đào trung đạo
Thông Diễn Luận
của
Martin Heidegger
(7)
Eiführung in die phänomenologische Forschung (G17)/Nhập Môn Nghiên Cứu Hiện Tượng Luận là giáo trình Khóa Mùa Đông 1923-24 của Haidegger ở đại học Marburg khởi đầu chức vụ giáo sư thực thụ. Từ giai đoạn này ta đã thấy Heidegger sử dụng cả thông diễn luận văn bản lẫn thông diễn luận hữu thể học nền tảng, cũng như đã khởi đầu công trình tháo gỡ, giải cấu (Destruktion) Siêu hình học Tây phương nhằm thu tập truyền thống. Vì Destruktion là một công đoạn đặc biệt quan trọng trong Thông Diễn Luận của Heidegger nên cần hiểu rõ chữ này. Trong Sein und Zeit §6 Nhiệm Vụ Giải Cấu Lịch Sử Hữu Thể Luận (bản tiếng Đức trang 22, bản Anh văn của Joan Stambaugh trang 19) ta đọc thấy: “Khi truyền thống đã ngự trị làm cho cái gì được “lưu truyền” trở thành khó tiếp cận, phỏng đoán, và đa phần lại trở thành phủ lấp. Cái được kế thừa truyền thống đem đến cho chúng ta theo dạng hiển nhiên là như thế; truyền thống ngăn lối tiếp cận của chúng ta tới “nguồn” tiên khởi từ đó những phạm trù và những ý niệm phần nào được rút ra. Truyền thống cũng còn làm ta hoàn toàn quên lãng nguồn cỗi đó. Thật vậy, truyền thống biến ta hoàn toàn bất lực ngay cả trong việc hiểu rằng một sự quay lại nguồn là cần thiết. Nếu vấn đề hữu là hoàn tất sự minh bạch về chính lịch sử của nó, việc tháo gỡgiải cấu truyền thống đã bị lão hóa và việc phá bỏ những che lấp truyền thống tạo nên là cần thiết. Chúng ta hiểu nhiệm vụ này như việc giải cấu (de-structuring) nội dung truyền thống của hữu thể luận cổ điển sẽ được hoàn tất theo những hướng dẫn của vấn đề hiện hữu.” Sau này, nhất là khi chớm xuất hiện thuyết “hủy tạo” của Jacques Derrida, Heidegger muốn một lần nữa minh xác nghĩa của Destruktion: “chữ destruction – phải được hiểu đúng theo nghĩa là de-truere, ab-bauen nghĩa là dé-faire (tháo gỡ), chứ không có nghĩa là phá hoại san bằng. Nhưng cái được tháo gỡ để tái tạo là cái gì? Trả lời: cái phủ lấp ý nghĩa của hữu, những cấu trúc chồng chất cái này lên cái kia và che khuất ý nghĩa của hữu. Như thế Destruction nhắm tới việc khám phá ý nghĩa tiên khởi của hữu. Ý nghĩa tiên khởi này là Anwesenheit – hữu-đến-trong-hiện-diện.” [chúng ta có thể tìm thấy lời giải thích này trong loạt bài hội thảo ( qua lời mời của René Char ở Thor, Pháp năm 1969) do những người dự hội thảo ghi lại] (sđd: Martin Heidegger, Questions III & IV, trang 426):
Lúc đầu giáo trình mang tựa đề Khởi Đầu của Triết Lý Hiện Đại nhưng sau đó lại được đổi lại là Nhập Môn Nghiên Cứu Hiện Tượng Luận. Tài liệu ghi chép giáo trình này của các học trò được Freidrich-Wilhelm von Herrmann biên tập và văn bản được chính Heidegger đọc và sửa nhưng mãi tới 1994 mới được xuất bản.
Trong phần Lưu Ý mở đầu Heidegger cho rằng vào thời điểm đó triết lý đã chấm hết. Cho nên vấn đề quan trọng hàng đầu đối với Heidegger vẫn là câu hỏi: triết lý nào cho thời đại mới? Hiện tượng luận với bước đột phá của Husserl có thể làm nền tảng cho một triết học mới không? Trước khi có một câu trả lời cho câu hỏi này Heidegger trong việc giải quyết câu hỏi này ở Eiführung in die phänomenologische Forschung đưa ra 3 nhiệm vụ: 1. Làm sáng tỏ chữ “hiện tượn luận” ; 2. Trình bày con đường “xuyên phá” của nghiên cứu hiện tượng luận Husserl ở giai đoạn Logische Untersuchungen/Nghiên Cứu Luận Lý; 3. Trình bày sự triển khai hiện tượng luận khởi từ đó để xem trong mức độ nào HTL của Husserl còn được duy trì, trong mức độ nào phải đổi hướng hay kết cục phải từ bỏ, xét trên sự quan tâm về phương diện ý nghĩa chung quyết của hiện tượng luận của Husserl. Con đường thông diễn của Heidegger là khởi đi từ triết lý cổ điển Hy Lạp với Aristotle từ đó duyệt xét hiện tượng luận của Husserl để chứng minh vấn đề Hữu đã bị quên lãng trong triết học đương đại, chỉ ra hướng tới hiện hữu như bước khởi đầu thiết yếu của hữu thể luận nền tảng.
Tất nhiên như vậy Phần I được dành cho việc diễn giải фαινóμενον (phainomenon) và λóγος (logos) trong triết học của Aristotle để chỉ ra những thành tố căn bản của việc nghiên cứu triết học là hữu của thế giới và đời sống như hữu trong thế giới. Theo Heidegger những chữ gốc từ triết lý Hy Lạp фαινóμενον (phainomenon) và λóγος (logos), trong đó “фαινóμενον nghĩa là cái gì tự nó bày ra như hiện thế và được đối mặt ở đời sống trong chừng mực đời sống hướng về thế giới sống với cung cách đời sống quan nhận toàn thể thế giới trong αϊσθησις ...từ ghép παρά τά фαινόμενα (phía sau cái hiện ra) nhiều lần xuất hiện trong Aristotle mang tính chất đặc thù của việc nhìn nhận фαινόμενα và do đấy nắm bắt cái gì xuất hiện” (G17 bản Anh văn trg.8) và “λóγος có nghĩa (Bedeuten) lộ diện, việc chỉ ra ngoài của thực tại hiện thế như đang hiện hữu” Như thế nền tảng phân tích фαινóμενον của Aristotle được đặt trên việc quan nhận thế giới qua cái nhìn/nhãn giới về фαινóμενον hiểu hiện tượng như cách thế rõ rệt của thực thể có mặt tức là hiện hữu trong ngày và cũng là cái tự nó trình diện ra trong ánh sáng hay trong bóng tối. Aristotle cũng đã xác định λóγος là tiếng nói chỉ nghĩa khai mở hay phủ chụp thế giới hiện hữu trong hai thao tác xác định và phủ định. Và vì фαινóμενον (phainomenon) và λóγος (logos) đã biến nghĩa theo thời gian nên người ta mới hiểu chữ hiện tượng luận theo một nghĩa riêng biệt. Nếu hiểu những chữ này có nghĩa là “hiện hữu” thì sau khi làm rõ nghĩa hai chữ này chúng ta sẽ tiếp tục, xem xưa nay những chữ này được hiểu trong tư tưởng Tây phương như thế nào và cách hiểu chữ “hiện tượng luận” của Husserl ngay sau Logische Untersuchungen thì sẽ rõ Husserl đã quan niệm và hình thành nhiệm vụ nghiên cứu hiện tượng luận ra sao. Nghĩa là đưa ra chân trời của vấn đề. Sau khi thu tập ý nghĩa của фαινóμενον và λóγος Heidegger viết: “Chúng ta phải học để biết cách đọc và nghe trong khi chờ đợi.” (Eiführung in die phänomenologische Forschung,trg 32) Câu phát biểu này rất quan trọng về cách tiến hành/nghỉ ngơi trong vòng tròn thông diễn luận. Heidegger đưa ra nhận xét: Căn cứ vào những dữ kiện của vấn đề bàn cãi những triển khai vấn đề từ sau Aristotle để thiết định những dữ kiện của vấn đề của triết học và sự thôi thúc nằm phía sau những ngả đường người ta nghiên cứu đã được hướng dẫn bởi sự thống trị của một khái niệm trống rỗng và không tưởng về sự chắc thực và sự hiển nhiên, và chính vì vậy đã không giải phóng được khả hữu đối mặt với những dữ kiện thực sự của triết học. Việc quan tâm về tri thức tuyệt đối hiểu như một khái niệm này có tính cách quyết định cho toàn thể sự triển khai triết học do đó những quyết định dứt khoát về những vấn đề của triết học thuần túy dựa trên khái niệm về sự chắc thực tuyệt đối kéo theo khuynh hướng vượt qua sự hiện hữu của thế giới được coi như ngẫu nhiên, không chắc thực. Như thế cũng có nghĩa triết học đã lội ngược dòng, trở ngược lại khởi điểm. Từ nhận xét này và sự diễn giải về những cấu tố của chữ “hiện tượng luận” Heidegger đi đến khẳng định sẽ lấy chủ đề chính là hiện hữu, hữu của thế giới và đời sống hiểu như hiện hữu trong thế giới, đúng ra là thế giới và những cách thương thảo trong thế giới sống, thời gian tính, ngôn ngữ, sự diễn giải hiện hữu của chính chúng ta, và những cách diễn giải có thể có được. Như vậy đã rõ chủ đích của Heidegger trong nghiên cứu hiện tượng luận là nắm bắt hiện hữu một cách nguyên ủy, xây dựng một hiện tượng luận về hiện hữu. Nói một cách đơn giản, Heidegger đã phê phán tham vọng của Husserl muốn hiện tượng luận là một khoa học chính xác làm nền tảng cho mọi khoa học khiến Husserl không nhận ra vấn đề của triết học chính là hiện hữu khi lấy chủ đề của hiện tượng luận là ý thức siêu nghiệm tức là ý thức đã được làm cho thành thuần túy/thanh tảy, đặt ý thức trong mối quan tâm đạt tới nhận thức chắc thực và hiển nhiên, chính vì vậy ý thức đã đánh mất chính nó trong sự quan ngại này. Heidegger cho rằng Husserl đã “ở trong” truyền thống chứ không “vượt qua” truyền thống bằng cách giải phóng triết học khỏi quan tâm này, tìm ra khả tính đối diện những dữ kiện nền tảng của vấn đề triết học.
Trong TDL của Heidegger (6) chúng tôi có đưa ra quan niệm của Heidegger về sự khác biệt giữa trực giác cảm nhận và trực giác phạm trù và sự khác biệt này mở rộng cho sự qui định “ý nghĩa đa phức của sinh hiện” khi thảo luận về HTL của Husserl. Để làm sáng tỏ vấn đề này chúng ta có thể tìm thấy nhiều “tia sáng chiếu rọi ” trong cuộc hội thảo Zähringen năm 1973 ở Freiburg khi trả lời câu hỏi của Jean Beaufret về Seins-frage (câu hỏi truy tìm hữu), và câu hỏi này một cách trực tiếp lại dẫn tới câu hỏi: trong mức độ nào người ta có thể nói trong triết lý của Husserl không có vấn đề truy tìm hữu. Theo Heidegger, Seins-frage có nghĩa là vấn đề truy tìm ý nghĩa của “hữu” và nói rõ hơn: sau SZ chữ “ý nghĩa” được dành chỗ cho chữ “chân lý” lý do vì Seins-frage không thể được hiểu là một câu hỏi/vấn đề siêu-hình-học. Wahrheit des Seins, chân lý của hữu, trong đó Wahrheit phải được hiểu từ sự bảo vệ hữu được coi là hữu chứ không là sinh hiện (étant). Đúng theo ý nghĩa chính xác này nơi Husserl không có vấn đề truy tìm hữu. Thực vậy, Husserl bàn tới những vấn đề này như những vấn đề siêu hình học, chẳng hạn vấn đề về những phạm trù. Theo Heidegger, Husserl có đụng chạm tới, lướt qua vấn đề hữu trong Nghiên Cứu Thứ Sáu có chủ đề Cảm Tính và Nhận Thức, Chương VI quyển Nghiên Cứu Luận Lý với tựa đề Trực giám Cảm nhận và Trực giác Phạm trù cho nên có thể thấy Husserl đến được trực giác phạm trù qua trực giác cảm tính. Nhưng trực giác cảm tính là gì? Husserl lấy khởi điểm từ đâu khi phân tích trực giác cảm tính? Với Husserl, chẳng hạn cái Lọ Mực chỉ có chức năng làm đối tượng cho tri giác cảm nhận. Câu hỏi kế tiếp phải đặt ra là: trực giác cảm nhận có cơ sở nào? Husserl gọi nên tảng, cơ sở của tri giác cảm nhận bằng chữ Ηуlè nghĩa là cái gây cảm nhận (chẳng hạn những thứ được cung cấp (données) cho cảm giác như màu xanh, màu đen, trương độ không gian v.v...) Nhưng cái gì được tri giác qua ngả cảm thụ? Lại chính là những thứ được cung cấp, và với những dữ kiện được cung cấp này cho tri giác khiến đối tượng xuất hiện. Nếu như Kant cho rằng ta tri giác được sự vật là nhờ những phạm trù của tri năng thì Husserl đã giải phóng những phạm trù theo quan niệm của Kant khi cho rằng phạm trù cũng là cái được cung cấp (donnée) như cái được cảm nhận (sensible), vậy cho nên có trực giác phạm trù. Rõ ràng Husserl ở dây đã dùng lý luận loại suy. Husserl là người đã có công giải phóng hữu ra khỏi sự giam cầm trong phán đoán. Tuy vậy, theo Heidegger, như thế chưa đủ, ta phải đẩy xa hơn nữa vấn đề/câu hỏi về hữu.
Nhưng vấn đề là gì? Những khả tính nào sự minh giải những vấn đề sẽ phát hiện?
(còn tiếp)
Đào Trung Đạo