2. MỘT TRUYỆN CỔ HAI TRUYỀN THUYẾT
Theo quyển sách đồ sộ nhất về người Mường của Jeanne Cuisinier [1], người Mường có rất nhiều truyện cổ tích và truyền thuyết. Hai truyền tích lớn người Việt đã vay mượn thẳng từ nguồn Mường chính là chuyện Sơn Tinh Thủy Tinh và bà Âu Cơ, mà người Mường phát âm theo kiểu Quảng Đông: Ngu Kơ.Truyền tích bà Ngu Kơ của Mường được kể như sau[1]:
Ngày xửa ngày xưa, có một nàng công chúa xứ Mường tên là Ngu Kơ, mang tiền kiếp một con nai có đốm ngôi sao (cerf étoilé), cưới một ông hoàng tử con byua Yịt tên Lương Wong, gốc vốn loài cá. Ít lâu sau, Ngu Kơ sinh được 50 con gái và 50 con trai. Nhưng rồi cơm không lành canh chẳng ngọt. Từ ở chỗ con cái không đủ đồ ăn thức uống, Ngu Cơ và Lương Wong ưa cãi vã với nhau. Cuối cùng, Ngu Kơ và Lương Wong đành phải chia tay, đôi ngả đôi ta. Ngu Kơ dẫn 50 người con lên miền rừng núi, và Lương Wong dẫn 50 người con kia xuôi về miền sông biển. Ngu Kơ và đám con tạo nên những dòng vua chúa mặc áo màu đen, và Lương Wong, các gia đình vua mặc áo màu vàng.
Dân Mường thờ kính bà Ngu Kơ như mẫu tổ và thường làm cờ có hình con nai đốm sao, như một vật tổ để tưởng nhớ đến bà.
So sánh truyền thuyết Ngu Kơ của Mường với Âu Cơ của Việt, ta có thể thấy:
Cả hai truyền thuyết đều kết cục bằng một sự chia tay. Một đám 50 người con theo papa Lạc xuôi về miền sông biển đồng bằng. Năm mươi người con kia đi theo Mẹ Ngu Cơ (hay Âu Cơ) đi lên miền rừng núi. Nhưng cần để ý ngay, bản Việt chỉ ròng con trai, không có con gái. Bản Mường có 50 trai, 50 gái.
(i) Ngu Kơ và Âu Cơ
‘Ngu Kơ’ là lối phát âm của người Mường, và cũng của tiếng Quảng Đông, cho ‘Âu Cơ’ theo tiếng Việt [2]. Vòng đai ở biên giới Hoa-Việt kéo từ Vân Nam qua Quí Châu, đến Quảng Đông, vào thuở cổ thời chính là địa bàn của chủng Việt, chi Thái. Hai nước oai hùng nhất ở vùng này chính là Tây Âu và Nam Chiếu. Thường, đặc biệt Tây Âu (tức Quảng Tây bây giờ), do người Thái làm chủ.
Qua một vài bài khác, chúng ta sẽ thấy người Mường chính là hậu duệ của người Tây Âu. Và dân Tây Âu rất có khả năng được bổ sung trong vòng thiên niên kỷ trước Công Nguyên bởi dân Thục và dân Sở (xem bản đồ). Cả Thục (tức Tứ Xuyên bây giờ), lẫn Sở (Hồ Bắc & Hồ Nam) khi xưa do chủng Yueh (Việt) làm chủ. Trong đó có chi Âu (= Thái) và chi Lạc (= Việt), và một số các nhóm người dân tộc khác. Đặc biệt dân Âu làm chủ lực, tức thành phần nòng cốt đa số. Nhưng vào khoảng thế kỷ thứ 3 trước Công Nguyên, cả Thục lẫn Sở đều bị nước Tần, thuộc chủng Hoa (Tàu), thôn tính. Khi mất nước dân Thục và Sở đều phải chạy riết về phía Nam, rồi bổ sung vào dân bản địa có sẵn tại Nam Chiếu và Tây Âu (xem [3] & [4] cùng những tra cứu từ internet [5]).
Nam Chiếu, trước đó mang tên Điền Việt, rồi Đại Lý (với ngón Nhất Dương Chỉ trong truyện Kim Dung), và hiện nay chính là tỉnh Vân Nam. Nam Chiếu đã từng chống trả bước Nam tiến của người Hán, mãi cho đến khoảng thế kỷ 13, thì bị quân Mông Cổ (nhà Nguyên) thôn tính. Nhà Nguyên sau đó đưa di dân từ miệt Bắc xuống định cư ở Nam Chiếu (thí dụ: xem [6]). Chính ở vào thời điểm này, người Nam Chiếu và các sắc tộc ở miền biên giới, dưới sức ép của việc tìm lãnh thổ riêng để sinh sống, đã tràn sang An Nam và khu vực Lào và Thái Lan ngày nay, tạo dựng nên nước Xiêm và nước Lào. Nhiều khối người dân tộc ở Bắc phần hiện nay cũng từ phía Bắc tràn qua vào thời đó. Đọc lịch sử nước Thái Lan, ngay cả trên internet, chúng ta sẽ thấy người Thái Lan nhìn nhận dân họ gốc ở miền Hoa Nam, đặc biệt Nam Chiếu. Và vương quốc Thái đầu tiên mang tên Sukhothai được thành lập vào năm 1238 sau Công Nguyên [7].
Tây Âu cũng giống như nước Sở ở thời Xuân Thu Chiến quốc, đã là một vùng đất của chủng Thái, có một quá khứ hết sức oai hùng. Đó là cuộc chiến chống Tần bằng lối du kích kéo dài suốt 3 năm [8]. Đây là một chủng Việt (chi Âu) rất kiên cường, mà sử Việt rất thường hay nhầm lẫn là dân Việt Nam, mãi cho đến thời hiện tại (thí dụ [9]).
Nói chung, nếu nhìn vào bản đồ ta có thể thấy địa bàn chủng Thái (tức Âu) nằm ở miền Trung nước Tàu, trong khoảng Hồ Bắc (phía Bắc sông Dương Tử và Hồ Động Đình), và kéo xuống đến biên giới Hoa-Việt ngày nay. Chủng Việt (tức Lạc) lại chiếm dãi đất ven biển ở phía Đông nước Tàu. Chạy từ khu vực tỉnh Sơn Đông xuống đến tận Phúc Kiến (tức nước Mân Việt hồi xưa).
Nổi tiếng nhất trong chi Âu là các nước: Sở, Tây Âu và Nam Chiếu. Sở ban đầu là một nước bao gồm toàn các thứ rợ (đặc biệt chủng Yueh). Nhưng chỉ vài trăm năm sau, trở nên Hoa hoá, hùng cường và thật … văn minh. Sở Trang Vương chính là một trong 5 vị Bá hạng nhất vào cuối thời Xuân Thu.
Lừng danh nhất trong chi Lạc chính là nước Ngô, nước Việt (Câu Tiễn) và nhóm du mục nay đây mai đó, gọi Bách Bộc hay Bộc Việt, ngày xưa xuất phát từ miền Sơn Đông, địa bàn của rợ Đông Yi hay Lai Yi (xem [10] và [11]). Nước Việt dưới thời Câu Tiễn cũng là một nước oai hùng nằm ở địa bàn Chiết Giang - Thượng Hải ngày nay. Việt thôn tính Ngô dưới thời Ngô Phù Sai. Nhưng về sau, vào năm 333 TCN, bị Sở hợp sức với Tề tiêu diệt.
Trở lại với Ngu Kơ và Âu Cơ. Người Lưỡng Quảng và người Mường có khuynh hướng đổi âm qua lại giữa /Âu/ và /Ngu/. Âu Cơ, người Mường biết là Ngu Kơ, theo tiếng của họ. ‘Âu Cơ’ cũng là một tên của người phái nữ gốc Sở. ’Âu Cơ’ đọc theo quan thoại là /Yu ji/ hay có khi /Ou ji/. Và theo Quảng Đông chính là /Ngu Kơ/. Độc giả các truyện Tàu chắc còn nhớ Tây Sở Bá Vương Hạng Yũ (Xiang Yu) vào đêm cuối cùng khi đại bại bởi Lưu Bang, đã được một người ái cơ họ Ngu (có phát âm như /Yu/ theo kiểu quan thoại) múa kiếm để giải sầu. Người Hoa có thể gọi người ái cơ đó của Hạng Yũ là ’Ngu Cơ’ 虞 姬 [12], nếu đọc theo lối phát âm Quảng Đông (và...Mường). Y hệt như ’Ngu Cơ’ dùng để gọi bà ’Âu Cơ’ 嫗 姬 .
Tóm lại, /Ngu Cơ/ đọc theo quan thoại là /Yu ji/. / Âu Cơ/ cũng vậy. Có thể là /Yu ji/ và cũng có thể /Ou ji/. Ngu Cơ chính là Âu Cơ. Người Việt gọi Âu Cơ, Quảng Đông và Mường phát âm như Ngu Cơ.
Nhưng, xin để ý:
Âu Cơ theo bản Việt là người gốc Động Đình Hồ, cũng thuộc Sở (chủng Thái).
Ngu Cơ theo bản Mường, là công chúa Mường (chủng Mường, cũng là chủng Thái)
(ii) Bước nhảy vọt về thời gian và không gian
Có một điểm rất quan trọng trong truyền thuyết, theo bản Việt, đã cần đến một số ý niệm của văn minh Tây Phương, mới có thể hiểu rõ được. Các ý niệm này thật ra chỉ được phổ biến rộng rãi vào thế kỷ 20.
Đó là các ý niệm ‘quantum’ và ‘fast forward’.
‘Quantum’ là một ý niệm của khoa vật lý học, do Max Planck đề ra vào đầu thế kỷ thứ 20. Đại khái, Max Planck cho biết có một số đặc tính vật lý chỉ có thể giải thích được bằng số lượng riêng theo từng đơn vị trọn. Thí dụ, so sánh giữa các bậc thang, xây bằng bê tông để leo lên núi, và cách lên núi bằng con đường dốc lài lài. Khi lên núi bằng cách bước lên những bậc thềm xi măng, mỗi một mức sẽ gia tăng một độ cao nhất định. Không có cái vụ nửa mức thang, một phần sáu bước thang, v.v. Chỉ có: 1, 2, 3, … N, bước thang mà thôi. Riêng biệt từng đơn vị trọn. Đối với người đi lên núi theo đường dốc lài lài, có khi bước này dài hơn bước kia, ngắn hơn bước nọ. Sự gia tăng bất chừng, khi lớn khi bé. Gia tăng độ cao biến chuyển từ 0 cho đến bước dài nhất người có thể bước được. Bước dài nhất lại khác nhau tùy người. Người chân dài bước dài hơn, người chân ngắn bước ngắn hơn. Tức không biết chắc chắn được mỗi bước đi lên núi sẽ thu ngắn quãng đường đến đâu. Nhưng lên núi theo bậc thang lại xác định được theo từng bước một. Đó là ‘quantum’. Mỗi một quantum bằng với một bậc thang.
‘Fast forward’ là một ý niệm dễ hơn. Bởi ra đời sau khi các máy cassette nghe nhạc, hoặc đầu máy video. ‘Fast forward’ chính là bấm vào nút cho băng quay nhanh về trước. Để nghe các bản nhạc phiá sau của băng nhạc, hay xem những đoạn sau của phim. Ngày nay, ý niệm này đã đi vào ngôn ngữ Tây phương. Thí dụ đọc một bài viết trên báo thuật lại chuyên xưa, tự nhiên ta thấy người viết ghi: ‘Fast forward’. Rồi tiếp theo ngay bằng những gì xảy ra 10-20 năm sau.
Cả hai ý niệm ‘Quantum jump’, tức nhảy lùi, hay nhảy vọt tới bằng những lượng xác định và đo được, và ‘Fast forward’ tức quay nhanh thời gian, đều hiện rất rõ trong truyền thuyết ‘con rồng cháu tiên’.
QUANTUM JUMP
· Biên giới xứ Xích Quỷ của chủng Yueh ở thời Kinh Dương Vương: rất rộng. Giáp nước Thục, Động Đình Hồ, biển Nam Hải, nước Chiêm.
· Biên giới nước Văn Lang thời Hùng Vương: tự nhiên bị thu lại rất nhỏ - chỉ trong vòng Bắc Việt mà thôi. Nhỏ hẹp hơn bằng rất nhiều ‘quanta’ - rất đột xuất. Ai cũng có thể dễ dàng suy đoán ra lãnh thổ nhỏ hẹp này, nếu căn cứ vào đoạn sử về việc Triệu Đà thôn tính nước Âu Lạc và sát nhập vào Nam Việt sẵn có, bao gồm phần lớn Lưỡng Quảng. Nước Âu Lạc trước đó lại chính là xứ của người Lạc đã bị Thục Phán với dân quân từ Tây Âu đến xâm chiếm [13].
Việc biên cương của dân ‘Việt’ tự nhiên nhảy xuống một cái rụp, đã cho thấy:
Vào đầu truyện, ở thời Đế Minh cháu 3 đời của Thần Nông, không có những địa danh như Thục, Động Đình Hồ, biển Nam Hải, nước Chiêm,…, hoặc nhân danh như ‘Kinh Dương Vương’, Lạc Long quân,… Toàn những tên dùng tiếng Hoa ròng. Bởi vào thời huyền sử, ngót 3 ngàn năm trước Công Nguyên, cái chủng Hoa hãy còn là những bộ lạc nhỏ ở bên sông Hoàng Hà, chưa thể có một kiến thức hoặc ý niệm gì hết về các địa danh nói trên, tại các vùng đất thuộc chủng khác.
Nếu nhìn dưới một góc độ khác, chủng của Thần Nông, Đế Minh, Kinh Dương Vương, Lạc Long Quân, Âu Cơ, kéo luôn đến đám con của bà Âu và ông Lạc,… đều không phải chủng Tàu. Họ phải thuộc một số chủng khác có địa bàn kéo suốt phía Nam sông Yương Tử, nên mới có thể đi tuần thú hoặc thay đổi biên cương lãnh thổ của từng nhóm con cháu như vậy.
Việc suy giảm lãnh thổ hay địa bàn sinh sống của dân Bách Việt hoặc hai chi chủng Âu và Lạc, xuống rất nhiều ‘quanta’, chỉ có thể giải thích bằng một cuộc bỏ chạy hay di tản của đám dân đó. Hoặc vì ‘mất nước’, hoặc chạy đến một địa bàn mới nhỏ hẹp hơn.
FAST FORWARD
Fast forward mới thật ly kỳ, và đã trốn tránh được bao nhiêu quan sát dưới kính hiển vi, kéo dài hằng thế kỷ.
· Đế Minh: cháu 3 đời Thần Nông => một ‘nhân vật’ huyền sử. Xuất hiện ít lắm 2800 năm TCN. Vào thời này: nước Tàu chỉ bằng 1-2 tỉnh bây giờ ở khu vực bên sông Hoàng Hà, tỉnh Thiểm Tây & Sơn Tây. Hoa chủng chưa làm chủ đến vùng đất Kinh (tức nước Sở), ở phía Nam. Rất có thể tổ chức hãy còn trong dạng bộ lạc hay liên minh bộ lạc.
· Đế Minh đi tuần thú phương Nam, đến Ngũ Lĩnh, gặp nàng tiên. Rồi lấy nàng tiên đó sinh ra hai con: Đế Nghi + Lộc Tục. Lộc Tục xưng là Kinh Dương Vương, làm vua nước Xích Quỷ, vào khoảng năm Nhâm Tuất (2879 TCN).
· Kinh Dương Vương ‘thành hôn’ với con gái vua xứ Động Đình Hồ => sinh ra Sùng Lãm lấy hiệu Lạc Long Quân.
Rõ ràng tác giả chính của ‘truyền thuyết’ đã bấm nút Fast forward (quay băng nhanh) ngay từ lúc cho ‘Đế Minh’ đi tuần thú phương Nam. Với những địa danh và nhân danh chỉ xuất hiện vào thời Xuân Thu, trên 2000 năm sau khi Đế Minh vừa mới chào đời.
Nói một cách nôm na:
· Vào thời Đế Minh ra đời, không ai biết Động Đình Hồ hoặc Ngũ Lĩnh ở đâu. Chưa có nước Sở, chưa có đất Kinh và đất Dương. Không ai có khái niệm thế nào là ‘Vương’. Chỉ có thể có Hoàng Đế, một trong Tam Hoàng.
· Đến lúc Đế Minh bắt được chuyến bay của China Airlines, chuyến 2879-TCN, người ta thấy xuất hiện những nơi danh lam thắng cảnh, những địa danh nhân danh, ít lắm 2000 năm sau khi Đế Minh ra đời, mới có.
· Fast forward một lần nữa. Đến lúc Âu Cơ chia tay với Lạc Long Quân. Lạc đi về miền đồng bằng gần biển, chọn người con trưởng lên ngôi vua, xưng là Hùng Vương. Để ý họ Hùng là một họ của vua nước Sở. Trước sau có đến hai mươi mấy đời mới dứt. Toàn họ Hùng, tiếng Sở gọi là Mị (xin xem bài số 2). Tính trung bình 30 năm một thế hệ, ta thử làm một bài toán:
từ Đế Minh đến Lộc Tục tức Kinh Dương Vương: 30 năm
từ Kinh Dương Vương đến Sùng Lãm, tức Lạc Long Quân: 30 năm
từ Lạc Long Quân đến 100 đưá con với Âu Cơ: 30 năm
từ lúc sinh ra 100 con đến khi chúng trưởng thành: 30 năm
Như vậy từ khi Kinh Dương Vương lên làm vua nước Xích Quỷ đến lúc Hùng Vương số 1 xưng vua ở xứ ‘Văn Lang’ có thể kéo dài khoảng 90-100 năm.
Năm Kinh Dương Vương lên ngôi vua: 2879 TCN
Năm Hùng Vương bắt đầu cai trị xứ ở phương Nam: 2879 – 100 = 2779 TCN.
Vào năm 2779 TCN, ở toàn cõi lục địa bây giờ gọi Trung Quốc, trừ triều đại nhà Hạ thuộc huyền sử, những chỗ khác chưa biết đến chế độ thế tập. Đặc biệt đất Kinh Cức tức Kinh man chưa được nhà Châu biết đến. Và cũng chưa có nước Sở với những ông vua mang họ Mị tức Hùng.
Việc khai sinh Hùng Vương, trước sau chỉ 6 đời sau Thần Nông chính là kết quả của việc bấm nút Fast Forward của tác giả. Quay nhanh từ khoảng năm 2779 TCN đến khoảng 1122 TCN, khi nước Sở thành lập. Bởi chỉ từ thuở đó (1122 TCN) người dân Sở mới bắt đầu biết đến ý niệm: vua mang họ Hùng và tước Vương: Hùng Vương [14].
Thật ra truyền tích ngay từ lúc Đế Minh bắt đầu đi tuần thú phương Nam đã bị Fast Forward, quay nhanh, đến tận thời Xuân Thu Chiến Quốc ở bên Tàu (770-221 TCN).
Theo thiển ý một hệ luận hết sức quan trọng đã bắt nguồn từ chỗ không để ý đến vấn đề Quantum Jump và Fast Forward trong truyền tích Âu Cơ. Đó là các sử gia từ đời này sang đời nọ đều quên đối chiếu cổ sử với biến động lịch sử chung quanh. Bởi ở chỗ truyền tích đã bị FAST FORWARD không có báo động, người khảo cứu khi chăm chú vào những huyền thoại di cư xảy ra vào thời Đế Minh, Lạc Long Quân, rồi Hùng Wang thường lầm tưởng mấy ông tổ này đi đến xứ của người nước Nam trong khoảng 2880-2780 TCN mà thôi.
Họ hoàn toàn không biết câu chuyện đã được Fast Forward đến đời Xuân Thu Chiến Quốc ở bên Tàu. Tức thời có chiến tranh loạn lạc gây ra bao nỗi kinh hoàng, chết chóc. Cũng là thời có di cư di tản hằng khối. Toàn là Nam tiến bằng đường bộ lẫn đường thủy.
Chỉ trừ một vài nhà khảo cứu thời tiền chiến như Aurousseau, Madrolle,…, còn như tất cả các sử gia hay những nhà nghiên cứu, viết lách, đều dễ bị rơi vào cái hố đã được đào sẵn. Ở chỗ truyền tích có Fast Forward mà không có báo động.
Aurousseau cho rằng chính đám thần dân nước Việt của Câu Tiễn, sau khi bị Sở thôn tính (333 TCN), đã di tản bằng đường bộ về hướng nước Nam. Rồi hội nhập với dân bản địa dựng nên nước Nam [9] [10].
Madrolle bài bác thuyết của Aurousseau và cho rằng chỉ có dân Mân Việt (tức Triều Châu & Phúc Kiến ngày nay) mới là thành phần chủ lực. U Việt xa xôi quá [9] [10].
Một lí do khác đã gây nên sơ suất đáng tiếc này, nay đã trở thành một thông lệ lớn, bắt nguồn từ chỗ nhiều vị bắt đầu tra cứu từ ở cổ sử Tàu. Nhưng vô tình, không để ý sử Tàu, từ cổ chí kim, luôn luôn bị sức ép chính trị của một quốc gia lớn có quá nhiều chủng tộc khác biệt. Và được viết trên quan điểm ’trung ương’ của một nước Tàu nhất thống của chủng Hán. Tất nhiên sẽ không chú ý đến mọi sắc tộc đã bị đàn áp hay thua trận, mất nước. Hoặc đã được đồng hoá. Và sẽ ít khi đề cập đến các vụ di tản khổng lồ của dân các nước đã bị...nuốt, ngay từ thời Thượng cổ cho đến loạn lạc thời sau nhà Đường (Ngũ Đại, v.v.).
Thời Xuân Thu Chiến Quốc (770-221 TCN), tiếp theo là nhà Tần rồi Hán Sở tranh hùng, v.v. là một thời khủng khiếp nhất, kéo dài khoảng gần 800 năm. Chiến tranh liên miên. Ở nhiều trận chiến, khi bị đại bại quân sĩ bị chém đầu như rạ. Ngoài ra còn nạn đói kém vì thiên tai mất mùa, và do ảnh hưởng chiến tranh. Các chủng tộc hồi đó khác biệt về ngôn ngữ hãy còn ít, nhất là có nhiều chi chủng rất gần nhau trong đám Bách Yiệt. Lại đặc biệt không có đòi hỏi hộ chiếu hay thị thực khi đi qua vùng này hay vùng khác. Như vậy chuyện di tản hằng khối người phải xem như một chuyện hiển nhiên quan trọng nhất trong việc khảo cứu về nguồn gốc dân tộc. Thế nhưng đây cũng là chuyện hay bị bỏ sót.
Bình Nguyên Lộc[9] quan sát rất tỉ mỉ về cổ sử Tàu và bảo vệ luận thuyết của ông, cho rằng Mã Lai I đến Bắc Việt cách đây 5000 năm, rồi được bổ xung bằng Mã Lai II, cách đây 2500 năm. Tác giả Mã Lai duyệt hết sách vở, Đông Tây đủ thứ, nhưng đã không dành đến 1 dòng để cho biết thời điểm Mã Lai II, chính là cực điểm thời Xuân Thu ở bên Tàu, cách đây khoảng 2500 năm.
Chử Văn Tần [15] thu thập các bài viết trong nhiều năm của ông, và cho xuất bản thành quyển sách dày về ’Văn minh Đông Sơn’. Trong đó ông có đưa một nhận xét rằng kiểu dáng của nhiều đồ khai quật cho thấy có sự xuất hiện của một nhóm người mới vào khoảng thế kỷ thứ 6-7 trước Công Nguyên. Nhưng hoàn toàn không đề cập đến những biến động chiến tranh loạn lạc ở bên Tàu vào thời đó (thế kỷ 8-2 trước Công Nguyên).
Cung Đình Thanh [16] tìm về nguồn gốc văn minh Việt Nam, bằng những tài liệu khoa học mới, cho biết rất có thể văn minh Hoa Hạ được xuất phát từ khu Hoà Bình hoặc khu Sundaland, thuộc vùng Mã Lai - Inđô, nay đã chìm dưới biển. Nhiều tài liệu dẫn cho biết những cuộc di dân rầm rộ cách đây trên 5000 năm, được đối chiếu với mực nước biển lên xuống. Ngược lại ở phần nhận xét về di dân, tác giả chỉ qui cho loạn lạc ở đời nhà Tần là nguyên nhân của các cuộc di dân Nam tiến. Khá trễ, và lại bỏ quên thời khủng bố của Đông Chu liệt quốc.
Nếu đối chiếu với lịch sử lập quốc Thái Lan chẳng hạn, ngay bằng cách truy cập trên mạng, ta sẽ thấy vấn đề có vẻ giản đơn hơn. Sử nước Thái cho biết rõ họ có gốc gác miền Hoa Nam nước Tàu. Đặc biệt nước Nam Chiếu, tức Đại Lý (của Đoàn Dự trong truyện Kim Dung), hay Điền Việt thời xa xưa. Chủng Thái có được quốc gia đàng hoàng rất trễ, vào thế kỷ 13. Sau khi quân Mông Cổ đánh chiếm và đưa di dân từ phía Bắc xuống để trị bọn này. Trước khi nước Thái Lan và Lào được thành lập - chủng Thái cũng bơ vơ như nhiều sắc tộc khác (như Hmong), ở miền Hoa Nam, và thường hay quấy phá nước An-Nam và miền cực Nam nước Tàu. Đặc biệt sử Thái ghi rõ: vào khoảng năm 600 trước Công Nguyên, có một đám di cư thuộc chủng Thái tràn vào đất Thái Lan hiện nay, xuất phát từ miền Hoa Nam. Thời đó đúng vào lúc cực điểm của chiến tranh Xuân Thu. Chiến tranh giữa nhà Châu hay Tần với nước Ba và nước Thục, hay đám rợ Tây Nhung.
3. THỬ GIẢI MÃ MỘT TRUYỀN THUYẾT
Đọc đi đọc lại hai truyền thuyết, một Mường một Việt, ta có thể chú ý đến những điểm nổi bật như sau:(i) Bản Mường của chính người Mường ‘sáng tác’
Bản Mường có những nét đặc trưng cho thấy do chính người Mường ‘sáng tác’.
Trước hết, vấn đề Mẫu hệ. Người Mường thờ phượng và xem Âu Cơ như tổ mẫu của họ. Tức cho đến lúc truyền thuyết được tạo dựng xã hội Mường hãy còn một xã hội theo mẫu hệ. Âu Cơ và 50 người con theo bà tạo nên những gia đình vọng tộc lãnh đạo các xã hội Mường. Điểm này cho thấy họ vẫn nhìn nhận xã hội Mường vào thời tạo dựng truyền thuyết bao gồm nhiều bộ lạc tuy cùng chung chủng tộc nhưng có khác nhau chút ít. Ăn khớp với mô tả của Cuisinier về xã hội Mường ở từng khu vực khác nhau.
Để ý, giới lãnh đạo tộc Mường, theo Âu Cơ, mặc áo màu đen, giới lãnh đạo Việt, theo Lạc Long Quân, mặc áo màu vàng. Không ăn khớp với thuyết Ngũ Hành của người Tàu. Nếu cho đám Lạc mang mạng Thủy (loài cá, loài rồng), họ phải có áo màu đen, chứ không phải vàng. Đám Lạc đi về miền biển hướng Đông, cũng có thể mang mạng Mộc, màu xanh, chỉ hướng Đông. Nhưng truyền thuyết Mường lại cho họ mặc áo màu vàng. Tương tự đám con theo Âu Cơ lên rừng núi, nói theo người Hoa, sẽ mang hành Mộc (rừng có nhiều cây) hoặc hành Thổ (núi toàn đất lô nhô), nằm ở phía trong. Mộc có màu xanh, Thổ màu vàng. Nhưng truyền thuyết Mường cho họ màu Đen. Tức cả hai màu áo cho biết người Mường không bị tiêm nhiễm bởi cái thuyết Ngũ Hành, rất phổ thông với văn hoá Hoa từ xưa đến nay. Truyền thuyết của Mường chắc chắn không có bàn tay người Hoa sáng tác hay hiệu đính.
Quan trọng hơn nữa, do ở điểm ‘gia đình các vua chúa mặc áo đen’, truyền tích đã cho biết xã hội Mường từ thuở đó vẫn không tiến lên xã hội vua chúa phong kiến, hình thái quốc gia nhà nước như xã hội Lạc Việt, theo như bản truyền thuyết của Việt chủng. Bởi ‘gia đình vua chúa’ mang nghĩa những người con theo Âu Cơ mỗi người làm thủ lĩnh một bộ lạc riêng nhưng liên hệ với nhau.
Quan trọng hơn hết, Âu Cơ mang trong người huyết thống và DNA của người Mường 100%. Người Mường thuộc chi chủng Thái xuất phát từ miền cực Nam nước Tàu, và có lẽ tới xứ dân Lạc rất sớm, khoảng vài trăm năm, và có khi cả ngàn năm, trước Công Nguyên. Tên Âu Cơ y hệt như tên người ái cơ gốc dân Sở của Hạng Vũ, và cũng y hệt như tên cái xứ có chủng Thái làm thành phần chủ lực: Tây Âu [17].
(ii) Lạc Long Quân và giòng máu Việt
Truyền thuyết Việt khi dựa vào truyền thuyết Mường, đã đổi Lương Wong sang họ Lạc nhằm chỉ chủng tộc ông Long Quân này chính là chủng Việt (Lạc Việt).
Bởi truyền thuyết Việt có đề cập đến Kinh Dương Vương, truyền thuyết đã không để chỗ hở khi kèm một người thuộc chủng Việt vào nước Sở. Thật vậy khi nước Sở mới được thành lập, nước này chỉ bao gồm phần chính là châu Kinh, tức đất Kinh Cức hay Kinh Man hoặc Kinh Việt. Trong một bài tới, chúng ta sẽ thấy thành phần chủ lực ở đất Kinh Việt chính là người Yueh (Việt) thuộc chủng Thái. Vài trăm năm sau, nhất là dưới thời Sở Trang Vương, nước Sở trở nên hùng cường, văn minh hơn. Nhưng đồng thời cũng bị đồng hoá với Hoa chủng. Khi đó, Sở bành trướng thêm lãnh thổ. Lan xuống vùng Hồ Nam chung quanh Động Đình Hồ. Rồi tiến chiếm đất đai ở hướng Đông, của vùng đất nước Ngô và Việt xưa. Đặt tên miền đất phía Đông đó là châu Dương hay Dương Việt. Khác với châu Kinh, rất có khả năng, châu Dương chứa phần lớn người dân thuộc chủng Lạc, chứ không phải chủng Âu.
Như vậy nếu hiểu theo biểu tượng, Kinh Dương Vương bao gồm hai chủng lớn ở đất Kinh và đất Dương. Đất Kinh có chủng Âu, tức Thái. Đất Dương, chủng Lạc, tức Lạc Việt hay Việt Nam sau này.
Tác giả truyền thuyết muốn cho ‘chắc ăn’ đã gán cho ông Long Quân cái họ LẠC, để cho mọi người không thể nào lầm được. Lạc Long Quân là một người Việt chủng Lạc 100%.
Như vậy, Hùng Vương con trai cả của Âu Cơ và Lạc Long Quân, nếu là người thiệt, chắc chắn là một người mang hai giòng máu: Thái và Việt. Tức chủng Âu và chủng Lạc.
(iii) Ý nghĩa khác của truyền thuyết
Như đã bàn đến phía trên, theo bản Việt, Âu Cơ sinh ra 100 người con toàn là trai. Như vậy Hùng Vương số 1 không thể nào trở thành quốc tổ được. Chỉ có bua Hùng các đời sau nếu họ tiếp tục lấy vợ người bản địa.
Trên bình diện này, bản Mường có vẻ hay ho hơn. Có nam có nữ. Đầy đủ cơ sở để các byua Hùng, ngay từ số 1, trở thành quốc tổ của chủng lạc hồng. Mặc dù chúng ta vẫn biết chuyện anh em bà con gần lấy nhau không phù hợp với khoa học và luân lý Khổng Mạnh, nhưng ở vào thời nhiễu nhương chưa được hoàn toàn văn minh đó, từ Ai Cập đến Trung quốc của thời Xuân Thu Chiến quốc, anh em họ hàng vẫn thường lấy nhau. Đọc Đông Châu Liệt quốc chúng ta vẫn thấy vua nước Sở ngủ với cháu gái, và vua nước Tề giao hoan với em gái ruột. Điểm lấn cấn này lập tức sẽ được ‘hoá giải’ ngay nếu chúng ta xem Âu Cơ, Lạc Long Quân, và ngay cả Hùng Vương chỉ là những biểu tượng, chứ không phải người thật. Bởi thực tế vẫn có những dấu hiệu cho biết họ chỉ là biểu tượng.
Thứ nhất là Thần Nông. Ngày nay ở Hồ Bắc có nhiều tượng thờ Thần Nông với đầu mang sừng trâu. Thần Nông do đó là biểu tượng, qua hình người đầu trâu, chỉ thời đại dân chúng bắt đầu biết canh nông.
Thứ hai: Kinh Dương Vương, ngầm chỉ dân chúng hai đất Kinh và Dương, thuộc địa bàn nước Sở.
Thứ ba: Theo kiểu Mường, Âu Cơ chính là con nai có đốm sao. Người Mường thờ con nai, như thờ Âu Cơ. Con nai ưa sống ở miền núi rừng. Âu Cơ biểu tượng cho nhóm dân tộc có địa bàn miền rừng núi. Chính là chủng Âu, tức Thái, tức Mường.
Thứ tư: Theo kiểu Mường và Việt, Lạc Long Quân mang giống cá hoặc rồng. Cá và rồng đều sống dưới nước. Lạc Long Quân chính là biểu tượng dân sống vùng đất gần sông gần biển. Ăn khớp với địa bàn chủng Yueh Việt, tức Lạc, kéo dài từ vùng Sơn Đông xuống tận đến Nam Phúc Kiến, và ở vùng Giao Chỉ - Bắc Việt, bình nguyên sông Hồng.
Thứ năm: Hùng Vương rất có khả năng chỉ nhóm người đầu tiên ‘di tản’ đến sinh sống tại bình nguyên sông Hồng, bổ sung với dân bản địa, bao gồm 2 chủng chính: Âu (Thái) và Lạc (Việt).
(iv) Một phân ly không tránh khỏi
Nhìn lại bản Việt, chúng ta thấy truyền thuyết chịu ảnh hưởng của Hán tộc, sau nhiều thế kỷ dưới ách đô hộ Bắc phương.
Thứ nhất, bản Việt cho thấy dân Lạc chuyển sang phụ hệ trước dân Mường. Có con trưởng trở thành vua Hùng và truyền lại 18 đời theo lối thế tập. Ảnh hưởng chủng Hoa.
Bản Việt lại mang tính trọng Nam khinh nữ cho đám con bà Âu Cơ toàn con trai. Điểm này dẫn ngay đến hố mâu thuẫn cho biết Hùng Vương số 1 không thể nào thành quốc tổ dân bản địa ở đó được trừ phi ông và các con cháu đời sau lấy vợ từ dân bản địa.
Bản Việt cũng không được hay ho, hoặc được lô-gích, bằng bản Mường, ở chỗ không thèm để ý những gì sẽ xảy ra cho Âu Cơ và 50 người con trai kia sau khi phân ly. Những gì sẽ xảy ra cho chính Lạc Long Quân. Cụ Lạc về hưu, hưởng thú điền viên, ngày ngày đi bắt tôm hay chăng?
Bản Mường ghi rõ: Đám theo Âu Cơ trờ thành một đại gia đình các vua chúa mặc áo màu đen. Mang ý nghĩa, đứa nào cũng trở thành quan lang, hay lãnh tụ từng bộ lạc riêng hết. Đám theo Lạc Long Quân cũng vậy. Tuy xuôi miền đồng bằng gần sông gần biển, họ cũng trở thành đại gia đình các tù trưởng bộ lạc mặc áo vàng.
Ý nghĩa truyền thuyết cũng cho thấy đám theo Âu Cơ lâu năm chày tháng da sẽ trở màu đen, và đám theo papa Lạc da sẽ giữ vững màu vàng.
Nhưng cả hai bản đều kết thúc bằng một sự phân ly. Rất ăn khớp với lịch sử.
Tình duyên giữa Âu Cơ và Lạc Long Quân có thể biểu tượng cho việc Thục Phán, người gốc nước Thục chủng Âu (Thái), đem quân dân từ nước Tây Âu sang chiếm lĩnh xứ sở của dân Lạc. Tạo thành nước Âu Lạc. Thục Phán lên ngôi vua và xưng là An Dương Vương. Mở đầu một thí nghiệm thử thách hợp chủng Âu và Lạc.
An Dương Vương phải chăng mang nghĩa Vua đã trị An được dân xứ Dương. Xứ Dương tức Dương Việt hay châu Dương bao gồm thành phần chủ lực là dân Lạc ở vùng phía Đông của nước Sở xa xưa. Đó là năm 258 TCN [18].
Về sau, Triệu Đà sát nhập xứ Âu Lạc với Nam Việt, tức một phần lớn của nước Tây Âu cũ. Rồi đến năm 111 TCN, tướng Hán Lộ Bác Đức đem quân chiếm hết miền Hoa Nam, kể cả nước Nam Việt.
Sau đó ít lâu, nhà Hán tách rời phía Bắc Nam Việt ra khỏi xứ của người Lạc.
Phía Bắc bao gồm dân chủng Âu (tức Thái) gọi tên Quảng Châu.
Phía Nam đặt tên Giao Châu với phần lớn là dân Lạc.
Chia ly giữa Âu Cơ và Lạc Long Quân chính là sự tách rời nhau giữa hai chủng Âu và Lạc, qua phân chia Nam Việt thành Quảng Châu và Giao Châu.
Riêng ở Giao Châu người chủng Âu, tức binh lính và di dân đã theo Thục Phán, có lẽ cảm thấy bơ vơ nên di tản về miền rừng núi và lâu năm trở thành người Mường. Âu cũng lại chia tay với Lạc ngay trong đất hợp chủng Giao Châu.
Nguyên Nguyên (Dũng Lạc)
(Còn nữa...)
Xem online : Kỳ sau
Chú thích
[1] Jeanne Cuisinier (1946) Les Mương – Géographie humaine et sociologie. Institut d’Ethnologie. Paris.[2] Xin xem: Nguyên Nguyên (2005) ‘Phải chăng người Việt cổ đã biết tiếng Anh? I = Ai = Tôi’. Báo mạng: Talawas.org
[3] Henri Roux (1954) Quelques Minorités Ethniques du Nord-Indochine. France-Asie. Janvier-Février 92-93. Tome X. Đặc biệt, theo tài liệu này, người Thái đen và Thái trắng tại Bắc phần chính là hậu duệ người nước Thục (tức Tứ Xuyên ngày nay).
[4] em website của British Council về gốc gác của binh lính Thục Phán: dân Tây Âu, Viet%5FNam/Directories/Vi_ACYAIw-7879_ADs-t_Nam_Cultural_profile/-3194.html
[5] Website sau đây cho đầy đủ danh sách các triều vua chúa bên Tàu: hostkingdom.net/china.html#Ch’u. Một vài pinyin cho việc tra cứu: Sở = Chu (hay Ch’u); Châu = Zhou; Tề = Qi (hay Chi); Tần = Qin; Tấn = Jin; Thần Nông = Shen Nong; Hồ Nam = Hunan; Hồ Bắc = Hubei; Thiểm Tây = Shaanxi; Cam Túc = Gansu; Việt = Yue (hay Yueh); Đông Đình Hồ = Dongtinghu; Tứ Xuyên = Sichuan; Thục = Shu; Vân Nam = Yunnan; Dương Tử = Yang Tze; Hoàng Hà = Huang he; Người Miêu = Hmong; Hẹ = Hakka;…
[6] Nguyễn Hiến Lê (2002) Sử Trung Quốc. Nxb Văn Hoá.
[7] Để ý người Thái rất lận đận về chuyện lập quốc. Nhưng cũng còn may mắn hơn nhiều sắc tộc còn bị kẹt lại Trung Hoa và VN, như người Hmong và Choang. Đặc biệt người Choang dân số khoảng 19 triệu xấp xỉ bằng dân số nước Úc. Người Thái Lan tuy không bị hội chứng 5000 năm văn hiến nhưng cũng có vẻ thích nhận vu vơ những nền văn minh cũ ở miền đất đó là do ở tiền nhân của họ. Đặc biệt văn minh trồng lúa nước (Non Nok Tha, gần Korat – 4000 TCN), di vật bằng đồng (Ban Chiang gần Udon – 3600 TCN),… Đặc biệt trong tiếng Thái, có từ ‘KOW’ mang hai nghĩa, dùng để chỉ ‘gạo’ và ‘bữa ăn’. Có phát âm và lối dùng y như tiếng Việt: CƠM. ‘Cơm’ nghĩa chính là ‘gạo đã nấu chín’ và nghĩa khác cũng là ‘bữa ăn’: ‘Anh ăn cơm chưa?’. ‘Ăn cơm’ ở đây có nghĩa ‘bữa ăn’. Y như tiếng Thái.
[8] Hoài Nam Wương Liu An (cháu của Liu Bang) thuật rõ trận chiến theo lối du kích của dân Tây Âu trong quyển ’Hoài Nam Tử’, ’xuất bản’ trong khoảng thế kỷ 2 trước Công Nguyên (xem [9] & [10]. Trong cuộc chiến đó, quân Tần giết được vua Tây Âu là Trạch (Dịch) Hu Tống. Dân Tây Âu (tức Âu ’Việt’) rút vào rừng kháng chiến và giết lại được tướng Tần là Uất Đồ Thư. Một nhầm lẫn khác: nước Tây Âu Lạc. Thật ra không có nước nào mang tên nước Tây Âu Lạc cả. Chỉ có nước Tây Âu và nước Âu Lạc. Nước Âu Lạc nằm về phía Tây của Nam Hải. (xem [9] & [10]). Đặc biệt Bình Nguyên Lộc đã dành cả một chương để bàn về vấn đề này cùng những dụng ý khá mập mờ của những học giả Pháp, khi họ xuống cấp Trạch Hu Tống, vua nước Tây Âu, thành tù trưởng. Thảo luận về Tây Âu của tác giả ‘thuyết Mã Lai’, có thể xem rất giống với kết luận của các nhà nghiên cứu Âu Mỹ ngày nay (thí dụ: xem [10] & [13])
[9] Keith Weller Taylor (1983) The Birth of Vietnam. University of California Press.
[10] Bình Nguyên Lộc (1971) Nguồn gốc Mã Lai của dân tộc Việt Nam. Nxb Xuân Thu (USA) tái bản.
[11] Đường Nhạn Sinh, Bạo Thúc Diễm & Chu Chính Thư (2002) Mưu Trí thời Xuân Thu. (Ông Văn Tùng & Vũ Ngọc Quỳnh dịch). Nxb Văn Nghệ, TP HCM.
[12] /Ji/ 姬 quan thoại = ’Cơ’ trong tiếng Việt. ‘Cơ’ có thể được phát âm như ’Kỹ’, thí dụ người Ca Kỹ 歌 姬 . Nhưng tiếng Hoa (quan thoại) chỉ có một lối viết, một lối đọc: 姬 /Ji/ . Chuyện người hùng Hạng Yũ (Vũ) có thể tìm thấy trên nhiều mạng khi tìm ’Xiang Yu’.
[13] Xem website của British Council về gốc gác của binh lính Thục Phán: dân Tây Âu, Viet%5FNam/Directories/Vi_ACYAIw-7879_ADs-t_Nam_Cultural_profile/-3194.html
[14] Thật ra họ Hùng của vua chúa nước Sở là từ phiên dịch của người Hoa từ một tiếng nước Sở: Mị, mang nghĩa ‘con gấu’ (xin xem bài số 2). Hùng Yịch chính là một đại thần nhà Châu được vua Thành Vương ban cho đất Kinh Việt để cai trị và ngăn chận bọn rợ Việt ở đó cho khỏi quậy vào ‘Trung thổ’. Đó là năm 1122 TCN. Đến đời Hùng Thông, con cháu mười mấy đời của Hùng Yịch thấy nước mình đã hùng cường nên tự ý vỗ ngực xưng vương: Sở Vũ Vương (740-689 TCN). Con cháu tiếp nối của Hùng Thông tiếp tục xưng vương, và vẫn giữ họ Hùng. Nhiều người vẫn thường lấy cớ tự dạng Hùng Vương của nước Nam viết khác với Hùng Vương nước Sở. Nhưng điều này chẳng có gì quan trọng, bởi những từ này đều được viết bằng tiếng… Tàu. Do người Tàu tự ý cải biên. Y hệt như tên Âu Cơ chỉ mẹ của Hùng Wang và tên người ái cơ của Hạng Vũ. Viết khác nhau, nhưng phát âm như một.
[15] Chử Văn Tần (2003) Văn Hoá Đông Sơn - Văn Minh Việt Cổ. Nxb Khoa Học Xã Hội.
[16] Arthur Cotterell (1995) China – A History. Pimlico (Random House).
[17] Keith Weller Taylor trong website của riêng ông có thể tìm thấy trên mạng internet, qua bài phỏng vấn của đài BBC đã đề cập đến Hai Bà Trưng có quê quán nằm trong lãnh địa người Mường: Mê linh. Giả thuyết Hai Bà Trưng mang gốc Mường rất có khả năng, nếu chúng ta đối chiếu với một hai dữ kiện lịch sử rất quan trọng. Thứ nhất, gia đình hai Bà có vẻ theo Mẫu hệ, kiểu người Mường. Thứ hai, khi Hai Bà dấy quân khởi nghĩa chống lại Tô Định, hai Bà được sự hưởng ứng của toàn dân ở vùng Nhật Nam, Cửu Chân và Hợp Phố. Đặc biệt để ý đến Hợp Phố thuộc Quảng Châu, chứ không phải Giao Châu. Quảng Châu tức Tây Âu cũ: chủng Thái, nguồn gốc người Mường. Những anh hùng dân tộc khác cũng có thể mang chủng Mường (tức Thái) gồm có: Lê Lị (tức Lê Lợi), Lê Hoàn (chúng tôi không đồng ý với Taylor về việc ‘Lê Đại Hành thuộc chủng Thái-cổ’), và Đinh Bộ Lĩnh. Bởi Lê Lị người khởi xướng triều đại nhà Lê mang gốc Mường, nên Nhượng Tống trong bản dịch đầu tiên của Đại Việt Sử Ký Toàn Thư, theo trích dẫn [9], đã cho rằng Ngô Sĩ Liên vì muốn bợ đỡ các vua nhà Lê nên đã đem các truyền tích rặt Mường nhét vào quyển sử ký đồ sộ của nước Nam.
[18] Gần đây các sách Việt Nam ưa sửa đổi năm Thục Phán sang chiếm nước Nam là năm 208 TCN. Theo thiển ý, những quan tâm đến chi tiết hay các lối phát âm, phiên dịch chữ Hán đã dễ đưa việc khảo cứu đi lạc hướng.