Home » » NHỮNG NÉT ĐẶC SẮC TRONG KHÁI NIỆM “THIÊN” CỦA DASAN JEONG YAK YOUNG (Tiếp

NHỮNG NÉT ĐẶC SẮC TRONG KHÁI NIỆM “THIÊN” CỦA DASAN JEONG YAK YOUNG (Tiếp

Written By kinhtehoc on Thứ Bảy, 5 tháng 11, 2011 | 01:03

Cùng với tính lý học, Dasan còn quan tâm nhiều đến việc phê phán Tây học. Trong thời đại của Dasan, tức cuối thời Joseon, dưới ảnh hưởng của phương Tây, Tây học (trong đó bao gồm cả khoa học kỹ thuật và Thiên Chúa giáo) bắt đầu được du nhập và trở nên phổ biến ở Hàn Quốc. Dasan đánh giá rất cao các thành tựu khoa học phương Tây và đã tự mình nghiên cứu khoa học kỹ thuật để xây dựng nên “thành Thủy Nguyên”. Ông đã đạt đến những nhận thức sâu sắc và có thể phân biệt rạch ròi giữa khoa học tự nhiên và Thiên Chúa giáo trong các khía cạnh khác nhau của Tây học(9). Vì thế, dù đánh giá cao khoa học kỹ thuật phương Tây nhưng ông vẫn phản đối Thiên Chúa giáo. Đã có rất nhiều ý kiến về mối quan hệ giữa Dasan và Thiên Chúa giáo. Ví dụ như, có người đánh giá Dasan là “ngoại hữu nội gia” (外有內耶) (bên ngoài thì là nhà Nho mà bên trong lại là người theo Gia tô giáo)(10). Hay cũng có ý kiến cho rằng, Dasan chủ trương thông qua việc thấu hiểu bản chất của Nho học và Thiên Chúa giáo để khiến cho hai đối tượng này có thể giao lưu một cách bình đẳng và cùng tồn tại(11). Trong quan điểm của nhiều học giả, những luận thuyết của Dasan, như “đức hạnh luận”, “tu dưỡng luận” - bao gồm “Thượng đế luận, lý khí luận, âm dương ngũ hành luận, quỷ thần luận, thiện ác luận” -, “tứ thiên (四天) luận”, v.v. đều được hình thành dựa trên những ảnh hưởng của Tây học. Như vậy, điểm chung của các ý kiến trên là đều cho rằng, Tây học có ảnh hưởng sâu sắc tới tư tưởng của Dasan.
Song, cho dù Dasan có thật sự tiếp thu nhiều ảnh hưởng của Tây học thì cũng không thể coi ông là “tín đồ” của Thiên Chúa giáo. Bản thân ông đã đưa ra Thượng sơ văn để chính thức phủ nhận việc mình là một giáo đồ Thiên Chúa(12). Ông nhận thấy rằng, trong số các giáo lý của Thiên Chúa giáo, có nhiều điểm, về cơ bản, trái ngược với những điều răn dạy của Nho học - hệ thống tín niệm của mình, như chủ trương “không thờ cúng tổ tiên”. Trong Nho học, việc thờ phụng tổ tiên có liên quan mật thiết đến việc khẳng định tính nhân luân. Thờ cúng tổ tiên là biểu hiện của ý thức “báo ân” đối với các bậc tổ tiên và cha mẹ đã sinh thành và nuôi nấng mình. Đó là việc thực hiện đạo hiếu, đức mục cơ bản nhất của nhân luân. Dasan đã đặt ra mục tiêu cho hệ học vấn của mình là kiến lập thế giới nhân luân, nên với ông, việc phủ nhận nghĩa vụ thờ cúng tổ tiên như quan điểm của Thiên Chúa giáo là không thể chấp nhận được. Có thể nói, dù Dasan đã tiếp nhận nhiều ảnh hưởng từ Thiên Chúa giáo, nhưng rõ ràng, thế giới lý tưởng của ông không hề được xây dựng thông qua Thiên Chúa giáo. Ông chỉ sử dụng những khía cạnh nhất định của Thiên Chúa giáo để thực hiện mục đích vốn có của Nho học.
Tóm lại, Dasan đã nhận thấy rằng, không thể dùng những hệ học vấn đương thời, như tính lý học, Dương Minh học, huấn cổ học, Tây học… để kiến lập thế giới nhân luân. Ông cho rằng, có thể dựa trên những suy ngẫm và phê phán về Chu Tử học - hệ học vấn đang chi phối đời sống và nhận thức của những nhà trí thức thời đó - để tạo nên một hệ học vấn có thể đảm đương nhiệm vụ đó. Dưới đây, chúng tôi sẽ xem xét quan niệm của Dasan về “thiên” để biết ông đã khắc phục Chu Tử học và sáng lập hệ học vấn của mình như thế nào.
3. Những đặc sắc trong quan niệm của Dasan về “thiên”
“Thiên” thường được sử dụng với ba nghĩa: “thương thương thiên” (蒼蒼天), “chủ tể thiên” (主宰天) và “lý pháp thiên” (理法天). Chu Tử nói: “Nguyên nhân trời thành trời là theo lý. Nếu trời không có đạo lý này thì không thể là trời được nên bầu trời xanh xanh cũng là bầu trời của đạo lý đó”; và, “Khi nói rằng ‘bầu trời sáng gọi là bản tính lý’ tức là nói đến đạo, khi nói ‘trời xanh và xanh’ là nói đến hình thể, khi nói ‘chỉ có Thượng đế mới ban cho bách tính dưới trần tấm lòng yêu thương tình nghĩa’ là nói đến chữ ‘đế’ (). Vì trời ban cho lý đó nên mới mang nghĩa chủ tể”. Trong câu trích dẫn thứ nhất, có thể thấy, căn nguyên của bầu trời trong sáng là ở “lý”; và, trong câu trích dẫn thứ hai, tính chủ tể của trời cũng là ở “lý”. Như vậy, Chu Tử học quy hết “thương thương thiên” và “chủ tể thiên” về “lý pháp thiên”. Do đó, trong Chu Tử học, thay vì “thiên”, “lý” xuất hiện như một tồn tại có thực và căn bản nhất, có thể cai quản sự sinh thành và biến hóa của vạn vật.
Dasan đã phủ định quan niệm “lý pháp thiên” đó của Chu Tử học, vì quan niệm đó quy thiên thành lý(13). Trong quan niệm đó, “lý” không chỉ là tồn tại thực, độc lập, căn bản nhất, có thể hình thành nên mọi tồn tại và cai quản sự biến hóa của vạn vật, mà còn là một nguyên lý hình nhi thượng, làm căn cứ cho quy tắc đạo đức mà con người phải tuân theo. Dasan không thừa nhận “tính độc lập và tồn tại thực”, “tính chủ tể” và “tính căn nguyên của giá trị đạo đức” đó của “lý”. Theo ông, “lý” chỉ có nghĩa là “mối liên kết” (mạch lý - 脈理) tồn tại bên trong sự vật hoặc trạng thái nào đó(14). “Lý” không vượt quá một “y phụ chi phẩm” (依附之品), tức một thuộc tính không tồn tại độc lập bên ngoài các sự vật cá biệt. Với việc phủ nhận tính tồn tại thực và độc lập của “lý”, để phê phán quan niệm của Chu Tử học coi “lý” là sự tồn tại siêu hình có thể sáng tạo nên vạn vật, Dasan cũng phủ nhận tính chủ tể của “lý”. Theo ông, “tính chủ tể” có được từ “sự anh minh”. Trong khi đó, “lý” không có trí lực anh minh. Cái “lý” như thế không thể điều khiển được sự biến hóa của vạn vật và hành vi của con người. Dasan còn cho rằng, “lý” không thể được đúc kết thành nguyên lý đạo đức, tức “sở đương nhiên chi lý” (所當然之理), không thể là căn nguyên của những hành vi đạo đức, bởi nguyên lý đạo đức phải có khả năng điều hành năng động để có thể dẫn dắt mọi hành vi của con người, mà “lý” thì không biểu hiện được tính năng động và tính chúa tể. Như vậy, Dasan đã phủ nhận “tính tồn tại độc lập và thực tiễn”, “tính chủ tể” và “tính căn nguyên của các giá trị đạo đức” và qua đó, phê phán quan niệm “lý pháp thiên” của Chu Tử học với sự đúc kết “lý” thành cội nguồn chung của sự tồn tại và giá trị.
Từ việc phủ định “lý pháp thiên” như trên, Dasan đã đưa ra cách hiểu mới về hai khái niệm “thương thương thiên” và “chủ tể thiên”(15). Về khái niệm “thương thương thiên”, Dasan nói: “Bầu trời mang sắc xanh kia không hơn gì một mái nhà che chở cho con người; về vị thế thì cũng chẳng vượt quá so với đất, nước, gió; như vậy làm sao có thể là căn bản cho tính và đạo của con người được?”(16). Đặc tính thứ nhất của “thương thương thiên”, mà chúng ta có thể cảm nhận bằng giác quan, là có hình thể. Theo đó, “thương thương thiên” không là gì khác ngoài một thực thể trong vạn vật như đất, nước, gió… Đặc tính thứ hai của “thương thương thiên” bắt nguồn từ việc nó sinh ra từ khí. Theo đó, nó không phải là một tồn tại linh thiêng và vì thế, nó không thể sinh ra cho con người bất cứ một bản tính nào, cũng như không thể là nguồn gốc của tính và đạo. Và đương nhiên, “thương thương thiên” cũng không thể có mối liên quan gì với thế giới nhân luân, nơi mà con người sống theo đạo lý và bản tính của mình.
Theo Dasan, mọi thực thể trong thế giới tự nhiên đều là sự tồn tại vật chất do “khí” tạo thành. Nói cách khác, vũ trụ hình thành từ “khí”, tức “thái cực”. Đầu tiên, nhất khí của thái cực phân hoá thành nhị khí thiên địa; sau đó, nhị khí biến hoá thành tứ khí thiên địa thuỷ hoả; sự tác động qua lại giữa bốn khí đó lại tạo thêm sơn (), trạch (), phong (), lôi () để trở thành bát vật, từ đó tạo nên vạn vật(17). Khí có hình thể, nhưng không có năng lực tri giác. Mà theo Dasan, phải có sự anh minh thì mới có khả năng cai quản vạn vật, dù là bất cứ tồn tại nào. Một thực thể không có sự anh minh thì không thể điều hành được sự vận động biến hoá của bản thân mình cũng như của các thực thể khác. Vì thế, tạo hoá - quá trình phân hoá nhất khí của thái cực thành vạn vật - không thể là sự tự vận động của thái cực. Chủ thể của tạo hoá phải được xác định rõ ràng. Chủ thể đó chính là Thượng đế với tư cách “chủ tể thiên”. “Chủ tể thiên” là sự tồn tại tuyệt đối, độc nhất vô nhị, tuy không có hình thể và hình chất nhưng lại có thể cai quản muôn vật một cách sáng suốt. Thượng đế đứng bên ngoài trời, đất, quỷ thần và người để sinh thành, cai quản và đem lại sự yên ổn cho vạn vật. Ở đây, Dasan đã bổ sung ý nghĩa “Thượng đế” vào khái niệm “thiên” truyền thống và đưa ra khái niệm “Thượng đế thiên”.
Về địa vị của Thượng đế, Dasan cho rằng, Thượng đế là một tồn tại siêu hình, bên ngoài trời đất. Nhận định này khác với việc xác định “bản nguyên” trong thế giới quan truyền thống phương Đông, mà theo đó, bản nguyên được quy định là thiên, đạo, thái cực, khí hay lý. Nếu xác định rằng bản nguyên nằm trong giới tự nhiên, thì nguyên lý vận hành của tự nhiên (thiên đạo) được quy thành nguyên lý của những hành vi của con người (nhân đạo), đó chính là đặc trưng của thế giới quan theo quan niệm “thiên nhân hợp nhất”. Nhưng khi quy sự tồn tại tận cùng thành sự tồn tại siêu nhiên, như quan niệm của Dasan, tình thế lại khác đi. Lúc này, sự tồn tại tận cùng được nhấn mạnh thành sự tồn tại tuyệt đối, không phụ thuộc vào “lý pháp” của tự nhiên. Với tư duy như thế, vạn vật trong tự nhiên chịu sự chi phối của mệnh lệnh từ Thượng đế nhiều hơn là chịu sự chi phối của nguyên lý vận hành nội tại của tự nhiên. Theo đó, con người, với tư cách một trong những thành phần của tự nhiên, phải biết thấu suốt mệnh lệnh của Thượng đế và làm tròn vai trò mà Thượng đế giao phó. Dasan cho rằng, nhiệm vụ của con người “không phải là hợp nhất theo thiên đạo” mà là phải “sáng suốt phục tùng Thượng đế”.
Chức năng của Thượng đế trong mối quan hệ với vạn vật là “tạo tác (tạo hóa - 造化), cai quản (tể chế - 宰制) và an dưỡng (安養)”. Ở đây, việc “cai quản” và “an dưỡng” không phải là khó hình dung, bởi chỉ đơn giản là làm cho vạn vật yên ổn. Vấn đề là, phải hiểu như thế nào về “sự tạo tác”. Liệu có thể cho rằng “tạo tác” là sinh thành nên trời đất hay không?
Nói chung, “tạo hóa” có nghĩa là “sinh thành (生成) và hóa dục (化育)”. Song, tùy vào việc mối quan hệ giữa chủ thể và đối tượng của sự tạo tác được nhìn nhận như thế nào mà hình ảnh cụ thể của tạo hóa cũng khác đi. Trong quan niệm về thiên địa vạn vật (thế giới quan truyền thống của phương Đông), chủ thể của sự tạo tác được cho là trời đất (âm dương) và đối tượng của nó được hiểu là vạn vật. Ở đó, trời đất không vượt ra khỏi vạn vật. Sự “sinh thành, hóa dục” được thực hiện thông qua mối giao cảm tương hỗ giữa trời (dương) và đất (âm). Sự tạo tác chính là quá trình sinh thành vạn vật thông qua tác dụng giao cảm tương hỗ của trời đất bên trong thế giới tự nhiên. Khác với quan niệm đó, Dasan phủ nhận việc coi trời đất là cha mẹ sinh ra vạn vật. Ông cho rằng, chủ thể của sự tạo tác là Thượng đế, đối tượng là vạn vật trong trời đất(18). Thượng đế - chủ thể của quá trình tạo tác - vượt lên hẳn vạn vật  (đối tượng của sự tạo tác) trong đất trời. Ở đây, sự “sinh thành, hóa dục” được hiểu là việc Thượng đế sáng tạo ra vạn vật. Xét về khía cạnh này, đối với Dasan, sự tạo tác bao hàm cả quá trình sáng tạo ra trời đất. Nói tóm lại, Dasan cho rằng, Thượng đế là tồn tại tuyệt đối, duy nhất, có tính anh minh và khả năng cai quản vạn vật; Thượng đế sinh thành và cai quản vạn vật, đồng thời mang lại sự yên lành cho vạn vật.
Trong triết học của Dasan, việc đề cao vai trò của Thượng đế xuất phát từ quan niệm của ông về mối quan hệ giữa trời với người. Dasan cho rằng, Thượng đế và con người đều là chủ thể hành động của chính mình và hai bên có thể thông hiểu qua mối quan hệ mang tính hỗ tương. Thượng đế và con người được liên kết thông qua hành vi “ra lệnh” và “phục tùng”. Thượng đế ra mệnh lệnh và bắt con người phục tùng theo; con người tuân theo Thượng đế. Hiểu và làm theo mệnh lệnh của Thượng đế thì con người sẽ đạt được những điều mình mong muốn.
Theo Dasan, mệnh lệnh mà Thượng đế ban xuống cho con người thể hiện dưới hai hình thức. Thứ nhất là việc Thượng đế ban cho con người bản tính với khuynh hướng thích thiện, ghét ác ngay từ khi con người sinh ra. Thứ hai là việc Thượng đế giám sát, làm sáng tỏ mọi hành vi của con người trong suốt quãng đời của họ. Khuynh hướng thích thiện, ghét ác của con người chính là hình thái của “bản tính” (本性) mà con người có được, còn tính sáng suốt của Thượng đế để giám sát hành vi của con người xuất hiện như hình thái của “đạo tâm” (道心). Thượng đế cai quản con người dưới hai hình thức mệnh lệnh này. Việc con người nhận và phục tùng mệnh lệnh của Thượng đế được đánh giá thông qua sự so sánh giữa một bên là hành vi của con người với một bên là đạo tâm và bản tính. Đây chính là “suất tính” (率性) và “giới thận khủng cụ” (戒愼恐懼) - đều chỉ thái độ của con người khi tiếp nhận mệnh lệnh của Thượng đế. Như vậy, quan hệ giữa Thượng đế và con người là mối quan hệ tương tác trực tiếp thông qua mệnh lệnh và sự phục tùng.
Dasan cho rằng, nội dung thực chất của mệnh lệnh và sự phục tùng, cái tạo nên sự tương tác giữa Thượng đế và con người chính là “nhân luân”. “Việc trời theo dõi thiện ác của con người luôn có trong nhân luân. Việc con người tu dưỡng bản thân và nghe theo mệnh lệnh của trời xét cho cùng cũng là việc nỗ lực thực hiện theo nhân luân”(19). Thượng đế ra mệnh lệnh để bắt con người thực hiện nhân luân, con người thực hiện nhân luân và có thể tương tác với Thượng đế bằng việc phục tùng mệnh lệnh đó. Để thực hiện nhân luân, bản thân mỗi con người phải tu dưỡng về thận độc (愼獨), thành () và giới thận khủng cụ (戒愼恐懼). Việc mỗi người tu dưỡng bản thân, thực hiện nhân luân trong quan hệ với người khác chính là tuân theo mệnh lệnh của Thượng đế. Từ đây, có thể thấy, việc Dasan đưa ra hình tượng Thượng đế chính là nhằm mục đích xây dựng thế giới nhân luân. Việc ông đưa ra khái niệm “Thượng đế thiên” với tư cách “chủ tể thiên” và khắc họa Thượng đế thành một nhân vật có vị trí tuyệt đối với tâm hồn lương thiện và anh minh, một người giám sát nghiêm khắc, cho thấy ý đồ của ông là làm xuất hiện sự kính nể mang tính tôn giáo trong con người, đem lại động cơ thực hiện luân lý mạnh mẽ trong hiện thực, từ đó xây dựng nên một xã hội có luân lý. Như vậy, Dasan đã xây dựng hình tượng Thượng đế với mục đích thực tế là xây dựng một thế giới nhân luân. Điều này hoàn toàn khác biệt với quan niệm Thượng đế của Thiên Chúa giáo.
Trong giới học giả Hàn Quốc, có nhiều ý kiến cho rằng, Thượng đế trong quan niệm của Dasan có quan hệ chặt chẽ với “Chúa trời” trong Thiên Chúa giáo. Đương nhiên, chúng ta không thể coi nhẹ những ảnh hưởng mà Dasan đã tiếp nhận từ hệ tư tưởng ấy. Có lẽ, trong quá trình tìm kiếm các phương án đa dạng để tái lập quan niệm về luân lý, Dasan đã khám phá được những điểm nhấn ấn tượng trong hình tượng Chúa trời của Thiên Chúa giáo. Tính chất và khả năng của Thượng đế mà Dasan đưa ra cũng có nhiều điểm tương đồng với Chúa trời. Nhưng, rõ ràng, việc đồng nhất Chúa trời của Thiên Chúa giáo với quan niệm về Thượng đế của một người coi trọng nhân luân như Dasan sẽ tạo nên sai lệch căn bản trong bản chất của cả hai quan niệm này.
Tóm lại, quan niệm mới mẻ về Thượng đế mà Dasan đưa ra có vài điểm giống với Chúa trời trong Thiên Chúa giáo. Đặc biệt, việc coi Thượng đế là một thực thể siêu nhiên có thể được đánh giá là đã bước ra khỏi quan niệm đồng nhất giữa người và trời của thế giới quan truyền thống phương Đông, tiếp cận thế giới quan phân tách trời và người của phương Tây. Như vậy, có thể thấy rằng, triết học của Dasan đã đạt đến điểm giao thoa giữa phương Đông và phương Tây. Nhưng, Dasan đã không tìm kiếm trong văn hoá phương Tây các cách thức giải quyết vấn đề thực tiễn của Hàn Quốc lúc đó, mà ông dựa trên chính nền tảng học vấn phương Đông. Ông đã tìm trong Nho giáo lý luận thực tiễn để xây dựng thế giới nhân luân. Trong đó, giai đoạn đầu tiên của việc kiến lập thế giới nhân luân là đưa ra quan niệm mới về “Thiên” - một quan niệm mang đặc trưng của “Thượng đế thiên”. Trên nền tảng đó, Dasan đã xây dựng nên quan niệm về con người, chính trị và xã hội.r


(*) Thạc sĩ, Viện Nghiên cứu Nho giáo, Đại học Quốc gia Chungnam, Hàn Quốc.
(1) Jeong Yak Young. Dữ Do đường toàn thư. Nxb Yeo Gang, Seoul, 1985, t.1, q.21, phần 4b, “Thi văn tập” (與猶堂全書 1 21 4b 詩文集)).
(2) Xem: Jeong Yak Young. Sđd., t.1, q.18, phần 40a, “Thượng yểm viên thư” (與猶堂全書 1 18 40a 上弇園書)).
(3) Xem: Jeong Yak Young. Sđd., t.1, q.20, phần 20a, “Thi văn tập, Ngũ học luận” (與猶堂全書 1 20 20a 詩文集五學論)).
(4) Jeong Yak Young. Sđd., t.1, q.11, phần 18b, “Ngũ học luận” (與猶堂全書 1 11 18b 五學論).
(5) Xem: Han Jung-gil. Sự hình thành và triển khai thế giới quan trong Đạo học đầu thời Joseon. Nxb Hye An, Seoul, 2004, tr.305.
(6) Xem: Oh Jong-il. Cấu trúc tư tưởng kinh thế của Dasan. Tạp chí Nghiên cứu tư tưởng Nho giáo, số 2, 1987, tr.4.
(7) Xem: Jeong Yak Young. Sđd., t.1, q.12, phần 18a-19a, “Thi văn tập. Biện. Trí lương tri biện” (與猶堂全書 1 12 18a~19a 詩文集良知辨).
(8) Jeong Yak Young. Sđd., t.1, q.12, phần 18b, “Thi văn tập. Biện. Trí lương tri biện” (與猶堂全書 1 12 18b 詩文集良知辨).
(9) Xem: Choi Ik-hoan. Học phái thực học và Dasan. Nxb Văn hóa Hàn Quốc, Seoul, 1996, tr.288.
(10) Xem: Lee Sang-eun. Quá trình hình thành và phát triển của tư tưởng thực học. Nxb Tạp chí Chang Jo, 1972.
(11) Xem: Choi Suk-u. Tư tưởng Tây học của Dasan Jeong Yak Yong. Nxb Da-sod Su-rye, Seoul, 1993; Lee Guang-ho. Sự gặp gỡ của Dasan và Cơ Đốc giáo. Tạp chí Nghiên cứu triết học, số 19, 2003.
(12) Xem: Viện biên dịch cổ truyền Hàn Quốc. Chính Tổ thực lục (Chính Tổ năm thứ 21, tháng 6 Canh Dần). Nxb Phát triển văn hóa dân tộc, Seoul, 1993.
(13) Xem: Jeong Yak Young. Sđd., t.2, q.4, phần 21a, “Trung dung giảng nghĩa” (與猶堂全書 2 4 21a 中庸講義).
(14) Xem: Jeong Yak Young. Sđd., t.2, q.6, phần 38b, “Mạnh Tử yếu nghĩa. Q.2” (與猶堂全書 2 6 38b 孟子要義 2).
(15) Xem: Jeong Yak Young. Sđd., t.1, q.8, phần 3a, “Trung Dung sách” (與猶堂全書 1 8 3a 中庸策).
(16) Jeong Yak Young. Sđd., t.2, q.6, phần 38b, “Mạnh Tử yếu nghĩa” (與猶堂全書 2 6 38b 孟子要義).
(17) Xem: Jeong Yak Young. Sđd., t.3, “Thiệu Tử tiên thiên luận” (與猶堂全書 3 邵子先天論).
(18) Xem: Jeong Yak Young. Sđd., t.2, q.31, phần 12, “Mai Thị thư bình. Q.3” (與猶堂全書 2 31, 12, 梅氏書評 3).
(19) Jeong Yak Young. Sđd., t.2, q.3, phần 5b, “Trung Dung tự châm” (與猶堂全書 2 3 5b 「中庸自箴」)
Share this article :
 
Support : Creating Website | phuctriethoc | NGUYỄN VĂN PHÚC
Copyright © 2013. NGUYỄN VĂN PHÚC - All Rights Reserved
By Creating Website Published by KINH TẾ HỌC
Proudly powered by NGUYỄN VĂN PHÚC
NGUYỄN VĂN PHÚC : Website | Liên hệ | phuctriethoc@gmail.com
Proudly powered by Triết học kinh tế
Copyright © 2013. NGUYỄN VĂN PHÚC - All Rights Reserved