Home » » cáo chung của lịch sử?

cáo chung của lịch sử?

Written By kinhtehoc on Thứ Bảy, 1 tháng 10, 2011 | 02:01

cáo chung của lịch sử?
(Nhân dịp kỷ niệm 20 năm
 ngày xụp đổ Bức Tường Berlin)

Lịch sử nhân loại nhìn chung, theo triết gia Hegel, là sự chuyển biến thăng hoa của tinh thần nhân loại đi tới xã hội thế giới tôn trọng ước vọng chính đáng của từng người, trong sự tự nhận thức chính mình và cảm thông nhân loại như một cộng đồng chia sẻ phận nhân sinh trên vị hành tinh này. Chuyển biến là chuyển biến lý tính theo biện chứng pháp, tân tiến bất tận từ quy định này sang quy định khác của xã hội con người. Với cái nhân sinh quan xã hội của đầu thế kỷ thứ mười chín, sau cuộc cách mạng dân chủ 1789 Pháp Quốc và tuyên ngôn nhân quyền của Hợp Chủng Quốc Hoa Kỳ, thoát khỏi ách thống trị của Đế Quốc Anh, Hegel nhìn nhận sự biến chuyển xã hội nhân loại cốt yếu trước hết là  từ bỏ thể chế xã hội  “có Thầy và có Tớ” ( Maître et Valet) để đến xã hội mà con người ai cũng bằng ai, mọi người đều đóng góp xây dựng những quy luật cho đời sống xã hội. K.Marx đồng ý với Hegel, nhưng vào giữa thế kỷ thứ mười chín với sự bành trướng của kỹ nghệ cùng sự tăng trưởng của giai cấp công nhân lao động, Marx nhấn mạnh động cơ vật chất của lịch sử, sự chiếm đoạt tài sản và quyền thống trị bởi một số người, một giai cấp (gia cấp tư bản). Theo Marx, biến chuyển lịch sử xã hội không chỉ là từ bỏ thể chế “có Thầy và có Tớ” mà bắt buộc phải là sự quật khởi nổi loạn của giai cấp vô sản lao động mà lịch sử là sự bị đàn áp và bóc lột. Nên theo Marx, cái xã hội lý tưởng cứu cánh của sự biến chuyển thăng hoa của xã hội con người, không chỉ là dân chủ theo cái ý của Hegel mà còn phải là xã hội cộng sản, xã hội mà guồng máy sản xuất vật chất phải là của chung, con người ai cũng như ai không sở hữu tư sản, đóng góp lao động theo khả năng, đồng đều hưởng thụ những điều vật chất cần thiết chính đáng trong cuộc sống. Cái xã hội lý tưởng cứu cánh đó, Alexandre Kojève gọi là “chung cục của lịch sử” (the End of History), viễn tượng trong hoài bão không cùng của nhân loại.

Francis Fukuyama dựa trên từ của Kojève viết tiểu luận với đề tài: “Sự Cáo Chung của Lịch Sử” ( The End of History – từ dịch của mạng Talawas), năm 1989. Một tiểu luận tương đối được nói tới nhiều, có lẽ theo tôi nghĩ vì khía cạnh “bảo thủ và bình dân túy” ( conservateur et populiste), tôn vinh văn hóa Tây Phương, đặc biệt phù hợp ý thức bá chủ của đế quốc Mỹ. Vào năm 1989, trước sự tan rã của khối Xã Hội Chủ Nghĩa Sô Viết- Đông Âu đưa đến sự xụp đổ của bức tường Berlin, chấm dứt cuộc chiến tranh lạnh, tiểu luận Fukuyama tuyên dương Xã Hội Dân Chủ Phóng Khoáng ( Démocratie libérale – Talawas dịch) Âu Mỹ; nếu tất cả các quốc gia trên hoàn cầu hòa đồng đi đến cơ chế chính trị xã hội đó, thì có lẽ đã là  chung cục của lịch sử. Thật là một xác định phi lý, trái ngược với lý thuyết biện chứng pháp của Hegel trong sự “hiện thành” (le devenir) biến chuyển bất tận của (khái niệm) xã hội với những quy định hữu hạn và tự phủ định, hướng về chân lý. Rất nhiều học giả đã phản bác Fukuyama.

Tuy nhiên thật khó phản bác được Fukuyama rằng Xã Hội Dân Chủ Phóng Khoáng tây phương hiện đại là xã hội quốc gia tân tiến nhất trên trái đất, một nhận định hoàn toàn phù hợp với tâm tư bảo thủ Tây Phương và “bình dân túy” trong quần chúng tây phương, đặc biệt nhất ở Mỹ Quốc, mà Fukuyama là một công dân,  với sự tự hào cố thủ của xã hội nước giàu cấp tiến trước sự trỗi dậy của những xã hội nước nghèo đang thoát ly tối tăm và lạc hậu. Nhưng nếu nhìn theo quan điểm lịch sử phổ quát nhân loại (l’histoire universelle du monde) của Hegel, xã hội dân chủ phóng khoáng Tây phương chỉ có thể là một quy định hữu hạn, tự nó tiềm ẩn mâu thuẫn.

Theo quan niệm hiện đại, Dân Chủ là toàn thể người dân có quyền tham gia định đoạt quy luật xã hội đời sống của cộng đồng bằng những lá phiếu. Nhưng ở những nước “độc tài đảng trị”, chúng ta thấy luôn luôn là những trường hợp khống chế “hơn 90%” người dân bỏ phiếu theo chỉ thị cũa đảng (hay của lãnh tụ). Ở Âu Mỹ, cũng không hoàn toàn là chân thật công lý, những quyền lực có tiền tài, nắm được phương tiện tân tiến truyền thông áp đảo quần chúng bỏ phiếu theo mưu đồ đen tối nào đó. Đó là sự kiện tổng tuyển cử bầu G.W.Bush làm tổng thống Hoa Kỳ (2000-2008), để rồi mở cuộc chiến tranh không chính nghĩa, chiếm đóng Irak theo mưu đồ của tập đoàn tài phiệt dầu khí, hàng trăm ngàn người dân Irak bị giết hại trong chiến tranh, đất nước Irak lầm than nội chiến và chống đối ngoại bang, mà đế quốc Mỹ cũng phải sa lầy trả giá ở đó cho đến bây giờ.

Xã Hội Dân Chủ Phóng Khoáng  Tây Phương căn bản là  Tư Bản chủ nghĩa, kinh tế thị trường và tự do đầu tư lợi nhuận. Tư Bản tự do chủ nghĩa trong mấy trăm năm qua cho đến nay là động cơ cho sự tiến triển kinh tế khoa học kỹ thuật của nhân loại. Nhưng chính nó đưa đến “Nghệ thuật phổ quát kỹ nghệ lợi nhuận” (Adorno), con người mất nhân tính, chìm đắm với những nhu cầu tiểu xảo thừa thãi. Tư bản tự do chủ nghĩa mang sẵn cái mâu thuẫn hiển nhiên là vì với tư bản chủ nghĩa, kinh tế sản xuất phải luôn luôn tăng tốc phát triển, để rồi một ngày nào đó xã hội loài người sẽ sa đọa trong một thế giới thiên nhiên ô nhiễm nguy hại cho chính sự sinh thái của con người. Chính nó không biết tự điều tiết, cuộc khủng khoảng kinh tế thế giới hiện nay chính là hậu quả của sự đầu tư thái quá vụ lợi của những “ngân hàng cho vay lãi”.

Tư bản kinh tế thị trường chủ nghĩa phản ảnh bản chất tranh đấu tư lợi của con người; nên xã hội Dân Chủ Phóng Khoáng Âu Mỹ  không giải quyết cho xã hội thật được đồng đều phồn vinh. Không “có thầy và có tớ”, nhưng vẫn còn những người đói khát, những tầng lớp người thiếu thốn khốn khổ ngay trong những xã hội quốc gia cấp tiến (như chính Mỹ Quốc). Hơn nữa, bắt nguồn từ văn minh Đế Quốc La Mã, văn minh Cơ Đốc giáo, Dân chủ Tư Bản Tây phương có cả mấy trăm năm quá khứ của thực dân đế quốc, cái khía cạnh chiếm đoạt bá chủ thế giới nay thể hiện với những công ty, những tập đoàn tài phiệt quốc tế, cùng lúc tuyên dương nền văn hóa duy nhất, văn hóa Tây phương. Điển hình là cái u nhọt, theo chính triết gia Jacques Derrida cái u nhọt không phải là sự thành lập nhà nước Do thái (Israel) mà là sự duy trì, nhờ tập đoàn tài phiệt Do Thái thế giới, nhà nước Do Thái, tuy là dân chủ phóng khoáng Tây phương, như một thực thể kỳ thị chủng tộc, theo đạo Do Thái (Sionisme) , chủ nghĩa của “dân tộc được chọn” (le peuple élu!), một đế quốc giữa khoảng trời đất của những người Hồi Giáo, không ngừng chiếm đoạt bành trướng xây dựng  trên tang thương lưu đày người dân Palestine. Cho nên nhìn theo “lịch sử phổ quát nhân loại” chúng ta chỉ thấy sự mờ ám hầu như bất tận, chiến tranh không kết thúc hiện tại. Chủ nghĩa Hồi Giáo Bảo Căn Đế (Fondamentalisme Islamique), “chủ nghĩa  khủng bố” đều không phải là chủ nghĩa phủ nhận văn minh và “đời sống” nhân loại, mà là sự phản kháng của những giáo hội, những quốc gia, những con người đòi “quyền thể trọng” (the recognition). Sự phản kháng đòi hỏi đó, theo Hegel, chính Fukuyama cũng nhắc lại, là một trong những động cơ làm biến chuyển lịch sử.

Mấy ý trình bầy trên đủ chứng minh Xã Hội Dân Chủ Phóng Khoáng Tây Phương không thể là “chung cục của lịch sử”, dù A.Kojève có bạo ngôn nói rằng chính xã hội Hoa Kỳ đã là một “xã hội cộng sản”. Theo J.Derrida (trong tiểu luận “Những Bóng Ma của Marx”), nếu tiểu luận “Sự Cáo Chung của Lịch Sử” của Fukuyama được Tây Phương rộn ràng bàn cãi tới, chính là vì nhân loại đang khắc khoải tự hỏi về “xã hội ngày mai của con người”. Lịch sử sẽ đi về đâu? Đến Xã Hội Pháp Quyền phổ quát nhân loại? Đến Chiến Tranh thế giới thứ ba, cho những người đòi quyền thể trọng, đòi phần sống? Còn Fukuyama cũng như tự phản bác chính mình viết câu kết luận dưới đây cho tiểu luận của mình; Fukuyama thầm nghĩ chăng là “không thể nào có Sự Cáo Chung Của Lịch Sử”?

“Chung cục của lịch sử” sẽ là vô cùng ảm đạm. Sự tranh đấu “đòi hỏi quyền thể trọng”, sự nhất trí quyên sinh  vì lý tưởng siêu thực, thế giới đối lập những tư tưởng chủ nghĩa, thế giới của nhũng kẻ xung phong, can đảm, đầy tưởng tượng và lý tưởng sẽ không còn nữa chỉ còn lại là những tính toán kinh tế, không ngừng giải mã những vấn đề kỹ thuật, những vấn nan môi trường sinh thái, và sự  đáp ứng nhu cầu tiểu xảo của con ngưới. Còn đâu nghệ thuật và triết lý?”

19.11.2009
Ngô Văn Tao
Share this article :
 
Support : Creating Website | phuctriethoc | NGUYỄN VĂN PHÚC
Copyright © 2013. NGUYỄN VĂN PHÚC - All Rights Reserved
By Creating Website Published by KINH TẾ HỌC
Proudly powered by NGUYỄN VĂN PHÚC
NGUYỄN VĂN PHÚC : Website | Liên hệ | phuctriethoc@gmail.com
Proudly powered by Triết học kinh tế
Copyright © 2013. NGUYỄN VĂN PHÚC - All Rights Reserved