Sự biến thiên của huyền thoại trong lịch sử
Ở nước ta chắc hẳn cũng có nhiều thần thoại, nhưng không được sưu tầm truyền tụng lại. Người ta cho rằng những dân tộc giữ được nhiều thần thoại là vì họ có chữ viết để ghi chép và được các thi gia kết đúc thành văn phẩm.Ở Việt Nam, có lẽ vì chưa có văn tự riêng, lại bị ngoại bang thống trị lâu dài, nên chỉ có văn chương truyền miệng và do đó không có điều kiện ghi chép lại các thần thoại.
Đến khi nhà nho bắt đầu ghi chép, xây dựng Quốc Sử họ đã có ý thức lịch sử, biết phân biệt cái thực và cái không thực, cái tượng nên có lẽ đã loại bỏ không sưu tầm ghi chép những chuyện thần thoại hoặc sửa chữa nó thành giả sử, lịch sử nghĩa là đã lịch sử hóa thần thoại. Vì thế, nước ta còn rất ít thần thoại được lưu truyền trong dân gian. Giai đoạn tiền sử của dân tộc mà chúng ta được biết nhiều hơn cả không phải là giai đoạn thần thoại mà là giai đoạn truyền thuyết, truyền kỳ chuyện cổ tích, ngụ ngôn…
Trái lại, ở Hy Lạp, những thi sĩ như Homère, Hésiode đã san định thần thoại thành những tác phẩm nổi tiếng như Illiade, Odyssée. Đối với người Hy Lạp thời tiền sử, thần thoại vừa là triết lý, tôn giáo, vừa là sử thi, nghệ thuật.
Riêng về nghệ thuật, người ta nói rằng sở dĩ văn nghệ Âu Châu, đặc biệt thời Hy Lạp, La Mã và thời phục hưng được rực rỡ phong phú là vì bắt nguồn cảm hứng ở thần thoại Hy Lạp. Hội họa Chiêm Thành, Cao Mên cũng lấy đề tài trong các thần thoại của họ. Ở Việt Nam, thần thoại ít có tác dụng trữ tình bằng chuyện truyền kỳ cổ tích, ngụ ngôn. Những chuyên Ngưu Lang, Chức Nữ, Thằng Cuội, Chị Hằng Nga… vẫn là nguồn gốc cảm hứng nghệ thuật trữ tình, lãng mạn trong văn thơ Việt Nam.
Marx đã nhận định về ý nghĩa của thần thoại:
"Chúng ta biết rằng thần thoại Hy Lạp không những là nơi sáng tạo và là kho tàng nghệ thuật Hy Lạp mà còn là đất nuôi dưỡng nó. Phải có thần thoại Hy Lạp trước, rồi mới có nghệ thuật Hy Lạp. Thần thoại đó là tự nhiên và là hình thái xã hội Hy Lạp đã được óc tưởng tượng của dân chúng nhào nặn bằng một nghệ thuật tự giác!"
Thần thoại trải qua diễn biến, mất dần tính cách thần linh và trở thành những câu chuyện truyền thuyết, truyền kỳ, rồi sau cùng biến thành chuyện cổ tích, ngụ ngôn… sang đến giai đoạn truyền kỳ, truyền thuyết, người ta vẫn tin những câu chuyện là có thực nhưng chỉ kể lại mà thôi, không còn có thái độ tôn giáo làm sống lại cử chỉ thần thoại theo một nghi lễ. Tuy đã mất tính chất thần linh, nhưng chuyện truyền kỳ vẫn giữ tính chất phi thường lạ lùng, đặc biệt, hoang đường của thần thoại.
Sau thời kỳ truyền kỳ lịch sử là lúc con người có ý thức lịch sử và bắt đầu biên chép sử, người chép sử gạt bỏ những câu chuyện hoang đường phi thường thuộc về thwofi kỳ thần thoại, hay truyền kỳ. Ý thức được lịch sử là biết phân biệt cái thực đã xảy ra với cái không thực, tưởng tượng, hoang đường biết phân biệt hư thực là đã có ý hướng về chân lý và để có hướng về chân lý, con người phải biết suy luận, phê phán. Thời kỳ lịch sử là thời kỳ con người dùng trí khôn để nhận thức không những về vũ trụ, cuộc đời mà cả về thần linh.
Ở Hy Lạp, những nhà triết học đầu tiên thời thượng cổ đã phê phán những chuyện thần thoại, truyền kỳ do Homère, Hesiode kể. Họ hoài nghi những thần linh là có thật, nhất là những thần linh có tác phong đầy nhân tính như tự cao, dâm dục, ghen tuông… Sau đó, các triết gia hoài nghi luôn cả những thần linh chân chính, tốt lành là có thực.
Chẳng hạn Anaximandre, triết gia Hy Lạp đầu tiên, đã đưa ra một quan niệm giải thích vũ trụ mà không dựa vào những thần thoại. Xenophane không ngần ngại đả kích những thần do Homère kể, đặc biệt những thần có khả năng chuyển động hay bất diệt. Khi phê phán thần linh, họ dựa vào lý trí, suy luận để phủ nhận thần linh có thực. Như Théon (thế kỷ II TCN) phê bình thần thoại Médée. Médée là một đàn bà phù thủy đã dùng gươm giết chết con mình, trong thành phố cha nó ở mà lý do hành động là vì giận chồng, Théon lý luận bác bỏ thần thoại là có thực như sau: nếu dựa trên tình mẹ, thì mẹ không thể nào giết con, đó là việc làm khó tin, hơn nữa lại giết ngay trong thành phố mà cha nó là Jasson đang ở. Rồi cách giết cũng cũng không thể tin được. Médée là một phù thủy, thì phải dùng bùa chú, lý do giết càng không tin được vì giận chồng mà giết con thì quả là phi lý, hành động như thế chỉ làm khổ mình hơn vì nạn nhân chính là con của mình.
Như thế thời kỳ này đã có những hoài nghi về thần thoại xuất hiện.
Đến Planton có thể coi sự suy luận đạt tới được một hình thức triết học, vì ông phê phán thần thoại để xây dựng một hệ thống triết học trong đó thần linh không còn có một vai trò nào nữa. Thiện, ác mà ông đề cập tới chỉ là một tiêu chuẩn của luân lý, đạo đức mà thôi. Trong giai đoạn này thần linh theo một số triết gia được coi là nguyên lý của vũ trụ chứ không phải một nhân vật, một cá thể có nhân tính như trong huyền thoại.
Lần giở lịch sử Tây phương thời thượng cổ về triết học, ta có thể coi Socrate như một trường hợp điển hình về sự tự giác, phản tỉnh: ý thức về bản ngã như là một cá tính khác biệt với thiên nhiên và vũ trụ. Socrate nêu lên một đòi hỏi căn bản là đừng để mình bị lôi cuốn, vì người chưa có ý thức là người mà bản ngã bị đắm chìm trong tập thể, trong vô ngã. Sự tự giác bắt đầu bằng thái độ hoài nghi.
Hoài nghi là đặt khoảng cách giữa chúng ta và những điều chúng ta hoài nghi. Hoài nghi là rút ra khỏi thực tại để nhìn lại thực tại. Vì thế ta không còn thái độ tôn kính và chấp nhận quyền bính của đối tượng mình tin, không chấp nhận huyền bí bao hàm trong thần thoại. Socrate là người đầu tiên bị bắt đầu hoài nghi khi nêu lên khẩu hiệu “Hãy tự biết mình” nghĩa là hãy trở về với mình, tìm hiểu mình là ai? Có bổn phận gì? Có bổ phận đối với ai? Nên làm gì? Không được làm gì? Phải làm gì? Khi đã trả lời rồi thì phải tuân phục mệnh lệnh dựa trên nhận thức đó chứ không phải dựa trên thần linh hay một thế lực nào khác. Vì tư tưởng trên được coi là lập dị, nên Socrate đã gặp phản ứng của một xã hội đang đắm mình trong niềm tin vào thần linh. Ông bị kết án, nhưng ong vui lòng chấp nhận cái án bất công đó. Ta có thể gọi đó là cuộc cách mạng của Socrate, người đầu tiên tiêu diệt thần thoại, huyền thoại vì chúng không dựa trên một nền tảng hợp lý.
Cuộc cách mạng Socrate là một cuộc cách mạng về tâm trí, tinh thần. Ông là người đi tiên phong trong việc dùng lý trí suy luận để tìm cho đời mình một ý nghĩa chứ không tìm ở các vì sao, thần linh. Do đó ông coi lý trí như khả năng chỉ đạo độc nhất trong cuộc hành trình hướng về chân lý. Theo ông cái gì đã được suy xét mà tin, được coi là đúng chứ không phải vì xã hội, tập thể hay vì thần linh. Như thế, con người tự coi mình có trách nhiệm khám phá bằng cách hoài nghi, mỉa mai, phê phán những thần thoại. Tư đó ta có thể phân biệt tri thức và huyền thoại như Gusdorf đã viết: “Thần thoại là một sự hiểu biết nhận được mà có, còn tri thức là do tìm hiểu mà có”.
Cuộc cách mạng Socrate là một cuộc cách mạng bao hàm tính chất nhân bản. Vì lần đầu tiên ông đã tìm được chân lý về sự cứu rỗi con người là ở nơi con người và do chính con người. Thái độ những triết gia tiền Socrate là thái độ suy tư tìm hiểu vũ trụ, thiên nhiên, mà không tìm hiểu con người và cũng không thèm để ý đến con người nữa. Nhưng, thực ra trước Socrate các triết gia không phải hoàn toàn không để ý đến con người. Trái lại họ vẫn để ý đến con người về phương diện giáo dục, sư phạm, đạo đức, chính trị. Ý tưởng cách mạng người ta gán cho Socrate căn cứ vào câu nói của Ciceron:
“Tôi chỉ cần nói rằng, cho đến Socrate đề đệ của Archélaos đồ đệ của Anagore thì triết học chỉ dạy khoa toán số, những nguyên lý của sự chuyện động và nguồn gốc sự sinh thành và sự tan rã của mọi vật. Triết học tìm kiếm một cách cẩn thận, sự vĩ đại những khoảng cách xoay vần của tinh tú và sau cùng, của mọi vật trong vũ trụ. Socrate là người đầu tiên đưa triết học từ trên trời xuống đất, đem triết học không những vào thành thị mà còn vào cả trong gia đình, và buộc triết học hướng dẫn đời sống, phong tục, cái tốt, cái xấu”.
Đặc điểm của cuộc cách mạng Socrate không phải ở chỗ ông đã khám phá ra một đối tượng mới của triết học, trước đây là vũ trụ, bây giờ là con người, trước đây là triết học, là vũ trụ luận bây giờ là đạo đức học. Vì thực ra các triết gia tiền Socrate cũng không bỏ rơi hoàn toàn con người, nhưng ở chỗ Socrate khám phá ra con người như một chủ thể, nói cách khác, con người không phải chỉ là đối tượng của nhận thức mà còn là chủ thể của nhận thức, điều đó có nghĩa là con người vừa là khởi điểm tư tưởng vừa là nền tảng của tri thức: Tự mình tìm lấy cho mình một ý nghĩa cuộc đời và tự mình đảm nhiệm lấy số phận cuộc đời mình, không dựa vào một thế lực, quyền bính, niềm tin nào khác ở ngoài con người, vì người ta vẫn có thể suy nghĩ về con người nhưng đặt nền tảng của suy tưởng, của đời người vào một thực tại khác (thần linh, thượng đế…) Socrate là một hiền triết không có đồ đệ, cũng không viết sách, để lại một gia tài tư tưởng nào. Chính vì quan niệm mọi người phải đảm nhiệm lấy cuộc đời mình nên Socrate coi việc giảng dạy, giáo dục không phải nhằm truyền bá một học thuyết, một kiến thức nhưng là gây ý thức để người được giáo dục tìm lấy một con đường mà đi, làm cho tâm trí người được giáo dục thức tỉnh để họ tìm lấy kiến thức.
Một trường hợp tương tự ở Đông Phương là Phật Thích Ca.
Thời đó, Ấn Độ giáo rất thịnh. Đây là một đạo phiếm thần coi sự cứu rỗi của con người tùy thuộc vào các Thần linh. Thần Brahma là nguồn gốc vũ trụ. Mọi sự đều do Brahma mà ra, mọi sự chỉ là những hình thái khác nhau của Brahma rồi khi bị tiêu diệt lại trở về với Brahma. Con người cũng chỉ là một hình thái của Brahma. Bên cạnh thần Brahma còn có nhiều thần khác như thần Indra là thần Phong Vũ, Thần Anni là Hỏa, Thần, Thần Civa, Thần Ác, phá hoại, thần Visno.
Lúc Phật ra đời, là lúc tình hình tôn giáo trên đã suy sụp, bọn thầy Balamôn bày ra nhiều trò mê tín dị đoan dạo nạt đám dân ngu còn bọn nhạc công để thờ Thần Visnu thì biến thành những bà đồng nói điều họa phúc. Tình hình chính trị cũng nát bét, dân chúng khổ cực. Đạo Phật lúc đó xuất hiện như một công trình đả phá những mê tín, dị đoan, lệ thuộc vào thần linh, như một duy thức chủ yếu dựa vào sự tự giác: biết mình, biết đời, từ đó xác định một nhận thức một con đường tự cứu rỗi…
Có thể gọi dự phóng nền tảng của phật là nhằm phá cái vô minh, phá tất cả những gì là chấp, vọng, giả (chấp ngã, vọng tưởng vọng ngũ, vọng ngoại, giả tưởng…) vì những cái chấp vọng giả chỉ là ảo tưởng mà người còn vô minh coi là chân thực hoặc đã đặt sự giải thoát của mình vào những thực tại, thế lực bên ngoài (thần linh). Những phê phán của Phật về chấp vọng giả làm cho ta liên tưởng tới khái niệm vong thân của Hegel và Marx.
Vậy sự giải thoát là ở chỗ diệt chấp, vọng, giả, kéo con người ra khỏi tình cảnh “vong thân” để vãn hồi bản chất thực sự của mình… Công trình đó mỗi người phải đảm nhiệm lấy không thể trông nhờ vào ai khác. Tha lực là tam bảo (Phật, Pháp, Tăng) chỉ giữ vai trò hỗ trợ, thứ yếu mà thôi. Đức Phật không đóng vai trò nào trong việc giải thoát của mỗi chúng sinh. Đức Phật chỉ là người đã tìm ra một con đường giải thoát, đã đi vào con đường đó và bây giờ chỉ dẫn cho người khác đi, chứ không thể đi hộ ai được. Nếu so sánh với đức Kitô trong Thiên chúa giáo, người ta thấy đức Ki tô giữa một vai trò chủ yếu trong đời sống tín hữu. Chính Ngài là chân lý, là con người đưa tới chân lý và sau cùng cũng là sự sống chân lý đó. Theo Kitô giáo chủ yếu là theo một người và nên Thánh là trở thành người đó (Đức Kitô).
Sự giải thoát, chủ yếu cũng chỉ là một nỗ lực nhận thức (suy niệm, thiền định, giác ngộ) chứ không phải là sống đạo theo nghĩa thường (lễ nghi, cúng tế, cầu khẩn…) và mong được phúc…
Như vậy, cuộc cách mạng tư tưởng của Phật giáo có nhiều điểm giống với cuộc cách mạng của Socrate, vì cả hai đều đặt căn bản vào tự giác.
Hình ảnh Phật Thích Ca cỡi ngựa chạy trốn trong đêm khuya, bỏ lâu dài, mọi thú vui trần tục, để bước vào con đường giải thoát: một mình dấn thân vào cuộc phiêu lưu cô độc chống lại với cả Thế gian, với chính mình, với cả ma vương thần linh bảy tỏ một nỗ lực tự giác, đả phá thần thoại và một nhân bản mới: tự mình cứu mình…
Ý thức phản tỉnh, đưa tới thời kỳ lịch sử cũng chấm dứt thái độ hồn nhiên, hòa đồng với thiên nhiên vũ trụ. Con người biết mình khác với vũ trụ tuy ở trong vũ trụ, khác với tha nhân, và sau cùng biết được mình như một ý thức, một tinh thần khác với thân xác của chính mình.
Theo quan niệm cũ, người sơ khai, ở thời kỳ tiền sử, không có ý thức về thân xác như ột tư thân, xác tôi, vì chỉ có ý thức mới biết được mình có thân xác, nhưng người sơ khai sống hòa đồng với thân xác là thân xác, nên chưa ý thức được. Vì không có ý thức về thân xác nên người sơ khai cũng không biết thẹn. Thẹn, e lệ là một tình cảm biểu lộ ý thức về tự thân như một giá trị cần phải được che giấu và bảo vệ, do đó người sơ khai không mặc quần áo.
Ngược lại có ý thức về tự thân biểu lộ con người văn minh như Maurice Lenhart một nhà Nhân chủng học đã thuật lại lời nói của một thổ dân Calédonie nói với một vị thừa sai khi vị này hỏi người Âu Châu đã mang đến cho họ điều gì. Trong bụng vị thừa sai đinh ninh câu trả lời sẽ là: Các ông đã mang đến cho chúng tôi tinh thần. Nhưng ngược lại thổ dân đã nói: “Điều mà các ông mang lại cho chúng tôi là thân xác” (De Kamo).
Sau đó ông chứng minh: "Người sơ khai là người đã không lãnh hội được mối liên lạc giữa thân xác mình với chính mình và như thế họ đã không thể cá biệt hóa thân xác của họ."
Thực ra, người sơ khai có ý thức về thân xác của họ, họ cũng biết e thẹn nhưng chỉ biểu lộ tình cảm đó khác ta mà thôi. Trong cuốn “La Pudeur” Max Scheler (1874-1928) đã kể chuyện một vị thừa sai bắt ép một cô gái thổ dân trần truồng phải che đậy chỗ kín nhưng đến khi cô đã che đậy, cô lại đâm ra thẹn không dám ra trước công chúng nữa vì người sơ khai cho rằng chính da thịt của mình đã là một cách che giấu và nếu người ta còn mặc thêm cái gì thì chỉ làm cho người khác để ý hơn, nghĩa là bày tỏ cái định che giấu.
Người ta tin rằng khi con người bước vào thời kỳ lịch sử là ra khỏi hẳn thời kỳ thần thoại, huyền thoại, đồng thời quan niệm sự tiến bộ văn minh đánh dấu bằng những nỗ lực phê phán, tiêu diệt thần thoại, huyền thoại.
“Con người khám phá ra huyền thoại, và đối với người đã cho rằng huyền thoại là huyền thoại thì người đó đã đoạn tuyệt với huyền thoại”. (Gusdorf. Myth et Métaphysique, tr 133)
Đối với người tin huyền thoại, huyền thoại là chân lý nhưng đối với người đã giác ngộ, huyền thoại là sai lầm, hoang đường. Sự giác ngộ, phê phán càng gắt gao, đòi hỏi chính xác càng sâu sắc, huyền thoại càng mất giá trị. Cho nên Léon Brunschvicg (1869–1944) một triết gia duy lý đã xác định sự tiến bộ của tư tưởng như một nỗ lực gạt bỏ triệt để huyền thoại. Lý trí tiêu diệt huyền thoại như ánh sáng đánh tan bóng tối. Con người chỉ tin ở lý trí, bởi lý trí là ông Tòa phán định phải trái, hư thực. Niềm tin vào lý trí ở mức độ cao nhất là niềm tin của duy lý, một chủ nghĩa chỉ tin ở lý trí như là nguồn gốc chân lý.
Paul Valéry (1871-1945) viết:
“Cái càng chính xác, càng làm chết huyền thoại. Dưới cái nhìn chặt chẽ và dưới những đợt tấn công liên hồi đồng quy, bằng những câu hỏi, những tra vấn mà lý trí nêu lên ở mọi nơi, các bạn sẽ thấy huyền thoại chết dần và càng ngày càng nghèo đi”.
Triết gia Alain cũng cho rằng thời kỳ huyền thoại bảy tở một tình trạng ấu trĩ của con người, tình trạng thụ động và lệ thuộc vào người khác. Vì thế tư tưởng khoa học đã chống lại huyền thoại, khoa học đề cao sự phân tích, sự chính xác, mạch lạc và có thể đo lường kiểm chứng được.
Berthelot (1827-1907), một nhà khoa học đã bày tỏ sự chống đối mãnh liệt: “Thế giới này không còn huyền bí nữa, dù sao vũ trụ vật chất cũng là lĩnh vực của khoa học và không ai dám chống cự lại đòi hỏi mãnh liệt đó. Khái niệm phép lạ và siêu nhiên tan biến như một ảo ảnh vô ích, một thiên kiến lỗi thời”.
Thái độ trên mang tính chất quá khích, gạt bỏ thần thoại, triết học và ngay cả tôn giáo. Vũ trụ của nhà khoa học đã giản lược vào những điều khả tri và được diễn tả cách chính xác, minh bạch. Nhưng chính những tiến bộ khoa học đã bắt những nhà khoa học duyệt lại thái độ lạc quan đó. Chẳng hạn vật lý nguyên tử xuất hiện đã đem vào vũ trụ một sự tình cờ, như không thể nào xác định rõ rệt được tốc độ của một quang tử mà trước đó đã bị gạt bỏ trong quan niệm vật lý cổ truyền.
Về phương diện sinh lý, triết học Bergson là một phát búa đầu tiên đánh vào niềm tin duy lý khi quan niệm này cho rằng, sinh lý không hoàn toàn bị quy định bởi vật chất vô cơ, Henri Bergson (1859-1941) đã phục hồi lại ý nghĩa, vai trò của tư tưởng huyền thoại. Một số các nhà nhân chủng, dân tộc học, triết gia như Lévi-Strauss, Merleau-Ponty, Eliade, Vander Lewe chứng minh rằng không thể gạt ra ngoài đời sống con người, dù trong hiện tại, cái mà người ta cho rằng huyền thoại hay thần thoại. Nói cách khác, tư tưởng và thái độ huyền thoại gắn liền với bản chất con người, chứ không phải là nó xác định thời kỳ huyền thoại.
Những câu chuyện được kể hay những hình thức diễn tả có thể khác nhau, nhưng tựu trung thái độ hay cơ cấu huyền thoại vẫn còn đó. Ngày nay người ta vẫn bày tỏ huyền thoại nhưng những bày tỏ ấy mang hình thức, cách thể diễn tả, kết cấu câu chuyện khác xưa mà thôi.
Sự tồn tại của huyền thoại trong thời kỳ lịch sử
Thực ra thần thoại, huyền thoại không phải chỉ là những biểu lộ của thời kỳ tiền sử của con người cổ sơ, chưa có văn minh và khi đã sang thời kỳ lịch sử, không còn thần thoại, huyền thoại mà chỉ là câu chuyện kể. Cái không thay đổi, cái vẫn còn trong thời kỳ lịch sử là cơ cấu của thần thoại, là thái độ huyền thoại. Ngày nay, người ta không còn tin những câu chuyện thần thoại thuở xưa nhưng không phải vì thế mà không còn thái độ huyền thoại cổ xưa.Nếu coi điểm cốt yếu trong thái độ tạo ra huyền thoại là một niềm tin, có nghĩa như một đầu hàng của lý trí, và điều tin được coi như một sự thực hiển nhiên không dựa trên một nền tảng kiểm chứng nào và tin với một thái độ tôn kính sùng bái, không thắc mắc, thì con người lịch sử, con người hiện đại vẫn giữ thái độ tin có tính chất huyền thoại như con người cổ sơ. Do đó cái thay đổi, không phải là thái độ huyền thoại, mà chỉ là đối tượng của niềm tin mà thôi.
Thái độ huyền thoại chống lại sự hoài nghi dự định đặt lại vấn đề, sợ không dám nghĩ đến sự có thể đặt lại vấn đề (niềm tin càng mạnh, càng sợ không dám hoài nghi thắc mắc) đồng thời cũng chống lại người khác khi họ muốn đặt lại vấn đề niềm tin của mình. Niềm tin do đó có tính chất linh thiêng, đòi hỏi một thái độ tôn kính, nói đến phải nghiêm chỉnh, thành khẩn và nếu ai dám hoài nghi, phê phán người đó bị coi là xúc phạm, phạm thượng như đụng đến một sự thánh. Chẳng hạn: Việt Nam có 4000 năm văn hiến. Đó là một niềm tin có tính chất huyền thoại. Nếu ai dám thắc mắc hoài nghi tìm hiểu xem thực sự có văn hiến từ 4000 năm nay không sẽ bị coi là xúc phạm đến dân tộc, mạ lỵ truyền thống.
Hiểu như thế, thái độ tạo ra huyền thoại bao quát mọi sinh hoạt của con người và huyền thoại không còn phải chỉ là một đối tượng khảo cứu của nhà dân tộc học mà là một khái niệm, phạm trù của ngôn ngữ hiện đại, của đời sống hàng ngày. Những đòi hỏi về ý nghĩa, nguồn gốc vũ trụ, loài người, về sự tận thế, sự cứu rỗi nhân loại, thiện ác, khao khát cái tuyệt đối, vĩnh cửu, toàn thiện… là chủ đề của những thần thoại xưa kia bây giờ vẫn bao hàm trong những sinh hoạt tư tưởng, triết lý, văn chương, chính trị, xã hội của con người hiện đại.
Trích: Đưa vào triết học, Nguyễn Văn Trung (Nam Sơn xuất bản - 1972)