Home » » THÔNG DIỄN LUẬN TRIẾT HỌC CỦA HEIDEGGER - P2

THÔNG DIỄN LUẬN TRIẾT HỌC CỦA HEIDEGGER - P2

Written By kinhtehoc on Thứ Năm, 29 tháng 9, 2011 | 01:23

Muốn tìm hiểu thông diễn luận nói chung có hai điều căn bản cần nắm vững: Thứ nhất, thông diễn luận, dù là thông diễn luận của triết gia nào chăng nữa, luôn được tiến hành theo hai bước: (am) hiểu biết (understanding/ Verstehen) và diễn giải (Interpretation). Thứ nhì, “vòng tròn thông diễn” (hermeneutical circle) của việc diễn giải thông thường được hiểu là mối lên hệ vòng tròn giữa thành phần và toàn thể. Chẳng hạn khi tìm hiểu một bản văn (text) người ta có thể khởi đầu tìm hiểu bản văn đó như một toàn thể, rồi đi tìm hiểu từng thành/phần của bản văn, và sau chót đem sự hiểu biết các thành/phần quay về với toàn thể bản văn để đi đến một kết luận về ý nghĩa bản văn. Nói cho dễ hiểu, bản văn không thể được hiểu chỉ như một toàn phần hay chỉ như những thành phần mà cái nọ phải được qui chiếu đi lại với cái kia. Chính ở nghĩa chữ các thành/phần này mà sinh ra nhiều rắc rối: các thành phần nào: văn hóa, thời đại (lịch sử, văn học) tâm ký và tính cách tác giả v.v… Vào những thập niên đầu thế kỷ 20 đã xuất hiện những khuynh hướng phê bình văn học khác nhau, tạo ra nhiều cuộc tranh luận chung qui chỉ vì sự nhấn mạnh hay đặt ưu tiên cao, loại bỏ những thành phần khác trong việc diễn giải một bản văn hay một tác phẩm văn chương, đều là những quan điểm cực đoan. Trở lại với lịch sử thông diễn luận: Scheiermacher nhấn mạnh tầm quan trọng của sự hiểu biết bản văn của người diển giải. Sự hiểu biết ở đây không chỉ là hiểu biết bản văn mà còn là sự hiểu biết về môi trường lịch sử của bản văn và tâm lý tác giả. Với Dilthey, chữ Verstehen lại được hiểu theo một nghĩa riêng biệt dành để chỉ hoạt động trong đó tinh thần (Geist) nắm bắt tinh thần người khác. Hoạt động này không chỉ có tính cách thần kiến thức mà là một khoảnh khắc đặc biệt trong kinh nghiệm sống trải (Erlebnis) đời sống am hiểu đời sống vì “Chúng ta giải thích thiên nhiên; nhưng với con người chúng ta phải am hiểu”. Đến Heidegger, cả đối tượng lẫn vòng tròn thông diễn đều được quan niệm khác hẳn so với những nhà thông diễn luận trước đó. Heidegger không giới hạn đối tượng của thông diễn luận chỉ là bản văn mà mở rộng đối tượng là Hữu, như thế vòng tròn thông diễn cũng được mở rộng. Có thể nói cái toàn thể vì vậy là Hữu, và thành phần là toàn bộ các diện mạo của Hiện thể. Nói cách khác, với Heidegger, thông diễn luận từ nay là thông diễn học hữu thể luận (ontological hermeneutics). Chịu ảnh hưởng của Dilthey và Nietszche, Heidegger đặt đời sống đối nghịch với tinh thần và tư tưởng nghiêng về đời sống nhưng đã bảo lưu quan điểm của mình theo một cách riêng và ở một cấp độ khác Nietszche và Dilthey. Heidegger tương đắc với Nietszche ở điểm phải “thông diễn” lại toàn bộ truyền thống siêu hình học Tây phương. Về những điểm khác Nietszche, Heidegger đã dành cả một giáo trình về Nietszche nên chúng tôi sẽ trở lại vấn đề này khi nói về thông diễn luận của Heidegger giai đoạn sau “khúc ngoặt”.
Quan điểm của Heidegger về Dilthey được tóm tắt trong tiết 77 “Mối liên hệ của sự Trình bày nêu trên về Vấn đề Sữ tính với những Nghiên cứu của Dilthey và những ý tưởng của Bá tước Yorch” trong quyển Sein und Zeit (SZ trang 398, bản dịch Anh văn của Joan Stambaugh trang 3) như sau:
“Hình ảnh của Dilthey ngày nay vẫn nổi trội là hình ảnh của một nhà diễn giải lịch sử của tinh thần “nhạy cảm”, nhất là lịch sử văn chương, ông “cũng” là người quan tâm tới sụ phân biệt giữa khoa học thiên nhiên với khoa học con người. chỉ định một vai trò riêng biệt cho lịch sữ những khoa học này và cho cả “tâm lý học” nũa, sau đó cho tất cả hợp lại trong một “triết lý về đời sống”có tính cách tương đối. Đối với một nhận xét hời hợt thì lược đồ này là “đúng”. Nhưng lược đồ này bỏ mất “cái căn bản”. Lược đồ này phủ lấp nhiều hơn là phơi mở.
Những truy tìm của Dilthey có thể chính yếu chia ra ba phạm vi: phạm vi tâm lý học trong đó “toàn thể dữ kiện con người” được trình bày và phân cách khỏi những khoa học thiên nhiên; những truy tìm về lịch sử của khoa học con người, về xã hội, và về nhà nước; và những nỗ lực hướng tới một tâm lý học trong đó cái “toàn thể sự kiện của hiện thể con người” sẽ được trình bày. Những truy tìm trong lý thuyết khoa học, lịch sử khoa học, và tâm lý học thông diễn (hermeneutical psychology) đan chéo vào nhau và cái nọ phủ lấp lên cái kia. Khi một hướng nghiên cứu nào nổi trội hơn thì những hướng khác trở thành những động cơ và phương tiện. Thành ra cái gì vẻ trông như không nhất quán và không vững chắc, là cơ hội của “những dò thử”, là một sự không ngưng nghỉ căn bản, nói lên một mục tiêu duy nhất là am hiểu “đời sống” một cách triết lý và cung cấp cho sự am hiểu này một nền tảng thông diễn luận cho “chính đời sống”… Thông diễn-luận là sự tự-rọi-sáng của sự am hiểu này; thông diễn luận cũng là phương-pháp-luận của nghiên cứu lịch sử, dù chỉ dưới một hình thức phụ thuộc.
Tìm hiểu thông diễn luận của Heidegger thời trẻ kể từ Sein und Zeit (1927) trở về trước ta có thể đọc lại các quyển: G61: Phanomenologische Interpretationen zu Aristoteles (1921), G63: Ontologie: Hermeneutik der Faktizität (1923), G17: Einfuerung in der phanomenologische Forschung (1923), G20: Prolegomena zur Geschite des Zeitbegriffs (1925), G21: Logik: Die frage nach der Wahrheit (1925), và G24: Die Grundprobleme der Phanomenologie (1927) nghĩa là phần lớn những giáo trình soạn trước khi cho ra mắt quyển Sein und Zeit. Như những nhan đề các sách trên chỉ ra, Aristotle và Hiện tượng luận của Husserl là những ỵếu tố đóng góp chính của thông diễn luận của Heidegger. Trước những năm cuối thập kỷ 70s, khi Toàn Tập chưa được xuất bản, người ta thường dựa vào những gì Heidegger viết về thông diễn luận thời trẻ trong Sein und Zeit. Làm như vậy có cái hay là tóm tắt theo Heidegger những gì chỉ ra những điểm quan trọng. Nhưng làm thế có chỗ bất cập là Heidegger đã không dành nhiều trang sách để khai triển quan niệm về thông diễn luận của mình, chỉ rất sơ lược - đúng ra trong hai tiết 31 và 33 trong quyển Sein und Zeit. Càng nhìn triết lý của Martin Heidegger qua toàn bộ tác phẩm ta càng thấy Heidegger từ đầu tới cuối đã tư tưởng chính yếu trên lộ trình thông diễn luận, đã có những đóng góp to lớn cho thông diễn luận, và mở đường cho thông diễn luận triết học của Hans-Georg Gadamer sau này, cũng như có ảnh hưởng lớn lao trên Jacques Derrida - lộ trình tư tưởng của Derrida chính yếu là một đối thoại không ngưng nghỉ với Martin Heidegger - và những triết gia hậu hiện đại ở nửa cuối thế kỷ 20.
(còn tiếp)
Đào Trung Đạo (Gio-o)
Share this article :
 
Support : Creating Website | phuctriethoc | NGUYỄN VĂN PHÚC
Copyright © 2013. NGUYỄN VĂN PHÚC - All Rights Reserved
By Creating Website Published by KINH TẾ HỌC
Proudly powered by NGUYỄN VĂN PHÚC
NGUYỄN VĂN PHÚC : Website | Liên hệ | phuctriethoc@gmail.com
Proudly powered by Triết học kinh tế
Copyright © 2013. NGUYỄN VĂN PHÚC - All Rights Reserved