Phong Lê và một số vấn đề lịch sử văn học Việt Nam hiện đại
15/09/2009 02:36Đọc những công trình của Phong Lê rất dễ nắm bắt ý đồ học thuật của anh, bởi nó thường được trình bầy khái quát rõ ràng ngay từ "Lời nói đầu". Trong "Lời nói đầu" cuốn "Văn học Việt Nam hiện đại - lịch sử và lí luận" (Nxb Khoa học xã hội, 2003) Phong Lê xác định nội dung phương pháp, cách thức tiếp cận đối tượng nghiên cứu – văn học Việt Nam hiện đại, đó là “khảo sát đối tượng trên bình diện thể loại, qua các giai đoạn lịch sử, gắn với sự nhận diện gương mặt các tác gia tiêu biểu cho mỗi khu vực, mỗi thời kì; sự miêu tả lịch sử về đối tượng gắn với việc đề xuất các vấn đề lí luận”
Viết về Phong Lê khó, bởi tôi không cùng chuyên môn với anh, mà tôi lại muốn viết về anh không chỉ ở phương diện tính cách, con người (về Viện Văn sau anh nhiều năm, song tôi và anh cùng thuộc “dân bản địa” biết nhau đã nhiều, hiểu nhau cũng lắm), mà chủ yếu viết về anh với tư cách một trong những chuyên gia đầu ngành về văn học Việt Nam hiện đại trong thời điểm hiện tại.
Viết về Phong Lê tôi có ý thức thông qua một trong những đại diện của giới nghiên cứu văn học Việt Nam hiện đại thấy được cuộc hành trình xuyên suốt thế kỉ của nó với những nhọc nhằn tìm kiếm, những thành công và những hạn chế không tránh khỏi.
Viết về Phong Lê tôi đồng thời muốn nhấn mạnh đóng góp của anh xung quanh việc xây dựng Lịch sử văn học với tư cách một bộ môn khoa học, đặc biệt từ sau thời kì Đổi mới.
Đọc những công trình của Phong Lê rất dễ nắm bắt ý đồ học thuật của anh, bởi nó thường được trình bầy khái quát rõ ràng ngay từ Lời nói đầu. Trong Lời nói đầu cuốn Văn học Việt Nam hiện đại - lịch sử và lí luận (Nxb Khoa học xã hội, 2003) Phong Lê xác định nội dung phương pháp, cách thức tiếp cận đối tượng nghiên cứu – văn học Việt Nam hiện đại, đó là “khảo sát đối tượng trên bình diện thể loại, qua các giai đoạn lịch sử, gắn với sự nhận diện gương mặt các tác gia tiêu biểu cho mỗi khu vực, mỗi thời kì; sự miêu tả lịch sử về đối tượng gắn với việc đề xuất các vấn đề lí luận”(1). Định hướng học thuật này đã manh nha ngay từ trong chuyên đề và tiểu luận đầu tiên của anh: Mấy vấn đề văn xuôi Việt Nam 1945-1975 (Nxb Khoa học xã hội, 1972) và Văn và người (Nxb Văn học, 1976). Sự song hành “chuyên luận” – “tiểu luận – phê bình” này kéo dài cho tới tận hôm nay(2), sau gần 50 năm, và tôi có cảm giác sự giao nhau giữa chúng, chính xác hơn, sự kết hợp của chúng, sẽ cho ra bộ Lịch sử văn học Việt Nam hiện đại - nỗi khát khao dằn vặt, món “nợ đời” mà Phong Lê phải trả, là cái đích để anh hướng tới. Có cảm giác bất cứ thời điểm nào vào lúc này anh cũng có thể làm cho hai đường thẳng song song này cắt nhau và trình làng bộ Lịch sử, song điều đó vẫn chưa xảy ra(3), bởi những cuốn sách trong tương lai gần mà anh cho biết vẫn là “cặp bài trùng – chuyên luận Hiện đại hoá và Đổi mới văn học Việt Nam thế kỉ XX(4) và tiểu luận – phê bình Đến với tiến trình văn học Việt Nam hiện đại(5)? Sự cấn cứ này, theo tôi, có thể xuất phát từ chỗ Phong Lê, với tư cách một chuyên gia, ý thức được rằng thời điểm chín muồi cho bộ Lịch sử như mong muốn chưa tới, rằng để xây dựng Lịch sử văn học như một khoa học, đòi hỏi khảo sát sâu hơn nữa đối tượng nghiên cứu – văn học Việt Nam hiện đại, trên tất cả các khu vực, nắm được yêu cầu lịch sử cơ bản của mỗi chặng đường trong tiến trình một thế kỉ phát triển của nó và những tìm tòi nghệ thuật đáp ứng những yêu cầu đó, soi rọi chúng dưới ánh sáng lí luận và phương pháp luận hiện đại, đặng tìm ra những quy luật tương đồng với quy luật phát triển văn học thế giới và những đặc trưng dân tộc của nền văn học này. Đối với anh, cũng như hầu hết các nhà nghiên cứu cùng thời, một thời gian dài là môn đệ trung thành của phê bình mác-xít, tiếp cận đối tượng theo quan điểm xã hội học thuần tuý, thì sự thay đổi cách nhìn và tiếp nhận những phương pháp, lí luận mới, quả là điều không mấy dễ dàng. Anh đã vượt được chính mình. Vẫn trên cơ sở định hướng nghiên cứu nêu trên, vẫn tuân thủ phương pháp luận mà anh đã chọn và có lẽ sẽ theo đến trọn đời, song trong những công trình gần đây, Phong Lê đã tạo một khoảng cách cần thiết đủ để nhìn nhận đối tượng một cách khách quan ở những phương vị khác nhau và triển khai nghiên cứu bằng cách thức tổng hợp và đa dạng hơn, trên một nền tri thức lịch sử - văn hoá - xã hội rộng mở hơn. Từng bước một, rốt ráo, song kiên nhẫn và chắc chắn anh đang tiến tới mục đích khoa học chính của đời mình: xây dựng bộ Lịch sử.
Bước ngoặt quan trọng trong nghiên cứu của Phong Lê diễn ra ngay từ những năm đầu Đổi mới. Điều này khiến không chỉ người ngoài mà chính anh cũng cảm thấy ngỡ ngàng. Trong cuốn Văn học Việt Nam hiện đại - lịch sử và lí luận, Phong Lê chân thành thổ lộ: “Năm 1987, và nói đúng hơn, từ năm 1990, với khởi đầu là công trình Văn học và hiện thực (Nxb Khoa học xã hội, 1990) là một giai đoạn mới trong công việc nghiên cứu của tôi – sau 30 năm sống và viết trong một bối cảnh, một quán tính quen thuộc - tưởng cứ thế, và không có gì thay đổi. Thế rồi, gần như một phép lạ… Những năm 90 thế kỉ XX, trong đó hơn một nửa thời gian làm công tác quản lí, là những năm tôi được gội trong một bầu không khí của sự nghiệp Đổi Mới - những năm kích thích rất nhiều cho những suy ngẫm, tìm tòi, qua nhiều hội thảo và công trình, để nửa sau 90 khi được thôi công việc quản lí, tôi có điều kiện dồn toàn tâm sức cho viết và đọc”(6). Với anh, người trong cuộc, có thể đó là phép lạ, và, “phép lạ” này có được là nhờ ở công cuộc Đổi mới (đại đa số người Việt chúng ta, mỗi khi có sự thay đổi gì trong cuộc sống thường đổ cho khách quan, nếu mất thì tại số mệnh, nếu được thì là nhờ “công lao” của những lực lượng siêu hình và siêu nhiên). Trên thực tế, công cuộc Đổi mới - kết quả của sự nỗ lực toàn dân tộc, trong đó có sự đóng góp đáng kể của giới trí thức, chỉ là “cú huých giải phóng năng lượng”, là cơ hội để những gì từng e dè ấp ủ trong anh có được chỗ đứng đích thực dưới ánh mặt trời để mà đơm hoa kết trái. Quá trình thay đổi về chất trong nghiên cứu của Phong Lê, theo tôi, xuất phát từ chính bản thân anh. Nếu không đau đáu với đời, không sống chết vì nghiệp, không đủ tư chất nhà nghiên cứu, thì Đổi mới cũng chỉ là cơn gió thoáng qua trên mặt nước hồ phẳng lặng mà thôi. Những thay đổi diễn ra trong sự nghiệp của Phong Lê không mấy khó hiểu, bởi anh không chỉ được “gội trong bầu không khí của Đổi mới”, mà trước tiên, và điều này quan trọng hơn, anh có may mắn ngay từ lúc khởi nghiệp đã được gội trong bầu không khí học thuật của Viện Văn học thời Đặng Thai Mai, Hoài Thanh và những chuyên gia - những nhân cách lớn khác. Một người say mê văn tài Nam Cao, kính trọng sự uyên bác hàn lâm của họ Đặng, ngưỡng mộ Hoài Thanh với Thi nhân Việt Nam và coi họ là bậc thầy của mình, một người cảm phục Vũ Ngọc Phan, có ý thức học hỏi những bậc đàn anh tài năng như Cao Huy Đỉnh(7), người đó sớm muộn cũng sẽ thoát khỏi hành lang chật hẹp của chủ nghĩa công lợi trong nghiên cứu vốn coi văn học chỉ là “đinh ốc nhỏ”, là công cụ giáo dục và tuyên truyền, tiến dần tới những giá trị thẩm mĩ đích thực, coi “văn học phải là văn học”.
Những người thầy, những bậc đàn anh ấy không chỉ cung cấp cho Phong Lê tri thức chuyên môn, phương pháp nghiên cứu, mà còn là những tấm gương, qua đó đã hình thành trong anh những phẩm chất quan trọng của nhà nghiên cứu, đó là tinh thần dân chủ, sự cởi mở, thực sự cầu thị trong chuyên môn. Thiếu tư chất này hẳn anh đã không thể đón nhận Đổi mới và đứng vào hàng ngũ của những người tiên phong của phong trào này, và tất nhiên không thể cho ra được những công trình quan trọng từ sau 1995 cho tới nay.
Chỉ cần đọc cuốn Văn học Việt Nam hiện đại – lịch sử và lí luận ta cũng nhận thấy rõ điều này. Cuốn sách xuất bản năm 2003, tức hơn một thập niên sau Đổi mới, có 2 phần chính(8). Phần I gồm cụm bài về đề tài văn học Việt Nam hiện đại viết vào những năm 1970 và bài tổng quan dài hơi: Văn xuôi Việt Nam trên con đường hiện thực xã hội chủ nghĩa viết năm 1980 kết thúc cái thời kì mà anh gọi là “chặng đường học tập, tìm tòi, thể nghiệm”. Phần II bắt đầu bằng công trình Văn học và hiện thực viết năm 1990 mang tính bước ngoặt nêu trên và kết thúc bằng Văn học Việt Nam trên hành trình của thế kỉ XX - tập hợp những bài viết từ năm 1991 tới 1997 – giai đoạn chín muồi của Phong Lê với tư cách nhà nghiên cứu. Với cấu trúc cuốn sách như vậy tác giả dường như không có ý định che giấu những cực đoan, thậm chí ấu trĩ trong một số những nhận định chủ quan một thời của mình về một số vấn đề lí luận và văn học sử. Có cảm giác anh chủ tâm cho người đọc thấy anh không “phủ nhận sạch trơn” những gì từng tâm huyết, mà làm việc theo cách: những gì chưa đúng thì nhìn nhận lại, những gì sơ lược thì làm sâu sắc hơn, chưa đủ thì bổ sung thêm và… nghĩ tiếp! (ít nhất có hai công trình, một do anh chủ trì (về Nam Cao), một của cá nhân, mang tiêu đề “nghĩ tiếp”). Đồng thời, với cấu trúc sách như vậy Phong Lê đã tạo điều kiện cho người đọc có được sự so sánh dễ dàng hai giai đoạn nghiên cứu, trước và sau Đổi mới, để thấy được sự đổi mới trong tư duy, sự trưởng thành không chỉ bản thân anh.
Đặc điểm nổi bật của nghiên cứu giai đoạn đầu của Phong Lê đó là sự hướng tâm triệt để cộng với “siêu diễn ngôn”. Nó làm ta liên hệ tới chủ nghĩa cấu trúc hiểu một cách đơn giản nhất. Tuy nhiên, khác với “trung tâm” theo chế định của chủ nghĩa cấu trúc, thường mang tính nội tại, “trung tâm” mà phê bình, nghiên cứu Phong Lê hướng tới mang tính ngoại biên, nằm ngoài văn học(9). Trung tâm này chi phối toàn bộ sự nhìn nhận, đánh giá hai bộ phận chính của đối tượng nghiên cứu: văn học nửa đầu thế kỉ XX và văn học 1945-1975 và những lí giải về các vấn đề cốt yếu của lí luận văn học, trong đó nổi bật là chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa.
Trong tổng quan Văn xuôi Việt Nam trên con đường hiện thực xã hội chủ nghĩa (1980), ở phần “dẫn luận”, văn học giai đoạn 1930-1945 (văn học công khai) được đề cập lướt qua với mục đích làm nổi bật tính ưu việt của văn học Cách mạng và nhằm khẳng định những nguyên tắc mới - hiện thực xã hội chủ nghĩa trong sáng tác của các giai đoạn tiếp sau. Định tính văn học công khai thời kì này, dựa vào luận điểm của Mác và Angghen trong Tuyên ngôn Đảng Cộng sản, Phong Lê viết: “Chính sách văn hoá của bọn đế quốc đối với thuộc địa, nhằm tạo một thế giới “theo hình ảnh của mình” chỉ nhằm phát triển các mặt tiêu cực, phản động cho phù hợp với mục tiêu nô dịch của chúng. Do vậy vào những năm 20 và 30, nếu văn học Việt Nam, trong phần chính thống của nó, có chịu ảnh hưởng của văn học phương Tây, thì sự tiếp thu ấy, trên cơ sở ý đồ thực dân, cũng chỉ là một sự cưỡng ép nhằm sao chép y nguyên bộ mặt của văn hoá chính quốc, với các dạng của chủ nghĩa lãng mạn tiêu cực, chủ nghĩa tự nhiên và các thứ chủ nghĩa suy đồi khác mà thôi. Nói cách khác, đó là bộ phận có khả năng phục vụ đắc lực nhất cho kiến trúc thượng tầng của chế độ thuộc địa”(10). Nhận định này có phần cực đoan, nhưng nó cần thiết để đặt trong thế đối lập một bộ phận không nhỏ trong văn học công khai 1930-1945 với văn học Cách mạng cùng thời, nhằm phủ nhận cái trước, khẳng định, đề cao cái sau, chứng minh tính ưu việt vượt trội của phương pháp sáng tác hiện thực xã hội chủ nghĩa trong văn học. Và cái lôgíc thực dụng: cái gì không cần cho ta, cái ấy xấu, hoặc cái cần là cái tốt, gần như xuyên suốt những nhận định tiếp theo: từ nhận định vấn đề lí luận chung như chức năng văn học, phản ánh hiện thực, tới những vấn đề cụ thể như đề tài, mô hình nhân vật – con người mới, thuyết phi bi kịch, chủ nghĩa lạc quan… trong văn học hiện thực xã hội chủ nghĩa. Thứ lôgíc này không chỉ riêng của Phong Lê, nó là lôgíc của một thời, cái thời xem “văn học như một phương tiện”, “một bánh xe”, “một đinh ốc” trong sự nghiệp cách mạng của giai cấp vô sản”(11).
Đọc Phong Lê ở phần I công trình này người ta có cảm giác bị cuốn tuột theo dòng thác ngôn từ của những nhận định liên tiếp, những nhận định có thể bắt gặp ở bất cứ ở đâu: đài, báo, ti vi, trên các cuộc họp, các cuộc tranh luận, trong trường học, trên các giảng đường, trong bài viết và các công trình... Từ cái dòng thác ngôn từ này hình thành “siêu diễn ngôn” - một thứ “vô thức lịch sử”, trong đó “cái biểu đạt” và “cái được biểu đạt” liên hệ với nhau theo một kiểu thức nhất định, lặp đi lặp lại, khiến “chưa đọc đã hiểu”. Thứ “siêu diễn ngôn” có mặt khắp mọi nơi này nhập vào văn Phong Lê thời kì đầu khiến có cảm giác nó “cứ phăng phăng” (nhận xét của Trịnh Bá Đĩnh). Khoa học là sự tìm tòi, vật lộn khổ ải để tiếp cận chân lí, thế nên ngôn ngữ biểu hiện nó thường là thứ ngôn ngữ đắn đo, cân nhắc. Ngôn ngữ một thời “phăng phăng”, bởi chân lí đã có sẵn, lại dường như bất biến, vĩnh hằng, chỉ cần minh hoạ… là đủ.
Từ điểm nhìn hiện tại, có khá nhiều luận điểm trong phần I công trình Văn học Việt Nam hiện đại - lịch sử và lí luận có thể tranh luận, phản bác. Tuy nhiên, chúng ta không phải làm việc đó, bởi chính tác giả đã tự tranh luận, phản bác và đặt lại nhiều vấn đề ngay trong phần II cuốn sách mang tiêu đề Văn học và hiện thực viết năm 1990, mười năm sau bài tổng quan Văn xuôi Việt Nam trên con đường hiện thực xã hội chủ nghĩa nêu trên. Trong Văn học và hiện thực, lần đầu tiên Phong Lê đặt vấn đề hiện đại hoá, bên cạnh cách mạng hoá, như một yêu cầu cơ bản, cấp thiết của phát triển văn học Việt Nam hiện đại. Vấn đề hiện đại hoá văn học Việt Nam nửa đầu thế kỉ XX được nhiều nhà nghiên cứu đề cập tới từ cuối thập niên 1990 cho tới nay và mỗi người có cách tiếp cận và cách thức nghiên cứu riêng(12). Với cách đặt vấn đề của mình, Phong Lê đưa văn học công khai giai đoạn 1920-1945 trở về đúng vị trí của nó. Văn học công khai được xếp ngang hàng với văn học cách mạng, và nếu có sự “so le”, thì cũng do “có lúc yêu cầu này trội lên, có lúc nhường cho yêu cầu kia”. Đánh giá lại văn học công khai nói chung, Thơ mới nói riêng, Phong Lê viết: “... cũng có lúc, và kéo khá dài, một bộ phận sáng tác của trào lưu này còn bị phê phán là quay lưng, hoặc thoát li thời cuộc, thậm chí còn bị kết tội là sự cổ vũ cho nhu cầu hưởng lạc, cho sinh hoạt cá nhân tư sản. Nhưng trên khoảng lùi của thời gian, và với cái nhìn tổng thể các yêu cầu lịch sử thì không phủ nhận một sự thật là: sự hiện diện của mảng văn học đó cũng là nhằm thoả mãn một yêu cầu lịch sử, cũng có những đóng góp nhất định trên các mục tiêu giải phóng, trong đó có sự giải phóng con người; và nhất là trên sự canh tân mạnh dạn của thể loại, ngôn ngữ, đưa tới những đóng góp lớn trên con đường hiện đại hoá nội dung và hình thức văn chương”(13). Đặt trên cùng một bình diện, Phong Lê nhấn mạnh sự cần thiết như nhau của hai dòng văn học – Cách mạng và công khai, với tư cách là những bộ phận hữu cơ của một cơ thể sống động bao gồm nhiều khuynh hướng sáng tác, kể cả chủ nghĩa tự nhiên và lãng mạn mà trước đó không lâu anh còn xếp vào hàng ngũ “những thứ chủ nghĩa suy đồi”. Nền văn học đa dạng đó làm cho người đọc “không thể hết kinh ngạc về sức chấn động của Bản án thực dân Pháp hoặc câu chuyện Nhật kí chìm tàu của Nguyễn Ái Quốc từ hải ngoại truyền về vào những năm 20 và 30; nhưng cũng không thể bỏ qua sức ám ảnh bền lâu của những câu thơ Tản Đà nói về một hiện thực khác, với những tâm trạng khác”(14). Như vậy, văn học Việt Nam 1930-1945 cho tới lúc này đã được nhìn nhận một cách tổng thể, bức tranh văn học không bị xé lẻ và trong quan hệ với hiện thực mỗi dòng văn học trong nó “có những biểu hiện, mục tiêu khác nhau”, song với những thành tựu đạt được, chúng vừa là sự khởi đầu, vừa là điểm tiếp nối tạo thành một dòng mạch chung chảy suốt thế kỉ. Điều này thể hiện rõ nét trong đánh giá Thơ mới 1932-1945, một phong trào không còn bị coi là nơi trú ngụ của cái “tôi” tiểu tư sản yếm thế, trốn tránh thời cuộc, mà được xem là “cái nôi làm xuất hiện nhiều nhà thơ tiêu biểu của văn học Việt Nam hiện đại, sẽ là dấu nối, là sự gắn nối liên tục, làm nên gương mặt thơ Việt Nam thế kỉ XX”(15). Thế hệ các nhà thơ chống Pháp, chống Mĩ với những đại diện xuất sắc của mình không chỉ tiếp thu truyền thống yêu nước cách mạng, tính chiến đấu của các bậc tiền bối trong dòng thơ ca Cách mạng 1930-1945, mà ẩn sâu trong tiềm thức sáng tác của họ, đằng sau mỗi dòng thơ họ vẫn cảm nhận được cái mã cốt di truyền từ Nguyễn Du qua Thơ mới.
Xuất phát từ sự nhìn nhận lại vai trò của văn học công khai 1930-1945, những đóng góp to lớn của nó đối với sự nghiệp hiện đại hoá văn học dân tộc, với cái nhìn tổng hoà, quan niệm về tính thống nhất, sự phát triển liên tục của văn học, Phong Lê đã đặt và lí giải lại gần như toàn bộ hệ vấn đề của lí luận và lịch sử văn học như mối quan hệ giữa văn học và hiện thực, văn học và chính trị, chức năng văn học, nhân vật – con người mới trong văn học, vấn đề chủ thể sáng tạo và phản ánh sự thật… Ngay cách đặt tên các tiểu mục của công trình cũng làm nổi bật tính chất “nhận thức lại” của nó, chẳng hạn như Nhận thức lại vị trí của chủ nghĩa hiện thực và vấn đề chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa. Có thể coi tiểu mục- bài viết này là “phản đề” của tổng quan Văn xuôi Việt Nam trên con đường hiện thực xã hội chủ nghĩa viết năm 1980 nêu trên. Nếu như trong “tổng quan”, chủ nghĩa hiện thực, nhất là hiện thực xã hội chủ nghĩa, được coi là “phương pháp sáng tác tốt nhất” (trên thực tế là duy nhất), các phương pháp sáng tác còn lại như chủ nghĩa tự nhiên, chủ nghĩa lãng mạn, chủ nghĩa hiện đại… đều bị coi là “những nấm độc sặc sỡ trên thân cây gỗ mục”, đều thuộc “những thứ chủ nghĩa suy đồi”, thì ở phần này quan niệm đó bị xem như một sự “nghèo hoá” di sản văn học nhân loại, ngăn chặn sự phát triển phong phú, đa dạng của văn học dân tộc. Vấn đề về chức năng văn học được bàn đến khá kĩ trong một tiểu mục khác với nhan đề khá dài Hệ quả của một cuộc giao lưu văn hoá Đông Tây trong câu chuyện về chức năng văn học. Ở phần này tác giả lí giải vì sao chức năng giáo huấn lại được đề cao tuyệt đối trong truyền thống văn học dân tộc và hệ lụy kéo dài của nó. Với cách nhìn mới, tác giả đã đặt cả ba chức năng: giáo dục, nhận thức và chức năng thẩm mĩ lên cùng một bình diện, xuất phát từ đặc trưng của văn học nghệ thuật với tư cách một lĩnh vực riêng biệt của hoạt động tinh thần, đồng thời nhấn mạnh sự gắn kết hữu cơ và tính liên đới giữa chúng, bởi thiếu một trong những chức năng đó sẽ mất đi tính chỉnh thể của tác phẩm nghệ thuật. Để làm rõ điều này, trong bài Phê bình và tự phê bình, Phong Lê nói tới những băn khoăn, day dứt, thậm chí là bi kịch của các văn sĩ lớn, trong đó có Nam Cao, Hoài Thanh và Nguyễn Đình Thi, khi phải lựa chọn giữa nhà văn - chiến sĩ và nhà văn - nghệ sĩ, giữa “phổ cập và nâng cao, kịp thời và lâu dài, tuyên truyền và nghệ thuật”. Sự “nhận thức lại” cũng thể hiện rất rõ trong bài viết Vấn đề con người nhìn từ sự nghiệp đổi mới đất nước. Phê phán chủ nghĩa lạc quan dễ dãi, tính khuôn mẫu, sơ lược trong xây dựng con người mới – nhân vật trung tâm của văn học hiện thực xã hội chủ nghĩa, Phong Lê khẳng định: “… nói đến một chân dung con người Việt Nam của thời đại thì chúng ta lại dè dặt. Dường như để gây một ấn tượng, tạo một ám ảnh, thì có phần chắc con người trong văn học lại đến từ những trang sách khác, thuộc thời gian khác, và không gian khác, chứ chưa phải của ta, hôm nay”(16). Nguyên nhân của sự thiếu vắng những nhân vật lớn trong văn học Việt Nam hiện đại tác giả nhìn thấy ở việc “chưa có hoặc chưa đủ độ một thế giới nghệ thuật về con người, một thế giới bắt nguồn từ đời sống, nhưng lại cao hơn đời sống, dựa vào đời sống nhưng lại thoát ra khỏi đời sống”(17). Như vậy nhân vật “người thật, việc thật”, “người tốt, việc tốt” một thời ca ngợi, không có chỗ đứng ở đây, bởi đó mới chỉ là chất liệu thô mộc, chưa được bàn tay tài hoa của người nghệ sĩ tạo thành “thế giới nghệ thuật về con người” có sức quyến rũ, ám ảnh lâu bền.
Còn rất nhiều vấn đề lí luận và văn học sử được tác giả “đặt lại”, “nhận thức lại” mà trong phạm vi bài viết chúng tôi không thể đề cập hết được. Có thể nói, cảm hứng chủ đạo trong các bài viết thời kì Đổi mới của Phong Lê là cảm hứng “phê bình và tự phê bình”. Nghiên cứu văn học, qua những công trình của Phong Lê sau Đổi mới, dần từng bước trở lại vị trí của mình - một chuyên ngành khoa học. Và nói theo ngôn ngữ của lí luận hiện đại, thì đây là thời kì của “giải cấu trúc”, tức không phải chịu sự hướng tâm nghiệt ngã, mang tính độc lập nhất định, không “minh hoạ”, “ăn theo” sáng tác; “siêu diễn ngôn” máy móc một thời dần chuyển sang ngôn ngữ của đời sống, sinh động và năng sản. “Nhận thức lại” là bước quá độ để nghiên cứu Phong Lê chuyển sang cấp độ khoa học cao hơn - cấp độ “nghĩ tiếp”.
Khi viết về Phong Lê không thể không đề cập tới những tiểu luận phê bình - chân dung văn học đặc sắc - phân nửa gia tài của anh, bởi những công trình này cung cấp cho chúng ta bức tranh sinh động về văn học Việt Nam thế kỉ XX qua những gương mặt cụ thể, những người “in được dấu ấn rõ nét trong nền văn học Việt Nam hiện đại, ở tư cách người khai phá – tiên phong, hoặc đứng ở vị trí hàng đầu, nói cách khác, là những giá trị văn chương bền vững, các vị trí văn chương đỉnh cao”(18). Những chân dung này còn là sự bổ sung quan trọng cho những chuyên luận nghiêng về lí thuyết nêu trên, làm cho nhiều luận điểm khoa học trong đó trở nên sáng rõ hơn, tạo cơ sở cho việc xây dựng bộ Lịch sử văn học Việt Nam hiện đại. Trong những tiểu luận – chân dung văn học ta bắt gặp một Phong Lê khác, đời hơn, thơ hơn, có lẽ do sự tiếp xúc trực tiếp với văn và với “người trong văn”. Quá trình viết bài này, mỗi khi mệt mỏi vì giòng thác diễn ngôn cuồn cuộn với quá nhiều những “cần, phải” ở những trang viết trước Đổi mới, tôi lại tìm tới những chân dung văn học được viết bởi một thứ ngôn ngữ bình dị, mềm mại và trong sáng - thứ ngôn ngữ của Hoài Thanh, để cho tim, óc dịu đi. Ở đây tôi không có tham vọng (đúng hơn là không thể) viết về tất cả những chân dung văn học của Phong Lê(19). Tôi chỉ nói tới những chân dung mà bản thân yêu thích, xem đó là những chân dung quan trọng, được viết kì công và hay nhất.
Đó là những chân dung Nguyễn Ái Quốc, Nam Cao và Hoài Thanh - những nhà văn hội tụ đầy đủ phẩm chất của “người khai phá – tiên phong”, “vị trí hàng đầu” và “giá trị bền vững”. Những chân dung này được viết đi viết lại nhiều lần và chiếm số trang khá lớn trong các công trình của Phong Lê từ năm 2001 tới nay.
Ngay trong Lời nói đầu cuốn Văn học Việt Nam hiện đại - những chân dung tiêu biểu (2001), Phong Lê bầy tỏ lòng “mong muốn làm sáng tỏ chân dung văn học Hồ Chí Minh trong tầm vóc của một anh hùng dân tộc và danh nhân văn hoá; người đứng ở đỉnh cao nền văn thơ cách mạng Việt Nam; người gắn tuyệt vời cả hai phương diện văn hoá và cách mạng, cả hai yêu cầu cách mạng hoá và hiện đại hoá”(20). Trong quá trình viết, luận điểm này được Phong Lê nhấn mạnh nhiều lần, trở thành sợi chỉ đỏ xuyên suốt những nghiên cứu của anh về Nguyễn Ái Quốc - tác giả Việt Nam đầu tiên, từ những năm 20 đã góp công đầu vào việc giải quyết hai yêu cầu lịch sử nói trên, tạo cơ sở để khắc phục những so le lịch sử giữa dân tộc và thời đại(21). Để thấy được vai trò lịch sử to lớn này của Nguyễn Ái Quốc đối với văn học dân tộc, trước khi đi vào phân tích sáng tác của Người, Phong Lê đã khái quát tình hình mà anh cho là “mâu thuẫn”, khi “văn học công khai, không có điều kiện đặt trực diện những vấn đề cơ bản của thời đại, hoặc có lúc chủ tâm tránh, thì mang những đổi mới trong hình thức; còn văn học cách mạng trực tiếp phô diễn nguyện vọng cơ bản của quần chúng, thì về hình thức, lại chưa thể hoặc không đặt yêu cầu phải hướng tới sự cách tân(22). Những tác phẩm tiêu biểu của Nguyễn Ái Quốc, theo Phong Lê, tránh được “mâu thuẫn” trên và với sáng tác của Người hai dòng chủ lưu của văn học 1930-1945 – công khai và cách mạng, vốn tồn tại song song, đã bắt đầu có sự hoà nhập.
Để chứng minh luận điểm của mình Phong Lê đã đưa ra những bài viết công phu về sự nghiệp thơ văn của Nguyễn Ái Quốc, đặc biệt là Nhật kí trong tù. Tác phẩm này được Phong Lê nghiên cứu khá kĩ, từ khảo sát văn bản trong cuộc hành trình kéo dài của nó trước khi tới được tay độc giả, tới những phân tích văn bản, giúp độc giả có cái nhìn mới về tác phẩm lớn ngày càng có nguy cơ bị “nhà trường hoá” này. Nhật kí trong tù, trên thực tế, là một tác phẩm rất khó tiếp cận, bởi đây là một tác phẩm thơ dịch từ tiếng Hán, dù bản dịch có “đỉnh” tới mức nào, vẫn không thể chuyển tải hết hồn cốt, tinh thần những bài thơ cũng như vẻ đẹp toát lên từ sự dung dị, cô đọng của ngôn ngữ viết ra nó… Chính vì vậy khi đọc những trang tâm huyết của Phong Lê người đọc vẫn muốn tác giả đi sâu hơn nữa vào phương diện nghệ thuật của tác phẩm, phát hiện vẻ đẹp của sự đối cực nghệ thuật: tính hiện đại trong hình thức thơ cổ điển.
Bên cạnh đó, Phong Lê còn dành nhiều công sức và trang viết cho mảng văn xuôi của Nguyễn Ái Quốc, bởi tìm thấy ở đấy sự cách tân sáng tạo rõ nét, tính cách mạng và tính hiện đại đan bện. Tất nhiên, không phải Phong Lê là người đầu tiên đề cập tới vấn đề này. Ngay từ năm 1960, một người nước ngoài, khi đọc thơ văn Nguyễn Ái Quốc, đã nhận xét về sự kết hợp giữa một “cốt cách cổ điển” với những “sáng tạo hiện đại”, giữa truyền thống và cách tân, giữa phương Đông và phương Tây(23). Một số chuyên gia khác về Nguyễn Ái Quốc cũng đã có những chuyên luận, bài viết riêng về vấn đề này. Song, ở Phong Lê, đặc điểm sáng tác của Nguyễn Ái Quốc, với tư cách người đóng vai trò rút ngắn “những so le của lịch sử”, được nhìn nhận một cách tổng hợp, gắn với một hệ những vấn đề liên quan tới hai dòng văn học, công khai và cách mạng, trước hết là vấn đề tiếp nhận của chủ thể sáng tạo vốn văn hoá nhân loại, truyền thống văn hoá dân tộc, vấn đề tiếp nhận của người đọc và sự tác động của văn chương… Trong bài viết dài hơi Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh: Hành trình thơ văn - Hành trình dân tộc, Phong Lê đưa ra nhận xét: “Nguyễn Ái Quốc đã viết với phong cách hiện đại sắc sảo, chủ yếu cho công chúng chính quốc ở phương Tây. Nguyễn Ái Quốc đã viết trong ý thức học tập cách viết của Anatôn Phrăngxơ, Anphôngxơ Đôđe, Lỗ Tấn, Tônxtoi, những truyện kí, tiểu phẩm “hiện thực” lên án chủ nghĩa thực dân. Nhưng chính người viết với phong cách hiện đại ấy rồi đây cũng sẽ là người rất mực giản dị trong cách chọn lời, chọn chữ cho một áng văn chính trị như Đường Kách mệnh (1927), hoặc chọn thể văn sao cho thích hợp với đông đảo quần chúng như trong Nhật kí chìm tàu (1930)”(24). Trong những phần tiếp theo, bên cạnh việc phân tích tác phẩm của Nguyễn Ái Quốc gắn với những vấn đề chính trị xã hội, Phong Lê đã có những trang viết chủ yếu nói về các hình thức, thể loại đa dạng trong văn xuôi Nguyễn Ái Quốc, trong đó nổi bật chùm tác phẩm sáng tác theo kiểu viễn tưởng, thông qua cái kì ảo, motíp giấc mơ phản ánh thực tại (Lời than vãn của bà Trưng Trắc), hoặc tiên đoán tương lai (Con người biết mùi hun khói hay Nhật kí chìm tàu, Giấc ngủ mười năm). Đáng tiếc số lớn những tác phẩm nêu trên đã bị thất lạc, chính vì vậy tác giả công trình đã không có điều kiện khảo cứu, nghiên cứu trực tiếp văn bản, điều hạn chế những phân tích nhằm làm nổi bật hơn nữa những cách tân sáng tạo của Nguyễn Ái Quốc, chẳng hạn phân tích những ảnh hưởng do tiếp xúc trực tiếp sáng tác của A. France, đặc biệt những tiểu thuyết bất hủ Trên đá trắng (1904); Cuộc nổi dậy của những thiên thần (1914) của đại văn hào này đối với chùm tác phẩm viễn tưởng nêu trên; hoặc so sánh loại hình chùm tác phẩm này với Giấc mộng con và Giấc mộng lớn viết trước đó, vào thập niên đầu thế kỉ, của Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu, người ngay khi ấy đã nhận thức và sử dụng loại văn viễn tưởng để chuyển tải những nội dung chính trị, xã hội cấp bách, phù hợp với sự tiếp nhận của công chúng bạn đọc vốn quen với những kiểu truyện như Từ Thức gặp tiên hay những truyện thần tiên, kì ảo khác trong kho tàng văn học dân tộc. Công việc sưu tầm, tìm kiếm những văn bản quý giá này đặt lên vai thế hệ nghiên cứu trẻ tuổi và chúng ta hy vọng họ sẽ tiếp nối công việc của các vị tiền bối một cách khoa học hơn.
Một điều nữa cần bàn liên quan tới sự gắn kết giữa tính cách tân và tính cách mạng trong sáng tác của Nguyễn Ái Quốc, đó là quan niệm văn chương của Người. Theo Phong Lê, Nguyễn Ái Quốc đã học hỏi và làm việc rất nhiều để có thể cho ra những tác phẩm có giá trị nêu trên. Song chưa bao giờ Người tự cho mình là nhà văn. Chưa bao giờ Nguyễn Ái Quốc có ý định viết tác phẩm để đời. Mục đích duy nhất của cuộc đời, “ham muốn tột bực” của Người, đó là độc lập, tự do cho dân tộc, bình đẳng bác ái cho mọi người. Người làm thơ viết văn cũng chính là để phục vụ mục đích đó. Vì vậy tác giả của Nhật kí trong tù vẫn có thể dễ dàng cho ra những câu thơ giống ca dao, dễ nhớ dễ thuộc. Nguyễn Ái Quốc - lãnh tụ đã không bị rơi vào cái bi kịch luôn treo lơ lửng trên đầu các nhà văn chuyên nghiệp: bi kịch của giá trị vĩnh cửu và cái cấp bách trước mắt, giữa tính tinh tuyển và tính đại chúng của thơ văn. Cái bi kịch giữa văn học – phương tiện tuyên truyền giáo dục và “văn học là văn học” mà Nam Cao, Hoài Thanh, kẻ ít người nhiều, đều đã phải trải qua.
Có thể nói Nam Cao là nhà văn mà Phong Lê có nhiều duyên nợ nhất. Anh đến với sáng tác của Nam Cao ngay từ các bài viết đầu tiên chung với Huệ Chi từ năm 1960. Cho tới nay, sau gần năm mươi năm, đề tài Nam Cao vẫn trở đi trở lại trong nghiên cứu của anh.
Nếu như vấn đề cơ bản nhất trong nghiên cứu sáng tác của Nguyễn Ái Quốc, với tư cách “người khai đường, mở lối” cho văn học Cách mạng, là sự gắn kết hai yêu cầu: cách mạng hoá và hiện đại hoá văn chương, thì qua sáng tác Nam Cao, Phong Lê muốn nói tới đóng góp của dòng văn học công khai, đặc biệt là bộ phận văn học hiện thực, đối với công cuộc hiện đại hoá văn học dân tộc. Công cuộc hiện đại hoá diễn ra gấp rút và trong khoảng ba chục năm đầu thế kỉ văn học Việt Nam đã trải qua một chặng đường mà các nền văn học lớn khác đã đi trong nhiều thế kỉ. Chủ nghĩa hiện thực cổ điển thế kỉ XIX vừa mới đặt chân tới mảnh đất văn chương Việt Nam đã dần bị thay thế bởi chủ nghĩa hiện thực kiểu Nam Cao, trong đó những nhân vật điển hình được thay bằng những tip người, hoàn cảnh điển hình thay bằng những mảnh đời vụn vặt. Những cốt truyện căng thẳng nói về những điều hệ trọng vốn đặc trưng cho văn học hiện thực cổ điển, được thay bằng những kiểu truyện không cốt truyện. Xây dựng những loại truyện như thế, nhà văn chủ định lôi cuốn người đọc vào những tầng nghĩa ngầm ẩn bên trong và tạo một khoảng không cho những suy tư và sự đồng sáng tạo của người đọc. Phân tích các truyện ngắn của Nam Cao và tiểu thuyết Sống mòn, Phong Lê đi tới luận điểm về sự chiến thắng của chủ nghĩa hiện thực kiểu mới trong sáng tác của nhà văn lớn này. Cũng từ những phân tích tác phẩm, cuộc đời và sự nghiệp sáng tác của Nam Cao, Phong Lê đi tới kết luận về bước chuyển logic của ông sang dòng văn học cách mạng. Khác với Nguyễn Ái Quốc, người thực hiện xuất sắc hai nhiệm vụ Cách mạng hoá và Hiện đại hoá bằng sáng tác đa dạng của mình, Nam Cao đã đi từ đỉnh cao của chủ nghĩa hiện thực - một trong những biểu hiện nổi bật của hiện đại hoá văn học, xuống một thứ chủ nghĩa hiện thực thô sơ với sự mô tả bề mặt, tuyến tính. Sáng tác thời kì “nhập cuộc” của ông là một bước lùi về nghệ thuật. Ở đây nhiệm vụ hiện đại hoá đã nhường bước cho nhiệm vụ cách mạng hoá văn học, giá trị bền lâu nhường bước cho những giá trị cấp thời, tính tinh tuyển nhường bước cho tính đại chúng. Đây đồng thời cũng là nguyên nhân dẫn tới những băn khoăn của Nam Cao về việc văn học trở thành phương tiện tuyên truyền thuần tuý, tới sự “thèm viết một cái gì đó cho đỡ nhớ” trong nhật kí Ở rừng, năm 1948. Song đây cũng mới chỉ là nỗi băn khoăn, trăn trở, chưa thành bi kịch thật sự như ở nhiều nhà văn thời kì sau này.
Đọc những bài viết về Nam Cao của Phong Lê (số trang có tới vài trăm) độc giả cảm nhận rất rõ từng bước chuyển trong nghiên cứu của anh. Nếu ở bài nghiên cứu đầu tiên, hay trong Văn và người (1976), sáng tác của Nam Cao được nhìn nhận dưới góc độ xã hội học thuần tuý và chân dung nhà văn mới chỉ là những nét phác thảo, thì tới Văn học Việt Nam hiện đại - những chân dung tiêu biểu (2001), chân dung Nam Cao đã được hoàn thiện, nghiên cứu sáng tác của ông được bổ sung đáng kể với sự khảo sát khá kĩ cuộc đời tác giả, môi trường xã hội, văn hoá và bước đầu kết hợp lối phân tích thi pháp. Cho tới công trình Về văn học Việt Nam hiện đại - Nghĩ tiếp… tiếp cận sáng tác của Nam Cao được mở rộng sang hướng nghiên cứu so sánh. Trong bài viết Sêkhốp và Nam Cao (nhìn từ hai nền văn học), sáng tác của Nam Cao được nhìn nhận trong tương quan so sánh với sáng tác của đại văn hào Nga, người mà Nam Cao tôn làm thầy, từ điểm nhìn so sánh hai nền văn học, lịch sử, văn hoá hai dân tộc. Tiếp cận Nam Cao theo hướng này, Phong Lê không chỉ làm rõ thêm vai trò “người khai phá-tiên phong, vị trí hàng đầu” của Nam Cao trong nền văn học dân tộc, mà còn cho thấy quy luật phát triển chung của chủ nghĩa hiện thực cũng như những đặc trưng dân tộc của nó qua sáng tác của hai nhà văn tiêu biểu này.
Dù những nghiên cứu của Phong Lê về Nam Cao có kì công, kĩ lưỡng tới đâu, tôi vẫn muốn anh triển khai thêm những luận điểm đang còn dừng ở mức nhận định, khái quát chung. Chằng hạn luận điểm về sự phát triển gia tốc thường được nhắc tới trong nhiều bài viết của anh. Ở chân dung Nam Cao, Phong Lê cũng gắn sáng tác của nhà văn với sự phát triển gia tốc như một đặc điểm nổi bật của văn học công khai thời kì 1930-1945. Tuy nhiên, luận giải của anh về kiểu phát triển này của văn chương mới chỉ dừng lại ở những quan sát hiện tượng bên ngoài và thiên về cảm tính. Văn học Việt Nam giai đoạn đầu thế kỉ, dưới ảnh hưởng của văn hoá phương Tây và sự phát triển gấp rút của lịch sử, phát triển căng thẳng, dồn nén, nhưng không bỏ qua bất cứ giai đoạn nào của tiến trình văn học nói chung. Song, cái gọi là “giai đoạn” ở một nền văn học non trẻ phát triển tăng tốc để giảm bớt so le lịch sử (theo cách nói của Phong Lê), hoà nhập vào dòng chảy chung của văn học thế giới, như văn học Việt Nam, thường chỉ là những dấu hiệu mờ nhạt. Trong một thời gian ngắn nó không thể làm kịp, làm kĩ những gì các nền văn học lớn trên thế giới đã làm trong nhiều thế kỉ, nên chỉ chọn những gì phù hợp với nhu cầu phát triển nội tại của mình. Chính vì thế, chủ nghĩa lãng mạn trong văn học Việt Nam đầu thế kỉ diễn ra song song với chủ nghĩa hiện thực và thường lẫn vào lối sáng tác này (trường hợp Thạch Lam), để cuối cùng nhường vị trí hàng đầu cho văn học “tả chân” vốn “sốc vác hơn” trong việc thực hiện những nhiệm vụ xã hội (cuộc đấu tranh giữa chủ nghĩa lãng mạn và chủ nghĩa hiện thực diễn ra trong anh chàng văn sĩ Điền ở Trăng sáng của Nam Cao và chiến thắng của cái thứ hai đối với cái thứ nhất trong lời phán quyết cuối cùng: văn học không thể là ánh trăng lừa dối!). Sáng tác của một số nhà văn tiêu biểu phát triển tuần tự, song thường lướt qua những cái không phù hợp với nhu cầu nội tại và các “giai đoạn” trong đó cũng trở thành những “dấu hiệu”. Trong sáng tác của Nam Cao có đủ dấu hiệu của các kiểu sáng tác, từ chủ nghĩa tình cảm, chủ nghĩa lãng mạn tới chủ nghĩa tự nhiên, thậm chí chủ nghiã hiện đại. Song ông đã “cắm sào” nơi chủ nghĩa hiện thực và đã đưa nó lên đỉnh cao phát triển bằng những truyện ngắn xuất sắc và tiểu thuyết Sống mòn của mình. Trang bị lí thuyết về sự phát triển gia tốc của văn học (trên cơ sở phát triển gia tốc lịch sử), đi sâu phân tích những tác phẩm tiêu biểu của Nam Cao trên cơ sở so sánh với sáng tác các nhà văn đương thời nói chung, các nhà văn theo khuynh hướng “tả chân” nói riêng, mới thấy hết được tài năng cũng như những đóng góp quan trọng của nhà văn này trong công cuộc hiện đại hoá gấp rút của văn học dân tộc nửa đầu thế kỉ, điều tiếp tục diễn ra vào thập niên cuối thế kỉ, theo một đường xoáy ốc diệu kì.
Trong số những người có đóng góp đáng kể cho công cuộc hiện đại hoá văn học dân tộc còn phải kể tới Hoài Thanh, nhà phê bình văn học mà Phong Lê giành nhiều tâm huyết xây dựng chân dung. Khác với chân dung của Nguyễn Ái Quốc và Nam Cao, những người Phong Lê chỉ được tiếp xúc qua sáng tác, chân dung Hoài Thanh được khắc hoạ trên cơ sở tiếp xúc với văn và với người. Tuy Phong Lê không được chứng kiến thời kì “huy hoàng” của Hoài Thanh – “người khai mạc nền phê bình văn học Việt Nam hiện đại”, chủ tướng phái “nghệ thuật vị nghệ thuật” trong cuộc chiến nẩy lửa với phái “nghệ thuật vị nhân sinh”, tác giả của Văn chương và hành động cùng Thi nhân Việt Nam, song anh lại được sống và làm việc cùng Hoài Thanh ở Viện Văn học thời kì đầu – cũng có thể nói là thời kì “huy hoàng” của Viện. Phải có sự đọc kĩ, quan sát kĩ và học hỏi kĩ Hoài Thanh thì Phong Lê mới có thể đưa ra một chân dung mà qua đó người đọc nhận diện được một thời đại văn chương trong đó có sự gắn kết chặt chẽ, tác động tương hỗ giữa sáng tác và phê bình. Có sáng tác ấy thì có phê bình ấy, thứ phê bình không nhằm liệt kê, mô tả đơn giản những gì đang diễn ra trong đời sống văn học, mà đóng vai trò độc lập trong việc đánh giá, tổng kết và định hướng văn chương. Hoài Thanh thời kì Thi nhân Việt Nam, theo Phong Lê, đã hội tụ đầy đủ phẩm chất của một nhà phê bình hàng đầu, đó là sự chiếm lĩnh văn hoá, tri thức nhân loại thông qua vốn tiếng Pháp giàu có, sự áp sát đời sống văn học đương đại, ý thức trách nhiệm của một người trước cái công việc “đãi cát tìm vàng” cực nhọc - từng đọc tất cả một vạn bài thơ để thấy được trong số ấy có non vạn bài dở. Song, điểm nổi bật nơi Hoài Thanh, cái “tài năng hơn người” của ông mà Phong Lê nhận thấy, chính là khả năng tổng quát, sự nắm bắt chính xác, tinh nhạy đặc trưng thời đại mình đang sống, nhìn thấy trong nó “sự gặp gỡ phương Tây là cuộc biến thiên lớn nhất trong lịch sử Việt Nam từ mấy mươi thế kỉ”. Đây chính là “xuất phát điểm khiến cho bao nhiêu nhận xét lung linh, sắc sảo của ông trở nên có ý nghĩa. Và cũng là điều đáng được coi là nền tảng mà bất cứ ai đi vào văn học từ thơ hay văn xuôi đều cần phải biết”(25).
Ngày nay, hơn sáu mươi năm sau khi Thi nhân Việt Nam ra đời, đối với chúng ta, các thế hệ sau được trang bị những kiến thức nhất định về phương pháp luận và lí luận văn học hiện đại, chẳng hạn như lí thuyết văn học so sánh hay lí thuyết tiếp nhận, thì những vấn đề mà Hoài Thanh nêu ra không có gì xa lạ. Song, ngay từ lúc phê bình văn học Việt Nam mới chỉ manh nha, Hoài Thanh đã có được những quan niệm hiện đại về văn học, trên cơ sở đó, bằng “con mắt xanh” của nhà phê bình đích thực, khám phá, phát hiện, về cơ bản là chuẩn xác, những tài thơ, tổng kết đánh giá cả một “thời đại thơ”, thì quả ông có tài hơn người thật. Phong Lê, người đứng trên lập trường, phương pháp luận Mác xít, vẫn hiểu, yêu và nể phục cái tài của ông, thì quả văn chương chưa và sẽ không bao giờ là thứ “độc chiếm” của riêng thứ lí luận nào. Cái Đẹp văn chương là thế giới vô tận, người ta có thể đứng ở các góc độ khác nhau để mà nhìn nhận nó.
Xuất phát từ sự hiểu, yêu là sự đồng cảm. Phong Lê hiểu cái tài và con người Hoài Thanh, nên đồng cảm sâu xa với bi kịch cuộc đời ông, người đã phải chối bỏ đứa con tinh thần của mối tình đầu với văn chương, để mãi tận cuối đời mới nhìn nhận lại nó. Nếu là Rembrandt(26), thì ở hoàn cảnh này, ông sẽ phải đổi vị trí của hai nhân vật cha-con, và đặt lại tên bức tranh nổi tiếng của mình - “Sự trở về của người cha lưu lạc”. Cái Đẹp của văn chương chắc phải là cái Đúng, vì người ta có thể lang thang vòng vèo, có thể đi lạc, song rốt cuộc vẫn hướng tới nó.
Xuất phát từ sự hiểu và đồng cảm, Phong Lê đã khẳng định những đóng góp của Hoài Thanh cho văn học dân tộc không chỉ giai đoạn trước 1945, mà còn các giai đoạn sau này, bảo vệ ông trước sự xâm hại nhân cách. Anh khẳng định: “Có thể nói mà không phân vân: ông đã chân thành và trung thực đến cùng trong yêu mê và say Thơ mới; và ông cũng đã chân thành và trung thực đến cùng trong phủ định Thơ mới và Thi nhân Việt Nam khi đã nhận ra được một chân lí nào đó. Có điều chân lí ông tìm ra có khớp được với chân lí khách quan của cuộc sống hay không lại là chuyện khác. Ông đã bị thời đại quy định nghiệt ngã, cũng như tất cả chúng ta, cũng như rộng ra khỏi chúng ta”(27). Cái Đẹp văn chương, cũng như cái Đẹp nói chung, mong manh, song không dễ chết, kể cả ở vào những thời nghiệt ngã nhất.
Rồi ra sẽ có những người viết về Hoài Thanh và Thi nhân Việt Nam hay hơn Phong Lê, song những trang viết thấm đẫm nhiệt huyết và sự cảm thông sâu sắc của một người thời gian dài từng là người đồng thời với Hoài Thanh, người cùng có đức tính như ông - trung thực với bản thân, chắc sẽ không nhiều.
Nếu có gì cần nói thêm về chân dung Hoài Thanh, thì chỉ là niềm mong muốn có được sự bổ sung trên cơ sở so sánh Thi nhân Việt Nam, Văn học phải là văn học với Văn chương và hành động, luận điểm khoa học chủ đạo về sự kết hợp giữa tính cách mạng và tính hiện đại trong văn học công khai 1930-1945 ở mảng Phê bình của nó.
Cuối cùng, ở phần kết của bài viết, tôi xin mạo muội đưa ra một nhận xét nhỏ. Đọc Phong Lê đôi khi ta cảm thấy ngợp, ngợp không phải chỉ vì khối lượng công trình, mà còn bởi các vấn đề đưa ra luôn được bổ sung, điều chỉnh. Có cảm giác cái khối lượng đồ sộ những chất liệu văn học, giống như căn phòng làm việc ngồn ngộn sách vở, cần được chỉnh trang, sắp xếp một cách hệ thống, “có định hướng” với những bổ sung và loại bỏ. Cái “định hướng” này không là gì khác, ngoài định hướng tới một bộ Lịch sử văn học Việt Nam hiện đại, niềm kì vọng không chỉ riêng Phong Lê. Có cảm giác cái chất liệu văn học - thứ “bột” để “gột nên hồ” - Lịch sử văn học, đã có đủ, song cần làm cho “tinh” hơn. Và điều quan trọng là cách “gột”, sao cho thứ “bột” hữu cơ ấy tạo nên một cơ thể sống. Nói cách khác, muốn xây dựng Lịch sử văn học, như một khoa học, đòi hỏi phải có phương pháp chuyên biệt giành cho nó - điều, hi vọng, Phong Lê sớm chiếm lĩnh.
Bài viết về Phong Lê có lẽ là một trong những bài viết khó khăn nhất của tôi. Khó, bởi vừa viết tôi vừa phải đọc anh, học anh. Nếu có điều gì sai sót thuộc lĩnh vực văn học Việt Nam trong bài viết, tôi hi vọng sẽ nhận được sự thông cảm nơi anh và các đồng nghiệp. Bài viết này nên xem như “một cái nhìn từ phía bên” mà đôi lúc cũng giúp được điều gì đó cho người “ở phía trong”1
Hà Nội, tháng 5.2008
______________
(1) Sđd, tr.5-6.
(2) Qua một loạt các công trình như: Văn học Việt Nam hiện đại - lịch sử và lí luận, 2003; Văn học Việt Nam hiện đại - những chân dung tiêu biểu, 2001; Một số gương mặt văn chương học thuật Việt Nam hiện đại, 2001; Người trong văn, 2006.
(3) Trong công trình Về văn học Việt Nam hiện đại – Nghĩ tiếp… (2005) bắt đầu hình thành sự kết hợp giữa chuyên luận và chân dung. Tuy nhiên đó mới chỉ là tập hợp các bài viết và sắp xếp vừa theo tiến trình, vừa theo tính vấn đề.
(4) Chuyên luận này, theo tác giả, dự định sẽ in quý 2 năm 2008 gồm gần 450 trang.
(5) Cuốn phê bình tiểu luận dự định sẽ in vào quý 3 năm 2008 dầy trên 400 trang.
(6) Văn học Việt Nam hiện đại - lịch sử và lí luận. Nxb. Khoa học xã hội, 2003, tr.7.
(7) Qua những chân dung xuất sắc của anh về những bậc tiền bối này.
(8) Cách chia này là của chúng tôi để dễ theo rõi và phân tích, đồng thời để nhấn mạnh sự khác biệt giữa hai giai đoạn trước và sau Đổi mới trong nghiên cứu của Phong Lê.
(9) Có thể thấy rất rõ “trung tâm” ở đây là những quan điểm Mác – Lênin về văn hoá, văn học với tính Đảng, tính giai cấp nghiêm ngặt, được thể hiện trong các văn kiện của Đảng, từ Đề cương văn hoá Việt Nam -1943 tới những Nghị quyết về văn hoá văn nghệ của các Đại hội Đảng và những ý kiến của các vị lãnh đạo Đảng lĩnh vực này ở những giai đoạn lịch sử khác nhau với những yêu cầu thực tiễn khác nhau. (Tôi còn nhớ thời kì mới về công tác ở Viện Văn học, những năm 1970, tôi cùng một số bạn trẻ được tham gia công trình do giáo sư Hồ Tôn Trinh chủ trì có tên Đảng ta bàn về văn hoá, văn nghệ. Tôi được phân công đọc và trích những ý kiến của các đồng chí Võ Nguyên Giáp, Lê Duẩn, Nguyễn Chí Thanh bàn nói về văn học nghệ thuật. Những ý kiến của các đồng chí lãnh đạo Đảng về văn học nghệ thuật được tập hợp lại thành một quyển in rônêô. Hiện công trình đó đã bị thất lạc).
(10) Văn học Việt Nam hiện đại – lịch sử. và lí luận, Sđd, tr.13.
(11) Văn học Việt Nam hiện đại - lịch sử và lí luận, Sđd, tr.47.
(12 Chẳng hạn, trong công trình tập thể Qúa trình hiện đại hoá văn học Việt Nam 1900-1945 (Nxb. Văn hoá thông tin, 2000), các tác giả xem xét vấn đề hiện đại hoá văn học Việt Nam giai đoạn đầu trên cơ sở những biến đổi mang tính bước ngoặt ở các mặt đời sống xã hội (kinh tế, văn hoá…) và quá trình văn học Việt Nam tiếp nhận văn học phương Tây, sự gia nhập của nó vào quỹ đạo văn học thế giới; Trong công trình Nhà văn tiền chiến và quá trình hiện đại hoá trong văn học Việt Nam từ đầu thế kỉ XX cho tới 1945 (Nxb. Đại học Quốc gia Hà Nội, 2005), nhà phê bình Vương Trí Nhàn xác định hướng giải quyết vấn đề hiện đại hoá văn học giai đoạn nêu trên bằng cách “đối lập toàn bộ văn học Việt Nam thế kỉ XX với nền văn học từ thế kỉ XIX trở về trước, đối lập văn học hiện đại với văn học trung đại” (Sđd, tr.22).
(13) Văn học Việt Nam hiện đại - lịch sử và lí luận, Sđd, tr.518-519.
(14) Sđd, tr.522.
(15) Sđd, tr.520.
(16) Sđd, tr.717.
(17) Sđd, tr.718.
(18) Văn học Việt Nam hiện đại - Những chân dung tiêu biểu. Nxb. Đại học Quốc gia, Hà Nội, 2001, tr.9.
(19) Có khoảng trên 60 chân dung văn học và văn hoá, học thuật nằm chủ yếu trong 4 công trình của Phong Lê xuất bản từ năm 2001 tới 2005.
(20) Văn học Việt Nam hiện đại (những chân dung tiêu biểu). Nxb. Đại học Quốc gia, Hà Nội, 2001, tr.9.
(21) Sđd, tr.142.
(22) Sđd, tr.32 Thật ra ở đây không có gì là “mâu thuẫn”, nếu đọc trang 516-517 trong Văn học Việt Nam hiện đại - lịch sử và lí luận, trong đó Phong Lê xác định khá rõ những đặc điểm của văn học cách mạng.
(23) Budaren: Nghiên cứu văn học, số 7-1960.
(24) Văn học Việt Nam hiện đại (những chân dung tiêu biểu). Sđd, tr.33.
(25) Vương Trí Nhàn: Nhà văn tiền chiến và quá trình hiện đại hoá trong văn học Việt Nam từ đầu thế kỉ XX cho tới 1945. Nxb. Đại học Quốc gia Hà Nội, 2005; tr.7-8.
(26) Rembrandt (1606-1609) Hoạ sĩ vĩ đại người Hà Lan, người vẽ bức tranh nổi tiếng Sự trở về của đứa con đi hoang (1668-1669).
(27) Văn học và công cuộc Đổi mới; Nxb. Hội Nhà văn; 1994; tr.58-59.