Quốc từ 0,3 năm lên 1,0 năm; Thái Lan từ 1,6 năm lên 2,1 năm;... riêng Việt Nam vẫn đứng nguyên ở con số 0,5 năm. Như vậy, thực tế là nguồn nhân lực có chất lượng cao ở Việt Nam hiện nay vẫn chưa đáp ứng được cả về số lượng và chất lượng.
Thứ tư, chất lượng giáo dục đại học còn nhiều bất cập. Theo đánh giá của nhiều chuyên gia trong và ngoài nước, các trường đại học Việt Nam chưa đào tạo được lực lượng lao động có trình độ chuyên môn cao tương ứng với nhịp độ tăng trưởng kinh tế và hội nhập quốc tế. Nhiều cuộc điều tra, thăm dò gần đây cho thấy, có khoảng 50% sinh viên tốt nghiệp đại học ở Việt Nam không tìm được việc làm đúng chuyên môn, bằng chứng đó phản ánh sự thiếu liên kết nghiêm trọng giữa đào tạo và nhu cầu của thị trường. Chương trình đại học của nước ta còn nặng về lý thuyết. Có thể nêu một dẫn chứng như việc Intel tuyển kỹ sư cho cơ sở sản xuất của họ ở thành phố Hồ Chí Minh. Khi công ty này thực hiện một cuộc kiểm tra đánh giá theo tiêu chuẩn với 2.000 sinh viên Công nghệ thông tin Việt Nam, chỉ có 90 ứng cử viên, nghĩa là 5%, vượt qua cuộc kiểm tra, và trong nhóm này, chỉ có 40 người có đủ trình độ tiếng Anh đạt yêu cầu tuyển dụng. Intel xác nhận rằng đây là kết quả tệ nhất mà họ từng gặp ở những nước mà họ đầu tư(6).
Các nhà đầu tư Việt Nam và quốc tế cũng cho rằng, việc thiếu các công nhân và quản lý có kỹ năng là cản trở lớn nhất đối với việc mở rộng sản xuất. Chất lượng nghèo nàn của giáo dục đại học còn có một ngụ ý khác: đối lập với những người cùng thế hệ ở Ấn Độ và Trung Quốc, người Việt Nam thường không thể cạnh tranh được để lọt qua những khe cửa hẹp của các chương trình đại học cao cấp ở Mỹ và châu Âu. Thực tế cho thấy, hiện nay, thanh niên, sinh viên ở nước ta còn trong tình trạng tụt hậu rất xa so với thanh niên các nước tiên tiến trong khu vực và trên thế giới về trình độ chuyên môn, ngoại ngữ, tin học,.... Theo Báo Tuổi trẻ, ngày 02 -10 -2003, chỉ tiêu đánh giá về trí tuệ, trình độ ngoại ngữ, khả năng thích ứng với điều kiện tiếp nhận khoa học và công nghệ của thanh niên Việt Nam, đánh giá theo thang điểm 10 của khu vực khiến chúng ta phải giật mình: trí tuệ 2,3/10; ngoại ngữ 2,5/10; khả năng thích ứng 2/10. Đây là chỉ số đáng buồn. Theo Ngân hàng Thế giới, chỉ số chất lượng nguồn nhân lực của Việt Nam rất thấp, đạt 3,79/10, đứng thứ 11/12 quốc gia và vùng lãnh thổ được xếp hạng ở châu Á. Chính sự bất cập nêu trên của hệ thống giáo dục nói chung và giáo dục đại học nói riêng đã làm cho chất lượng giáo dục đại học thấp, hiệu quả sử dụng và năng lực cạnh tranh của nguồn lực không cao.
Thứ năm, chưa gắn nghiên cứu khoa học của các trường đại học với hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Cách đây hơn 10 năm, nhận thức được tầm quan trọng của mối quan hệ này, Đảng và Nhà nước ta đã nêu lên chủ trương, “các trường đại học vừa là cơ sở đào tạo vừa là cơ sở nghiên cứu ứng dụng khoa học và công nghệ” nhưng cho đến nay, dường như quan điểm đó vẫn chỉ được xem là chủ trương chung, chưa được cụ thể hóa thành những chính sách cụ thể, trách nhiệm và quyền lợi giữa các cơ sở đào tạo và đơn vị sử dụng lao động, giữa trường đại học và doanh nghiệp.
Chúng ta biết rằng, nghiên cứu khoa học là sức sống của một trường đại học. Đó là tiêu chí mà bất kỳ trường đại học nào trên thế giới cũng phải tuân thủ và lấy đó làm phương châm hành động. Gần như tất cả các thành tựu về nghiên cứu khoa học, các tiến bộ công nghệ áp dụng trong sản xuất đều xuất phát từ môi trường này. Tuy nhiên, hoạt động nghiên cứu triển khai của các cơ sở giáo dục đại học phải tính đến hiệu quả kinh tế và xuất phát từ nhu cầu của doanh nghiệp. Đồng thời, Nhà nước phải tạo điều kiện để doanh nghiệp nghiên cứu triển khai các thành tựu khoa học vào quá thực tế sản xuất. Trong những năm qua, hiệu quả nghiên cứu của các trường đại học trong cả nước chưa thực sự đáp ứng được yêu cầu của các doanh nghiệp và sự đầu tư của Nhà nước. Theo Báo cáo của Bộ Giáo dục và Đào tạo, ngân sách Nhà nước cấp cho các trường đại học thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ tăng hằng năm (năm 2006: hơn 259,5 tỷ, năm 2008: hơn 264 tỷ đồng). Tuy nhiên, nguồn thu từ hoạt động khoa học và công nghệ của các trường đại học từ năm 2006 đến năm 2008 còn rất thấp, chỉ chiếm 3,92% trong tổng nguồn tài chính của các trường đại học. Thực tế vẫn chưa có một thống kê nào đánh giá cụ thể tỷ lệ các đề tài nghiên cứu được đưa vào áp dụng, nhưng theo các chuyên gia nhận định, có khoảng 60% kết quả nghiên cứu khoa học được đưa vào ứng dụng, nghĩa là còn 40% kết quả nghiên cứu phải “trùm mền”. Các nhà khoa học không biết giới sản xuất đang cần gì ở họ, còn các doanh nghiệp cũng chẳng hiểu công nghệ mình cần trong nước đã có hay chưa và không thể chủ động đưa ra yêu cầu của mình. Hậu quả là doanh nghiệp tìm đến với công nghệ nước ngoài, nhà khoa học nghiên cứu theo sở thích và chuyện kết quả nghiên cứu “trùm mền” chẳng có gì là khó hiểu.
3. Từ thực trạng trên, chúng tôi mạnh dạn đưa ra các giải pháp nhằm nâng cao vai trò của giáo dục đại học trong phát triển kinh tế của nước ta hiện nay.
Thứ nhất, xây dựng một chiến lược và triết lý giáo dục riêng. Hiện nay, trên thế giới có ba mô hình giáo dục đại học lớn cần phải tham khảo trong quá trình xây dựng chiến lược giáo dục đại học ở Việt Nam: một là, mô hình kiểu Đức là nơi tạo dựng và phổ biến tri thức; hai là, mô hình kiểu Pháp là nơi đào tạo người lao động có chất lượng cao đáp ứng nhu cầu của phát triển và sử dụng nguồn nhân lực; ba là, mô hình kiểu Mỹ là tôi luyện bản lĩnh sống cho tầng lớp trẻ, tôn trọng sự phát triển nhân cách cá nhân, trung thực, không ngừng đổi mới. Theo chúng tôi, mỗi một mô hình trên đều có những mặt tích cực có thể áp dụng, nhưng hoàn toàn không thể rập khuôn máy móc khi tạo dựng triết lý cho giáo dục đại học hiện nay. Nên chăng, nền giáo dục đại học ở Việt Nam cần hướng tới việc phổ biến, ứng dụng và hiện thực hóa các tri thức khoa học, rút ngắn khoảng cách “độ chênh về chất lượng”.
Thứ hai, cơ cấu lại ngành học cho phù hợp với yêu cầu của thực tiễn phát triển của đất nước. Hiện nay, cơ cấu trình độ, cơ cấu ngành nghề, cơ cấu vùng miền đang có sự mất cân đối. Việc tăng quy mô đào tạo hiện vẫn chủ yếu diễn ra ở bậc đại học; số học sinh, sinh viên theo học các ngành kỹ thuật, công nghệ ở bậc cao đẳng và trung học chuyên nghiệp còn thấp và tăng chậm. Dường như trong những năm qua chúng ta chỉ chú trọng vào những ngành học có vốn đầu tư ít, thu lợi nhuận cao, chẳng hạn Luật, Kinh tế, Ngoại ngữ, Công nghệ thông tin…, mà chưa thực sự đầu tư thích đáng vào nhóm các ngành khoa học cơ bản, kỹ thuật công nghệ cao. Để hướng tới một nền giáo dục bền vững, chúng ta phải có một chiến lược dài hạn, đầu tư có trọng điểm vào những ngành khoa học, công nghệ mũi nhọn, đồng thời phải biết lựa chọn và thu hút được những sinh viên ưu tú, áp dụng những chương trình tiên tiến của thế giới vào giảng dạy để đạt hiệu quả cao. Chỉ có như vậy, chúng ta mới thực sự “đi tắt, đón đầu” và theo kịp được với sự phát triển của khoa học - công nghệ tiên tiến hiện nay.
Thứ ba, cải cách hành chính và trao quyền tự chủ cho các trường đại học. Đổi mới tư duy giáo dục đại học trong quản lý nhà nước để tiến đến trao quyền tự chủ, gắn với tự chịu trách nhiệm cao của các trường đại học chính là động lực của phát triển. Đó là yêu cầu tất yếu từ chính các trường đại học trong cả nước hiện nay, như quyền tự chủ tài chính, nhân sự, công tác tuyển sinh và nhất là xây dựng chương trình. Bởi, với chủ trương “đào tạo theo nhu cầu” thì việc xây dựng chương trình phải xuất phát từ nhu cầu của xã hội. Chỉ có như vậy, các trường đại học mới có thể tự quyết định trong đầu tư cơ sở vật chất và chuyên môn hoá sâu về lĩnh vực đào tạo của mình. Chế độ tuyển dụng, đãi ngộ, đề bạt của các cơ sở đào tạo đại học phải dựa trên năng lực và hiệu quả công việc của từng cá nhân. Chất lượng đào tạo của các trường đại học là một tiêu chí đáng tin cậy cho mức độ phát triển của nền kinh tế. Hiện nay, các trường đại học của Việt Nam chưa đáp ứng nhu cầu đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng cao và chưa có một trường đại học nào được các tổ chức kiểm định quốc tế thừa nhận. Nếu như không có các biện pháp cấp thiết để cải cách giáo dục đại học thì nước ta khó có thể đạt được các mục tiêu đã đề ra cho sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.
Thứ tư, thực hiện đồng bộ và nghiêm chỉnh công tác kiểm định chất lượng đại học. Đã gần 3 năm qua, từ khi Bộ Giáo dục và Đào tạo có chủ trương buộc các cơ sở đào tạo bậc đại học, cao đẳng phải công bố chuẩn đầu ra, như người học hiểu biết gì, có kỹ năng gì, có năng lực hành vi như thế nào, có thể đảm đương được công việc gì trong xã hội?... Nhưng cho đến nay vẫn chưa có một trường đại học, cao đẳng nào thỏa mãn được bộ tiêu chí trên. Vì vậy, chúng ta chưa có đủ cơ sở để đánh giá chất lượng giáo dục của các trường một cách khách quan, toàn diện.
Từ thực tế trên cho thấy, việc thiết lập bộ tiêu chuẩn chất lượng trường đại học và thực hiện nó là một yêu cầu bắt buộc đối với giáo dục đại học Việt Nam hiện nay. Bởi nó chính là cơ sở để đánh giá kiểm định chất lượng của một trường đại học hiện đại. Có được một bộ tiêu chuẩn chất lượng minh bạch để quản lý các trường đại học thực sự là một bước đột phá trong tiến trình phát triển của giáo dục đại học Việt Nam.
Thứ năm, kiên quyết ngừng các cơ sở đào tạo đại học không đạt chuẩn. Trong những năm gần đây, do xuất phát từ mong muốn chủ quan là phát triển đại học nhằm đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, song sự mở rộng quá nhanh quy mô đào tạo lại không đi liền với việc đảm bảo chất lượng nguồn nhân lực. Có những trường đại học khi có quyết định thành lập và bắt đầu đi vào đào tạo nhưng cơ sở vật chất lại chưa đáp ứng yêu cầu tối thiểu của một cơ sở đào tạo đại học như báo chí đã nêu trong thời gian vừa qua. Như vậy, hiện tượng mở trường tràn lan, những điều kiện vật chất không được đảm bảo, đội ngũ giảng viên vừa thiếu, vừa yếu cũng là một nguyên nhân khiến chất lượng đào tạo đại học ở nước ta ngày càng giảm sút.
Sự phát triển và thịnh vượng của mỗi quốc gia hiện nay phụ thuộc trực tiếp vào quy mô và chất lượng của giáo dục đại học. Hầu hết các quốc gia có thu nhập thấp và đang phát triển hiện nay đang đứng trước rất nhiều nguy cơ, trong đó có nguy cơ tụt hậu xa hơn về giáo dục đại học so với nhóm các nước phát triển. Trách nhiệm này đặt trên vai các nhà hoạch định chiến lược giáo dục đại học. Giáo dục đại học Việt Nam phải thực sự góp phần thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh. /. 

(*) Phó giáo sư, tiến sĩ. Trưởng khoa Lý luận chính trị. Trường Đại học Kinh tế, Đại học Đà Nẵng.
(**) Giảng viên Khoa Lý luận chính trị, Trường Đại học Kinh tế, Đại học Đà Nẵng.
(1) Báo cáo của Ngân hàng Thế giới (WB), 2003.
(2) Theo Báo cáo của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Số: 760 /BC-BGDĐT, ngày 29/10/2009.
(3), (4) Báo cáo của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Số: 760 /BC-BGDĐT, ngày 29/10/2009.
(5) Báo Thanh Niên, ngày 20-10-2009, tr.6.
(6) http://www.tin247.com/, ngày 09-06-2008.
Share this article :
 
Support : Creating Website | phuctriethoc | NGUYỄN VĂN PHÚC
Copyright © 2013. NGUYỄN VĂN PHÚC - All Rights Reserved
By Creating Website Published by KINH TẾ HỌC
Proudly powered by NGUYỄN VĂN PHÚC
NGUYỄN VĂN PHÚC : Website | Liên hệ | phuctriethoc@gmail.com
Proudly powered by Triết học kinh tế
Copyright © 2013. NGUYỄN VĂN PHÚC - All Rights Reserved