Home » » Tiếp cận tác phẩm "Người trong bao" của A. Chekhov trong nhà trường

Tiếp cận tác phẩm "Người trong bao" của A. Chekhov trong nhà trường

Written By kinhtehoc on Thứ Ba, 15 tháng 11, 2011 | 02:00

Tiếp cận tác phẩm "Người trong bao" của A. Chekhov trong nhà trường

12/10/2010 01:14
Chekhov là nhà văn lớn, “một người bạn tốt nhất, một người bạn thông minh, vô tư, trung thực, một người bạn yêu mến, thông cảm nước Nga sâu sắc. Nước Nga xúc động, mãi mãi không quên người bạn đó, mãi mãi tìm hiểu cuộc sống qua tác phẩm của ông, trong đó sáng lên nụ cười đau đớn của một trái tim giàu tình cảm”. Nhưng Chekhov không chỉ thuộc về nước Nga, ông còn thuộc về nhân loại.
        Chekhov là nhà văn lớn, “một người bạn tốt nhất, một người bạn thông minh, vô tư, trung thực, một người bạn yêu mến, thông cảm nước Nga sâu sắc. Nước Nga xúc động, mãi mãi không quên người bạn đó, mãi mãi tìm hiểu cuộc sống qua tác phẩm của ông, trong đó sáng lên nụ cười đau đớn của một trái tim giàu tình cảm”(1). Nhưng Chekhov không chỉ thuộc về nước Nga, ông còn thuộc về nhân loại. Ông là bậc thầy của thể loại truyện ngắn. Dễ gì một đời văn ngắn ngủi (Chekhov sinh năm 1860, mất năm 1904, thọ 44 tuổi) viết được hơn 500 truyện ngắn. Tác phẩm của ông đã dựng lên chân dung thảm hại của những kẻ ích kỉ, giả dối, nô lệ, ngã quỵ trước quyền uy - con đẻ của chế độ Nga hoàng đang trượt trên con dốc lịch sử, “chắt lọc loại bỏ từng giọt nô lệ ra khỏi con người” (chữ dùng của Chekhov), thức tỉnh ý thức con người về sự vô nghĩa của cuộc sống hiện tại và khát vọng hướng tới tương lai. Tác phẩm của Chekhov là truyện trong truyện, là truyện trên bề mặt văn bản, nhưng đồng thời cũng là truyện dưới văn bản, là dòng chảy ngầm dưới mỗi câu từ, chi tiết, bởi vậy rất đa nghĩa và nhiều âm điệu. Человек в футляре (Người trong bao) (1898) là một trong những truyện rất tiêu biểu như thế và truyện ngắn này xứng đáng được đưa vào chương trình dạy và học môn Ngữ văn bậc trung học phổ thông. Bài viết của chúng tôi hi vọng góp thêm hướng tiếp cận và góp thêm tiếng nói giải mã tác phẩm này.
Trước hết, cần chú ý đến bối cảnh lịch sử xã hội nhà văn sống và sáng tác. Đây là yếu tố ngoài văn bản nhưng là chỉ dẫn quan trọng giúp hiểu và “giải mã” tác phẩm.
Từ cuối những năm 70 thế kỉ XIX, lợi dụng cuộc khủng hoảng chính trị ở Nga, những người Dân túy thuộc nhóm “Tự do của nhân dân” chủ trương ám sát Nga hoàng Aleksandr II để phát động khởi nghĩa toàn dân. Ngày 1/3/1881, Aleksandr II bị ám sát nhưng cuộc khởi nghĩa không nổ ra do lực lượng còn non yếu. Nga hoàng Aleksandr III lên ngôi (1881 – 1894) đã thực hiện chiến dịch khủng bố khốc liệt. Chế độ nhà tù, cảnh sát được tăng cường, những tư tưởng mới bị bóp nghẹt, báo chí tiến bộ bị ngăn cấm… Hơn mười năm đen tối của chế độ khủng bố, xã hội Nga như một nhà tù u ám, ngột ngạt đến khủng khiếp. Đây có thể xem là “buổi hoàng hôn ảm đạm” của nước Nga. Cuộc sống ngưng đọng trong khuôn khổ chật hẹp tù túng đã tạo nên tâm lí nô lệ, bảo thủ, bạc nhược, tự ti, con người sống ích kỉ, háo danh, phù phiếm, lẩn tránh cuộc đời. Những tư tưởng thịnh hành thời đó khuyên người ta “không dùng bạo lực chống lại điều ác”, chỉ nên làm những “việc nhỏ”. Song, cũng trong thời kì đó, nhất là từ đầu những năm 90 của thế kỷ XIX, những lực lượng, tư tưởng tiến bộ và cách mạng vẫn không ngừng phát triển ở nước Nga. Nước Nga đang trông ngóng, hi vọng “Bình minh của cuộc sống mới sẽ rạng lên” (Phòng 6 - Палата 6). Đó cũng là những vấn đề mang tính xã hội phổ biến và cũng là đề tài trở đi trở lại nhưng không cũ ở hàng trăm truyện ngắn Sêkhôp, trong đó có Người trong bao.
Sau khi tốt nghiệp đại học y năm 1884, Chekhov làm bác sĩ tại một thành phố nhỏ ngoại ô Moskva. Đây là dịp ông có nhiều điều kiện hiểu sâu thêm đời sống nhân dân. Chekhov không chỉ chữa bệnh thể xác mà còn dùng văn học để chữa bệnh tinh thần cho nhân dân, cho thời đại. Những tập truyện ngắn đầu tay đã đem lại vinh quang cho ông. Nhà văn được Viện Hàn lâm khoa học Nga tặng giải thưởng Puskin.
Năm 1890, Chekhov đi Sakhalin, chốn tận cùng Sibir, hòn đảo mà Nga hoàng dùng làm nơi đày ải tù nhân. Thực tiễn nghiệt ngã không thể tưởng tượng nổi ở chốn địa ngục trần gian đã làm cho Chekhov có cái nhìn nghiêm khắc hơn, thái độ phê phán quyết liệt hơn đối với thực tại và càng nặng trĩu tấm lòng thương yêu nhân dân, thương yêu những nạn nhân của chế độ Nga hoàng. Nhiều đề tài, nhân vật được thai nghén cho những truyện mà Chekhov sẽ viết về sau.
Người trong bao có dung lượng tương đối dài, sách giáo khoa Ngữ văn lớp 11, tập hai (bộ cơ bản và bộ nâng cao)(2) không trích đầy đủ, đã lược ba đoạn sau đây ở ba vị trí khác nhau của truyện: 1) Đoạn mở đầu, bác sĩ thú y Ivan Ivanych và giáo viên trung học Burkin đi săn về quá muộn, phải nghỉ đêm trong nhà kho của ông trưởng xóm. Tại đây, Burkin đã kể cho bác sĩ Ivan Ivanych nghe chuyện về Belikov; 2) Đoạn kể việc Belikov tuy sống thu mình, đơn độc, nhút nhát, nghi kị nhưng vẫn tính chuyện lấy Varenka tuổi chừng ba mươi, tính tình hồn nhiên, hay nói, hay hát, hay cười, làm xao động không khí tỉnh lẻ buồn chán; 3) Đoạn kết: những đối thoại và thái độ của bác sĩ Ivan Ivanych và Burkin về con người và cuộc sống từ câu chuyện về Belikov trong đêm trăng vừa im lặng, ngưng đọng, vừa thơ mộng, trìu mến như đang thanh lọc tâm hồn và cuộc sống trên trái đất này.
Tuy có lược thuật, nhưng việc lược bỏ ba đoạn nói trên của sách giáo khoa Ngữ văn 11 đã khiến tác phẩm nổi tiếng Người trong bao dễ trở nên đơn nghĩa; học sinh khó có thể cảm nhận được tính chất đa thanh, nhiều chiều và những ý nghĩa tư tưởng khái quát, cùng rất nhiều chi tiết nghệ thuật tưởng như thoáng qua song lại vô cùng sâu sắc, tinh tế của tác phẩm này.
Với nghệ thuật xây dựng biểu tượng và nhân vật điển hình, Người trong bao của Chekhov phê phán lối sống bảo thủ, thu mình trong bao, sợ sệt, yên phận, không chịu thức tỉnh, không dám xé vỏ của một bộ phận trí thức Nga cuối thế kỉ XIX và thức tỉnh mọi người “Không thể sống như thế mãi được”.
Không phải ngẫu nhiên truyện ngắn Người trong bao khi được dịch năm 1957 (Nguyễn Hữu Vui dịch) lại có tên Người mang vỏ ốc. “Người trong bao” và “cái bao” đều là những sáng tạo độc đáo của tác giả. Chekhov từng tâm sự: Hãy nhớ rằng chỉ cần có một từ hay, một tên gọi đích đáng nào đó, cốt truyện sẽ tự đến. “Người trong bao” Belikov điển hình cho kiểu người, lối sống, tư tưởng bảo thủ sợ hãi, trốn tránh trong lớp vỏ, lẩn tránh thực tại để tìm sự yên thân; còn “cái bao” chính là biểu tượng cho một xã hội tù đọng, ngột ngạt, khổng lồ trói buộc, bủa vây con người.
Chân dung của Belikov, qua góc nhìn của người kể chuyện Burkin, là bức chân dung dị thường. Con người này lúc nào cũng vậy, luôn đi giày cao su, cầm ô, mặc áo bành tô ấm cốt bông, giấu mặt sau chiếc cổ áo bành tô bẻ đứng lên, đeo kính râm, lỗ tai nhét bông, luôn kéo mui khi ngồi xe ngựa, khi ngủ thì kéo chăn trùm đầu kín mít… Cả ý nghĩ của mình, Belikov cũng cố giấu vào bao. Hắn không nói những điều mình nghĩ, hắn nói theo thông tư, chỉ thị, những lời nói rao giảng, giáo điều. Để trốn tránh thực tại, Belikov lúc nào cũng ngợi ca, tôn sùng quá khứ, muốn trở về những cái không có thật.
Nỗi sợ hãi thường trực “nhỡ lại xảy ra chuyện gì” cũng là một cái bao vô hình khiến Belikov không dám vượt qua một giới hạn nào. Con người ở đây dường như đã đánh mất cảm giác mạnh mẽ của chủ thể, luôn thừa nhận, tuân theo một khuôn khổ có sẵn, cái khuôn khổ loại trừ tận gốc rễ bất kì mầm mống nào của hành động và suy nghĩ tự do.
“Hội chứng” chui vào bao còn lây lan sang cả những vật bất li thân với hắn: ô để trong bao, đồng hồ trong bao, dao gọt bút chì cũng đặt trong bao. Belikov lọt thỏm, chìm lấp đi trong lớp lớp những cái bao khác nhau: “con người này lúc nào cũng có khát vọng mãnh liệt thu mình trong một cái vỏ, tạo ra cho mình một thứ bao có thể ngăn cách, bảo vệ hắn khỏi những ảnh hưởng bên ngoài”.
Belikov luôn sống trong bao, từ thói quen sinh hoạt cho đến tư tưởng, lối sống, “lúc nào cũng sợ nhỡ lại xảy ra chuyện gì”. Ngay cả cái chết của Belikov cũng là chết trong bao, “hắn nằm trong màn, đắp chăn kín và im lặng. Hỏi thì hắn chỉ đáp “không” hay “có” thôi, không nói thêm điều gì”. Mười hai lần Chekhov dùng từ “cái bao” để nói về sinh hoạt của Belikov. Cả những khi nhà văn không dùng từ ấy, nhân vật vẫn sống trong bao như một thói quen, quán tính đã định hình. Belikov run sợ không dám vượt qua một giới hạn nào. Đáng sợ và đáng ghét hơn, không chỉ một mình sống trong bao, hắn còn muốn đem mọi thứ, mọi người, đem cả cuộc sống xung quanh để trong bao nốt.
Chekhov đã “vật hóa” nhân vật Belikov. Bao là cái để đựng, chứa, gói, nhốt đồ vật, loài vật. Belikov quen và thích sống trong bao giống như loài vật quen một tập tính. Cái đáng sợ là con người nhưng không có cuộc sống con người, sống như vật mà không biết và vẫn tự huyễn hoặc mình.
Khắc họa chân dung Belikov với những nét cá biệt về ngoại hình, về thói quen, về mối quan hệ xã hội, về cái chết đầy tính bi hài kịch, Chekhov đã khái quát về một kiểu người, một lối sống. Belikov mang tính phổ quát của hàng trăm, hàng nghìn Belikov bé nhỏ, yếu hèn và bạc nhược. Người trong bao phát hiện, châm biếm, báo động về những con người, những xã hội nô dịch, nô lệ trong cách sống, lối sống và trong tư tưởng, ưa sống với những cái tầm thường chật chội, cũ rích; muốn duy trì trật tự cũ, coi cái cũ bảo thủ là đạo đức, là thước đo chân lí cuộc đời và thỏa mãn với cái cũ đến mức coi đó là đức tin; sợ hãi, xét nét cái mới, chống lại mọi cái mới tốt đẹp đang nhen nhóm. Chekhov đã cho thấy tác hại âm thầm mà khủng khiếp, dai dẳng, nặng nề của kiểu người, kiểu sống trong bao đè nặng, ám ảnh, đầu độc môi trường đạo đức, văn hóa và tiến bộ xã hội đến mức nào. Tiếp cận với những tác phẩm khác của Chekhov, còn thấy “người trong bao” xuất hiện dưới nhiều biến thể: kẻ thì chui vào cái vỏ bọc của Con kì nhông (Xaмeлeoн), người thì trang bị cho mình chiếc Mặt nạ (Macka), kẻ giam mình ở một chốn quê yên tĩnh, một trang ấp với những khóm phúc bồn tử, người thì ý thức được mình đang bị vây bọc bởi một “nhà tù” dơ bẩn, vô nhân đạo nhưng không làm gì để cải tạo, thay đổi nó (Phòng 6). Trong tác phẩm của Chekhov không chỉ có cái bao hiện tại mà còn có cái bao quá khứ, không chỉ có cái bao hữu hình mà còn có cái bao vô hình. “Cái bao” vừa là không gian của cá nhân, vừa là không gian của xã hội, vừa mang tính cụ thể lại vừa khái quát. Chekhov đã khai thác các biểu tượng này ở nhiều góc độ để tạo nên những biểu tượng kép mang tính triết lí sâu sắc về con người và cuộc đời. Giải mã tác phẩm này chính là “bóc” các lớp nghĩa nhiều vỉa, nhiều bình diện của hình ảnh đã được tượng trưng hóa: “người trong bao” và “cái bao”.
Cũng cần chú ý, đoạn trích trong sách giáo khoa tái hiện câu chuyện về Belikov qua giọng kể của Burkin. Nổi trên bề mặt văn bản là giọng kể đầy mỉa mai, kèm những nhận xét không chút thiện cảm của Burkin về Belikov. Dưới cái nhìn của Burkin, Belikov là một kẻ lập dị, đáng sợ và đáng ghét, lúc nào cũng muốn đóng khung trong một lối sống cứng nhắc, khắc kỉ và tẻ nhạt, “lúc nào cũng có khát vọng mãnh liệt thu mình vào trong một cái vỏ”. Song, Belikov thực sự có phải chỉ là con người lập dị, đáng ghét như Burkin nhận xét hay còn là nạn nhân đáng thương của một xã hội ngột ngạt, tù túng, là nạn nhân của thái độ vô tâm, hời hợt và lạnh lùng của người đời, của những người như Burkin? Căn cứ vào văn bản đoạn trích, cách giảng hiện nay vẫn xem Belikov như một đại diện cho sự hủ lậu, trì trệ và truyện mang tính chất phê phán - điều đó sẽ làm giảm ý nghĩa tác phẩm và sẽ có thiếu sót: chỉ dạy cho học sinh thái độ phê phán cái lạc hậu, cái tâm lí “người trong bao”, mà không giáo dục được cho các em sự cảm thông với con người, dẫu nhiều khi là đại diện của quá khứ đã lỗi thời và trở nên kì quặc, thậm chí đáng ghét (nhưng thực ra cũng đáng thương). Belikov vừa đáng ghét, vừa đáng thương.
Ngay đoạn đầu tác phẩm, Chekhov - nghệ sĩ của ngôn từ - đã tả Burkin “trong bóng tối không nhìn rõ mặt ông”, khác hẳn với tả bác sĩ Ivan Ivanych “ngồi phía ngoài cửa, ánh trăng chiếu lên người ông”. Burkin là đồng nghiệp của Belikov, tự nhận mình là nghiêm chỉnh, chín chắn, nhưng lại phải sợ hãi, chịu đựng Belikov. Burkin và những người xung quanh anh ta luôn sợ hãi: không dám to tiếng, không dám gửi thư, không dám làm quen, không dám đọc sách, không dám giúp người nghèo, dạy học chữ, mặt khác lại là những kẻ tọc mạch và thích buôn chuyện. Họ nghĩ tới chuyện ghép đôi lứa cho Belikov và cô gái quá thì Varenka chỉ như một trò đùa giải khuây. Có kẻ còn dành không chỉ một buổi tối vẽ và nhân bản bức tranh độc địa châm biếm bộ đôi này để phát cho tất cả giáo viên ở hai trường nam nữ, giáo viên chủng viện và các viên chức. Ở cái thành phố của Burkin, “người ta đã làm đủ chuyện vô bổ, ngu xuẩn vì quá buồn tẻ. Mà điều đó xảy ra chỉ vì những việc cần làm đã không được ai ngó ngàng tới”. Chỉ Varenka là người duy nhất có thể sẻ chia, tâm tình với Belikov, dù là những câu chuyện không đầu không cuối. Trong đám tang Belikov, cũng chỉ một mình Varenka khóc òa lên khi hạ huyệt, còn tất cả những người khác như Burkin đều có cảm giác “thích thú”. Có tác giả viết: “Số phận của những nhân vật tâm thần trong truyện Chekhov luôn bi thảm bởi họ không tìm được sự sẻ chia trong cuộc đời. Belikov cũng vậy, anh ta cuối cùng phải chết cô đơn. Vẻ nhẹ nhõm thanh thản của Belikov khi nằm trong quan tài phải chăng vì anh ta tìm thấy cái bao nhốt mình vĩnh viễn, như Burkin nghĩ, hay là bởi anh ta đã thoát được khỏi cái tầm thường đê hèn của những “kẻ trong bao” đích thực sống quanh anh ta?”(3). Theo chúng tôi, đây là sự bổ sung tầng ý nghĩa, tầm tư tưởng cho tác phẩm. Burkin và những người cùng với anh ta trong tỉnh lẻ cũng là một dạng “người trong bao” đích thực. Điều này càng rõ trong đối thoại của bác sĩ Ivan Ivanych với Burkin ở đoạn kết của truyện,
Trong truyện, Ivan Ivanych đã nhiều lần ngắt quãng câu chuyện của Burkin: “Phải rồi. Mang tiếng là những người biết nghĩ, có học, đọc Turghênhep, Sêđrin, Bơcơli và các thứ sách khác, thế rồi phải im lặng chịu đựng, quy phục… Đấy, việc đời là thế đấy”. Hoặc: “Chúng ta sống chui rúc ở thành phố này trong không khí ngột ngạt, chúng ta viết những thứ giấy tờ vô dụng, đánh bài đánh bạc – những cái đó chẳng phải là một thứ bao sao? Chúng ta sống cả đời bên những kẻ vô công rồi nghề, những kẻ xui nguyên giục bị, những mụ đàn bà nhàn rỗi ngu si, chúng ta nói và nghe đủ thứ chuyện nhảm nhí, vô nghĩa – đó chẳng phải là một thứ bao sao?”. Đặc biệt là tâm trạng đầy suy tư trăn trở của Ivan Ivanych, trăn trở về số phận con người, về cuộc sống quẩn quanh tầm thường không lối thoát trong sự vô ý thức của mỗi người: “Nhìn thấy và nghe mọi người nói dối, và để cho thiên hạ bảo anh là ngu xuẩn chỉ vì anh đã nghe lời dối trá ấy, nhẫn nhục chịu đựng những sự lăng mạ, khinh miệt, không dám nói thẳng rằng anh đứng về phía những người trung thực, yêu tự do; và chính anh cũng nói dối, cũng nhăn nhở cười, chỉ cốt kiếm được miếng ăn, chỉ cốt được ấm vào thân, chỉ vì một chức tước hèn mọn nào đó chỉ đáng giá mấy đồng xu – không, không thể sống như thế mãi được!”. Những đối thoại của Ivan Ivanych mở ra nhiều vỉa tầng ý nghĩa tiềm ẩn dưới văn bản. Đọc Chekhov, ta luôn bị ám ảnh bởi những gì đằng sau câu chuyện. Tìm hiểu tác phẩm Chekhov cũng chính là khám phá chiều sâu ẩn bên dưới bề mặt ngôn từ. Dù không phải ngay lập tức có thể hiểu được hết những tầng nghĩa ẩn giấu, người đọc vẫn lấy làm thú vị bởi còn được trăn trở, suy ngẫm hay tranh luận về một thông điệp nào khác bên cạnh những số phận cuộc đời đã hiển hiện trước mắt. Ở Người trong bao, nhân vật đáng phê phán không chỉ là Belikov mà còn là những người bị ấn vào bao mà không nhận ra mình và do đó, không bao giờ dám phản kháng. Mười lăm năm, cuộc sống thật là khủng khiếp, không ra cuộc sống con người cứ tưởng là do tác động của kẻ trong bao, nhưng khi kẻ ấy đã chết, cuộc sống “lại diễn ra như cũ, nặng nề, mệt nhọc, vô vị”, “chẳng bị chỉ thị nào cấm đoán nhưng cũng chẳng được tự do”. Thì ra lối sống trong bao không chỉ của riêng Belikov mà còn bao phủ cuộc sống mọi cư dân thành phố. Trong cuộc sống ngột ngạt của môi trường tỉnh lẻ, họ sống ích kỉ, vô tâm, tầm thường và quẩn quanh. Họ tự tạo cho mình những cái bao, song không nhận thấy mà chỉ thấy cái bao của người khác và người khác ở trong bao. “Còn bao nhiêu là người trong bao”, “và sẽ còn bao nhiêu kẻ như thế nữa”, đấy là những câu hỏi được Burkin nhắc lại. Có điều, Burkin không hỏi chính bản thân mình. Chẳng phải ngẫu nhiên, Chekhov đã ngầm đối lập hai thái độ, hai tâm lí khác nhau giữa bác sĩ Ivan Ivanych và Burkin trước câu chuyện về Belikov: Ivan Ivanych xúc động, bực bội về những kẻ trong bao “đích thực còn đang sống đầy xung quanh”, còn Burkin tránh cuộc tranh luận, coi chuyện “còn bao nhiêu là người trong bao” là “sang chuyện khác rồi”, hai lần cắt lời bạn, giục đi ngủ và đã ngủ một cách nhanh chóng, dễ dàng. Cũng không phải ngẫu nhiên, trong tác phẩm, Chekhov kể Ivan Ivanych là “bác sĩ thú y”. Công việc chuyên môn cụ thể của bác sĩ Ivan Ivannych, Chekhov không kể, nhưng nghĩa bóng nghnghiệp của nhân vật này, người đọc có thể liên tưởng tới.
“Không, không thể sống như thế mãi được!”. Chekhov để nhân vật thốt lên những lời như thế trên nền bức tranh thiên nhiên tuyệt đẹp: “Thật khó mà tin rằng tạo hóa lại có thể yên lặng như thế. Vào đêm trăng, khi nhìn thấy con đường quê thoáng đãng với những ngôi nhà nhỏ, những đống cỏ khô, những hàng cây liễu rủ, lòng ta bỗng thấy thanh thản…, tâm hồn ta trở nên dịu dàng, nhè nhẹ buồn và tốt đẹp. Có cảm giác rằng đến cả những vì sao cũng soi xuống tâm hồn ta với những vẻ đầy thương cảm và trìu mến, rằng cái ác đã bị loại bỏ trên mảnh đất này và vạn sự đều êm đẹp, yên lành…”. Bức tranh thiên nhiên ấy không chỉ làm phông nền cho truyện, mà còn gắn với những ưu tư, suy nghĩ của con người về cuộc đời, về những vấn đề mang tính triết lí xã hội lớn lao. Và, một lần nữa, chúng ta lại thấy sự tinh tế, sâu sắc tuyệt vời của ngòi bút Chekhov: ở đầu truyện, Chekhov tả bác sĩ Ivan Ivanych “ngồi phía ngoài cửa”, “ánh trăng chiếu lên người ông”; còn ở cuối truyện thì Ivan Ivanych “cứ thở dài và trở mình luôn, sau đó ông dậy đi ra ngoài, ngồi xuống bên cửa”. Tìm hiểu truyện ngắn Người trong bao, thiết nghĩ không nên bỏ qua một đoạn kết với những chi tiết đầy ý nghĩa như thế, bởi đây là bình diện nữa, vô cùng quan trọng của chủ đề, tư tưởng tác phẩm: đánh thức, kêu gọi mọi người phải thay đổi lối nghĩ, cách sống.Và chủ đề, tư tưởng đó xuất hiện không chỉ ở Người trong bao mà ở cả một loạt tác phẩm khác của Chekhov: Phòng 6, Thảo nguyên, Khóm phúc bồn tử… như một hệ thống tư tưởng đạo đức, triết học, suy tư, khát vọng lớn lao của nhà văn về số phận con người, nhân dân, đất nước.
Ý nghĩa của Người trong bao không dừng ở nước Nga, ở châu Âu và ở cuối thế kỉ XIX. Tác phẩm đã vượt qua biên giới quốc gia, châu lục, vượt qua thời đại, để đến với những châu lục khác, thời đại khác, và luôn mới. Từ cái bao của Belikov, Chekhov đã nói tới những cái bao hữu hình cũng như vô hình khác, và những cái bao vô hình thì luôn nhiều hơn, khủng khiếp hơn, đáng sợ hơn. Những cái bao ấy “hiện còn bao nhiêu”, “trong tương lai cũng sẽ còn bao nhiêu”, “chính đây mới là điều đáng nói! Và: không thể sống như thế mãi được!”. Bạn đọc ở mọi nơi, mọi thời sẽ trả lời câu hỏi giản dị và dữ dội ấy của Chekhov.
Người trong bao không bao giờ cũ về ý nghĩa tượng trưng từ câu chuyện Chekhov đã kể và nhắn gửi. Chính cuộc sống đã làm giàu thêm các tầng vỉa ý nghĩa và văn cảnh sử dụng của hình tượng nghệ thuật giản dị nhưng rất sâu sắc, độc đáo này1
_______________
(1) M. Gorki: Bàn về văn học. Tập 1. Nxb. Văn học, H, 1970, tr.48-49.
(2) Ngữ văn 11. Tập 2. Nxb. Giáo dục, H, 2007, tập 2, tr.65-69.
(3) Trần Thị Phương Phương: Đọc Chekhov - sự tiếp nhận đa diện. Báo cáo khoa học tại Hội thảo khoa học kỉ niệm 100 năm ngày mất A. Chekhov (29.1.1860 – 15.7.1904), Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn TP. Hồ Chí Minh tổ chức năm 2004.

Share this article :
 
Support : Creating Website | phuctriethoc | NGUYỄN VĂN PHÚC
Copyright © 2013. NGUYỄN VĂN PHÚC - All Rights Reserved
By Creating Website Published by KINH TẾ HỌC
Proudly powered by NGUYỄN VĂN PHÚC
NGUYỄN VĂN PHÚC : Website | Liên hệ | phuctriethoc@gmail.com
Proudly powered by Triết học kinh tế
Copyright © 2013. NGUYỄN VĂN PHÚC - All Rights Reserved