Home » » Đọc hồi ký Nguyễn Cao Kỳ: Một cuộc đời với những "đường bay"

Đọc hồi ký Nguyễn Cao Kỳ: Một cuộc đời với những "đường bay"

Written By kinhtehoc on Thứ Hai, 31 tháng 10, 2011 | 02:47

Đọc hồi ký Nguyễn Cao Kỳ: Một cuộc đời với những "đường bay"
Ông Nguyễn Cao Kỳ vừa qua đời ở tuổi 81 tại Malaysia. Ông là tác giả hồi ký: “Chúng ta đã thua trận ở Việt Nam như thế nào?” viết ở nước ngoài, trong đó cho thấy sự gắn bó của ông với bầu trời và những chiếc máy bay...
Năm 23 tuổi (1953), Nguyễn Cao Kỳ sang Algeria học lái máy bay và đam mê bầu trời từ đó: "Cứ mỗi một ngày trôi qua là tôi càng thấy yêu mến không gian hơn, chúng tôi đều trẻ tuổi...". Khi ngồi lên những chiếc BC3 cũ kỹ thì các phi công của thập niên 1950 phải gần như hoàn toàn tự xoay xở lấy, trong rất nhiều tình huống đã phải hồi hộp, toát mồ hôi, vì họ chưa được hỗ trợ của các bộ phận dưới đất như sau này, ông kể: "Thường thì tôi không có phương tiện trợ lực điều hành, không có thiết bị tự động giúp đỡ, mà phải bay theo quyết đoán của mình, giữa biết bao nguy hiểm và mối nguy hiểm càng tăng khi gặp các trận bão tố hoặc cuồng phong miền nhiệt đới. Những lúc ấy, chúng tôi khó mà biết được ngay một cách chính xác vị trí của sân bay gần nhất để hạ cánh. Thời đó rất ít khi chúng tôi được những người ngồi ở đài kiểm soát dưới mặt đất cho biết phải bay theo đường nào, hoặc với cao độ, hay tốc độ là bao nhiêu".
 
Ông Nguyễn Cao Kỳ - Ảnh: Diệp Đức Minh
Năm ông 30 tuổi, vừa hạ cánh xuống căn cứ không quân ở Sài Gòn sau một chuyến bay đêm, ông gặp một người lạ mặt đang chờ ông: "Tôi còn nhớ lúc mới gặp tôi nghĩ rằng ông ta trông giống như một sinh viên hiền lành thứ thiệt, song  ý nghĩ đó nhanh chóng chấm dứt khi tôi phát hiện cặp mắt ở đằng sau đôi kính kia không lúc nào đứng yên, mà luôn luôn liếc qua liếc lại để quan sát mọi cử chỉ và mọi người chung quanh. Ông ta tự giới thiệu một cái tên chẳng có nghĩa gì với tôi cả: William E.Colby". Người đó, Colby, chính là Cục trưởng Cục Tình báo CIA Mỹ. Cuộc gặp gỡ lúc ông 30 tuổi ấy khiến sau này "đã có nhiều tờ báo Mỹ tố cáo rằng tôi đã làm việc cho CIA. Nhưng tôi không khi nào làm việc cho CIA cả". Colby có vẻ không tin tưởng lắm vào khả năng của phi công Sài Gòn nên Nguyễn Cao Kỳ đã biểu diễn một kiểu bay mạo hiểm trong chuyến chở Colby ra Đà Nẵng và nói trước khi bay: "Này ông Colby, tôi sẽ biểu diễn cho ông thấy chúng tôi bay thấp điêu luyện đến mức nào". Và ông đã lái máy bay vượt ra biển với cao độ số 0 - "Mười phút sau, tôi nhìn lại Colby và các bạn của ông ở phía sau, thì thấy mặt của Colby đã trở thành gần như màu vàng lúc máy bay của tôi là là cách ngọn sóng chỉ có 5 bộ. Mãi khi đáp xuống Đà Nẵng, ông ta mới nở một nụ cười e thẹn. Thế rồi khi rời máy bay, mặt ông ta trở nên hơi hồng hơn và quay lại phía tôi, nói: "Kỳ à, lần tới mà ông cho chúng tôi bay khá sát mặt nước như thế thì nên cho chúng tôi biết trước để mang cần câu cá theo nhé".
Những trích dẫn này dựa vào bản dịch cuốn hồi ký Chúng ta đã thua trận ở Việt Nam như thế nào chưa xuất bản trong nước và là tài liệu tham khảo của Thông tấn xã Việt Nam. Trong đó có đoạn viết về việc ông "tặng" Nguyễn Chánh Thi một... chiếc máy bay! Nguyên vào tháng 11.1960, đại tá Nguyễn Chánh Thi dẫn 3 tiểu đoàn nhảy dù chiếm các vị trí then chốt ở Sài Gòn và tấn công dinh Độc Lập nhằm lật đổ chế độ Ngô Đình Diệm nhưng thất bại, phải chạy vào Tân Sơn Nhất: "Điều đầu tiên tôi được biết về chuyện đó là khi Thi và những người bạn cùng mưu sự với ông la lối om sòm chạy về căn cứ không quân, trên thực tế đã nằm trong tay họ. Thi có vẻ sợ hãi và nói: "Kỳ! Chúng tôi đã thất bại! Chúng tôi phải thoát khỏi nơi đây một cách nhanh chóng bằng không thì Diệm sẽ chém đầu chúng tôi". Ông ta xin một chiếc máy bay để đưa họ đi trốn ở Campuchia. Tôi muốn giúp đỡ họ. Lúc nào nhảy dù và không quân cũng rất thân thiết với nhau vì tính chất của công việc làm. Thế nhưng tôi không thể nào đích thân lái máy bay chở họ đi vì nếu làm thế, tôi sẽ không bao giờ trở lại Việt Nam được.Thế rồi tôi tìm một lối thoát, tôi cho ông ta... một chiếc DC3! Thế là 15 người trong nhóm âm mưu đảo chính đã lên máy bay thoát đi (đến Campuchia). Dĩ nhiên là tôi không bao giờ lấy lại được chiếc máy bay đó và Diệm đã tỏ ra nghi ngờ". Vì thế, nhiều sĩ quan an ninh quân đội của ông Diệm đã đến chất vấn Nguyễn Cao Kỳ vì sao những người đảo chính hụt đã lấy được máy bay trốn đi. Ông giải trình rằng những người đảo chính đã dùng vũ khí bao vây và kiểm soát căn cứ nên ông hoàn toàn bị động.
Ba năm sau, vào ngày 1.11.1963, khi cuộc đảo chánh Ngô Đình Diệm nổ ra thì Nguyễn Cao Kỳ đã khống chế đại tá tư lệnh không quân thời ấy là Huỳnh Hữu Hiền và ra lệnh cho máy bay cất cánh từ Tân Sơn Nhất quần đảo uy hiếp lực lượng phòng vệ của tổng thống: "Tôi ra lệnh bắn một vài hỏa tiễn xuống thành lớn của bộ binh gần dinh Tổng thống. Sau khi bắn chỉ có hai tên lửa, quân giữ thành của Diệm đầu hàng". Mười ngày sau cuộc đảo chánh, Nguyễn Cao Kỳ lái máy bay đưa tướng Dương Văn Minh đi dự một cuộc lễ ở vùng ngoại ô Sài Gòn, bước xuống máy bay Dương Văn Minh quay lại cười và đột ngột nói: "Kỳ à, tôi đã quyết định bổ nhiệm anh làm tư lệnh không quân". Quyết định thăng cấp ấy đã mở đầu một giai đoạn mới trong đời ông và dẫn đến nhiều thay đổi bất ngờ sau đó, nhưng điều không thay đổi vẫn là sự gắn bó của ông với những đường bay...
Như trên một chuyến bay của hãng hàng không Việt Nam đến Thái Lan năm 1964, ông đã gặp cô chiêu đãi viên xinh đẹp 20 tuổi là Đặng Tuyết Mai và "đã thuyết phục Mai đi dùng cơm với tôi chiều hôm đó, qua sáng hôm sau biết Tuyết Mai sẽ rời Thái Lan sớm trong chuyến bay trở về Việt Nam nên tôi thấy là phải đến chào từ giã nàng". Và họ gặp nhau nhiều lần để rồi không thể rời nhau, làm đám cưới tại nhà hàng Caravelle.
Khi lên làm phó tổng thống, mỗi sáng ông vẫn tự lái một chiếc trực thăng từ nhà riêng của mình ở Tân Sơn Nhất đảo một vòng quanh Sài Gòn rồi đáp xuống bãi cỏ trước dinh Độc Lập... Ngày cuối cùng, vào sáng 29.4.1975, ông cũng tự lái một chiếc máy bay lên thẳng rời khỏi Sài Gòn: "Tôi chỉ kịp nhìn lại căn nhà của mình, nơi đó bao nhiêu điều đã xảy ra và mới sáng hôm qua đây còn vang tiếng cười của các con tôi. Chúng tôi bay trên thành phố Sài Gòn và nhìn xuống thấy nhan nhản những bóng người chạy lăng xăng giữa những ngọn lửa màu cam bốc lên từ các đám cháy nham nhở. Vì chúng tôi bay ra hướng biển nên hình ảnh ấy của Sài Gòn thân yêu trôi qua nhanh chóng…". Đó là hình ảnh của những ngọn khói, tựa như hình ảnh của một chế độ ở phút cuối cùng đang nhòa dần và tan rã dưới đường bay...
Mai Nguyễn
Share this article :
 
Support : Creating Website | phuctriethoc | NGUYỄN VĂN PHÚC
Copyright © 2013. NGUYỄN VĂN PHÚC - All Rights Reserved
By Creating Website Published by KINH TẾ HỌC
Proudly powered by NGUYỄN VĂN PHÚC
NGUYỄN VĂN PHÚC : Website | Liên hệ | phuctriethoc@gmail.com
Proudly powered by Triết học kinh tế
Copyright © 2013. NGUYỄN VĂN PHÚC - All Rights Reserved