di cảo
tản mạn
“Đời là nơi khác” (la vie est ailleurs), câu thi sĩ A.Rimbaud (1854-1891) nói lên năm 17-18 tuổi, là cách ngôn-biểu ngữ mùa xuân, tháng 5 năm 1968 ở Paris. Lãng mạn, bay bổng bông lơi, tự do mà đời thường với những ràng buộc nhân sinh giáo điều, luân lý trước sau rồi cũng cổ hủ làm sao đáp ứng được sự hăng say quyết liệt dấn thân của tuổi trẻ. “Đời phải là nơi xa xôi khác” mà chúng ta ai ai chỉ có thể ước mơ.
Cái gì xẩy ra tháng 5.1968-Paris là chấn động cách mạng thanh niên sinh viên bao hàm ý nghĩa đó. Thanh niên sinh viên đổ ra đường, chiếm lĩnh cả quận 5-Paris, đóng cửa các đại học giảng đường, nhà hát Odéon –viện tối cao kịch nói của nước Pháp- là nơi hội tụ những nhân vật tiền phong bàn cãi suốt ngày suốt đêm để đề ra ý nghĩa cho cuộc xuống đường. Ý nghĩa tràn trề là cách ngôn-biểu ngữ dồn dập khắp nơi: “Tuyệt đối cấm những cấm cự”, “Sống là sống không cùng và thoái mái không cùng”, “Hãy để mộng mơ làm chủ thể”, “Hãy để cộng sản chủ nghĩa tuyệt vời trong sáng như ngày nào ta đã muốn”, “Hãy thiết thực đi, đòi những điều bất khả”, ”Họ muốn ta bán đi hạnh phúc, nhưng ta đã ăn cắp lại rồi” ….
Cách mạng tháng 5.1968, toàn quận 5-Paris là lễ hội trường bình dân túy, thanh viên vui hát khắp nơi, yêu nhau trắng trợn giữa đường phố. Sinh viên thanh niên không đòi gì cả, họ chỉ muốn xã hội hãy nhìn lại chính mình để làm sao cuộc đời rộng lượng cho tất cả, cho tình yêu lên ngôi không biên giới, xã hội không đặt điều đặt lệ, đại học văn học là của quần chúng, không có tinh hoa chủ nghĩa (non-elitiste)…. Cực tả, vô chính phủ! Một cuộc cách mạng không có ngày mai, không đưa bè phái lên nắm chính quyền, không xác định hệ thống giáo điều nào cho xã hội, cho cuộc đời.
Nhìn như vậy, phong trào thanh niên sinh viên tháng 5.1968-Paris có thể nói là hoàn toàn tiêu cực. Tuy nhiên, chính phong trào đó đã hỗ trợ tập đoàn công nhân lao động Pháp kêu gọi sự hưởng ứng của hàng triệu công nhân đình công đoạt được nhà nước và tầng lớp chủ quyền tư hữu phải hứa hẹn tăng 30% lương công nhân và cải thiện những khu phố hủi ( les bidonvilles), của những công nhân lao động di trú (les immigrants) ở ngay bờ thành phố ánh sáng Paris (Nanterre, Saint Denis…). Sâu xa hơn nữa, cuộc chấn động tháng 5.1968-Paris, dù tự nó êm dịu tan rã dần, vẫn thuộc về phong trào thức tỉnh của thanh niên thế giới, phong trào chống chiến tranh Việt Nam ở Mỹ, mùa xuân 1968 ở Praha…Những phong trào bản chất là cho hòa bình, tự do, tôn trọng con người, trách nhiệm đối với nhân dân, hủy bỏ những hệ thống độc tài khô cứng; chính những phong trào đó đã đưa đến những cuộc cách mạng nhẹ nhàng nhung lụa, hầu như không đổ máu 1988-89 phá vỡ những chính quyền độc tài xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu (kể cả xã hội chủ nghĩa Liên Bang Xô Viêt của người Nga).
“Tình chỉ đẹp khi còn dang dở”! “Cách mạng xã hội lãng mạn, tuyệt vời vì vô tư không cứu cánh, không ngày mai”. Tôi tin rằng một khi cuộc xuống đường thanh niên sinh viên tháng 5.1968-Paris đã kết thúc, nhiều năm sau những nhân vật khởi xướng và dấn thân trong phong trào đó có nhìn lại, họ phải tràn đầy ý niệm và tự hào phấn khởi trưởng thành vào đời, dấn thân cho một lý tưởng cao xa xã hội thiết thực nào đó. Theo tôi biết, chính họ là những người thành lập những đảng xanh ở Âu Châu (Les partis verts de l’europe), đấu tranh bảo vệ môi trường sinh thái cho nhân loại. Chính họ đã tổ chức “Hiệp hội bác sĩ không biên giới” (Les médecins sans frontières), những bác sĩ tinh nguyện trị thương trị bệnh khắp nơi trên thế giới; họ đặc biệt đã tổ chức con thuyền “Hòn đảo ánh sáng” (Île de lumières) vào những năm 1976-82 cứu vãn bao nhiêu người Việt Nam vuợt màn lưới chiến thắng xã hội chủ nghĩa, di tản lênh đênh trên biển khỏi làm mồi cho hải tặc, khỏi đói khát và chết chìm.
****
Mùa xuân 1968.Paris, mùa xuân 1968.Praha xác định sự phá sản của xã hội chủ nghĩa Đông Âu, hứa hẹn sự đổ vỡ của chính quyền độc tài cộng sản Liên Bang Xô Viêt, cho tới Ba Lan, Tiệp Khắc, Roumani….Những chính quyền đã đoạt được từ buổi đầu vinh quang rạng rỡ của những cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa Marx-Lenine. Không bàn tới giá trị lý thuyết của chủ nghĩa, trước sau gì theo chính Hegel, triết gia tư tưởng mà khái niệm mâu thuẫn có ảnh hưởng sâu rộng tới Karl Marx, mọi chủ nghĩa chỉ có thể là những quy định xã hội hữu hạn. Cách mạng vinh quang, dù hồn nhiên lãng mạn trong sáng bao nhiêu lúc ban đầu, cũng không tránh được sự lệch lạc thừa trừ của trời đất, bản thể tất yếu của sự đời. Vinh quang rạng rỡ nhưng mang sẵn những tì vết: “vì cứu cánh, ta sẽ dùng mọi phương tiện” ( la fin justifie les moyens), những oan khiên, những thù oán, những xác chết rải rác dưới bánh xe lăn của lịch sử. Cái tệ hại nhất không tránh được, cách mạng xã hội chủ nghĩa giáo điều độc tôn, cứu cánh độc tài của giai cấp lao động, nhưng rồi tha hóa theo tất yếu nhân sinh xã hội, trở nên sự chiếm đoạt của bè phái, của lớp người anh cả, vì muôn đời vẫn là có những người luồn lọt chỉ muốn đoạt được quyền uy và danh lợi. Ác hại hơn nữa là mệnh danh quyết liệt một chủ nghĩa nhân sinh, tư tưởng hệ thống cứng rắn, tất cả trở nên cổ hủ tàn bạo phản động, phản động đối với sự hăng say lãng mạn, đối với ước mơ không cùng sáng tạo của tuổi trẻ. Chính quyền độc tài cộng sản Đông Âu đã đổ vỡ trước sức mạnh dấy lên của thanh niên trí thức. Hình ảnh điển hình tuyệt vời là cảnh ngàn ngàn thanh niên sinh viên, lao động cũng có, lan tràn phá đổ bức tường Berlin, bức tường chia rẽ con người, bức hiếp tự do giao lưu và mộng mơ tư tưởng.
Nhà văn Milan Kundera sinh năm 1929, đã từng dấn thân theo cách mạng xã hội chủ nghĩa của đảng cộng sản Tiệp Khắc (Tchekoslovaquia.1948) với sự hồn nhiên vô tư của tuổi trẻ. Xã hội cộng sản, không giai cấp, ai cũng như ai, tất cả cùng nhau làm việc, không ai hưởng thụ hơn ai, mọi người thu nhận cho đủ nhu cầu. Với bản thể nhân sinh, không một xã hội nào có thể đáp ứng nhu cầu của mọi người (có dục vọng, có thèm khát bất tất);”bàn tay có ngón dài ngón ngắn” một xã hội không hèn không sang, không tầng lớp đa dạng chỉ có thể là không tưởng (utopia)! Chỉ có thể là mộng mơ không tưởng! Mộng mơ của thanh niên vào những năm 1950; bản chất thanh niên là hy vọng và hoài bão siêu thoát, ước mơ chân thành một xã hội trong sáng, thoát khỏi đau khổ, tội ác, tàn bạo dã man cuả thế giới chiến tranh. Nhưng sự thật, họ hồn nhiên tiếp đón bao nhiêu cách mạng đoạt chinh quyền của đảng cộng sản, họ lại càng ngậm ngùi phải trở về thực tế, nhận ra không tưởng, nhận ra sự tha hóa cúa cách mạng xã hội chủ nghĩa một khi đã thành công. Milan Kundera sống tận cùng vở kịch bi hài nhân sinh đó.
Với một triết lý sống, quan niệm nghệ thuật hí hài có từ Rabelais, từ Cervantès, Kundera nhận ra cái “bông lơi” hí kịch của sự đời. Xã hội đạo đức giáo điều theo nghị quyết đến từ “trung ương bề trên, anh cả”, thi hành với những hội đồng nhân dân ảo, thanh niên hăng say, những tưởng đang theo tiếng gọi cao cả của lịch sử nhân loại. Dĩ nhiên xã hội phải trả giá, bằng những oan trái độc ác phi lý. Kundera lại đặc biệt đưa ra hai thí dụ điển hình, hai tiểu thuyết bông lơi nhưng có chủ đề : “Bông lơi” (La plaisenterie -1963) và “Đời là nơi khác” (La vie est ailleurs -1973). Trong truyện “Bông lơi”, sinh viên Ludvik đùa trêu bạn gái, có chân trong tập đoàn thanh niên cộng sản, đã bỏ anh để tham gia một khóa học tập chính trị cách mạng, gửi cô một thiếp bưu điện với dòng chữ: “Lạc quan là thuốc phiện của loài người. Đầu óc lành mạnh, đầu óc vớ vẩn. Trotski muôn năm!”. Một câu đùa chơi chữ, sinh viên Ludvik có bao giờ biết thế nào là Đệ tứ cộng sản, ai là Trotski! Nhưng Ludvik bị kết tội là phản cách mạng xã hội chủ nghĩa Marx-Lenine; sinh viên Ludvik bị hội đồng sinh viên cách mạng biểu quyết đuổi ra đại học trường. Cuộc đời của Ludvik từ đó gian truân, lên bổng xuống trầm. Anh chỉ còn biết chua chát với đời. Bông lơi trớ trêu nữa là quyến rũ được bà vợ đẹp Helena của Zemanek, với thâm ý trả thù cho được Zemanek đã có chân trong hội đồng cách mạng kết tội mình, Ludvik tìm ra sự thật chính là Zemanek chỉ cầu vậy vì anh ta đang có người tình-vợ bé!
Truyện “Đời là nơi khác” cũng bông lơi hài kịch, tuy thảm hơn một chút, vẫn trong bối cảnh xã hội đạo đức cách mạng xã hội chủ nghĩa. Nhân vật là nhà thơ Jaromil, thanh niên ấp úng vào đời. Vì được đăng tải mấy bài thơ trên báo của đảng cộng sản, Jaromil đã vội tưởng mình nhận được sứ mạng bảo vệ lập trường cao siêu của xã hội chủ nghĩa, dù xưa nay anh chỉ bận tâm với từ ý thi ca, không một lần suy nghĩ đến xã hội, đến lý thuyết Marx-Lenine. Với sứ mạng đó, Jaromil đã phản chính người tình đầu tiên của đời mình, tố cáo cô bao che người anh ruột đang có ý định vượt màn sắt đi tìm tự do ở Tây Âu. Quá khích dại dột, hài kịch hơn nữa, giữa dạ tiệc họp mấy người nghệ sĩ “tiểu tư sản trí thức”, Jaromil đứng giảng đời cho mọi người biết thế nào là đạo đức cách mạng, thế nào là sống triết lý dấn thân thiết lập xã hội cộng sản. Kết quả là Jaromil bị hất ra khỏi tiệc hội, bị vứt bỏ trên đống tuyết giữa mùa đông giá lạnh, để về ốm sưng phổi mà chết yểu…
***
Nhưng lịch trình cách mạng xã hội chủ nghĩa mộng mơ lãng mạn mà rồi hiện thành chính thể độc quyền, độc tài bè phái, không phải chỉ có chuyện bông lơi trớ trêu hí kịch như tiểu thuyết của M.Kundera; sự thật đối với thanh niên trí thức, nó điêu linh nghịch lý sâu động như phải cảm nhận qua mắt kính của nhà văn Kafka, tác giả của những tiểu thuyết nổi tiếng siêu thực: Hóa Thân (Die Verwandlung 1915), sự biến dạng của bản thể con người, Vụ Án (Der Prozeß 1925) và Lâu Đài (Das Schloß 1926), những sự biến dạng của hệ thống xã hội. Để đưa ra một sự kiện điển hình, tôi nghĩ ngay tới nhà thơ Liên Xô V.Mayakovski (1893-1930).
Mayakovski năm 15 tuổi gia nhập đội ngũ bôn-sê-vit cách mạng Liên Xô, thành tâm hăng say sáng tác (thơ văn, kịch bản, hội họa) phụng sự cách mạng cộng sản chủ nghĩa. Lãnh tụ Lenine của cách mạng chết năm 1924, bè phái Staline đoạt chính quyền. Từ năm 1927, cách mạng Liên Xô rơi dần vào thảm trạng tàn bạo độc đoán, tôn sùng lãnh tụ. Oái ăm nghịch lý bi hài, Mayakovski từ thực tế là nhà thơ chính thống của ước mơ xã hội trở nên là *kẻ thù phản bội chính quyền công nhân*. Một ngày tháng 4.1930, không chờ nghe bước chân của mật vụ Stalinit, nhà thơ của “tương lai chủ nghĩa” (futurisme, như Mayakovski thường tư nhận) tự bắn một phát súng để tự tử. Theo truyền thuyết, nhà thơ đã từng nói trước: “Tôi xin vĩnh biệt ra đi! Các đồng chí không cần phải lên súng bắn”.
Như sống lại một phiên bản bi hài kịch, Trần Dần (1926-1997), nhà thơ trong nhóm Dạ Đài (1946), thi sĩ tượng trưng của tương lai chủ nghĩa:”Chúng tôi –một đoàn thất thố- đã đầu thai nhầm lúc sao mờ….chúng tôi có nói, cũng chỉ là nói cái tâm trạng của thời nhân, của những thời nhân đã có ngày CÔ ĐỘC”, tác giả của những bài thơ leo thang theo trường ca của Mayakovski, Trần Dần năm 20 tuổi (1946) vẫn hồn nhiên đặc biệt hăng say dấn thân theo đoàn quân giải phóng (chống đế quốc thực dân Pháp), rồi gia nhập đảng cộng sản Việt Nam. Nhưng với sự trong sáng vô tư, tin tưởng ở nghệ thuật giải phóng con người, Trần Dần làm sao chịu đựng được cái khắt khe giáo điều đạo đức nghịch lý áp bức một chiều của đảng, của xã hội cách mạng nay tha hóa thành chính thể độc tôn, anh cả bề trên. Trước hết mặc dù bị đảng khuyên can và quản thúc, Trần Dần vẫn kết duyên với thiếu nữ tiểu tư sản (chỉ có thể là kẻ thù phản động của cách mạng vì gia đình đã di tản vào Nam-1954). Trần Dần viết những bài văn, những câu thơ, tranh đấu phản đối chính sách hệ thống áp đảo một chiều nghệ thuật phải chân phương hiện thực (vẽ người ra người, áo ra áo), phải lạc quan cách mạng (dù dân tình đang đói đang khổ, con người không biết đâu là hòa bình đâu là ngày mai). Như Mayakovski, Trần Dần cũng tự biết sẽ bị lôi ra tố khổ, bị cách ly hay tiêu diệt…Có vợ có con, nên Trần Dần đã có lần nghĩ đến nhưng không quyết tâm tự vẫn; đành chịu bị đầy vào trại lao động cải tạo. Sau mấy năm lao động được tha về, Trần Dần sức khỏe và tâm trí tàn phế, mãi mãi là ông già trước tuổi ngồi tựa lưng vào vách tường, làm thơ (năm sáu chữ) mini như những liều thuốc ngủ. Tuy nhiên, cũng nên nhắc lại hai câu mini của nhà thơ, câu trên là tự thấy mình, câu dưới là bối cảnh xã hội mà mình đang sống
Người bay không có chân trời!
Chân trời không có người bay!
Hai câu mini có chiều sâu khắc khoải chán trường, một ngày nào có thể là cách ngôn-biểu ngữ thức tỉnh khởi động cho một mùa xuân Hà Nội.
Trong giòng lịch sử của cách mạng xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Trần Dần không phải là một bi kịch duy nhất. Có những nhân vật của vụ án Nhân Văn Giai Phẩm (1955-58), thanh niên trí thức với những chuyện đời bi hài nghịch lý, lệch lạc không kém, những nhân vật như Nguyễn Hữu Đang, như Phùng Cung…Những người trí thức ngang nhiên không từ bỏ mộng mơ trong sáng của mình, không đầu hàng trước tha hóa của cách mạng.
Tuy nhiên, người trí thức không phải ai cũng quyết liệt sống cho sự thật, cho hoài bão, cho ước mơ đã ôm ấp từ buổi vào đời (từ buổi đầu dấn thân theo cách mạng xã hội chủ nghĩa). Điển hình nên nhắc nhở đến Nguyễn Khải, Chế Lan Viên….
Nguyễn Khải (1930-2008), nhà văn của nhà nước xã hội chủ nghĩa, suốt đời viết bao nhiêu tác phẩm, tiểu thuyết và truyện ngắn, với quan niệm lạc quan và hiện thực của ban tuyên huấn cách mạng xã hội chủ nghĩa. Nhưng sự thật là, nhìn lại cuộc đời mình khi không còn sợ đói (sợ mất phiếu gạo phiếu thịt trong thời bao cấp), gia đình cuộc sống con cái đã an bài, chính ông cũng không còn gì để sợ mà không vạch ra sự thật, sự thật của chính đời mình, Nguyễn Khải viết hai tản văn tự sự rất dài Thượng Đế Chỉ Cười (2003) và Đi Tìm Cái Tôi Đã Mất (2006), ngậm ngùi chua chát thổ lộ nhà văn đã chỉ viết vẽ vời chứ không một lần sáng tác nói ra những gì của chính tâm tư, với sự cao siêu có thể có của nghệ thuật. Một bi hài kịch điển hình, nghịch lý trăn trở.
Chế Lan Viên (1020-1989), nhà thơ năm mười bảy tuổi đã sáng tác tập thơ Điêu Tàn sắc sảo và đầy trí tuệ. Gia nhập đội ngũ cách mạng ở ngay vùng Tề (nơi quân đội Pháp chiếm đóng), gia nhập đảng Cộng Sản Việt Nam năm 1949. Năm 1954, nhà thơ tập kết ra bắc. Từ đó sáng tác viết văn và làm thơ theo cương lĩnh của đảng, Chế Lan Viên là cán bộ có chức phận trong hội nhà văn, là ủy viên trong ban tuyên huấn trung ương. Nhưng cuối đời, nhà thơ để lại gì. Đề lại ba tập Di Cảo. Ba tập thơ thổ lộ sự trăn trở của con người trong sóng gió lệch lạc bất tất của lịch sử. Ba tập thơ Di Cảo, viết ra vào những năm cuối đời của nhà thơ, nghe nói có in hành nhưng không được phân phát tới quần chúng. Tôi chỉ có dịp đọc được một số bài trên mạng, không đủ để có một cái nhìn thông diễn giải sâu rộng tổng quát. Tuy nhiên, dù chỉ qua một it câu thơ, chúng ta cũng thể nhận ra đây một trí óc đầy tâm huyết đã phải sống qua một bi hài kịch, chua chát ngậm ngùi đã sống một đời người. Đời của cán bộ cách mạng cao cấp trong chính thể, đã luôn luôn phải biết hạ mình nhận và vẽ những Bánh Vẽ:
…anh đã biết là bánh vẽ
Thế nhưng anh vẫn ngồi vào bàn cùng bè bạn
Cầm lên nhấm nháp
Chả là nếu anh từ chối
Chúng sẽ bảo anh phá rối….
Và đưa anh từ nay ra khỏi tiệc
Thế thì còn dịp đâu nhai thứ thiệt?
(Bánh Vẽ trong Di Cảo)
Có lẽ bi thảm nhất là những câu thơ sau đây cũng trong tập Di Cảo:
Này cái sọ người kia, mi hỡi!
Dưới làn xương mỏng manh của đầu mi
Mi nhớ gì tưởng gì trong đêm tối
Mi trông mong ao ước những điều chi?
Mi nhớ đến cảnh pháp trường ghê rợn
Sọ muôn người lần lượt đuổi nhau rơi?
(trích từ bài: Cái Sọ Người)
Những câu thơ nên đọc kèm theo mấy câu này:
….chính là tôi. Người có lỗi
Đã phải giết đi bao nhiêu cái
Có khi không có tội như mình
( trích từ bài Trừ đi).
Đọc những câu thơ này, tức là nhắc lại chuyện ban tuyên huấn trung ương của đảng đã đầy đọa bao nhiêu văn nghệ sĩ, với danh nghĩa của hệ thống tư tưởng áp đặt một chiều, hệ thống phản động đối với mộng mơ của tuổi trẻ, của nghệ thuật. Đen tối hơn nữa, những câu thơ tự nhiên đưa ta nghĩ Chế Lan Viên có lẽ đã có nhiệm vụ như nhà văn Tô Hoài. Cũng một ủy viên trong ban tuyên huấn trung ương, Tô Hoài thổ lộ (trong tự sự Cát Bụi Chân Ai .1992) đã từng là ủy viên chính trị trên pháp trường hành quyết tuần tự giết những thành viên Việt Nam Quốc Dân Đảng (1946). Di Cảo chắc chắn là những lời trối trăn của một tâm hồn đã trót sống với mặt trái của tình người, với những lệch lạc đen tối của lịch sử. Viết lên những lời trối trăn đó, đầy khắc khoải, Chế Lan Viên phải ước ao rằng một ngày nào đó xã hội sẽ không đen tối, con người sẽ tự do bay bổng.
Không phụ nhà thơ Chế Lan Viên, và như chính tôi đã thầm mong muốn viết tản văn này, chúng ta hãy cùng mong có một ngày Di Cảo của Chế Lan Viên sẽ được phổ biến tới quần chúng. Sẽ có những hội thảo, những bài văn công khai tham luận trên Di Cảo, để cùng biết rằng thi văn không phải là để Vẽ Bánh, thi văn là để nói lên sự thật của đời mặt trái cũng như mặt phải, với những ước mơ chân chính của tâm hồn, ước mơ chân trời mở rộng và chúng ta cùng bay bổng. Và như thế rồi chúng ta sẽ có chăng một mùa xuân, mùa xuân của tuổi trẻ, sống tận cùng bông lơi với mộng mơ. Một mùa xuân với biểu ngữ giữa trời và đất:
“Hãy để Cộng Sản chủ nghĩa không tàn bạo không tội lỗi . Hãy để Cộng sản chủ nghĩa trong sáng là giấc mơ không tưởng. Giấc mơ không tưởng của những ngày xuân đầy ánh sáng”
18.7.2011
Ngô Văn Tao