Home » » nhà nghiên cứu Phan Cự Đệ

nhà nghiên cứu Phan Cự Đệ

Written By kinhtehoc on Thứ Ba, 15 tháng 11, 2011 | 02:39

Chặng đường 50 năm của nhà nghiên cứu Phan Cự Đệ - Những đóng góp về lý luận và lịch sử văn học.

23/03/2007 04:32
"Tuyển tập Phan Cự Đệ" vừa ra mắt người đọc năm 2006 này nằm trong hệ thống sách tham khảo đặc biệt của Nhà xuất bản Giáo dục, bên cạnh một số tuyển tập khác của nhiều nhà nghiên cứu có uy tín trong giới nghiên cứu văn học. Bộ sách được in đẹp, trang trọng với một khối lượng khá đồ sộ gồm 3 tập: tập I - 740 trang; tập II - 752 trang; tập III - 832 trang.
        
Tuyển tập Phan Cự Đệ vừa ra mắt người đọc năm 2006 này nằm trong hệ thống sách tham khảo đặc biệt của Nhà xuất bản Giáo dục, bên cạnh một số tuyển tập khác của nhiều nhà nghiên cứu có uy tín trong giới nghiên cứu văn học. Bộ sách được in đẹp, trang trọng với một khối lượng khá đồ sộ gồm 3 tập: tập I - 740 trang; tập II - 752 trang; tập III - 832 trang.
 
Kể từ bài tiểu luận đầu tiên về văn học dân gian đăng trên tạp chí Văn Sử Địa năm 1955, cho đến nay, Giáo sư- Viện sĩ Phan Cự Đệ đã có một quá trình nghiên cứu 50 năm. 50 năm miệt mài trên những trang viết, 50 năm gắn bó với quá trình vận động của văn học hiện đại, tên tuổi của ông ngày càng được khẳng định như một nhà nghiên cứu có những đóng góp không nhỏ cho lý luận- phê bình- nghiên cứu văn học. Trên 2300 trang sách khổ lớn được tuyển lại từ trên 30 tác phẩm đã xuất bản là phần kết tinh của những kết quả nghiên cứu mà người viết tin cậy gửi gắm đến người đọc như phần tâm huyết nhất của một đời cầm bút.
 
Tập I của bộ sách giới thiệu các trào lưu và khuynh hướng văn học trong thế kỷ XX - văn học lãng mạn, văn học hiện thực phê phán, văn học hiện thực xã hội chủ nghĩa và các trào lưu khác; tiểu thuyết Việt Nam thế kỷ XX nhìn từ góc độ thể loại; các tác gia lý luận và văn xuôi.
 
Tập II bao gồm hai tập Tiểu thuyết Việt Nam hiện đại (in năm 1974, 1975), các tiểu luận về giao lưu văn học, văn hóa Việt Nam và quốc tế cùng nhiều tiểu luận về tác giả và tác phẩm văn xuôi nước ngoài như Thụy Điển, Đan Mạch, Ấn Độ, Hà Lan…
 
Tập III của bộ sách dành phần lớn cho Văn học lãng mạn 1932-1945 trong đó có các tập sách Phong trào Thơ mới 1932-1945 (in năm 1966), Tự Lực văn đoàn- con người và văn chương (in năm 1990), các bài phê bình các tác phẩm văn chương lãng mạn, các tiểu luận về Hàn Mặc Tử, Nguyễn Tuân và phần Phê bình tiểu luận gồm nhiều đề tài khác nhau, trong đó đáng chú ý là hai bài viết có thể gộp thành một chuyên luận về thể truyện ngắn.
 
Có thể nói, ngay từ những bước nghiên cứu đầu tiên, Phan Cự Đệ đã là một ngòi bút có thiên hướng chuyên sâu. Hai công trình ra đời sớm của chặng đường này đã phần nào có tính khai phá, cắm cái mốc đầu tiên trong việc nghiên cứu những hiện tượng văn học lớn. Đó là hai cuốn Phong trào Thơ mới lãng mạn 1932-1945 (1966) và Tiểu thuyết Việt Nam hiện đại- 2 tập (1974). Là một nhà giáo giảng dạy và viết giáo trình văn học sử từ rất sớm (cuốn Giáo trình văn học Việt Nam 1930-1945 in năm 1961), Phan Cự Đệ đã tự bổ sung cho mình những kiến thức lý luận và triết học- mỹ học để có thể đi sâu vào hai đề tài vừa mới mẻ vừa phức tạp này. Các công trình này của ông là sự kết hợp cả cái nhìn văn học sử với tư duy lý luận để có được những kiến giải kỹ lưỡng và khá thuyết phục về những vấn đề mà ông đề cập. Có thể nói, sau Thi nhân Việt Nam của Hoài Thanh - sự tổng kết tài năng về Phong trào Thơ mới, cả phương diện lịch sử đến những vấn đề bản chất thẩm mỹ của nó, thì cuốn Phong trào Thơ mới 1932-1945 của Phan Cự Đệ được viết trong nhu cầu nhìn nhận và khám phá tiếp tục về phong trào này và cả trong mong mỏi kỳ vọng của người “tiên khu” Hoài Thanh đối với nhà nghiên cứu trẻ khi đó: “Ở chỗ nào tôi dừng lại, anh phải vượt lên phía trước” (Nhìn lại một chặng đường). Vượt lên là sự không dễ dàng, nhưng Phan Cự Đệ đã đặt ra và xử lý hiện tượng Thơ mới trong một phương pháp nghiên cứu mới để từ đó có những kiến giải vừa mang tính bổ sung vừa mở ra những chiều kích khác - đó là đóng góp của cuốn sách. Những quan điểm của Marx - Engels mà tác giả thâu nhận được một cách say mê qua cuốn Marx - Engels và những vấn đề văn học của Friedlander cùng với những vấn đề lý luận của chủ nghĩa lãng mạn, chủ nghĩa tượng trưng được chủ động vận dụng đã giúp tác giả có cái nhìn sâu hơn về hiện tượng Thơ mới, đặc biệt là quan niệm mỹ học của Thơ mới nảy sinh trong một bối cảnh xã hội cụ thể, để từ đó nhận ra những mặt tích cực và tiến bộ cũng như con đường bế tắc của chủ nghĩa cá nhân trong Thơ mới. Cuốn sách với những thành công và cả những hạn chế lịch sử khó tránh khỏi đã thể hiện được giá trị vững chãi của nó: 4 lần tái bản cho thấy nó vẫn song hành được với thời gian và người đọc trong hàng chục năm sau. Và trong sự phong phú đến vô cùng của nhiều cách tiếp cận Thơ mới trong những năm qua, cuốn Phong trào Thơ mới vẫn có một vị trí nhất định cả trong ý nghĩa khai phá và mở rộng đề tài này sau 1945, cả trong một phương pháp tiếp cận triệt để và nhất quán những quan điểm mỹ học Marx - Engels để lý giải một hiện tượng văn học lớn và phức tạp.
Tiểu thuyết Việt Nam hiện đại là một công trình đầu tiên nghiên cứu sự phát triển tiểu thuyết Việt Nam một cách kỹ lưỡng về phương diện văn học sử cũng như phương diện lý thuyết thể loại. Về mặt lịch sử, có thể nói lần đầu tiên tiến trình tiểu thuyết Việt Nam được trình bày một cách hệ thống, từ Quá trình hình thành và phát triển, Những mầm mống và khuynh hướng tiểu thuyết trước năm 1930 cho đến Những khuynh hướng tiểu thuyết hiện đại trước Cách mạng tháng Tám, Sự phát triển tiểu thuyết hiện thực xã hội chủ nghĩa cùng với những biến đổi của bộ mặt thể loại từ Đổi mới cũng đã được mô tả, phân tích kỹ lưỡng. Nhà nghiên cứu đã đi sâu vào các vấn đề mấu chốt của tiểu thuyết: nguồn gốc và sự hình thành của tiểu thuyết, điển hình hóa trong tiểu thuyết hiện đại, vấn đề đặc trưng thẩm mỹ của thể loại, vấn đề truyền thống và cách tân, lao động của người viết tiểu thuyết… Một số yếu tố nghệ thuật của tiểu thuyết như nhân vật, kết cấu, cốt truyện, giọng điệu cũng được đề cập và khảo sát khá thấu đáo. Sự bao quát một khối lượng tài liệu đông đảo, cả tiểu thuyết Việt Nam và thế giới đã tạo nền tảng cho công việc dựng nên một phác đồ tiến trình tiểu thuyết. Đồng thời, một tư duy lý luận chắc chắn, có sự tiếp thu rộng rãi lý luận và kinh nghiệm tiểu thuyết thế giới- cả phương đông và phương tây- đã giúp công trình đạt đến một tầm nhìn tổng quan về thể loại và có được những trang viết sinh động về một thể loại luôn vận động mạnh mẽ cùng cuộc sống, một thể loại mà văn học Việt Nam hiện đại đang khao khát chiếm lĩnh những đỉnh cao. Cái nhìn loại hình giúp ông khu biệt các trào lưu khuynh hướng để nhận dạng nó, phương pháp tổng hợp giúp ông, trong những biểu hiện muôn vẻ của đời sống thể loại, nhận ra những đặc điểm mang tính hệ thống và cái nhìn phân tích sắc sảo giúp ông đi sâu phân tích lý giải các yếu tố của tiểu thuyết. Vào những năm 70, khi mà tài liệu nước ngoài còn là một thứ của hiếm và khá xa lạ, ấy là còn chưa kể đến một thái độ ngờ vực hoặc kính nhi viễn chi, thì những trang viết về những cuộc tranh luận quanh tiểu thuyết cùng với sự tiếp thu những quan điểm mới, trong đó có những quan điểm của Bakhtin về sự uyển chuyển mềm dẻo của bản chất thể loại, ngôn ngữ đa thanh và song thanh của tiểu thuyết đã tạo nên những sắc thái mới mẻ cho việc nghiên cứu tiểu thuyết  giai đoạn này.
 
Dù sau này, với thời gian, lý luận và nghiên cứu tiểu thuyết đã đi rất xa và có thể nói, đã mở ra nhiều khung trời mới thì công trình Tiểu thuyết Việt Nam hiện đại vẫn có một ý nghĩa không nhỏ: nó từng là và vẫn còn là công cụ cần thiết cho những ai muốn đi sâu tìm hiểu thể loại này. Các quan điểm lý thuyết của nó soi rọi nhiều vấn đề của thực tiễn sáng tác và cho đến nay, công trình mang tính khai phá này vẫn giữ được những giá trị đáng kể bởi tính chuyên sâu và những khảo chứng nghiêm túc về tiểu thuyết.
 
Say mê đột phá vào những vấn đề mới, những hiện tượng văn học quan trọng và đặt nó vào một cái nhìn khoa học, hệ thống, mang tính chuyên sâu là một điểm mạnh trong tư duy nghiên cứu của Phan Cự Đệ. Bên cạnh hai đề tài nghiên cứu lớn mà kết quả là hai cuốn sách trên, Phan Cự Đệ còn có những chuyên luận mang tính tổng kết, có ý nghĩa cả về bề rộng và chiều sâu. Các trào lưu và khuynh hướng văn học thế kỷ XX là một công trình như thế. Văn học Việt Nam trong thế kỷ qua được soi rọi, phân định và trình bày từ góc độ các khuynh hướng trào lưu với các phần Quá trình hình thành và phát triển của nền văn học Việt Nam hiện đại, Trào lưu văn học lãng mạn chủ nghĩa, Trào lưu văn học hiện thực phê phán thời kỳ 1930-1945, Trào lưu văn học hiện thực xã hội chủ nghĩa, Các khuynh hướng văn học khác. Không đi theo cách hiển thị lịch sử văn học thông qua cách trình bày tuyến tính và lối miêu thuật tiến trình và sự kiện quen thuộc, cách tiếp cận này của Phan Cự Đệ giúp hình dung quá trình văn học một cách khác, cho thấy kết quả của cả quá trình phân hóa và hợp lưu trong văn học sử, những mối tương tác văn học với chính trị- xã hội và văn hóa, đặc điểm tư duy nghệ thuật của từng khuynh hướng qua các chặng đường, mối liên quan giữa những sáng tạo nội sinh và ảnh hưởng giao lưu với văn học thế giới… Bên cạnh các trào lưu khuynh hướng lãng mạn, hiện thực, hiện thực xã hội chủ nghĩa từng được nhiều nhà nghiên cứu quan tâm và được Phan Cự Đệ đặt trong một tương quan hệ thống trong công trình này, thì phần Các khuynh hướng văn học khác có thể được xem như đóng góp riêng khá rõ của tác giả: những hiện tượng văn học độc đáo, phần nào cách biệt với dòng chảy chung được đào sâu trong chính bản thân nó, đồng thời được soi chiếu trong mối tương quan với nhiều trào lưu văn học hiện đại thế giới. Đó là các vấn đề chủ nghĩa tượng trưng trong Thơ mới lãng mạn 1932-1975, chủ nghĩa siêu thực đậm nét trong thơ Hàn Mặc Tử, chủ nghĩa hiện sinh và tiểu thuyết phi lý lan tràn rộng rãi trong văn chương các đô thị miền Nam trước 1975…
 
Cách triển khai các “luận đề” trong nghiên cứu văn học của Phan Cự Đệ phản ánh sự theo đuổi sâu sắc của ông đối với các vấn đề quan trọng của lịch sử văn học, phản ánh tính hệ thống trong sự nghiệp nghiên cứu của ông khiến cho các công trình luôn có được sự liên kết, tầm vóc và độ sâu khoa học cần thiết. Bên cạnh Tiểu thuyết Việt Nam hiện đại mang tầm khái quát, nhà nghiên cứu tiếp tục có cái nhìn bổ sung ở các cấp độ khác. Ông khảo sâu vào các phân nhánh, các thể tài của tiểu thuyết để có chuyên khảo Tiểu thuyết Việt Nam thế kỷ XX nhìn từ góc độ thể loại, trong đó sức tập trung của mỗi chương sách có thể khiến nó trở thành những chuyên luận nhỏ: Phân loại tiểu thuyết, Tiểu thuyết luận đề, Tiểu thuyết lịch sử, Tiểu thuyết sử thi, Tiểu thuyết phiêu lưu và Tiểu thuyết tâm lý. Đồng thời, đời sống tiểu thuyết được tiếp tục đào sâu và bổ sung ở cấp độ nghiên cứu tác giả và tác phẩm. Những nhà văn và tác phẩm tiêu biểu nhất của họ đều được đặt trong tầm quan sát của nhà nghiên cứu để ông có thể viết cuốn Nhà văn Việt Nam giới thiệu và đánh giá về Ngô Tất Tố, Nguyễn Công Hoan, Tô Hoài, Bùi Hiển, Nguyễn Đình Thi, Nguyễn Khải, Vũ Trọng Phụng, Nam Cao, Nguyễn Huy Tưởng… cùng với các bài phê bình Vùng trời của Hữu Mai, Mẫn và tôi của Phan Tứ, Hòn đất của Anh Đức…
 
Cũng trong xu hướng tiếp tục mở rộng diện để có thể khái quát và tổng kết, đồng thời tiếp tục đào sâu hơn từng yếu tố trong tổng thể, vấn đề Văn học lãng mạn cũng là một đề tài ông theo đuổi lâu dài và liên tục bổ sung thêm những nghiên cứu mới. Bên cạnh Phong trào Thơ mới 1932-1945 viết từ rất sớm, ông tiếp tục có Văn xuôi lãng mạn 1932-1945 như một sự đăng đối và bổ sung cần thiết để có được cái nhìn toàn cảnh về cả trào lưu đặt dưới một tiêu đề chung: Văn học lãng mạn Việt Nam 1932-1945. Phần này lại tiếp tục được khơi gợi sâu hơn, sinh động hơn thông qua một loạt bài phê bình về tác phẩm lãng mạn, cả văn xuôi và thơ: Tiêu sơn tráng sĩ, Đoạn tuyệt, Lạnh lùng, Trống mái, Đẹp, Chữ người tử tù, Tiếng địch sông Ô… Điều đáng chú ý là hình như vấn đề thơ và đời Hàn Mặc Tử đã được nhà nghiên cứu dành một sự quan tâm đặc biệt, có lẽ bởi tính hấp dẫn và cả tính “thách thức” của vấn đề. Một lần nữa nhà nghiên cứu trở lại với những khía cạnh mà ông đã từng nêu và cố gắng lý giải trong Thơ mới lãng mạn, nhưng với một chiều rộng và chiều sâu mới để khẳng định Hàn Mặc Tử sống mãi với thời gian, và “sống mãi” theo cách riêng của nhà thơ tài năng và bất hạnh, vì xem ra Hàn Mặc Tử sẽ luôn còn là Những vấn đề đang tranh luận như tên một đề mục lớn trong bài khảo cứu công phu này.
 
Là một nhà nghiên cứu và giảng dạy, ngòi bút Phan Cự Đệ không chỉ thu lại trong những đề tài chuyên sâu. Có một cây bút phê bình Phan Cự Đệ bám khá sát dòng chảy của đời sống văn học, tỉnh thức cùng những vấn đề thời sự của văn học hiện đại và đương đại. Phần Phê bình và tiểu luận khá phong phú cho thấy tính cập nhật của cây bút phê bình này - đó là những bài tiểu luận như Mấy vấn đề lý luận của nền văn xuôi cách mạng ba mươi năm qua (1945-1975), Những bước tổng hợp mới của nền văn học hiện thực xã hội chủ nghĩa, Đổi mới tư duy trong công tác lý luận phê bình văn học, Thi pháp truyện ngắn hiện đại…, các bài phê bình Nhật ký trong tù, Từ ấy, Miền Tây, Vỡ bờ, Mảnh trăng cuối rừng, Rừng U Minh, Tiếng hát con tàu, Các vị La hán chùa Tây phương… Hoạt động phê bình của Phan Cự Đệ trong khoảng hơn mười năm qua thưa vắng hơn nhưng vẫn có thể nhận thấy rằng ông vẫn bám sát đời sống văn học theo cách của ông: nhiều tác phẩm của văn học đổi mới không được nhìn một cách riêng rẽ đã được quan sát và nhận định trong bối cảnh tổng thể của văn học hoặc thể loại tiểu thuyết sau 1975: Nỗi buồn chiến tranh, Thời xa vắng, Hồ Quý Ly, Phiên chợ Giát, Ăn mày dĩ vãng, Sông Côn mùa lũ
 
Văn phê bình của Phan Cự Đệ có cốt cách riêng. Không mang dáng vẻ những bài giới thiệu hoặc “đọc sách”, các bài phê bình tác giả tác phẩm của ông thường được viết kỹ lưỡng, có ý tưởng khoa học và có chiều sâu. Văn phê bình Phan Cự Đệ ít truyền đến những rung cảm riêng ông  mà chủ yếu là những nhận thức, đánh giá trên cả phương diện xã hội và mỹ học.
 
Nói đến sự nghiệp nghiên cứu văn học của Phan Cự Đệ, không thể không nói đến hoạt động giao lưu văn hóa quốc tế của ông trong gần hai chục năm qua với tư cách người sáng lập và điều hành Trung tâm văn hóa quốc tế. Phần Giao lưu văn học, văn hóa Việt Nam và quốc tế với hàng chục bài viết mở thêm một cánh cửa rộng rãi nhìn ra và hội nhập cùng thế giới. Đó là những bài viết về Hội thảo khoa học Việt Nam trên đất Mỹ, Hội thảo quốc tế về văn học Việt Nam ở Côpenhaghen, về mối quan hệ hợp tác giữa văn học Bắc Âu và văn học Việt Nam, Triển vọng hợp tác văn hóa Nga- Việt… Văn học so sánh có thể tìm thấy những kiến giải thú vị trong Cuộc gặp gỡ sử thi trong trường kỳ lịch sử Ấn Độ và Việt Nam, và những người quan tâm đến văn học Thụy Điển, Hà Lan, Rumani… có thể tìm thấy không ít hứng thú qua những bài viết về các nhà văn, các tác phẩm nổi tiếng và cả những tác phẩm gây tranh luận trong nền văn học nhiều nước. Không chỉ là những bài giới thiệu đơn giản, một lần nữa người đọc lại có thể nhận ra tầm kiến văn rộng rãi và tiếng nói chắc chắn, có chủ kiến của một nhà nghiên cứu Việt Nam góp vào việc tìm hiểu văn hóa các dân tộc bầu bạn, khi mà các nền văn hóa thế giới đang ngày càng xích lại gần nhau trong một tinh thần nhân văn tích cực và tiến bộ.
 
Quá trình năm mươi năm cầm bút của Phan Cự Đệ là một quá trình bồi bổ những nhận thức mới, bổ sung những phương pháp mới để những công trình của ông ngày càng giàu hàm lượng khoa học. Người đọc quan tâm đến những công trình của ông có thể nhận thấy những phát triển, đổi mới và sự phong phú đằm chắc trong các quan điểm của ông. Sự tiếp cận chân lý trong khoa học luôn là một quá trình phấn đấu gian nan và chính ông cũng nhận ra điều đó để có những điều chỉnh hợp lý. Trong bài mở đầu Tuyển tập có tên Nhìn lại một chặng đường, ông viết như một tâm sự, một cách nhìn lại mình: “Những tác phẩm viết trong thời kỳ chiến tranh không tránh khỏi những hạn chế về mặt tư liệu, đánh giá các hiện tượng văn học… Bạn đọc sẽ dễ dàng nhận thấy trong những tác phẩm tái bản một thái độ khoáng đạt, rộng rãi hơn trong cách đánh giá, trong phương pháp luận nghiên cứu, một tư liệu tham khảo phong phú hơn, không chỉ có những tác phẩm của các nhà phê bình macxít Liên Xô mà còn có cả các công trình xuất bản ở các nước phương Tây”. Có thể coi đây là những tổng kết ngắn gọn của một đời viết luôn cố gắng hướng đến sự hoàn thiện trong việc giải quyết những vấn đề khoa học mà mình theo đuổi và Bộ Tuyển tập ra mắt lần này cũng thể hiện khá rõ quá trình ấy.
 
Có thể thấy ngay từ đầu sự nghiệp nghiên cứu và phê bình văn học, Phan Cự Đệ là người kiên trì vận dụng phương pháp luận mácxít một cách triệt để, đồng thời cũng chú ý vận dụng những phương pháp khác, chẳng hạn những công trình của Bakhtin đã là sự hỗ trợ rất quý cho ông viết một số chương trong cuốn Tiểu thuyết Việt Nam hiện đại hoặc lý luận của chủ nghĩa tượng trưng siêu thực và cả phân tâm học đã giúp ông thâm nhập sâu hơn và có lý hơn vào thế giới thơ đầy bí ẩn và kinh dị Hàn Mặc Tử… Gắn bó rất sớm với một phương pháp, đồng thời ngày càng có ý thức tiếp nhận rộng rãi các quan niệm và phương pháp khác phù hợp với việc giải quyết và soi sáng các hiện tượng văn học - đó là một đặc điểm và cũng là sự thể hiện những bước phát triển trong nhận thức lý luận của nhà nghiên cứu Phan Cự Đệ để sau một chặng đường năm mươi năm, ông có thể nói điều đó như một thu hoạch của bản thân, sự khẳng định dứt khoát một kinh nghiệm. Ông viết: “Cho đến hôm nay, chúng tôi vẫn kiên trì phương pháp luận macxít trong nghiên cứu và phê bình văn học, đồng thời tiếp thu tinh hoa của những phương pháp và phương pháp luận khác trong thời kỳ hiện đại”. Sự vận dụng tổng hợp nhiều phương pháp một cách có ý thức ngày càng rõ nơi ông và bên cạnh những hiệu quả đạt được trong việc lý giải nhiều hiện tượng văn học, dường như cũng làm nhẹ nhàng hơn giọng văn lý luận phê bình Phan Cự Đệ: tính phân cực, phân tuyến, tranh biện trong văn ông giảm dần để những ý tưởng khoa học của ông cởi mở và mềm mại trong  trình bày và đối thoại, trong sự hòa đồng với nhiều quan điểm nghiên cứu khác trên đường tìm hiểu và khám phá những giá trị văn chương quá khứ và hiện tại, dân tộc và nhân loại.
 
Nếu có thể nói về  phong cách lý luận phê bình Phan Cự Đệ, người ta có thể nghĩ đến một phong cách “hàn lâm”, thứ phong cách đòi hỏi một tầm kiến thức rộng rãi, luôn chú ý đến tính vấn đề và phương thức tiếp cận chiều sâu, dựa trên một căn cứ triết học và mỹ học vững vàng. Chính những điều này làm nên giá trị nhiều bài viết, công trình của Phan Cự Đệ. Không phải không có những nhận định, đánh giá của ông với thời gian được tiếp tục bổ sung thêm rất nhiều, hoặc những nhận định có thể khơi gợi tranh luận hoặc phản bác - một điều tự nhiên và cũng là đáng quý trong nghiên cứu, nhưng người ta vẫn luôn nhận ra sự công phu và nghiêm túc trong những gì ông viết, những đóng góp không nhỏ của ông trên nhiều vấn đề lý luận và lịch sử văn học bởi đó là một phần của tư tưởng ông, tâm huyết ông. Bộ Tuyển tập giàu giá trị khoa học này chính là sự kết tinh như thế của tư tưởng và tâm huyết của nhà nghiên cứu Phan Cự Đệ./.
 
Share this article :
 
Support : Creating Website | phuctriethoc | NGUYỄN VĂN PHÚC
Copyright © 2013. NGUYỄN VĂN PHÚC - All Rights Reserved
By Creating Website Published by KINH TẾ HỌC
Proudly powered by NGUYỄN VĂN PHÚC
NGUYỄN VĂN PHÚC : Website | Liên hệ | phuctriethoc@gmail.com
Proudly powered by Triết học kinh tế
Copyright © 2013. NGUYỄN VĂN PHÚC - All Rights Reserved