Krishnamurti tâm thức vô sư
Võ Công Liêm
Tâm thức vô sư không đơn thuần như ta định nghĩa; đó là thuật ngữ nhà Phật nói lên cái tâm như vô lượng,vi diệu pháp,không chấp trược,vô ngại để đạt tới chân Không.
Jiddu Krishnamurti* nhận ra được cái tâm thức thoát ly tri kiến giữa trí tuệ và tâm thức,một trí tuệ Bát Nhã và một tâm tĩnh lặng để chống lại mọi ngụy trá giữa cuộc đời này mà con người là nạn nhân của sự hủy diệt cũng nhờ vào đó mà phát hiện ra được một tình yêu chân chính,một sự khai ngộ vượt thoát với thực tại trong mọi hoàn cảnh.Những kinh nghiệm và tu tập của Krishnamurti là tương ứng kinh nghiệm toàn mãn mà con người có thể đạt được.
Trên đường thuyết giảng của Krishnamurti là thiết lập một hệ thống tư tưởng quay quanh trong một tiêu đề”vạn vật đều vô thường” cho nên cần có một tinh thần vô sư giữa con người với vũ trụ trong trạng thái an nhiên tự tại của thiền định(meditation).Krishnamurti nói: “…thiền định là một trong những nghệ thuật cao qúi nhất của cuộc sống”.
Bản thân của Krishnamurti là truyền đạt tâm thức vô sư giữa người với người và mọi thay đổi của xã hội,chỉ có thể xẩy ra khi có sự chuyển hóa ý thức.Chân lý sâu sắc của ông là không dựa vào bất cứ tôn giáo,triết lý hay một tông phái nào mà trong đó có tính chất hình thức. Ông xây dựng lý thuyết trên căn bản của vạn vật đồng nhất đều nằm trong “cõi không” đó là chân lý mà Krishnamurti truyền giảng cho nhân loại. Ông phủ nhận mọi giáo điều,tôn vinh hay nhận một tước vị nào cho cá nhân ông và cũng không bao giờ dựa trên một quyền lực nào để hình thành một triết lý siêu việt như thế! Cái nhất tâm của ông là đưa thính chúng đến gần với tình yêu,một tình yêu vô biên,vị tha để cảm thông giữa người với người. Điều quan trọng trong những lần thuyết giảng, ông hướng tới một minh triết trong đời sống và nhìn nhận sự thật của cuộc sống đó là sống thực với chính mình kể cả hai bề mặt ngoại vi và nội tại.Hai mảng nầy đã tạo nên sự đối kháng bởi vì không một học thuyết hay một hệ thống nào dẫn đến chân lý tuyệt đối…
Krishnamurti đã phân tích tâm thức nầy giữa ý thức và tiềm thức,trong và ngoài của con người vì mỗi khi mình cảm nhận được mọi hoạt động thì đó là hữu thức còn tiềm thức là một cái gì sâu lắng trong tâm hồn mà không bắt nắm được thì đó là vô thức mà chỉ gây nên bởi trực giác của ý thức mà thôi.Do đó tâm thức vô sư của Krishnamurti là một tổng hợp giữa trí tuệ,cảm giác và hành động. Để tránh mọi đau khổ,phiền não con người cần phải vượt qua những siêu lý,siêu nhiên trong đời sống thường ngày,phải thừa nhận một điều là vạn-vật-vô-thường,tạm bợ,có không,khôngcó,bởi vạn vật không có tự tính vì tự tính được định nghĩa như là “sự có” làm ra cho một vật nào đó;chính tự nó,và cũng chẳng giải thích được thế nào là đau khổ,thất vọng mà chúng sinh phải gánh chịu liên tục hằng ngày.
Krishnamurti xuất thân từ Ấn độ,tất phải ảnh hưởng đôi phần những giáo phái và đa diện màu sắc tôn giáo của xứ ấy; ông phủ nhận mọi giáo điều của tín ngưỡng mà chỉ qui về với nguyên thủy như cái ngã-siêu-nghiệm mà tôn giáo đối với ông như cái ngã-kinh-nghiệm được dựng nên.
Triết lý của Krishnamurti không chấp nhận sự khác biệt giữa bản chất và hiện tượng vì hai đối tượng nầy chính là một,vô hình chung nó trở thành thuyết nhị nguyên ngược lại tự nó đồng nhất là một; nghĩa là không có cái nầy mà cũng không có cái kia. Ông nhấn mạnh nhiều lần mỗi khi thuyết giảng là mang lại cho thính chúng cái tâm vô lượng chúng sinh một tâm thức về Thiền định như là chuỗi hiện tượng vượt thoát ra khỏi con người để làm sao con người đạt đến chân tâm.Triệt tiêu bản ngã tự tại để đi tới chứng ngộ của trí tuệ(prajna) như giáo lý nhà Phật. Ông xoáy quanh về vấn đề thiền định để đưa con người đến toàn thiện toàn mỹ và làm quen với chính mình,tìm hiểu được cái ngã và tìm thấy ta là ai và cái gì cấu thành cái Tôi(le moi)khi vượt thoát ra khỏi mọi chiều kích,hình tướng đó là mức độ kinh nghiệm trực tiếp mà không qua một sự nẩy nở nào mà ngoại giới đứng ra làm trung gian. Đó là ngoại vi giữa đối tượng quan sát và đối tượng được quan sát.Hai đối tượng nêu trên nằm trong trục:hiện tại,qúa khứ và vị lai.Vậy để được giải thoát mọi đau khổ,phiền não,cô độc…chúng ta có thể tìm thấy chân lý rõ ràng chỉ khi tâm hồn trầm lắng để nhận thức và chỉ có thiền định mới có khả năng sáng suốt soi rọi cái tâm thức vô sư ấy.Mục đích của thiền định là giải thoát mọi ưu tư,trút bỏ mọi gánh nặng thì lúc đó mới thực sự yên tĩnh.Thiền định theo quan niệm của Krishnamurti là không phải sự tập trung mà cần đến một tâm thức hoàn toàn thức tỉnh và cũng không phải sự kềm nén suy nghĩ vì bị kềm nén sẽ sinh ra xung đột với tâm linh.Chính sự thấu hiểu đó là kết cấu bởi tâm niệm, ấy là thiền định.Nó còn có tính chất ý thức trí tuệ đại giác và cảm xúc từ hai trạng thái đó thì tĩnh lặng sẽ xuất hiện.Khi đó tâm hồn hoàn toàn tự do và thiền định thoát ra khỏi mọi vọng niệm khác(meditation is the ending of thought).
Thiền theo ý nghĩa của Krishnamurti vẫn được coi là một thứ nghệ thuật vĩ đại mà chính mình không học hỏi từ bất cứ của ai;nó tự có. Đó chính là cái tuyệt hảo của thiền(meditation is one of the greatest arts in life;perhaps,the greatest,and one cannot possibly learn it from anybody.That is the beauty of it..)
Jiddu cho rằng thiền được thực hiện trong mọi hoàn cảnh dưới mọi hình thức chứ không nhất thiết cố hữu;thì lúc đó tình yêu thực sự bộc phát và mất đi tánh-tự-tại của cái ”tôi”.Tâm hồn tĩnh lặng khi thấu triệt được sự vận động của chính nó dưới dạng thức của tri giác và cảm giác.
Trong hơn bốn thập niên đi rao giảng chủ thuyết đại giác khắp thế giới.Krishnamurti chỉ nêu lên một chân lý tối thượng về tánh không giữa sự sống và chết,chỉ có một nguyên lý duy nhất là Không;bởi không còn gì ngoài chữ Vô,vô khứ vô lai,vô có nghĩa là không sinh khởi bất cứ điều gì.Chỉ còn lại sự im lặng tuyệt đối của tánh không và ý thức là nơi mà mọi suy nghĩ được vận hành,cảm nhận…và hoạt động hằng ngày đều thuộc về hữu thức.
Sự khai mở nầy hiện diện bên trong đồng thời được giả định bởi mọi hình tướng cụ thể. Ông cho rằng khi tâm thức ở vào trạng thái có thể nhận biết được sự khai mở của hiện thể,mọi hành động sẽ phù hợp với sự khai mở vì thực thể được lưu tâm đến.Krishnamurti xóa bỏ mọi vọng niệm,mọi học thuyết,tất cả đi vào cõi không;chỉ còn lại cái tâm là chính,tâm nằm trong niềm tĩnh lặng và nhờ đó nhận thức được lẽ sống đó là kinh nghiệm mang đến cảm thức về sự độc lập,tự do ,về con đường sinh tử giải thoát toàn bộ chức năng của tâm thức vô sư. Bởi kinh nghiệm đó là phó sản của qúa trình buông xả.Từ đó quán xuyến được trạng thái vô úy không còn sợ hãi nào cả.Chính nhờ vào sự vô úy mà ta có thể bao dung rộng lượng và thừa hưởng được bầu không khí của yêu thương vô-lượng-chúng-sinh,không xung đột giữa cái nầy với cái kia.Trạng thái nầy Krishnamurti cho đó là một sự tự do vô biên.Mà đây là một kinh nghiệm phóng vượt,phóng vượt ở đây không có nghĩa vượt qua thế giới hiện tại đến một thế giới xa xăm nào khác mà có thể nói như ta vừa” ở đây”nhưng ta đã “ở cõi kia” rồi.
Năm 34 tuổi Krishnamurti chối bỏ mọi tôn vinh,từ chối mọi vọng niệm bởi ông cho rằng tất cả mọi chân lý đều đi tới hư vô. Ông khước từ mọi qui luật cố hữu,không đệ tử,không cư trú mà chỉ mang một tâm hồn tĩnh lặng và trực diện với thực tại. Ông cho rằng con người sở dĩ đau khổ,phiền não đó là dục vọng không ngừng xẩy ra giữa chúng ta; để thoát khỏi tình huống đó điều còn lại là giữ được cái tâm tĩnh tức gạt bỏ mọi vọng niệm,vì sự tĩnh lặng ở đây không phải là sản phẩm của tâm hồn im lặng,không phải là sản phẩm của tế bào não,khi đó các tế bào não tạo ra sự im lặng và sự im lặng đó không phải là sự tĩnh lặng thực sự.
Trong suốt cuộc hành trình thuyết giảng,Krishnamurti đã nhiều lần từ chối chức phẩm đạo sư vì ông cho rằng bậc đạo sư có thể qua nhiều lãnh vực ngoại tại hay nội tại.Chúng ta có thể thấy đạo sư hiện ra dưới mọi hình thức khác nhau.Nếu quan niệm đạo sư một cách rộng rãi như thế ta mới biết rằng bao giờ cũng có một người nào đó chỉ lối đưa đường hoặc thách thức tâm thức ta.Và đó chính là tâm thức vô sư mà Jiddu Krishnamurti nhận ra được trong ý thức siêu việt của nó.Thì lúc đó sự phân biệt giữa người và người không còn nữa, đồng thời cảm thức về một sức mạnh vô biên.Người Ấn độ nói “cái biết” và “cái được biết” vốn như nằm trong cùng một bình diện,cả hai cùng một tiến trình mà qua đó sự phân cách sơ thủy giữa bản ngã siêu nghiệm và bản ngã thường nghiệm…
Từ đó biến Krishnamurti trở thành khách thể của đối tượng thính chúng và qui vào cái gọi là hiện tượng Krishnamurti thời bấy giờ.Bởi vì lý thuyết về tri thức của ông đã đưa chúng ta tới với hiện hữu và biến thành tâm thức vô sư giữa chủ thể và tha thể.Tâm thức đó là một trạng thái hiện hữu,trực tiếp hướng đến một đối tượng ước vọng mà Krishnamurti luôn luôn mong cầu trong dạng thức tĩnh lặng của việc thiền định.
Tóm lại quan niệm triết lý tư tưởng của Krishnamurti là nói lên lẽ vô thường,một tâm hồn thanh tịnh vị tha và nhân ái trong qui trình vượt thoát khỏi mọi ràng buộc, đau khổ và phiền não , thoát ra khỏi những định kiến cố hữu mà xưa nay nằm trong cõi vô minh. Ông cho rằng: nếu thế giới nầy vỡ vụn thì mối quan hệ của chúng ta với thế giới cũng vỡ vụn.Nhưng nếu chúng ta hành động trọn vẹn và hoàn hảo thì mối quan hệ giữa ta với thế giới trở nên thế giới đại đồng của nhân loại.
Krishnamurti đánh giá những bài thuyết giảng của ông đưa thế giới loài người nhận thức được ý niệm VÔ tức cõi không trong một tâm thức tĩnh lặng của thiền định thì mới mong giải thoát được những gánh nặng khổ đau sinh tử dù trong hoàn cảnh nào của mọi lứa tuổi.Từ việc thay đổi bản thân, người ta cũng có thể thay đổi được cuộc đời và vượt qua mọi quẩn bách của hiện tại,qúa khứ, và vị lai để có một tâm thức vô sư đồng thời chứng nhân cho cuộc đời này có được một hạnh phúc vĩnh cửu; đó là đấng thượng đế hằng sống ./.
(trungthu mười khôngchín)
*Jiddu Krishnamurti (1895-1986)sanh và chết tại Ấn độ. Để lại 60 bộ sách về đạo làm người.
Sách tham khảo: “on living and dying” của J. Krishnamurti